Kết thúc năm 2023, nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi sau khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 dẫn đến chưa có khả năng để trả nợ vay ngân hàng, làm cho “khối u” nợ xấu ngày một phình to, trở thành nỗi đau chung của nhiều ngân hàng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, việc xử lý nợ xấu năm 2023 chủ yếu dựa trên cơ sở chậm, hoãn, giãn tiến độ chứ không trả nợ được nhiều.

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc nợ xấu không ngừng gia tăng, ông Phong cho rằng chủ yếu là do thời gian trả nợ đã đến. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có khả năng hoàn trả do bị hạn chế nguồn thu và lợi nhuận. Đồng thời, cơ hội thị trường, cơ hội đầu tư mới và những cơ hội khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nhiều nên doanh nghiệp chưa có khả năng huy động các nguồn lực khác để trả nợ.

Còn theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nợ xấu tại Việt Nam hiện nay đang kéo dài dai dẳng. Nó luôn tồn tại trong hoạt động của ngân hàng qua các năm và khó xử lý dứt điểm.

Theo ông Thành, nợ xấu dai dẳng vì gắn với vấn đề liên quan xung quanh câu chuyện sở hữu chéo. Đồng thời câu chuyện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu liên tục kéo dài từ năm 2012 đến nay cũng phần nào khiến nợ xấu mãi không được xử lý dứt điểm.

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng CIEM.

Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh nhận định, nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng là toàn bộ nền kinh tế tại Việt Nam lệ thuộc vào vốn vay, vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng rất lớn. Nên khi doanh nghiệp gặp trục trặc trong kinh doanh, dòng tiền không quay về thì lập tức những khoản nợ xấu sẽ bắt đầu xuất hiện.

Đặc biệt, trong và sau thời kỳ đại dịch Covid-19, tất cả các nước trên thế giới đều thắt chặt về chính sách tiền tệ, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước, từ đó tác động lên các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như những ngành có đóng góp lớn việc tăng trưởng kinh tế.

“Đơn cử như ngành bất động sản hay những nhóm ngành về tài chính, sự ảnh hưởng toàn diện như vậy khiến cho hoạt động kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến các khoản nợ xấu”, ông Linh cho hay.

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

Theo TS. Châu Đình Linh, ngân hàng hiện nay đã được trao cho những công cụ rất là tốt để xử lý tài sản đảm bảo cũng như để thực hiện tiến độ xử lý nợ xấu cho toàn hệ thống.

Đó là Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, ban hành ngày 23/3/2024, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/4/2023 cho đến hết tháng 6/2024.

“Thông tư 02 giúp kéo dài khoảng thời gian để giúp cho doanh nghiệp phục hồi và có thể thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ vay của mình cho ngân hàng”, ông Linh nhấn mạnh.

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm với ông Linh, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng việc xử lý nợ theo kiểu chậm, giãn hoãn như vậy giúp doanh nghiệp giảm bớt sức ép thanh toán, giảm bớt được sức ép phải phá sản, giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội, thời gian để tìm kiếm cơ hội, dòng tiền trả nợ.

Bên cạnh đó, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” cũng chỉ rõ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững.

Đề án sẽ triển khai thí điểm áp dụng theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; Phấn đấu đến năm 2023, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.

Ngoài ra, Nghị quyết 42 của Quốc hội quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu vừa hết hiệu lực vào 31/12/2023 vừa qua cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giảm bớt áp lực xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.

Các chuyên gia đều cho rằng, Nghị quyết 42 đã giúp giảm tỉ lệ nợ xấu, nhiều ngân hàng trong hệ thống đã đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực, các thông lệ quản trị.

Trước sự gia tăng không ngừng của nợ xấu trong những tháng cuối năm, các ngân hàng đã liên tục có động thái đấu giá, rao bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu nhằm thu hồi vốn. Thậm chí, một số ngân hàng còn tổ chức ngày hội thanh lý tài sản để giới thiệu các loại tài sản cần bán, từ nhà đất, đất nền đến ô tô các loại nhằm thu hút bên mua.

Điển hình, VIB rao bán thanh lý một loạt ô tô từ xe sang như BMW, Mercedes đến xe tải, ô tô phân khúc bình dân với mức giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng... Tuy nhiên, hầu hết các khoản tài sản đảm bảo đều rất khó xử lý. Có những khoản nợ được ngân hàng rao bán từ năm này qua tháng khác, rao bán nhiều lần hay đại hạ giá nhưng vẫn “ế”.

