'Tôi hết lòng chiều 'mẹ chồng' nhưng chỉ chiều được người dễ tính'

'Tôi hết lòng chiều 'mẹ chồng' nhưng chỉ chiều được người dễ tính'

Thứ 3, 01/01/2013 | 12:52
0
Nghệ sĩ là người làm dâu trăm họ, nhưng trăm người trăm tính, không phải ai cũng như ai: "Với tôi, tôi hết lòng chiều “mẹ chồng”, nhưng chỉ có thể là “mẹ chồng” dễ tính, còn mẹ chồng khó tính thì...", Vượng "râu" cười, bỏ lửng câu trả lời của mình.

Tôi hỏi, anh có quá tự tin vào bản thân mình không? Vượng "râu" lắc đầu: "Là nghệ sĩ, ai cũng có xu hướng khẳng định bản thân mình, nó là cái chất, cũng là niềm tin để tiến tới".

Làm dâu trăm họ...

Những ngày cuối năm 2012, gió rét và giá lạnh tràn miền Bắc cũng là thời điểm các nghệ sĩ tất bật với kế hoạch xuân của mình. Đã có lịch hẹn, nhưng Vượng "râu" đến muộn vì có việc đột xuất, anh phân trần không phải "giữ giá" đâu nhé. Trông Vượng có vẻ mập hơn so với thời gian trước. Không biết có phải do ảnh hưởng của sân khấu hay ngược lại, tôi thấy Vượng nhẹ nhàng và có vẻ khá dịu dàng như chính những vai diễn, những câu hát của anh trên sân khấu.

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, cũng chưa từng nghĩ có một ngày nào đó có thể đứng trên sân khấu chuyên nghiệp như một nghệ sĩ nhưng từ nhỏ Nguyễn Công Vượng đã mê hề chèo. Những vở diễn của nghệ sĩ hài Mạnh Tuấn khiến anh đặc biệt yêu thích, cứ mỗi lần tivi, đài có chương trình của ông là Vượng không thể bỏ qua. Thích chỉ là thích để đó, nhưng đến năm 1999 bước ngoặt làm thay đổi con đường mà Nguyễn Công Vượng đã chọn. Năm đó, lần đầu tiên anh tham gia đóng hài kịch ở trường, chàng trai trẻ 17 tuổi vào vai một ông bố già khó tính, có cậu con trai đẹp mã bị con gái tấn công, tán tỉnh nhiều quá, phải ra tay hỗ trợ và bảo vệ con.

Vở diễn đầu tiên khiến mọi người rất ấn tượng, tiếng tăm Vượng bỗng trở nên "vượng" hơn. Sau đó, anh được mời đi diễn ở một số nơi, nhận được sự ngợi khen của mọi người, anh mớái bắt đầu nghĩ tới con đường chuyên nghiệp. Cũng năm đó, anh thi đậu vào khoa Kịch hát dân tộc, bộ môn hề chèo trường Sân khấu Điện ảnh. Năm 2000, khi chương trình "Gặp nhau cuối tuần" lên sóng, Nguyễn Công Vượng được biết tới như một diễn viên trẻ triển vọng. Ngồi nhớ lại thời điểm đó, anh chỉ cười: "Hồi đó mình diễn còn "xuẩn" lắm. Mới 18 tuổi, tôi chưa đủ kinh nghiệm và từng trải lại diễn cặp với Quang Tèo lúc ấy cũng đã được công chúng biết tới nên còn non nghề. Tuy nhiên, tôi được anh chị em hỗ trợ nhiều lắm, giờ nghĩ lại vẫn thấy thèn thẹn".

Nhân vật - 'Tôi hết lòng chiều 'mẹ chồng' nhưng chỉ chiều được người dễ tính'

"Chị" Vượng "râu" là một hình ảnh mà nghệ sĩ Công Vượng rất thích thú đem đến cho khán giả trong xuân 2013

Năm 2003, tốt nghiệp trường Sân khấu, Vượng không đầu quân vào bất kì đoàn văn nghệ hay nhà hát nào, anh nhận lời mời của một số công ty tư nhân để được tự do hơn trong nghề nghiệp. "Mình còn trẻ thì cứ cống hiến thật nhiều là được, không nhất thiết phải bó chân một chỗ", anh chia sẻ.

