Sự khác biệt giữa

Sự khác biệt giữa "đại gia" Việt và thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
– Trong khi hầu hết những tỷ phú thế giới và Mỹ đều là những ông chủ công nghệ thì các đại gia Việt có xuất phát điểm hoàn toàn khác biệt.

Trong những năm gần đây, “đại gia” Việt tăng lên đáng kể và điểm chung của tầng lớp này tại Việt Nam là hầu hết đều có nguồn gốc đi lên từ bất động sản và ngân hàng và rất ít hay gần như không có tên tuổi nào xuất phát từ lĩnh vực công nghệ. Điều này lý giải tại sao các “đại gia” Việt luôn phập phù theo biến động của ngành ngân hàng và BĐS mỗi khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trên thực tế, không ít đại gia BĐS đã trắng tay hoặc chí ít cũng vơi đi vài nghìn tỷ đồng vì thị trường BĐS đóng băng hoặc ngân hàng siết nợ. Việc tìm ra giải pháp cho vấn đề ổn định và tăng trưởng bền vững đang là bài toán khó hiện nay.

Xã hội - Sự khác biệt giữa 'đại gia' Việt và thế giớiBao giờ Việt Nam có đại gia công nghệ? (Ảnh minh họa)

Theo những số liệu mà GS. TS. Lê Văn Doanh cung cấp thì trong những năm giữa của thập niên 90, 40 - 60% tăng trưởng GDP ở Việt Nam có đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay tình hình đã thay đổi khi con số này tụt dốc thê thảm chỉ còn dưới 10% và đến năm 2010, 2011, có lẽ nó chỉ đạt 3 - 4%. Điều này cho thấy một nghịch lý, lẽ ra càng trong khó khăn, đóng góp của yếu tố năng suất lao động cũng như sáng tạo về quản lý lẽ ra phải tăng lên, nhưng ở Việt Nam điều này lại ngược lại.

Bên cạnh đó, đóng góp của vốn từ 52% đã nhảy vọt lên 85%. Điều này cho thấy, động lực chính của các doanh nghiệp không phải là khoa học công nghệ. Nhận xét của ông Doanh quả không ngoa khi ông cho rằng: Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có những người dại mới đi làm công nghệ. Còn những ai khôn, sẽ đi mua đất, để đấy chớp thời "sóng" lên và dễ dàng thành đại gia sau 1 đêm.

Điều này hoàn toàn trái với những tỷ phú của Mỹ khi đa phần tỷ phú nước này đều là những người làm chủ về công nghệ như Bill Gates (sáng lập ra Microsoft), Mark Zuckerberg (sáng lập ra Facebook)… thì lĩnh vực này trong các đại gia Việt là rất ít hay gần như là không có.

Để thay đổi thực tế hiện nay và góp phần phát triển công nghệ tại Việt Nam, ông Doanh cũng đề xuất nên có một cơ chế thay đổi động lực phát triển của các doanh nghiệp. Ông cho rằng, nên khuyến khích sáng tạo và khoa học công nghệ, đồng thời đánh thuế thật nặng vào những nguồn thu về đất đai. Bởi nếu không có những chính sách như vậy thì phải rất lâu nữa, những người đang thành công trên con đường khoa học công nghệ mới có thể trở thành đại gia. Những giải pháp đó cho thấy được định hướng đúng đắn khi nhận được rất nhiều ủng hộ từ dư luận. Đại diện một doanh nghiệp công nghệ cũng cho rằng, nếu chỉ làm giàu bề mặt thay vì làm giàu từ chất xám thì không lâu nữa, khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, rừng, biển... cạn kiệt, con cháu chúng ta sẽ trắng tay.

Thực tế ở thị trường Việt Nam cũng cho thấy, hiện tại, hàng hóa của chúng ta đang bị cạnh tranh rất quyết liệt, nhất là từ phía Trung Quốc. Duy nhất chỉ có lĩnh vực khoa học công nghệ là chúng ta vẫn trụ vững và theo đánh giá, ở lĩnh vực khoa học công nghệ chúng ta chỉ tụt lùi 3 cho đến 4 năm so với thế giới, trong khi ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam đi sau thế giới tới tận 50 năm.

Xuất khẩu công nghệ có thể trở thành một hướng đi mới cho các doanh nghiệp. Và chỉ có khoa học công nghệ mới có thể cứu cánh được nền kinh tế, đồng thời giúp giấc mơ làm giàu của những tri thức trẻ sớm trở thành hiện thực.

Khánh An (tổng hợp)


Tag: Facebook