Xin ông cho biết thực trạng hợp tác quản lý tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUUF) của các nước có quyền lợi ở Biển Đông?

Tôi cho rằng hiện nay các nước trong khu vực đều nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông. Đã có những nghiên cứu cho thấy quá trình sụt giảm nguồn cá trong khu vực đã gia tăng nhanh trong thời gian gần đây; nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước thì nguồn cá nơi đây hoàn toàn có thể hủy diệt trong vòng vài thập kỷ tới.

Hiện nay các nước trong khu vực đã hình thành được một số cơ chế hợp tác khai thác và bảo vệ nguồn cá. Ở cấp độ song phương có thể kể đến như Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ và hiệp định nghề cá Việt Nam – Philippines.

Ở cấp độ đa phương khu vực đã có trung tâm hợp tác phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC). Tuy có nhu cầu hợp tác và đã hình thành một số cơ chế hợp tác nghề cá trên Biển Đông, thực tế việc hợp tác còn tương đối hạn chế.

Những cản trở trong việc quản lý IUUF trong khu vực là gì, thưa ông?

Có nhiều lý do dẫn đến việc quản lý IUUF trong khu vực chưa hiệu quả. Một là, năng lực giám sát biển của các nước trong khu vực còn hạn chế. Biển cả rộng lớn, trong khi lực lượng chấp pháp của các nước trong khu vực còn mỏng, không đủ để tiến hành các hoạt động kiểm tra, kiểm soát xem việc đánh bắt cá có hợp pháp hay không.

Thứ hai, nhu cầu sinh nhai bằng hoạt động đánh bắt cá của ngư dân rất lớn. Có nghiên cứu thống kê có tới hàng trăm triệu người dân ở các nước ven Biển Đông phụ thuộc vào nghề cá. Do vậy các nước khó có thể hạn chế ngư dân đánh bắt cá.

Đặc biệt, ở Đông Nam Á, đa số các làng chài đều nghèo nên việc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hoặc yêu cầu ngư dân đánh bắt cá theo đúng tiêu chuẩn quốc tế cao ngay sẽ khó thực hiện được.

Tranh chấp vùng biển giữa các nước cũng là một nhân tố cản trở hợp tác khai thác và bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông.


Ông đánh giá thực trạng suy giảm lượng cá ở Biển Đông nói chung và các vùng biển ở Việt Nam nói riêng hiện nay ra sao?

Hiểu đơn giản nhất thì nguồn cá sụt giảm do hoạt động khai thác nhiều hơn khả năng sinh sôi của cá. Điều này xuất phát từ những lý do như khoa học công nghệ và kinh tế các nước phát triển nên các đội tàu của các nước trong khu vực đều tăng cường cả quy mô, số lượng và năng lực đánh bắt.

Hơn nữa, một số hình thức đánh bắt có khả năng gây ra việc hủy diệt và làm giảm khả năng tái sinh của nguồn cá. Chẳng hạn như việc sử dụng chất nổ hay xung điện tận diệt không loại trừ tất cả các loài. Đó là những hoạt động huỷ hoại nguồn cá ở Biển Đông.

Xin ông cho biết nhận định về việc trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông?

Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đã ra các quy định cấm đánh bắt cá theo mùa tại một số vùng biển xung quanh nước này. Việc cấm đánh bắt cá theo mùa được nhiều nước trên thế giới áp dụng để bảo tồn và khôi phục nguồn cá.

Tuy nhiên, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc có phạm vi áp dụng vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, vi phạm Công ước Luật biển Quốc tế 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam là thành viên.

Và Việt Nam đã làm gì để bảo vệ quyền lợi trong việc khai thác hải sản ở Biển Đông của mình thưa ông?

Khai thác hải sản là một ngành kinh tế quan trọng của nước ta. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ và bảo vệ ngư dân bám biển như cho vay vốn đóng tàu công suất lớn hơn, mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá, mở rộng các khu neo đậu, phòng tránh, trú bão cho tàu thuyền khai thác hải sản, tăng cường chính sách khuyến ngư, mở rộng xúc tiến thương mại v.v… Chính phủ cũng tích cực và kiên quyết đấu tranh bảo vệ, bảo hộ ngư dân trong các tình huống ngư dân bị lực lượng chấp pháp các nước bắt giữ trên biển.

Mặt khác, trong những năm qua, chính phủ Việt Nam cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức luật pháp cho bà con ngư dân, đảm bảo các hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông phù hợp với luật pháp và có tính bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông !