Ngăn chặn thành công hai băng nhóm gây rối bệnh viện chỉ trong 5 phút

NGUYỄN LÀNH

Dù bệnh nhân được đưa đến cấp cứu, nhưng nhóm 20 thanh niên liên quan đến các bệnh nhân tiếp tục gây rối, đập phá đồ đạc tại phòng Cấp cứu của bệnh viện Nhân dân Gia Định. Hiện, Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra vụ án..

Băng nhóm 20 người tấn công bệnh viện

Ngày 14/7, đại diện sở Y tế TP.HCM cho biết, vào 00h06 ngày 12/7, khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận 2 bệnh nhân đa chấn thương ở tay do ẩu đả. Trong lúc các bác sĩ đang tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân, xuất hiện 2 nhóm khoảng 20 người tỏ ra hung hăng, ập vào khoa Cấp cứu, xô ngã bàn ghế dụng cụ làm việc, sử dụng ghế và các cây treo dịch truyền làm hung khí, tiếp tục la hét và ẩu đả nhau trong lúc các bác sĩ thăm, khám.

Ngay lập tức, bảo vệ bệnh viện can ngăn, nhân viên trong phòng lọc bệnh vội di chuyển vào phía trong khoa Cấp cứu, một bảo vệ bệnh viện đóng cửa sắt ngăn những đối tượng gây rối. Ngay sau đó, nhóm thứ hai đến bệnh viện truy sát nhóm thứ nhất, đập vỡ kính của phòng lọc bệnh thuộc khoa Cấp cứu.

Một điều dưỡng chia sẻ, việc nhận dạng những vụ bệnh nhân quấy rối, đập phá tài sản bệnh viện đã từng được diễn tập, nên chúng tôi rất bình tĩnh và chủ động, không tỏ ra hoảng loạn như những năm trước. Nhất là thời điểm đêm khuya, vắng vẻ, các đối tượng có men say, chống trả quyết liệt, nên cần nhất là bình tĩnh ứng phó. Sau khi điều dưỡng phát tín hiệu báo động, lãnh đạo bệnh viện, các phòng có liên quan và cả trực ban Công an phường 7 nhận được tín hiệu “Code grey” từ khoa Cấp cứu của bệnh viện Nhân dân Gia Định..

Ngay sau khi khởi động hệ thống “Code Grey” được kích hoạt, các bảo vệ phụ trách khu vực khác của bệnh viện tập trung về khoa Cấp cứu ngăn chặn tình huống gây rối. Chỉ sau 5 phút, lực lượng Công an phường 7, Công an phường 19 (quận Bình Thạnh), Công an quận Phú Nhuận, và Cảnh sát giao thông đến hiện trường, phối hợp với lực lượng bảo vệ bệnh viện thực hiện trấn áp và giải tán được nhóm người đang ẩu đả, trật tự tại khoa Cấp cứu được lập lại. 

Trong lúc các bộ phận chịu trách nhiệm xử lý về an ninh, y, bác sĩ của khoa Cấp cứu nhanh chóng đưa 2 bệnh nhân này vào 2 phòng cách ly với hiện trường và tiếp tục chăm sóc điều trị. Cả hai bệnh nhân sau đó đều ổn định, xuất viện vào lúc 05h ngày 12/7. 

Xử lý đúng quy trình

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định tự tin và khẳng định, chính nhờ đợt diễn tập phối hợp với sở Y tế tổ chức lần trước (cuối năm 2019) mà ê-kíp trực của bệnh viện xử lý tình huống rất tốt, đúng theo quy trình mà bệnh viện đã rút kinh nghiệm và ban hành. 

