“Vòng kim cô” nghiệt ngã của con nợ trong giới buôn tiền

“Vòng kim cô” nghiệt ngã của con nợ trong giới buôn tiền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Thủ tục đơn giản, không bị ràng buộc giới hạn về lượng tiền, con nợ chỉ cần chứng minh mình cần tiền và có khả năng chi trả, ắt sẽ được "viết giấy trao tiền" trong khoảnh khắc. Ít ai biết rằng, việc cầm tiền "nhẹ tựa lông hồng" đó, đã trở thành "vòng kim cô" khủng khiếp trùm lên gia đình con nợ với một ma trận vô cùng rắc rối...

Từ doanh nhân thành... chúa chổm!

Trái ngược với suy đoán của nhiều người về sự sụp đổ của chợ "tín dụng đen" khi hàng loạt vụ vỡ nợ ồ ạt diễn ra trong cả nước, có vụ lên đến hàng trăm tỷ đồng, đẩy nhiều gia đình vào cảnh "nhà không, vườn trống", một vài số phận phải tìm đến cái chết với hy vọng chấm dứt được nợ nần. Thời gian gần đây, khi ngân hàng bắt đầu siết chặt việc cho vay vốn, các đường dây "tín dụng nhân dân" vốn cháy âm ỉ trong thời gian giáp Tết, nay bỗng trỗi dậy đầy sinh khí cho một năm làm ăn được phán là hóa... "rồng" của giới "buôn tiền". Nhưng đây cũng là thời điểm, nhiều con nợ phải ngậm ngùi ra... "đê" mà ở, bởi sự rủi ro đến vô cùng khi đã trót "bén duyên" với "tín dụng đen".

Điển hình cho câu chuyện bỗng một ngày nhận ra mình là "chúa chổm" phải kể đến trường hợp của bà V.T.C (ở Hoàng Mai, Hà Nội). Cách đây một năm, thấy công ty do mình quản lý đang làm ăn phát đạt, bà C. tính mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Đang lúc "bí" vốn, trong khi ngân hàng thì không thể vay được vì tình hình lạm phát, bà C. được người quen giới thiệu đến một "chủ sới" (từ lóng để gọi các chủ nợ - PV) để vay tiền.

Hý hửng tìm đến, ngay lập tức bà C. bị một gáo nước lạnh “hất vào mặt”, khi tiền lãi được "hét" lên đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nghĩ đến việc vay trong khoảng 1 tháng có thể sinh lời gấp nhiều lần hơn thế, bà C. cắn răng chấp nhận vay 800 triệu đồng bằng việc thế chấp sổ đỏ của gia đình mình.

Thế nhưng, việc kinh doanh không "xuôi chèo" như bà C. tính toán. Đã 4 tháng trôi qua mà bà C. vẫn chưa trả được một đồng tiền gốc nào, trong khi vẫn phải quay cuồng trả khoản lãi đã lên đến 480 triệu đồng. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, từ khoản vay ban đầu, sau nửa năm, tổng số nợ bà C. đã tăng gấp đôi.

Không có tiền trả nợ, trong khi chủ nợ liên tục dồn ép, bà C. lại chạy đi vay của người khác với tiền lãi cao hơn để đập vào khoản vay cũ. Sau hơn một năm, bà C. đã là con nợ của gần chục chủ nợ với số tiền xấp xỉ 10 tỷ đồng, đó là chưa kể khoản lãi mà bà đã trả được cũng ngót nghét 9 tỷ đồng. Đáng nói, để có được khoản vay này, bà C. phải mượn cả sổ đỏ những người thân để đem đi thế chấp.

Vay tiền thì đơn giản, nhưng đến hạn không thể hoàn trả, các con nợ sẽ ngấm đòn của chủ nợ với muôn vàn chiêu kế. Thậm chí, khoản nợ bỗng "nhẩy" đột biến với chiêu ép... nợ. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ cái chết thương tâm của ông Đ.M.H (quận Thanh Xuân, Hà Nội), sau khi bị chủ nợ giam hãm trong nhà.

Theo cơ quan điều tra, cuối năm 2010, do cần vốn làm ăn nên ông H. đã vay mượn của Trương Kim Dung và Nhung cùng Ngô Anh Dũng (ở phường Trung Liệt) 460 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Do làm ăn thua lỗ, ông H. không trả đủ tiền lãi nên phải viết giấy vay nợ thành 1,5 tỷ đồng. Tháng 5/2011, nhóm của Nhung đã ép đưa ông H. về giam lỏng tại nhà mình buộc nạn nhân phải nhượng lại căn nhà thuộc sở hữu của gia đình ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc.

Tháng 7/2011, ông H. đã buộc phải sang tên căn nhà này cho Nhung, sau đó cô ta bán được hơn 1,7 tỷ đồng. Số tiền trên, Dũng đã lấy 200 triệu đồng, Nhung lấy 260 triệu đồng cùng tiền lãi. Đến tháng 12/2011, Nhung cùng chồng là Vũ Minh Trí và một số người đã đến nhà ông H., ép đưa về nhà mình và đánh đập, yêu cầu trả tiếp 1,1 tỷ đồng. Tại đây, vợ chồng Nhung nhiều lần đánh ông H. thâm tím mắt và giam lỏng ông trong nhà. Không chịu nổi nhục hình, ông H. đã treo cổ tự tử.

Bất động sản - “Vòng kim cô” nghiệt ngã của con nợ trong giới buôn tiền

Ảnh minh họa

"Một vốn, bốn... cắt cổ"

Không quá khó để được tham gia vào trò "buôn tiền" nặng mùi "xã hội đen", theo những kẻ đã ngấm đòn với tiền, thành phần tham gia trong xã hội này hết sức đa dạng, từ tiểu thương, giáo viên, đến cán bộ công chức, thậm chí có người là cán bộ ngân hàng... Mục đích vay tiền của họ cũng vô cùng đa dạng. Có người cần đáo hạn ngân hàng, trả lãi suất cho nơi vay khác, kinh doanh, hay thậm chí là những cô cậu nam thanh nữ tú đang thiêu thân vào trò: Lô đề, cá độ bóng đá. Với một mức lãi siêu khủng, một chủ sới chỉ cần bỏ ra một tỷ đồng cho vay, bét cũng thu về khoảng 5 - 10 triệu đồng/ngày.

Thử nhập vai một ông chủ doanh nghiệp đang cần vốn làm ăn, vận quần áo đắt tiền, đeo đồ hiệu, tôi mượn gã bạn con "Mẹc" mới cứng cựa lao vào giới "tín dụng đen" đầy bỡ ngỡ. Sau vài "cầu" giới thiệu, tôi cũng được một "chúa chổm" dắt mối đến diện kiến chủ sới có tiếng đất Hà thành, nằm tận bên kia cầu Long Biên.

Sau khi soi từ chân lên cổ tôi, vị này phán: "Mệnh giá luôn trên một tỷ, có hai dạng cho vay với hai mức lãi suất tương đồng, thế chấp tài sản sẽ 6.000 đồng/triệu/ngày, còn thế chấp uy tín thì ắt cao hơn, 8.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày tùy vào mối quan hệ giới thiệu, bảo lãnh". Lấy cớ xin phép về bàn lại với vợ để chọn khoản vay, tôi nhận được cái nhìn đầy khinh khi của gã.

Tiếp tục hành trình, tôi lại được đưa đến một đầu mối khác. Lần này, bà chủ sới có vẻ xởi lởi hơn khi giới thiệu sản phẩm cho vay được ví von đầy chính quy... "vay tín dụng". Theo lời giới thiệu, mức lãi ở đây khá mềm so với thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày (đương nhiên là tùy vào quan hệ - PV), nhưng hình thức cho vay thì lại quá cắt cổ, nếu vay 100 triệu đồng, chủ sới chỉ đưa cho bạn 90 triệu đồng, nhưng trên giấy vẫn ghi đủ 100, đồng thời phải trả trước một tháng tiền lãi.

Thử nhẩm nhanh trong đầu một phép tính đơn giản, nếu cho vay 100 triệu đồng, ngoài việc ăn đứt 10 triệu đồng tiền được gọi là "cắt phế", mỗi tháng, chủ nợ này cũng hưởng "lương" mà con nợ trả khoảng 12 - 15 triệu đồng. Nếu cho vay đến 500 triệu đồng, thì mức thu nhập của vị này cũng ngang ngửa với Tổng giám đốc của một doanh nghiệp lớn đang làm ăn phát đạt!.

Truy cứu trách nhiệm hình sự - không dễ!

