Thăm bản biệt lập giữa đại ngàn

Thăm bản biệt lập giữa đại ngàn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Hàng trăm năm về trước, một nhóm người dân tộc Ve ở Quảng Nam đã ngược dòng sông Bung hùng vĩ, vượt hàng trăm cây số đường rừng tiến sâu vào dãy núi Trường Sơn thành lập thôn bản.

Thôn ấy chính là PêtaPoót, thuộc xã Đắc Ring, (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) ngày nay. Trải qua bao biến cố, người Ve vẫn mãi tồn tại, bám trụ mảnh đất tổ tiên.

Người Ve giữ từng tấc đất, mảnh rừng, và bình yên cho miền biên cương Tổ quốc. Tìm đường vào PêtaPoót, người ta nói còn khó hơn tìm đường lên trời!.

"Tìm đường lên Trời"

Khi biết chúng tôi có ý định vào thăm PêtaPoót, ông chủ tịch xã Đring KrinR Nhéo lắc đầu nguầy nguậy: "Không đi được đâu! Gần 100 cây số mà phải đi bộ mất một nửa, nhiều con dốc, con suối nhiều hiểm nguy lắm! Chỉ những người quen đi đường rừng mới vào được thôi!...”.

Nhưng thấy tôi vẫn quyết tâm nên ông chủ tịch đành gật đầu rồi tìm hộ người dẫn đường. Chàng thanh niên có tên KRin Kéo đi cùng người to như con gấu, đôi chân rắn chắc như hai cột lim, nhìn chúng tôi lắc đầu ái ngại: "Mấy ông mà ngất giữa rừng là tôi không có cách nào đâu đấy"!.

Pháp luật - Thăm bản biệt lập giữa đại ngànMột góc thôn PêtaPoót với những căn nhà lợp bằng ống tre lồ ô

Từ trung tâm xã Đre KRing, muốn vào được PêtaPoót phải vượt qua con sông Quơang (một nhánh của sông Bung). Vào mùa nắng, nước chỉ đến đầu gối, người ta có thể lội bộ qua nhưng đến mùa mưa lũ, dòng nước chảy xiết cuồn cuộn, PêtaPoót bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Mặt trời đã bắt đầu ngả bóng, có nghĩa là hơn nửa ngày cuốc bộ trong rừng, KRin Kéo quay lại nói như động viên: "Cái chân cũng chắc đấy! Cố lên! Con suối chảy gần được nửa đoạn đường rồi".

Dù trên người chỉ mang độc cái máy ảnh, nhưng chúng tôi cũng toát mồ hôi hột để đuổi kịp KRin Kéo.

Kéo đùa: "Mỗi hòn đá ở đây mình đều biết mặt. Đếm đủ bằng cây trên rừng kia là đến nơi". Giữa trùng điệp rừng núi, con đường vào PêtaPoót là những hòn đá, vực thẳm trải dài ven suối.

KRin Kéo nhìn mặt trời đang dần xuống núi rồi quay lại nói với chúng tôi: "Sắp tới rồi đấy! Khi không thấy Giàng nữa là tới nơi để nghỉ qua đêm".

Hàng trăm năm về trước, người dân tộc Ve (một dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Nam) đã men theo con sông Bung hùng vĩ, đi ngược lên thượng nguồn tìm nơi định cư mới. Đi ba ngày đường, khi cái chân đã mỏi, cái gối đã chùng, lương thực sắp cạn mà họ vẫn chưa tìm được mảnh đất nào ưng ý để dừng chân.

Pháp luật - Thăm bản biệt lập giữa đại ngàn (Hình 2).Những phụ nữ PêtaPoót gùi hàng

Rồi họ phát hiện ra một dòng suối trong vắt chảy từ rừng Trường Sơn qua con sông Bung. Họ tiếp tục theo dòng suối đi sâu vào rừng cho đến khi tìm được nguồn nước trong mát, thức ăn dồi dào thì dừng lại. Con suối ấy được đặt tên là Quơang và mảnh đất ấy chính là thôn PêtaPoót ngày nay.

Để đưa bất kỳ cái gì vào PêtaPoót, không có cách nào khác là gùi hàng trên lưng. Từ lúc 5 tuổi, trẻ con PêtaPoót đã phải học cách gùi hàng. Học cách khom lưng, bám đá để luyện cho đôi chân mình rắn chắc.

Với gần trăm km đường rừng, khe suối, một người bình thường không mang trên mình một vật dụng gì cũng khó có thể vượt qua, nhưng với người PêtaPoót họ có thể gùi trên lưng hàng chục kg. Chỉ người không nhưng chúng tôi phải mất một ngày rưỡi vượt rừng mới vào đến bản.

