Người được mệnh danh là anh hùng xạ điêu của võ Việt

Người được mệnh danh là anh hùng xạ điêu của võ Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Mỗi lần đi săn cụ Cử Tốn chỉ bắn chim bay không thèm bắn chim đậu.

Nhắc đến cụ Cử Tốn (1861 - 1949) giới võ lâm trước đây cũng như bây giờ đều giành cho cụ sự kính trọng tuyệt đối. Chỉ cần điểm qua tên tuổi những đệ tử nổi danh như Mùi Đen, Tư Vá, Tư Côi, Văn Nhân, nhiều người có thể hình dung được phần nào tài năng võ thuật của cụ. Nhưng nếu được tiếp cận với những tư liệu về cuộc đời của cụ Cử Tốn nhiều người sẽ liên tưởng cụ như những anh hùng từ tiểu thuyết kiếm hiệp bước ra.

Sự kiện - Người được mệnh danh là anh hùng xạ điêu của võ Việt

Chân dung của cụ Cử Tốn. Ảnh tư liệu

"Xạ năng quán quốc"

Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo, võ sư Nguyễn Văn Thắng đã giành cho PV báo Người đưa tin một tình cảm đặc biệt. Ông cho phép chúng tôi tiếp cận đến những tư liệu quý giá của môn phái mà chưa từng tiết lộ ra bên ngoài. Thậm chí, với nhiều đệ tử của bản môn cũng chưa từng một lần được xem. Đặc biệt trong những tư liệu đó là cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn Đình, một tư liệu ghi chép khá đầy đủ về thân thế sự nghiệp của cụ Cử Tốn.

Bên ấm trà nóng, Chưởng môn Văn Thắng tự hào kể về sư phụ của võ sư Văn Nhân - người sáng lập ra môn phái Thăng Long Võ Đạo. Trong câu chuyện ông Thắng chia sẻ với chúng tôi đã hiện lên chân dung khá toàn vẹn về cụ Cử Tốn - huyền thoại của những huyền thoại võ lâm Việt Nam. Mỗi lần nhắc đến những sự kiện liên quan đến tên tuổi của cụ Cử Tốn, võ sư Thắng đều lần giở tư liệu để minh chứng. Võ sư Thắng muốn khẳng định độ tin cậy đến xác thực những gì ông trao đổi với chúng tôi về cuộc đời của vị sư phụ của những võ sĩ lừng danh trong làng võ Việt một thuở.

Theo tư liệu chúng tôi có được, cụ Cử Tốn tên thật là Nguyễn Đình Trọng, sinh ra và lớn lên ở quận Tây Hồ (Hà Nội) ngày nay. Ông thuộc dòng họ võ tướng (người anh em thúc bá Nguyễn Đình Tùng từng đỗ thủ khoa kỳ thi đình (thám hoa võ - thời bấy giờ trong các kỳ thi nhà Nguyễn không lấy trạng nguyên). Năm 18 tuổi đỗ đầu kỳ thi hương võ (cử võ), sau này cụ tham gia kỳ thi hội (đạt giải hội nguyên - Phó bảng võ), đến kỳ thi Đình do gia đình gặp chuyện buồn nên cụ xin về quê không tiếp tục thi nữa.

Theo Chưởng môn Văn Thắng, tuy không tham gia thi Đình võ, nhưng cụ Cử Tốn vẫn được vua Tự Đức ca tụng hết lời. Để giải thích điều này, vị Chưởng Môn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vua Tự Đức đích thân tổ chức một kỳ thi để các thiện xạ lừng danh thể hiện tài năng của mình. Vì nghe danh tài bắn cung siêu hạng của tân phó bảng - Nguyễn Đình Trọng, vua Tự Đức muốn được tận mắt chứng kiến người anh hùng trẻ tuổi này thể hiện tài năng của mình. Vua Tự Đức quyết định mở một cuộc thi bắn Cửu Phụng trước Nghị Tiềm. Những người tham gia là các cao thủ nổi danh trong đại nội Huế, cùng với những tướng võ có tiếng là thiện xạ. "Đây là cuộc thi chỉ dành cho những cung thủ hàng đầu nước ta thời đó. Vì vậy bất cứ ai được mời tham gia kỳ thi này họ được xem là những bậc thầy về bắn cungå" - Chưởng môn Thắng chia sẻ.