Tôn trọng khán giả vì là cái "nghiệp" của nghệ sĩ

Chuyện đang vui bỗng nhiên chùng hẳn lại. Vượng "râu" không muốn nhắc lại những chuyện cũ mà thiên hạ vẫn gọi là "vạ miệng, scandal". Lời nói, câu chuyện chỉ đúng ở một hoàn cảnh nhất định, khi vui chuyện người ta cứ mặc sức nói những điều trôi chảy trong lòng mình, không ngờ chính sự không để ý, không dè chừng của mình lại có thể dẫn đến những "tai nạn" như vậy. Bản thân Vượng cũng chẳng để ý nhiều, cứ để đó thì sự việc cũng sẽ chìm xuống, nhưng có một điều: "Mình sống như thế nào với anh em, bè bạn, nghệ sĩ, những bậc đàn anh chị, đàn em thì mọi người đều biết tới cả. Không phải ngẫu nhiên mà những lời mời, hợp tác, Vượng đứng ra làm thì anh chị em đều không phải suy nghĩ. Trong thế giới của những diễn viên hài nói riêng, ít khi có sự chành choẹ, cạnh tranh và chơi xấu nhau, anh em sống với nhau chân tình, hoạ hoằn lắm mới có chuyện này chuyện nọ, nhưng rồi khúc mắc nào cũng sẽ được giải quyết, hiểu lầm cũng sẽ được giải toả". Cái khó nhất của người nghệ sĩ là làm sao giữ được hình ảnh của mình một cách thuyết phục trong lòng công chúng chứ không phải so đo với người này, người khác để khẳng định bản thân mình. Nghệ sĩ là người làm dâu trăm họ, nhưng trăm người trăm tính, không phải ai cũng như ai: "Với tôi, tôi hết lòng chiều “mẹ chồng”, nhưng chỉ có thể là “mẹ chồng” dễ tính, còn mẹ chồng khó tính thì...", anh cười, bỏ lửng câu trả lời của mình.

Vui chuyện, Vượng "râu" khoe với tôi một chùm ảnh lạ, nhìn quen quen, ngắm mãi vẫn thấy ngờ ngợ. Hoá ra là Vượng, một "chị Vượng" nền nã, nữ tính và đàn bà. Cười phá lên trước con mắt hồ nghi của tôi, anh bật mí đây là ảnh trong đĩa hài tết mới nhất. Trong tết này, anh đang nỗ lực hoàn tất 2 đĩa "Thầy già, con hát trẻ" và "Kì phùng địch thủ". Đảm nhận cùng 1 lúc 4 vai: Một Vượng "râu" trẻ trung, mới hơn 20 tuổi với liến láu, sôi nổi của một thanh niên trên con đường chinh phục "Phụ huynh khó tính", một Vượng "râu" già nua phúc hậu trong "Thầy già con hát trẻ", một Vượng "râu" yểu điệu thục nữ và một lão chánh tổng gian tham.

Tâm sự về nghề, anh bảo không muốn "đóng đinh" mình vào một cái khuôn nhất định nào. Diễn viên chuyên nghiệp cũng giống như cầu thủ, dù ở sân nào cũng phải khẳng định bản thân mình. Khi cần buộc phải hoá thân và sống với các nhân vật, sự biến hoá càng nhiều càng tạo nên sự hấp dẫn và chứng tỏ đẳng cấp của mình. "Tham vọng" và mong muốn thì rất nhiều nhưng trong quá trình làm nghề thì không cách nào tránh khỏi sự hạn chế, cả về lực, tài chính và nhiều yếu tố chi phối khác. Có điều, một người nghệ sĩ tâm huyết thì ở trong khung nào cũng phải thích nghi, có bị "đá" thế nào cũng phải "bật" lại để cho vai diễn được thoả sức tung  hê.

