Doanh thu “khủng” từ bán vé Olympic London chỉ là...

Doanh thu “khủng” từ bán vé Olympic London chỉ là... "trò ma"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Nghi án ấy đang được không ít người đặt ra, đặc biệt sau khi ban tổ chức Thế vận hội mùa hè London 2012 công bố khoản thu ròng lên đến 2,4 tỷ bảng từ công tác bán vé và tài trợ.

Trong lúc nguồn tài trợ khổng lồ từ các thương hiệu hàng đầu cho sự kiện đình đám này (xấp xỉ 1,8 tỷ bảng) là có thể kiểm chứng được, thì khoản tiền bán vé kỷ lục 650 triệu bảng dường như có vấn đề. Nhiều chuyên gia đã theo sát quá trình diễn ra Olympic 2012 khẳng định: "Rất khó tin khi kỳ Thế vận hội vừa qua lập nên kỷ lục về số tiền bán vé", và khoản lợi nhuận từ hoạt động này có thể chỉ là cách để BTC làm đẹp sổ sách, đặc biệt là sau hàng chục tỷ bảng mà nước Anh đã phải chi ra.

Nghe/Xem - Doanh thu “khủng” từ bán vé Olympic London chỉ là... 'trò ma'?

Những khán đài trong dịp thi đấu Olympic hầu như không có khán giả

650 triệu bảng, tin được không?

Theo bản cáo bạch mà Ban tổ chức Thế vận hội công bố, thì toàn bộ 11 triệu vé xem các môn thi đấu tại Olympic 2012 và Paralympic 2012 đã được bán hết. Với mức giá quy định từ trước, thì khoản tiền thu về đạt mốc 650 triệu bảng. Nếu những con số trong mơ này là sự thực, thì Thế vận hội mùa hè 2012 (bao gồm cả cho người khuyết tật - PV) đã lập nên một kỷ lục tại các kỳ Olympic. Không chỉ có thế, con số 650 triệu bảng còn trở nên cực kỳ ấn tượng, nếu biết rằng kỳ Thế vận hội thành công nhất về doanh thu bán vé từ trước đến nay là Olympic Sidney 2000 cũng chỉ đạt 361 triệu bảng. Nhưng nếu nhìn vào thực tế ảm đạm diễn ra tại Thế vận hội 2012, người ta có lý do để nghi ngờ doanh số kỷ lục này.

Dựa trên khẳng định của Ban tổ chức Olympic 2012, thì hơn 11 triệu vé theo dõi Thế vận hội được bán công khai đến người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới thông qua nhiều hình thức. Toàn bộ số vé này đã được tiêu thụ hết từ trước và trong thời gian diễn ra Thế vận hội, chiếm khoảng 75% tổng số vé do Ban tổ chức ấn hành. Phần còn lại không được bán đến người hâm mộ (khoảng 25%), Ban tổ chức đã phân phối đến các thương hiệu tài trợ 8% số vé, ủy ban Olympic các quốc gia tham dự nhận 12%, truyền thông quốc tế và ủy ban Olympic quốc tế nhận 5% cuối cùng còn lại. Như thế, thì đúng ra, Olympic 2012 và Paralympic 2012 phải chật ních khán giả theo dõi tất cả các môn thi đấu từ vòng loại cho đến chung kết. Tuy nhiên, những hình ảnh biết nói mà báo chí quốc tế đã trưng ra lại cho thấy sự thật hoàn toàn ngược lại.

Suốt thời gian diễn ra Olympic 2012, thì ngoại trừ lễ khai mạc và bế mạc, hầu hết các môn thi đấu đều vắng người theo dõi. Từ bóng ném, bóng nước, nhảy cầu, cử tạ, thể dục dụng cụ cho đến bơi lội, tất cả đều diễn ra giữa các nhà thi đấu trống vắng. Đỉnh điểm của tình trạng èo uột này được minh chứng ở môn bóng đá, môn thể thao Vua nhưng ngay trận chung kết giữa đội tuyển Olympic Brazil và Olympic Mexico cũng diễn ra trên SVĐ còn hàng nghìn ghế trống.