Sống giữa đại ngàn

Già làng KRin Vỗ Mom (tên thật là Pả Tà Lự, người Ve PêTaPốt gọi những người già bằng tên khác để tránh tên tục của họ) kể: "Tổ tiên người PêtaPoót khi lên đây định cư mới chỉ có ba, bốn gia đình.

Pháp luật - Thăm bản biệt lập giữa đại ngàn (Hình 3).Già làng KRin Vỗ Mom (ở giữa) cùng anh em trong thôn PêtaPoót

Trải qua hàng trăm năm, với bao thiếu thốn vất vả, người PêtaPoót vẫn bám trụ mảnh đất này. Đến nay PêtaPoót đã có 20 gia đình với gần 50 nhân khẩu. Khi lên đây, cuộc sống người PêtaPoót cực khổ lắm. Đói rét, bệnh tật, chiến tranh trải qua hàng mấy trăm năm mà người PêtaPoót vẫn không nhiều lên. Dù chừ (giờ) vẫn còn khó khăn nhưng đỡ hơn nhiều rồi, con cháu bố (cách xưng hô thân thiết của người Ve) ngày một đông lên".

Người PêtaPoót ít ra bên ngoài, trừ những lúc hết muối, hết gạo thì họ mới ra để đổi. Mùa phát rẫy của người PêtaPoót là từ tháng 2 đến tháng 6. Phát xong họ phải đốt rồi chờ nước trời xuống mới trỉa được hạt lúa, hạt bắp. Chính vì vậy, giai đoạn này cũng chính là thời gian đói giáp hạt nhất trong năm của người PêtaPoót.

Nghĩ đến mùa đói, trưởng bản Krin Pả Huy rùng mình: "Cái đói quay quắt. Đến cái rau cũng không có mà ăn. Người trong bản phải qua tận vùng giáp ranh với Tây Nguyên để đổi muối, đổi gạo".

Cách biệt với thế giới bên ngoài, người PêtaPoót ốm đau bệnh tật chỉ lấy thuốc rừng, cúng tế cầu Giàng để mong thoát khỏi con ma bệnh tật. Vào năm 1970, một trận dịch tả đã cướp đi sinh mạng của 10 người dân PêtaPoót. Cái bệnh rình rập người PêtaPoót còn hơn cái đói.

Năm 1987 toàn thôn PêtaPoót với 10 hộ gia đình đã rời bỏ mảnh đất tổ tiên để di dời ra nơi có con đường lớn (thuộc thôn PêtaPoót I, xã Đắc Ring, huyện Nam Giang bây giờ). Đây là một cuộc di cư tự do, không có một kế hoạch hay tính toán nào trước nên người PêtaPoót đã gặp rất nhiều khó khăn.

Pháp luật - Thăm bản biệt lập giữa đại ngàn (Hình 4).Trải qua bao đời, người PêtaPoót vẫn cố tìm kiếm cái ăn.

Khó khăn chồng chất khó khăn, người PêtaPoót lại một lần nữa tiến thoái lưỡng nan. Nội bộ những gia đình PêtaPoót bất đồng, một số người muốn ở lại, nhưng một số người lại muốn quay trở lại rừng cũ. Cuối cùng gần phân nửa số gia đình ở lại mảnh đất mới, mong cuộc sống đỡ cực khổ hơn, còn chừng nào đều quay trở lại rừng già. Và cũng chính từ đó mới có PêtaPoótI, PêtaPoót II như bây giờ.

Giữa miền sơn cước, PêtaPoót được coi là thôn đặc biệt khó khăn nhất của xã Đắc Ring, huyện Nam Giang. Toàn thôn có hơn 20 hộ, thì 100% là hộ nghèo. Những thứ cơ bản nhất của cuộc sống như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch là điều xa vời đối với bà con nơi đây. Ban đêm, PêtaPoót chìm sâu trong bóng tối.

Ngày trước PêtaPoót còn có nước sạch để dùng, nhưng từ khi nạn đào vàng trên thượng nguồn sông Bung thì nước ở đây trở nên đục ngầu không uống được. Người PêtaPoót phải vào tận mãi rừng sâu múc nước để uống.

Pháp luật - Thăm bản biệt lập giữa đại ngàn (Hình 5).Đường mòn - lối vào PêtaPoót

Trưởng thôn KRin Pả Huy nói như thanh minh: "Không có con đường thì PêtaPoót mãi không có gì cả”. Cho dù có sống qua hàng chục năm sau vẫn vậy!. Câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng nghe sao mà sâu sắc quá. Không biết khi nào PêtaPoót mới có con đường.

