Người Đưa Tin (NĐT): Là người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dưới góc độ nhà đầu tư, bà cho rằng xã hội hoá có vai trò như thế nào đối với giáo dục của Việt Nam hiện nay?

Bà Đàm Bích Thuỷ: Tôi nghĩ rằng dù muốn hay không thì xã hội hoá trong giáo dục là điều tất yếu phải xảy ra, nó diễn ra mạnh mẽ ngay cả ở các quốc gia có nguồn ngân sách rất dồi dào cho giáo dục, như Singapore người ta vẫn khuyến khích đội ngũ tư nhân làm giáo dục.

Đối với Việt Nam, gần 80% nguồn thu của các trường đại học đến từ học phí, điều này phản ánh xã hội đã tham gia rất sâu vào giáo dục. Vấn đề đặt ra, chúng ta tham gia theo cách nào và ai là nhân tố trong xã hội cần tham gia.

Bởi nếu chỉ dựa tất cả vào nguồn vốn cá nhân sẽ xảy ra nguy cơ bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhưng không có sự chung tay từ bên ngoài thì gánh nặng cho ngân sách và các gia đình có con đi học là không hề nhỏ. Lúc này, cần rất nhiều những điều chỉnh để những lực lượng có khả năng tham gia một cách tích cực có thể phát huy tối đa năng lực hỗ trợ giáo dục.

Ở đây, cũng cần bàn luận và làm rõ xã hội hoá không nhất thiết chỉ là việc nhà đầu tư bỏ tiền để cho giáo dục phát triển mà họ còn mang cả thực tiễn cuộc sống vào trong giáo trình, trong các hoạt động đào tạo để học sinh, sinh viên có hành trang tốt hơn khi ra trường, nhanh chóng bắt tay trở thành công dân có ích cho xã hội.

Cá nhân tôi thấy xã hội hoá giáo dục không có điều gì là xấu, vấn đề là cách chúng ta thực hiện. Nhất là sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nên được xây dựng như thế nào? Thậm chí, khu vực tư nhân sẽ phải tham gia hết sức tích cực vào trong hoạt động này.

Đối với giáo dục của Việt Nam hiện nay đang là bức tranh rất sôi động, đặc biệt đối với bậc mầm non cho đến trung học. Khối đại học đang có những dấu hiệu phát triển nhanh, nhất là khi Chính phủ thúc đẩy việc đào tạo lao động có tay nghề trong ngành công nghệ bán dẫn.

NĐT: Tầm quan trọng của đội ngũ tư nhân là không thể phủ nhận, nhưng như bà vừa chia sẻ, xã hội hoá giáo dục chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất. Xin bà có thể cho biết thêm nguyên nhân nào dẫn tới điều này?

Bà Đàm Bích Thuỷ: Đến nay chúng ta hiểu chưa đủ, có lẽ nguyên do một phần vì trong thời gian dài hoạt động xã hội hoá là việc “tôi có tiền, tôi cần một nơi để đầu tư và mang lợi nhuận cao và không quan tâm lắm đến chất lượng”. Cho nên số ít cá nhân bỏ tiền vào giáo dục giống như đầu tư chứng khoán, bất động sản làm cho xã hội có cái nhìn hơi tiêu cực với khái niệm xã hội hoá cho giáo dục.

Nhưng nếu dần chúng ta điều chỉnh lại và tạo cơ chế để khu vực tư nhân tham gia theo đúng nghĩa sẽ chắc chắn tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Khu vực tư nhân ở Việt Nam, chúng ta hay nghĩ đến những quỹ đầu tư, những người có tiềm lực kinh tế. Cái đó đúng nhưng chưa đủ mà còn có những tập đoàn, công ty lớn đầu tư để có nguồn lao động chất lượng cao. Vì thực tế có rất nhiều các tập đoàn lớn như của Mỹ muốn phát triển mở rộng nhà máy, cơ sở nghiên cứu, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho các cơ sở đào tạo với hy vọng trong tương lai người học có thể phục vụ lại cho cộng đồng doanh nghiệp đó.

Những hoạt động này sẽ xảy ra mạnh mẽ và không có điều gì lăn tăn khi chúng ta tiếp cận dưới góc độ này khi nói về xã hội hoá giáo dục.

NĐT: Có nhiều nhận định cho rằng giáo dục tư nhân chưa bao giờ là lợi nhuận nhiều, chứ đừng nói là siêu lợi nhuận. Và làm giáo dục chưa bao giờ là dễ dàng. Đầu tư cho giáo dục vẫn được đưa ra bàn thảo khá nhiều về vấn đề lợi nhuận và lợi ích giáo dục.
Dưới góc độ là nhà đầu tư, theo bà đầu tư cho giáo dục khác với các lĩnh vực khác như thế nào?