Sở Y tế thông tin đến các bệnh viện biết để tiếp tục giới thiệu, nhân rộng và phát huy hiệu quả “Quy trình xử lý tình huống khẩn cấp về an ninh, trật tự bằng Code Grey” của bệnh viện Nhân dân Gia Định, một hoạt động không thể thiếu trong công tác quản trị bệnh viện, góp phần làm tăng sự hài lòng và trải nghiệm tích cực của người bệnh về bệnh viện.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2019 tại bệnh viện đã diễn ra buổi diễn tập “Quy trình xử lý tình huống khẩn cấp về an ninh, trật tự bằng Code Grey” do cán bộ, viên chức của bệnh viện phối hợp với Công an quận Bình Thạnh và sở Y tế TP.HCM thực hiện. Nhưng lần này, không phải là buổi diễn tập, mà là tình huống gây rối có thật vừa diễn ra tại khoa Cấp cứu của bệnh viện Nhân dân Gia Định vào đêm 12/07.

“Chính nhờ lần diễn tập trước đó (30/11/2019) mà toàn bộ ê-kíp trực của bệnh viện từ lãnh đạo bệnh viện đến nhân viên các khoa phòng đã bình tĩnh và thực hiện đúng các bước của quy trình phản ứng nhanh Code grey, điều đáng ghi nhận và trân trọng chính là sự phối hợp nhanh, hiệu quả của Công an phường 7 và Công an quận Bình Thạnh, và cả Cảnh sát giao thông”, đại diện sở Y tế TP.HCM cho biết.

Một người dân đến khám bệnh tại bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, qua vụ việc này, đề nghị bệnh viện tiếp tục tăng cường đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại bệnh viện để bảo đảm an toàn cho người dân đến khám. Tuy nhiên, với băng nhóm đến phá hoại tài sản thì công an nên điều tra làm rõ. Nếu dung túng cho loại tội phạm này, về lâu dài sẽ không an tâm cho người bệnh cũng như đội ngũ y, bác sĩ đang công tác.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, một bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, nhiều năm trước, khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM từng tiếp cận nhiều vụ cấp cứu có bệnh nhân là những đối tượng gây gổ trong các vụ ẩu đả. Các bác sĩ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi các nhóm tìm đến bệnh viện “xử” nhau.

Từ thực tế đó, bệnh viện đã báo cáo sở Y tế và các cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời. Sở Y tế TP.HCM chọn bệnh viện Nhân dân Gia Định thử nghiệm thực tế phương án diễn tập khi có các đối tượng ẩu đả trong bệnh viện, quấy rối bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân. Do đó, tình huống xảy ra tại bệnh viện không quá bất ngờ với kíp trực cấp cứu, có thể phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng khống chế được nhóm gây rối.

Do đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý khám chữa bệnh, thời gian qua bệnh viện Nhân dân Gia định đã triển khai hiệu quả các ứng dụng này, và là một trong những bệnh viện đi đầu việc ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể 4 code hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm code blue (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống bệnh nhân đột ngột ngưng tim, ngưng thở tại các khoa), code red (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống báo cháy), code grey (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống mất an ninh, trật tự) và báo động đỏ quy tụ bác sĩ nhiều chuyên khoa cứu sống các bệnh nhân nguy kịch.

Công an quận Bình Thạnh cùng Công an quận Phú Nhuận và lực lượng cảnh sát giao thông đến hiện trường, phối hợp với lực lượng bảo vệ bệnh viện thực hiện trấn áp bắt giữ đối tượng cầm đầu chỉ 5 phút. Hiện công an quận Bình Thạnh cho biết đang mở rộng điều tra vụ án này.

Nhờ có hệ thống code grey, nhóm côn đồ gây rối được giải tán, trật tự tại khoa Cấp cứu được lập lại. Từ khi ứng dụng quy trình mới, khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, những người được phân công nhiệm vụ có mặt trong 1-3 phút để giải quyết, dập tắt kịp thời, không để xảy ra sự cố lớn. Điều này giúp các y bác sĩ có thể yên tâm làm nhiệm vụ, không gián đoạn việc cấp cứu bệnh nhân cũng như ảnh hưởng đến thân nhân tại bệnh viện.

N.L