Bản thân các nhà tổ chức trong thời gian diễn ra Thế vận hội 2012 cũng từng phải đối mặt với vô vàn áp lực về tình trạng các nhà thi đấu, sân vận động trống vắng này. Báo chí Anh quốc liên tục đặt dấu hỏi về năng lực của đội ngũ làm công tác phân phối vé, thậm chí bày tỏ nghi ngờ có tiêu cực dẫn đến việc khán giả quay lưng với Olympic. Trong khi đó, vận động viên nhiều nước lên tiếng khẳng định họ rất không hài lòng bởi bản thân muốn mua vé cho gia đình đến London theo dõi mình thi đấu nhưng không được đáp ứng. Ngược lại, trên khán đài, họ lại phải chứng kiến Ban tổ chức phải huy động cả binh sỹ Anh đến ngồi lấp chỗ trống.

Với thực tế ảm đạm như vậy, thì thật khó tin khi ban tổ chức nước chủ nhà công bố khoản thu ròng lên đến 650 triệu bảng. Một chuyên gia phân tích đã khẳng định: "Đó chỉ là con số trong mơ, được ai đó tối đa hóa mà thôi". Bởi nếu so sánh với Olympic Sidney 2000, kỳ Thế vận hội diễn ra trong điều kiện cơ sở vật chất không hề thua kém nước Anh, đồng thời luôn đạt tỷ lệ phủ khán đài cao ngất, thì Olympic 2012 rõ ràng là một thất bại. Thế mà, Olympic 2012 lại đạt doanh số cao gấp đôi Olympic Sidney 2000. Một nghịch lý quá khó để chấp nhận.

Nghe/Xem - Doanh thu “khủng” từ bán vé Olympic London chỉ là... 'trò ma'? (Hình 2).

Với hiện trạng èo uột như thế này, doanh thu kỷ lục 650 triệu bảng từ bán vé đang bị nghi ngờ

Bí mật nào ẩn giấu đằng sau?

Trưởng ban tổ chức Olympic London 2012 Sebastian Coe, người từng kêu ca không ngớt về tình trạng thưa thớt khán giả tại kỳ Thế vận hội vừa qua, có lẽ phải nhận nhiều câu hỏi hơn từ phía dư luận sau bản thông báo gây nhiều nghi ngờ này. Nhưng có lẽ, đúng như giới quan sát nhận định, những người thắc mắc sẽ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng cho nghịch lý mà họ đã và đang chứng kiến. Sự thực là chuyện khán giả èo uột tại Olympic London 2012 và chuyện Ban tổ chức tối đa hóa doanh thu với con số thông báo khác hẳn là điều quá khó để lượng hóa hay kiểm chứng. Song nếu phải đi tìm một nguyên nhân cho sự khác biệt này, thì nhu cầu về một kỳ Olympic hoàn hảo mà nước Anh cần, có thể là một giả thiết tạm chấp nhận được.

Trong một bài viết được đăng tải gần đây, biên tập viên kinh tế nổi tiếng của BBC Stephanie Flanders nhận định tăng trưởng trong Quý III của nền kinh tế Anh đạt mốc 1%, chủ yếu nhờ tác động của ngành dịch vụ (tăng khoảng 1,3%). Trong tác động lớn từ ngành dịch vụ này, thì doanh thu bán vé Olympic (Theo Văn phòng thống kê Anh) đóng góp 0,2%. Điều đáng nói là liên tiếp trong hai Quý trước đó, kinh tế Anh quốc trượt dốc và ở đây, tác động trực tiếp từ Olympic 2012 đóng vai trò cực kỳ quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Người Anh, nhìn từ góc độ nào, cũng rất cần Olympic 2012 hoàn hảo về mọi mặt để đảm bảo sự đi lên mạnh mẽ của mình.