Bà Đàm Bích Thuỷ: Đây là câu chuyện phức tạp bởi vì trên nguyên tắc khi đầu tư vào giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng ngoài những lợi nhuận thu được còn có những nguồn lợi vô hình khác như làm cho chất lượng cuộc sống của vùng, quốc gia tăng lên. Như vậy thu hồi vốn sẽ theo một cách rất khác chứ không chỉ còn là công thức cho vào 1 đồng và phải thu n+1 đồng.

Chính vì thế, đầu tư cho các lĩnh vực này ở trên thế giới đều xuất phát từ các quỹ đầu tư tạo tác động xã hội – khác với đầu tư thuần tuý về tài chính. Và khi đã đầu tư vào lĩnh vực tác động xã hội hoặc mang lại lợi ích công lớn cho quốc gia thì người đầu tư cũng phải hiểu cách tính thu hồi vốn, tỉ suất lợi nhuận sẽ phải theo một cách khác.

Thực tế, nếu đầu tư vào bất động sản thu hồi vốn có thể lên đến 15-20% nhưng nếu đầu tư cho giáo dục chỉ có thể 8-10%. Nhiều người đều rất nghi ngờ với tỉ lệ phần trăm này và không tin nhà đầu tư chịu chấp nhận lợi nhuận ở mức thấp như thế. Nhưng ngoài ra nó có những phần thu hồi vốn khác, mà nếu chúng ta rõ ràng ra với nhau có thể sẽ làm cho xã hội hiểu hơn tại sao các khối tư nhân chấp nhận rót vốn.

NĐT: Ở Việt Nam, xã hội hoá giáo dục là chính sách lớn, đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng, được Quốc hội luật hóa. Thực tế, dù đã được tạo hành lang về thể chế, tuy nhiên có lẽ vẫn chỉ phát triển mạnh mẽ ở một số nơi, một số cấp, theo bà đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Bà Đàm Bích Thuỷ: Nhìn lại những chính sách trong suốt thời gian qua phải khẳng định chúng ta khá cởi mở đối với chuyện phải huy động những nguồn vốn khác để phát triển giáo dục, bởi không thể chỉ duy nhất dựa vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, giữa việc đưa ra chính sách và thực thi chính sách ở tất cả lĩnh vực hiện nay vẫn còn những khoảng cách chưa được lấp đầy. Nhưng cũng cần phải đặt ngược lại nếu cơ chế chưa đủ thuyết phục thì khó có sự đồng thuận của các bên liên quan.

Khi còn làm việc ở trường đại học, tôi đã từng đưa ra khái niệm huy động các nguồn vốn của xã hội để tạo ra quỹ đầu tư lâu dài cho giáo dục. Điều quan trọng quỹ này không thuộc một tổ chức hay cá nhân nào thì mọi người đều rất hoang mang và đặt câu hỏi ai là người có trách nhiệm? Ai quản lý?

Trong khi những mô hình như vậy đã có từ lâu ở nhiều nước trên thế giới với những hình thức khác nhau nhưng chúng ta thì vẫn còn nghi ngờ về tính thực tế cũng như hữu dụng của nó nên không dám ủng hộ và đưa ra chính sách phục vụ cho mục tiêu này.

Điển hình cho câu chuyện này là quỹ cấp tiền cho học sinh đi học của chúng ta chưa có chính sách cụ thể. Đầu tư cho giáo dục nhưng không được miễn thuế, không có sự khuyến khích khiến cho nguồn vốn được rót ra bị hạn chế rất nhiều so với việc chúng ta có cơ chế để xã hội tham gia vào và cho họ một số ưu đãi để đóng góp sâu hơn.

NĐT: Nguồn đầu tư muốn phát triển mạnh mẽ rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, chúng ta nên làm gì để “mở cửa” cho xã hội hóa giáo dục được thể hiện đúng vai trò của mình?

Bà Đàm Bích Thuỷ: Cần cho nhà đầu tư cơ chế để làm. Trong thời gian dài làm việc ở đại học điều mà tôi thấy rất rõ ràng muốn phát triển được thì phải có nguồn kinh phí. Đầu tư đại học cần nguồn kinh phí lớn, khó hơn rất nhiều so với đầu tư ở bậc phổ thông.

