Năm 2025: Thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện trên máy tính hoàn toàn?

Cẩm Mịch

Dự kiến phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn sẽ giữ ổn định như năm 2020, các năm tiếp theo, tinh thần chung chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi để tiến đến triển khai hình thức thi trên máy tính.

Thi trên máy tính để tiết kiệm và tránh gian lận

Tại cuộc họp của hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực được tổ chức chiều 23/9, Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không có sự thay đổi cả về số môn thi, phạm vi kiến thức, cách thức tổ chức… Kỳ thi sẽ được tổ chức giống năm 2020.

Các năm tiếp theo, tinh thần chung vẫn là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo đó, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Các bài thi gồm 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 1 trong 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh THPT và Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên).

Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc; Đồng thời, có quy định (ma trận/cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, quy trình thực hiện) và giải pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để có đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bộ GD&ĐT tập trung xây dựng ngân hàng đề thi phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học tập, ôn luyện; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy tính, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập hoặc tại trường.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Phạm Phúc Thịnh cũng chỉ ra: “Hiện nay, có rất nhiều kỳ thi quan trọng của quốc tế được tổ chức thi trên máy tính. Chính vì vậy, theo tôi, việc thi trên máy tính cũng là một xu hướng tất yếu của xã hội, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thuận tiện trong việc tránh gian lận thi cử, đồng thời, đó cũng là một cách thi khá phù hợp trong thời đại 4.0”.

Đồng thời, ông cũng đánh giá: “Khi tổ chức thi trên máy tính thực hiện được trên một diện nhỏ thì khi triển khai trên diện rộng, mặc dù cũng có nhiều vấn đề khó khăn, nhưng sẽ giải quyết được với năng lực công nghệ thông tin như hiện nay.

Chẳng hạn, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi khảo sát năng lực trên máy tính cho cả chục nghìn thí sinh vẫn hoàn thành tốt. Thi tốt nghiệp THPT nếu có khoảng hơn 900.000 thí sinh, được chia đều ra các đợt thi khác nhau theo định hình của Bộ, sẽ tổ chức những trung tâm kiểm định độc lập, tổ chức thi nhiều đợt trong năm, mỗi đợt thi khoảng 100.000 thí sinh, thì cơ sở hạ tầng của Việt Nam thừa sức giải quyết được vấn đề đó.

Chỉ có một vấn đề, chẳng hạn, do trước đây, công tác chuẩn bị của bộ GD&ĐT chưa được làm tốt lắm nên xảy ra những tình trạng như khi học sinh truy cập mạng để tra cứu điểm thi thì mạng bị “rớt”… Nhưng đó là những vấn đề kỹ thuật và chúng ta có thể khắc phục được.

Lộ trình đến năm 2025 nhưng có thể sẽ làm được trước ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, và rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn trên toàn quốc”.

Học sinh vùng khó thi thế nào?

“Tuy nhiên, để đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với hình thức trực tuyến như vậy, sẽ phải quan tâm đến một số thách thức hiện tại. Kỳ thi này đòi hỏi có những trung tâm kiểm định, khảo thí đủ lớn để đảm bảo năng lực tổ chức cho một số lượng thí sinh nhất định tham gia dự thi”, ThS. Phạm Phúc Thịnh phân tích một số thách thức khi triển khai thi trên máy tính.

Theo ông Thịnh, không nhất thiết là 100.000 thí sinh phải thi cùng một đợt, bởi Bộ sẽ chia ra các đợt thi và thí sinh đăng ký tham gia đợt thi nào cũng được. Quan trọng nhất là đảm bảo hệ thống đường truyền phải luôn luôn thông suốt, có hệ thống điện dự phòng để tránh trường hợp đang thi thì bị cúp điện. Và, hệ thống điện đó phải đảm bảo không bị gián đoạn trong quá trình thi.

Bên cạnh đó, khi đã mở những trung tâm kiểm định độc lập, những người làm công tác thi cử phải được tập huấn, đào tạo bài bản trong việc tổ chức. Đó là những việc trong tầm tay của bộ GD&ĐT. Nếu Bộ chọn phương thức xã hội hóa thì vấn đề khó nhất là làm sao có thể kiểm định chất lượng của các trung tâm…”.

TS. Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng cục Công nghệ thông tin (bộ GD&ĐT) - cho rằng: “Việc tổ chức thi trên máy tính hiện nay mới đang được hướng tới. Nếu muốn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, kho đề phải được xây dựng đủ lớn, đủ phong phú và đạt chuẩn. Đó là cái khó nhất.

Bởi, việc tổ chức kỳ thi thành bao nhiêu đợt trong một năm sẽ phụ thuộc vào thư viện đề thi. Nếu thư viện đề thi đủ lớn và chuẩn hóa thì có thể thi lúc nào cũng được. Thế giới đã làm được như vậy còn Việt Nam hiện nay thì chưa, vẫn còn hạn chế. Còn về cơ sở hạ tầng máy tính để tổ chức thi, tôi cho rằng cũng không đáng ngại lắm, nhiều đơn vị có thể làm được”.

“Riêng đối với học sinh vùng khó, bộ GD&ĐT sẽ phải xây dựng phương án cụ thể. Tất nhiên, việc tổ chức thi trên máy tính cũng phụ thuộc vào điều kiện vùng miền nữa, những nơi khó khăn mà ngày thường học sinh không được tiếp xúc với thiết bị, máy móc, không có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin thì vẫn phải kết hợp hình thức thi truyền thống như hiện nay.

Chẳng lẽ, lại bảo các thí sinh vùng khó “khăn gói quả mướp” lên thành phố thi? Mà có đến trung tâm khảo thí thì những học sinh này ngày thường chưa được tập luyện thao tác với máy tính thì sẽ thiệt thòi, điều đó trở thành mất bình đẳng. Chính vì vậy, ở những nơi khó khăn, vẫn sẽ tổ chức thi truyền thống” - TS. Quách Tuấn Ngọc phân tích.

Nâng cao vai trò tự chủ tuyển sinh đại học

Về tuyển sinh đại học, TS. Quách Tuấn Ngọc cho rằng, nên để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ tuyển sinh như năm nay. “Trường nào đưa ra phương thức tuyển sinh nào phù hợp với tiêu chí và chỉ tiêu của trường đó, xét tuyển theo học bạ, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp, hay xét tuyển hỗn hợp hoặc tổ chức kỳ thi riêng… Nên để cho các trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuyển sinh phải cân đối giữa số lượng và chất lượng để đảm bảo uy tín và danh tiếng của nhà trường chứ không phải “vơ bèo vạt tép” tuyển thí sinh vào trường rồi sau đào tạo lại thất nghiệp” - TS. Quách Tuấn Ngọc cho biết.

C.M