Theo vị Chưởng môn đáng kính này, lần đầu tiên được thi thố tài năng trước mặt vua nhưng cụ Cử Tốn vẫn thể hiện được bản lĩnh phi phàm. Đợi sau khi các cao thủ trong đại nội và những võ tướng nổi danh phô diễn tài năng thiện xạ của mình, cụ Cử Tốn mới bình tĩnh bước ra thi đấu. Phát tên đầu tiên là một thử thách lớn. Trong lúc mọi người đang hồi hộp để xem tân Phó bảng võ thể hiện như thế nào, cụ Cử Tốn đã đưa nhanh mũi tên thứ nhất lên ngắm, mọi người chưa kịp định thần thì mũi tên đã cắm trúng Hồng Tiêm (tâm bia). Khi đó bá quân văn võ chứng kiến đều ngạc nhiên và thầm thán phục bản lĩnh của tân Phó bảng võ.

Phát tên thứ nhất giải tỏa được tâm lý lo lắng, tám phát sau cụ Cử Tốn bắn liên tiếp, nhanh tới mức quần hùng phải trố mắt kinh ngạc. Đã nhiều lần được tận mắt chứng kiến tài bắn cung của nhiều cao thủ trong đại nội và nhiều võ tướng khác nhưng vua Tự Đức cũng phải giật mình bởi chưa bao giờ được chứng kiến một cung thủ siêu phàm đến thế. Các đại cao thủ lúc này tròn xoe mắt kinh ngạc, họ không thể tưởng tượng được ở nước Nam có người bắn cung siêu phàm đến thế. Sau lần đó, tài năng của cụ Cử Tốn được cả kinh thành Huế biết tới và chính åvua Tự Đức đã ban tặng cho cụ Cử Tốn bốn chữ "Xạ năng quán quốc" nhằm ghi nhận tài bắn cung siêu việt của cụ.

Nhưng chừng đó thành tích chưa nói hết được khả năng bắn cung bậc thầy của người anh hùng này. Huyền thoại về tài bắn cung của cụ Cử Tốn lưu danh hậu thế chính là khả năng bắn các mục tiêu di động. Tương truyền, cụ Cử Tốn ngồi trên mình ngựa phi nước đại, chỉ cần thoáng qua có bóng chim trên trời là giương cung bắn hạ. Trong gia phả của dòng họ Nguyễn Đình có nhắc đến tuyệt kỹ này của cụ Cử Tốn: "Đương thời, dù là con ngựa bất kham đến đâu cụ Cử Tốn cũng trị được. Không chỉ thế ngồi trên mình ngựa bắn cung cũng tuyệt vời. Mỗi lần đi săn cụ Cử Tốn chỉ bắn chim bay không thèm bắn chim đậu". Và cũng chính nhờ tài năng bắn cung siêu hạng mà hậu thế tôn vinh cụ Cử Tốn là "anh hùng xạ điêu của võ Việt".

Tay không đánh với 10 tên cướp

Nói đến tài năng võ thuật của cụ Cử Tốn, thật khó để liệt kê hết những tuyệt kỹ võ công mà cao thủ này đã luyện được. Cụ Cử Tốn thuộc thế hệ học võ để đánh chiến trận, cho nên ngoài kỹ năng cưỡi ngựa, bắn cung các tuyệt kỹ dùng binh khí như thương, long đao đều phải điêu luyện. Giỏi về võ công chưa đủ để trở thành một tướng võ, bản thân cụ Cử Tốn còn tinh thông cả lục thao, tam lược. Khi được tiếp xúc với những tài liệu nói tới thân thế và sự nghiệp của võ tướng này, chúng tôi mới hình dung ra được thế nào là một võ tướng thời Phong kiến. Ngay bản thân Chưởng môn Văn Thắng - huyền thoại sống của võ Việt cũng phải tấm tắc thán phục võ học của các cụ đời trước.