Vậy làm thế nào để có được nguồn thu? Ở đây tôi cho rằng việc để các tập đoàn, công ty cùng tham gia vào xây dựng cơ sở vật chất. Thậm chí, họ sẵn sàng đầu tư cho chúng ta đào tạo và trách nhiệm của mình là cần phải bảo đảm chất lượng đầu ra. Quan trọng hai bên đồng hành chứ không nhất thiết quan niệm ai bỏ vốn người đó thiệt thòi. Nếu chúng ta phát triển theo hướng đó tôi nghĩ sẽ tạo động lực cho giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ.

Một giải pháp khác, nếu chúng ta đánh giá sinh viên như là cá nhân độc lập có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia vào việc được đào tạo. Nghĩa là chính các em sẽ là người tự trả học phí thay vì cha mẹ, hay học bằng nguồn ngân sách Nhà nước mà không có sự thu hồi.

Khi đóng vai trò như vậy, chúng ta sẽ tạo những khoản vay cho sinh viên và các em có nghĩa vụ phải trả sau khi ra trường. Tất nhiên, sẽ có rủi ro không phải 100% có thể chi trả, nhưng tôi tin khi đầu tư vào một con người ngay cả khi các em không trả được thì cũng tốt hơn rất nhiều so với đầu tư vào thứ gì đó mà sau này giá trị của nó bằng 0.

Qua hai ví dụ có thể thấy, chúng ta nên đổi cách nghĩ đi một chút thì sẽ không bị lăn tăn chuyện nguồn đầu từ ai.

NĐT: Những đại học uy tín trên thế giới hầu hết là trường tư nhân, chúng ta có nên kỳ vọng Việt Nam cũng sẽ có những mô hình như vậy nếu giáo dục ngoài công lập được “cởi trói”?

Bà Đàm Bích Thuỷ: Trước tiên cần phải tái định nghĩa lại khái niệm “tư nhân” của các đại học đẳng cấp ở nước ngoài. “Tư nhân” ở đây là không thuộc bất kỳ sở hữu cá nhân hoặc tổ chức nào và nó là tài sản của xã hội. Nếu chúng ta có được cái “tư nhân” nói trên, tôi tin tưởng trong vòng 30-50 năm sẽ có giáo dục đỉnh cao phát triển đúng theo nghĩa.

Nhưng để hiện thực hoá điều này thì rất nhiều chính sách khuyến khích kèm theo như đất đai được hiến tặng, xây dựng trường nhờ huy động các nguồn lực khác nhau mà không phải dựa vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, nguồn học phí nhằm phục vụ cho duy trì hoạt động của trường chỉ chiếm 30-35%, số còn lại sẽ lấy từ quỹ hỗ trợ (endowment). Như vậy, gánh nặng không còn đặt lên vai sinh viên và gia đình các em.

Cách làm này đang được diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, gần chúng ta nhất có Singapore đã huy động được vốn từ doanh nghiệp lập thành quỹ để đầu tư và chi trả cho hoạt động của trường. Khả năng sinh lời các khoản đầu tư đó được tính vào chất lượng đầu ra của sinh viên chứ không nhất thiết phải là một con số.

NĐT: Bà đánh giá thế nào về việc kỳ vọng biến Việt Nam trở thành điểm đến giáo dục của các học sinh trong khu vực và trên thế giới?

Bà Đàm Bích Thuỷ: Kỳ vọng Việt Nam trở thành điểm sáng giáo dục ở khu vực Đông Nam Á là hoàn toàn khả thi.

Nhưng cần giải quyết hai bài toán để thu hút học sinh. Thứ nhất, là vấn đề chúng ta dạy bằng ngôn ngữ gì, ở trình độ nào và có đạt chuẩn quốc tế hay không.

Thứ hai, các tổ chức giáo dục phải được kiểm định chất lượng, tấm bằng sau khi tốt nghiệp có giá trị, được công nhận ở các nước. Nếu đạt được những điều này thì tôi tin có rất nhiều học sinh muốn sang Việt Nam du học.

Ngoài ra, chúng ta còn có một lĩnh vực khác có thể làm rất tốt mà chưa cần đủ hai tiêu chí trên đó là xây dựng những khoá học cho con em Việt kiều, những thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Họ là những người rất khao khát, sẵn sàng trải nghiệm văn hoá, lịch sử, văn học Việt Nam.

Thay vì học làm mỳ Ý thì giờ chúng ta dạy đúng cái mình có với chất lượng cao hơn tôi nghĩ chắc chắn sẽ thành công.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 18/11/2023 | 07:09