Điều đáng nói là trước đó, theo tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, nước Anh đã phải mất đến 7 năm ròng rã, huy động 2000 công ty khác nhau và chi ra tổng cộng 9,3 tỷ bảng cho công tác chuẩn bị Thế vận hội. Con số khổng lồ ấy nói lên tầm vóc cũng như sự kỳ vọng lớn lao mà người Anh mong chờ Olympic 2012 có thể mang lại cho họ. Bởi thế, những gì liên quan đến Olympic London cần phải đẹp lung linh. Và nó, có thể là lý do khiến BTC không màng đến nghi ngờ của dư luận khi thông báo bản doanh thu kỷ lục từ bán vé, trong bối cảnh những bằng chứng hùng hồn từ Olympic dường như nói lên điều hoàn toàn trái ngược.

Cuối cùng thì một lý do có thể được ai đó mang ra giải thích, rằng vé đã được bán hết. Tuy nhiên, những người có vé vì vấn đề nào đó đã phí tiền của mình, hoặc quá thờ ơ trước sự kiện thể thao đỉnh cao 4 năm mới diễn ra một lần. Chuyện Olympic London 2012 đạt 650 triệu bảng doanh thu bán vé, có lẽ, cũng nên kết thúc với cách hiểu duy nhất như vậy.

Thành công lớn về thể thao

Doanh thu bán vé đạt mức kỷ lục là điều khiến nhiều người quan tâm đến Olympic 2012 ngờ vực. Tuy nhiên, thành công lớn lao mà Đoàn thể thao Liên hiệp Anh giành được tại kỳ Thế vận hội lịch sử vừa qua là không phải bàn cãi. Hơn 7 năm chuẩn bị, những nhà quản lý thể thao của Vương quốc Anh đã đầu tư rất lớn và bài bản để chuẩn bị tư thế sẵn sàng vươn đến tầm cao tại kỳ Đại hội thể thao lịch sử diễn ra trên sân nhà.

Thực tế, Đoàn thể thao Liên hiệp Anh đã trải qua khởi đầu không tốt ở Olympic, khi hàng loạt niềm hy vọng của họ hụt Vàng đáng tiếc. Nhưng kể từ sau khi Helen Glover và Heather Stanning giành tấm HCV đầu tiên ở môn đua thuyền, áp lực được giải tỏa và hàng loạt ngôi sao khác của Đoàn thể thao Liên hiệp Anh giành đến 29 HCV, 17HCB , 19HCĐ, xếp thứ ba chung cuộc sau hai cường quốc thể thao Mỹ và Trung Quốc.

Nuối tiếc duy nhất đối với thể thao Vương quốc Anh tại Olympic 2012 chỉ có thất bại của đội tuyển bóng đá Olympic. Được kỳ vọng rất nhiều, tuy nhiên, tập hợp rời rạc của những cựu binh hết thời như Ryan Giggs, Bellamy và những cầu thủ trẻ non nớt đã không thể giúp tuyển Olympic tranh chấp một tấm huy chương. Những xung đột gay gắt, những mâu thuẫn quyền lợi cũng nổ ra trong lòng đội tuyển, khi HLV Stuar Pearce tố cáo nhiều HLV tại giải ngoại hạng Anh từ chối lệnh triệu tập lên tuyển Olympic một số ngôi sao tốt nhất. Trong khi đó, chính bản thân Stuar Pearce lại gây ra một scandal khác, với việc loại ngôi sao David Beckham ngay trước thềm Olympic, dù tiền vệ 37 tuổi này luôn bày tỏ sự khát khao. Giải thích cho quyết định này, Pearce nói rằng ông không thể triệu tập một cầu thủ quá già. Nhưng dư luận Anh quốc thì tin rằng Pearce đã hành xử vì thỏa mãn mâu thuẫn cá nhân, bởi nếu chê Beckham (37 tuổi) đã già, thì tại sao lại triệu tập Ryan Giggs, một cầu thủ đã sắp 39 tuổi?

Gia Mẫn