Như BIDV chi nhánh Hải Phòng 27 lần đấu giá khoản nợ của CTCP Thép Việt - Nhật, hay Agribank 8 lần rao bán bất động sản phố cổ, thậm chí giảm giá một nửa so với thời điểm đầu tiên nhưng bất thành...

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, lý do ngân hàng khó xử lý tài sản đảm bảo do hiện nay hầu hết các nhà đầu tư đều đang không có điều kiện thanh khoản, đặc biệt là thiếu nguồn lực để đầu tư, nhất là đầu tư lâu dài, khi lãi suất thì cao và các điều kiện vay mượn cũng không còn dễ dàng như trước nữa. Đồng thời, khi nhiều ngân hàng cùng bán sẽ tạo ra tâm lý thị trường chưa muốn mua vội để chờ tài sản được hạ giá thêm.

TS. Châu Đình Linh cũng nhận định, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ hiện nay phần lớn nó đều là bất động sản. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường bất động sản đang rất hạn chế, cho nên việc thanh lý, thực hiện đấu giá thành công cũng là một bài toán khó đặt ra với các ngân hàng thương mại.

Đồng thời, dù đã có luật hóa cho Nghị quyết 42 về xử lý tài sản đảm bảo, nhưng vẫn tồn tại sự chống đối của những người đi vay thông qua rất nhiều biện pháp khác nhau mà Nghị quyết 42 chưa thể lường trước được. Ông Linh nhấn mạnh, việc xử lý tài sản đảm bảo không phải “cây đũa thần”để giảm tỉ lệ nợ xấu.

Thay vào đó, ngân hàng cần xử lý nợ xấu dựa trên việc trích lập dự phòng từ lợi nhuận giữ lại. Đồng thời gia tăng tiềm lực, sức mạnh tài chính của ngân hàng bằng việc gia tăng tỉ lệ bao phủ nợ xấu. Ngoài ra cần phải hoàn thiện chuẩn mực Basel II. Ông Linh cho rằng, xử lý nợ xấu không chỉ là riêng câu chuyện xử lý tài sản đảm bảo.

Về phía TS. Nguyễn Minh Phong, ông cho rằng về nguyên tắc, ngân hàng muốn giảm nợ xấu thì phải tìm được khách hàng tốt. Thứ hai, cần có các khoản cho vay có lợi cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn.

“Việc cho vay với lãi suất cao sẽ gây khó cho doanh nghiệp trong vấn đề trả nợ, làm giảm cơ hội vay vốn để đầu tư cũng như tìm kiếm các dòng tiền trả nợ”, ông Phong nói.

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

Dự báo về tình hình nợ xấu trong năm 2024, ông Phong cho rằng, năm 2003 là năm tiếp tục dồn nén để đẩy áp lực nợ xấu cho năm 2024. Việc nợ xấu có tiếp tục gia tăng hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc các doanh nghiệp có nguồn tiền để trả nợ vay hay không.

Năm 2024 sẽ là năm đáo hạn của một khối lượng rất lớn nợ trái phiếu doanh nghiệp trong khi thị trường chưa mở thêm các cơ hội mới. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ khó có dòng tiền để trả nợ. Nợ cũ đến hạn mà doanh nghiệp không có khả năng chi trả sẽ khiến nợ xấu có xu hướng phình to.

Dự báo từ Công ty Chứng khoán VCBS, nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các thông tư và chính sách hỗ trợ và khách hàng quay lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm bớt.

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

Trong kịch bản Thông tư 02 không được gia hạn, VCBS dự báo tỉ lệ nợ xấu toàn ngành (loại trừ SCB và các ngân hàng CGBB) tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả, tỉ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ quý II/2024, tuy nhiên có sự phân hóa.

Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Nhóm ngân hàng có tỉ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và có tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nợ xấu có thể phình to trong năm 2024, rủi ro có thể đến từ: Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ.

Theo KBSV, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít phơi nhiễm với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng top dưới với tỉ lệ bao phủ thấp (chỉ dưới 50%) sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối.

Ngân hàng 2024: Liều thuốc nào cho “cục máu đông” nợ xấu?

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 08/02/2024 | 14:00