Tốt nghiệp khoa Kịch hát dân tộc, nhận mình là người tâm huyết và yêu mến văn hoá dân gian, Vượng "râu" có vẻ hơi "rầu rầu", phàn nàn hiện nay kênh truyền hình giải trí thì nhiều nhưng vẫn chưa có một kênh nào riêng cho văn hoá dân gian. Trong khi nhiều cá nhân, tổ chức đang tìm mọi cách để vinh danh văn hoá dân tộc như một thứ di sản phi vật thể cần được giữ gìn thì chính người trẻ của chúng ta, nhiều khi vào mạng Internet, vào Youtube xem vẫn còn nhầm lẫn giữa hát quan họ và hát chèo. Sự nhầm lẫn tệ hại này có lẽ không gây ra một hậu quả nghiêm trọng nhãn tiền nào nhưng thực sự là một điều đáng buồn. Không phải họ đang quay lưng lại với văn hoá dân gian mà cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ phải lo trong khi những điều thấy và nghe lại chỉ thoáng qua. Trong khả năng của mình, những người nghệ sĩ như anh vẫn đang nỗ lực để đem lại dù chỉ một chút nào đó nét truyền thống vào hơi thở của cuộc sống hiện đại. Dù phải bỏ ra một số tiền lớn để dựng lại một khung cảnh phiên chợ quê, lúc lên hình cũng chỉ được dăm ba phút, có thể với người khác sẽ dàn dựng một cách qua loa, tiết kiệm được rất nhiều vật lực nhưng với anh thì "thà tốn nhưng thoả mãn, đúng chất nhà quê thì vẫn phải làm". Tiền chỉ là một vấn đề, tâm và sức của người nghệ sĩ nhiều khi còn phải chắt chiu, thậm chí tới mức "khổ sở" mà không phải ai cũng biết.

Lật lại những tấm ảnh hậu kì, Vượng "râu" cứ áy náy hoài về việc "làm khổ" các bạn diễn của mình. Trong vai trò biên kịch kiêm đạo diễn, việc đo ni đóng giày cho diễn viên đã khó, đằng này cùng một lúc nhiều diễn viên kì cựu tên tuổi cùng tham gia thì việc làm sao để thoả mãn tất cả các vai diễn lại còn khó hơn. Chí Tài lặn lội từ trong Nam ra, Minh Hằng, Thanh Ngoan, Quang Tèo, Chiến Thắng..., cũng phải bỏ dở các kế hoạch của mình để cùng có mặt. Không phải vì số tiền cát xê mà hãng trả mà vì tất cả những vai diễn này đều khiến họ tâm đắc, cùng muốn chung tay góp sức để tạo nên một sản phẩm chất lượng, có giá trị như một lời tri ân với khán giả.

Cuối năm, thời tiết trở nên khắc nghiệt, có những hôm trời rất lạnh lại cũng có những hôm nắng nồng đột ngột khiến các nghệ sĩ không lường trước được, mệt mỏi không tránh khỏi. Vượng "râu" có cảnh quay phải để nguyên áo quần, đóng cảnh ngã xuống sông trong cái rét 130C, diễn đi diễn lại, chỉ mong nghe được lệnh "cắt" là lập cập vơ lấy cốc trà gừng nóng. Anh em nghệ sĩ vẫn thường trêu nhau: Chỉ tính sự "xả thân" này cũng đã xứng đáng nhận được huy chương rồi chứ chẳng chơi. Huy chương của họ chính là sự yêu mến mà khán giả dành cho.

 Thích những nghệ sỹ có khả năng biến hóa

Nói về chuyện "giả gái", Vượng "râu" cười hồn nhiên, anh đặc biệt thích những nghệ sĩ có khả năng biến hoá so với thân phận thực của mình như Hoài Linh, Xuân Hinh, Trấn Thành..., họ là những nghệ sĩ "đá" ở những sân khấu khác nhau nhưng dù diễn nam hay nữ thì vẫn rất có duyên. Vấn đề không phải là việc diễn được nam hay nữ mà là truyền tải được cái duyên của giới tính nhân vật mà mình diễn. Một người phụ nữ đóng nam và một người nam đóng nữ nhiều khi lại gây sự hứng khởi lớn cho khán giả bởi vì có "chuyển giới" như vậy mới khiến cho khán giả khám phá thêm được về chính bản thân ở một góc nhìn khác thú vị hơn.

Đỗ Huệ