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - trưởng Văn phòng Luật hợp danh Thiên Thanh, với các chủ nợ, hoạt động cho vay của họ rất khó có thể làm rõ có mang tính chất "bóc lột" hay không. Vì vậy, cho dù lãi suất cho vay có cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, các chủ nợ này vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 Bộ luật Hình sự.

Còn với con nợ, khi xảy ra tình trạng vỡ nợ thì sao? Trước hết cần phải chứng minh con nợ có hành vi chiếm đoạt tài sản. Biểu hiện của hành vi chiếm đoạt là chủ nợ hoàn toàn mất khả năng thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với số tiền đã đưa cho con nợ. Thay vào đó, ba quyền này đã được trao vào tay con nợ thông qua lỗi cố ý trực tiếp của con nợ.

Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, con nợ đã có hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ nợ. Hành vi lừa dối này xuất hiện ngay từ khi con nợ tiếp cận chủ nợ. Con nợ dùng mọi thủ đoạn như nói dối, cung cấp giấy tờ giả mạo... để đưa ra những thông tin giả. Do bị lừa dối, chủ nợ đã tin tưởng và giao tài sản cho con nợ.

Ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sự lừa dối không tồn tại trong mối quan hệ ban đầu giữa chủ nợ và con nợ. Con nợ và chủ nợ đã thỏa thuận được với nhau về việc xác lập hợp đồng vay tài sản. Sau đó, con nợ mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền vay. Cũng được coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu sau khi xác lập hợp đồng vay, con nợ sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Nhưng theo luật sư Truyền, để chứng minh được những điều này là rất khó. Vì vậy, truy cứu trách nhiệm hình sự chủ nợ lẫn con nợ trong các vụ vay nợ tín dụng đen hẳn là không dễ!.

Vương Trần


Cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Khởi công dự án FDI hơn 35 triệu USD tại KCN Sông Khoai

Thứ 6, 17/05/2024 | 16:17
Đây là dự án sản xuất máy dò góc tuyệt đối cho động cơ ô tô điện của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản triển khai tại KCN Sông Khoai ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Dấu hiệu khởi sắc của thị trường địa ốc và kỳ vọng “hút” dòng vốn FDI

Thứ 6, 17/05/2024 | 15:00
Thị trường bất động sản ghi nhận sự khởi sắc. Đây là động thái lạc quan khiến các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản.

Thách thức bủa vây doanh nghiệp da giày và bài toán nguyên liệu

Thứ 6, 17/05/2024 | 14:38
Doanh nghiệp ngành da giày hiện còn đang phải đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là các thay đổi từ thị trường. Vấn đề thiếu nguyên liệu cũng là bài toán nan giải.

Nguồn cung condotel sụt giảm, thị trường sẽ chậm phục hồi

Thứ 6, 17/05/2024 | 09:31
Phân khúc condotel đang sụt giảm mạnh về nguồn cung và vướng pháp lý. Các chuyên gia nhận định, thị trường này sẽ khó phục hồi nhanh.

Mua dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, “may ít rủi nhiều”

Thứ 5, 16/05/2024 | 18:58
Việc dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, nhưng các chủ đầu tư đã huy động vốn qua hình thức đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu có thể khiến khách hàng gặp rủi ro.
     
Nổi bật trong ngày

Thách thức bủa vây doanh nghiệp da giày và bài toán nguyên liệu

Thứ 6, 17/05/2024 | 14:38
Doanh nghiệp ngành da giày hiện còn đang phải đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là các thay đổi từ thị trường. Vấn đề thiếu nguyên liệu cũng là bài toán nan giải.

Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam

Thứ 6, 17/05/2024 | 06:00
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, đạt 53.404 tấn, tương đương 12,43 triệu USD.

Mua dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, “may ít rủi nhiều”

Thứ 5, 16/05/2024 | 18:58
Việc dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, nhưng các chủ đầu tư đã huy động vốn qua hình thức đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu có thể khiến khách hàng gặp rủi ro.

Siết phân lô, bán nền, “sốt” đất ảo liệu có còn?

Thứ 5, 16/05/2024 | 07:00
Theo chuyên gia, cấm phân lô bán nền ở các đô thị sẽ giúp giảm hiện tượng đầu cơ đất nền, đồng thời tránh được trường hợp đất bỏ hoang.

Việt Nam thúc đẩy sáng tạo số vì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững

Thứ 6, 17/05/2024 | 15:00
Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số và từ công nghệ..