Lấy vợ, gả chồng không chỉ những gia đình trong thôn bản, mà trai PêtaPoót còn vượt biên sang tận đất Tây Nguyên để cưa gái.

Người PêtaPoót cũng có tục đi Sim đã tồn tại qua hàng trăm năm nay. Thời điểm lí tưởng nhất để đi Sim là vào mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Những đôi trai gái thường hẹn hò nhau ra chòi giữ rẫy, bên dòng suối hay trên các đồi cao để hát giao duyên. Họ cũng được phép đến ngủ qua đêm ở những ngôi nhà Xu, nhà Khiên của bản làng. Tuy nhiên, tuyệt đối không được sinh hoạt vợ chồng trước hôn nhân, nếu vi phạm sẽ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng.

Để chống lại với bệnh tật, chết chóc người PêtaPoót phải sinh thật nhiều con. KRin Pả Lơi năm nay 27 tuổi, mới lấy vợ được 6 năm nhưng đã có tới 4 mặt con.

Vừa cười dí dỏm, Pả Lơi nói như phân bua: "Người PêtaPoót còn ít, đất đai thì rộng, mình phải đẻ nhiều để có người phát rẫy"! Sinh dày, nhanh, sớm nhưng cũng có nhiều trẻ sơ sinh PêtaPoót bị chết non, chết yểu.

Krin Hồ Văn Vẻ, một ông bố trẻ trong thôn trầm ngâm: "Chết vì bệnh tật, đói khát đã đành. Nhưng có nhiều đứa trẻ chết khi chưa ra khỏi bụng mẹ. ở đây không có thầy thuốc nên khi đau ốm chỉ biết lấy thuốc rừng và cúng Giàng thôi, việc đưa đi bệnh viện ngoài huyện là điều không thể vì quá xa xôi!".

Trải qua bao biến cố thăng trầm, hiện nay thôn PêtaPoót (thuộc xã Đắc Ring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn là thôn duy nhất ở Việt Nam chưa có tên trên bản đồ.

Kỳ 2: Tình người miền biên ải

Đức Dũng


Cùng chuyên mục

Án Tây-Luật Ta: Bị kiện vì chơi đàn… quá nhiều

Thứ 6, 26/04/2024 | 20:15
Laia Martin một nghệ sĩ dương cầm người Tây Ban Nha bị người hàng xóm cũ của cô kiện vì chơi đàn quá nhiều.

Kiên Giang: Khởi tố Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:08
Ông Trần Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang bị khởi tố để điều tra về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng Nai: Phát hiện nhóm thanh niên sử dụng ma tuý trong quán karaoke

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:04
Công an huyện Xuân Lộc đang tạm giữ hình sự 6 đối tượng tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tại một quán karaoke.

Hà Nội: Hàng loạt ô tô bị tạt sơn, xử lý hành vi này như thế nào?

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:02
Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang phối hợp cùng Công an phường Định Công xác minh, điều tra vụ việc 6 chiếc ô tô bị tạt sơn đỏ trên địa bàn.

Bắt nhóm đối tượng dàn cảnh đánh ghen để cướp tài sản của 2 nữ sinh

Thứ 6, 26/04/2024 | 18:57
Sau khi đạp xe nạn nhân ngã xuống đường, Đại và Đạt chạy đến ngồi lên xe cảnh giới để Giàu và Vương đến dàn cảnh đánh ghen rồi cướp dây chuyền vàng và điện thoại.
     
Nổi bật trong ngày

Án Tây-Luật Ta: Bị kiện vì chơi đàn… quá nhiều

Thứ 6, 26/04/2024 | 20:15
Laia Martin một nghệ sĩ dương cầm người Tây Ban Nha bị người hàng xóm cũ của cô kiện vì chơi đàn quá nhiều.

Bắt nhóm đối tượng dàn cảnh đánh ghen để cướp tài sản của 2 nữ sinh

Thứ 6, 26/04/2024 | 18:57
Sau khi đạp xe nạn nhân ngã xuống đường, Đại và Đạt chạy đến ngồi lên xe cảnh giới để Giàu và Vương đến dàn cảnh đánh ghen rồi cướp dây chuyền vàng và điện thoại.

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Hà Nội: Hàng loạt ô tô bị tạt sơn, xử lý hành vi này như thế nào?

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:02
Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang phối hợp cùng Công an phường Định Công xác minh, điều tra vụ việc 6 chiếc ô tô bị tạt sơn đỏ trên địa bàn.