Bản thân cụ Cử Tốn nhiều lần được triều đình Huế cử đi dẹp loạn nhiều nơi, cụ cũng được giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng cuộc đời làm quan đương buổi xế chiều khiến cụ chán nản nên sớm quyết định lui về trí sĩ. Chính thời gian trí sĩ tại quê nhà, cụ Cử Tốn đã mở lò dạy võ. Từ lò võ của cụ Cử Tốn đã đào tạo ra nhiều tên tuổi lừng danh của võ Việt như Mùi Đen, Tư Vá, Tư Côi, Văn Nhân và nhiều tên tuổi khác.

Chưởng môn Văn Thắng cũng cho biết, trong cuộc đời của cụ Cử Tốn, nhiều người còn nhắc đến một giai thoại thể hiện tài năng đánh võ của cụ. Nhấp chén trà nóng, võ sư Văn Thắng điềm tĩnh kể câu chuyện cụ Cử Tốn một mình tay không đánh lại 10 tên cướp hung bạo có vũ khí.

Sự kiện này xảy ra ở thời điểm cụ Cử Tốn còn làm quan và được giao nhiệm vụ trấn thủ ở vùng Lục Đầu Giang (lúc đó cụ ngoài 40 tuổi). Một buổi chiều, cụ Cử Tốn đi qua khu rừng vắng vẻ gọi là "Đèo Keo" để về đồn. Đang đi trên đường, bỗng 10 tên cướp hung bạo, có vũ khí từ trong rừng nhảy ra chặn cụ lại. Theo võ sư Thắng "đó là toán người Mán hung bạo, nhiều lần thực hiện những phi vụ cướp táo tợn trong vùng. Núi non vùng Kinh Bắc xưa vốn nổi tiếng có nhiều người giỏi võ. Bản thân 10 tên cướp này cũng là những tên thực sự có thực lực võ biền".

Trước tình huống bất ngờ, cụ Cử Tốn vẫn bình tĩnh tay không chống lại lũ cướp gan lì này. Trong cuộc chiến sinh tử, cụ Cử Tốn liên tục phải tránh đòn liên thủ của 10 tên cướp. Cuộc chiến kéo dài nhiều giờ nhưng bọn cướp vẫn không thể nào tiếp cận được cụ. 10 tên cướp càng đánh càng dính đòn, đội hình bắt đầu có sự xáo trộn. Nhận thấy thời cơ đến, khi hai tên cướp lao vào, cụ vừa né mình tránh đòn, rồi nhanh như cắt chộp lấy được thương của một tên.

Cụ Cử Tốn lấy được thương không khác nào lấy được bảo bối. Với biệt tài của mình, cụ chỉ cần múa vài đường đã khiến hai tên cướp phải bỏ mạng. Trời mỗi lúc mỗi tối, bọn cướp càng lúc càng hăng máu, trong khi bản thân cụ Cử Tốn không muốn giết chết hết bọn chúng nên quyết định phá vòng vây trốn thoát. Cụ Cử Tốn triển khai tuyệt kỹ "Thiên long Thương", trong nháy mắt, tám tên còn lại phải giãn ra xa. Nhanh như cắt, cụ Cử Tốn phi thân thoát khỏi vòng vây của tám tên cướp, sau đó chạy thẳng xuống vùng sông nước Lục Đầu Giang gieo mình xuống, không để lại hình bóng.

Theo Chưởng Môn Văn Thắng, cuộc đời võ thuật của cụ Cử Tốn chỉ có duy nhất giai thoại này phản ánh tới việc cụ đấu võ, còn lại chưa từng nghe cụ tỉ thí võ công với người nào nữa. Nhưng trong giới võ Việt, tên tuổi của cụ Cử Tốn vẫn vang xa. Thậm chí cả trí sĩ lâu năm không ra làm quan nhưng vua Bảo Đại vẫn giành cho cụ những tình cảm đặc biệt, phong cho cụ Cử Tốn Hàm nhị phẩm, điều này càng khẳng định danh tiếng của cụ.

Trinh Phúc - Thanh Xuân

Kỳ tới: Người thổi hồn vào lối đánh độc đáo của đặc công viêt nam