Nỗi bất hạnh của hoàng hậu có chồng đồng tính

Nỗi bất hạnh của hoàng hậu có chồng đồng tính

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Đại đế Friedrich II được xem là vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Vương quốc Phổ. Tuy nhiên ông cũng được xem là vị vua đồng tính với lịch sử tình ái vô cùng gay cấn: Hai lần từ chối hôn nhân ép buộc, một lần cưới cũng vì sự thúc ép nhưng sau đó là một cuộc hôn nhân lạnh nhạt.

Trong khi đó, rất nhiều câu chuyện được kể lại về quan hệ của Friedrich II với những trung úy trong quân đội triều đình, những anh lính hầu, thậm chí với cả đại thi hào Voltaire.

Hoàng tử trốn chạy hôn nhân

Trong lịch sử châu Âu cận đại, cái tên Friedrich II lừng lẫy trong vai trò của một vị thống soái cầm quân chinh phạt khắp các đế chế châu Âu rộng lớn. Những chiến thắng vang dội của vương quốc Phổ trước phần lớn các nước châu Âu như Nga, Áo, Pháp, Sachsen, Ba Lan, Thụy Điển… đã khiến cho vương quốc này được mở rộng đáng kể và đứng vào hàng liệt cường chỉ trong vòng 20 năm. Là vị quốc vương được nhiều người mến mộ, ông được mệnh danh là Friedrich Đại đế.

Nổi danh trên chính trường và rất hiếm khi thất bại trên chiến trường nhưng Friedrich II lại là một người có lịch sử tình ái đầy sóng gió và gay cấn. Friedrich II là một thành viên của Hoàng tộc nhà Hohenzollern.

Ngày 24 tháng 1 năm 1712, vua nước Phổ khi đó là Friedrich Wilhelm I và Hoàng hậu Sophia Dorothea xứ Hanover đã cho ra đời một cậu hoàng tử vô cùng khôi ngô, anh tú. Hoàng tử được đặt tên là Friedrich. Friedrich được coi là niềm kì vọng của cả hoàng gia.

Lúc ông ra đời, nước Phổ nằm dưới quyền thống trị của ông nội ông - Quốc vương Friedrich I. Friedrich I từng có hai người cháu chết yểu, vì vậy, hoàng tôn Friedrich được coi là người sẽ nắm ngôi vị trong tương lai.

Trong bất cứ hoàng tộc nào, việc kết hôn của hoàng tử kế ngôi luôn là điều trọng đại với cả vương quốc. Đầu năm 1730, Hoàng hậu Sophia Dorothea - vốn con gái vua nước Anh đã cố gắng dàn xếp cuộc hôn nhân kép giữa thái tử Friedrich và công chúa Wilhelmina với các con của vua Anh Quốc George II: công chúa Amelia và anh trai là thái tử Frederich.

Nếu như mọi việc thuận lợi thì đây được coi là hai cuộc hôn nhân toàn thiện toàn mỹ, môn đăng hộ đối vào hàng bậc nhất trong lịch sử nước Phổ. Tuy nhiên, mọi việc đã không đi theo ý muốn của hoàng hậu Sophia Dorothea.

Hoàng tử Friedrich ngay khi nghe tin mình phải lấy vợ đã giãy nảy lên, dứt khoát không chịu nghe lời. Do nghĩ con mình con nhỏ, mải ham chơi nên hoàng hậu đinh ninh rằng hôn lễ sẽ được tổ chức khi hoàng tử đủ lớn.

Vua Friedrich Wilhelm I nhìn xa trông rộng hơn, ông lo sợ một thế lực của Đế quốc Anh sẽ vươn tới nội địa nước Phổ nên hoàn toàn không đồng ý yêu cầu này từ phía vợ. May thay cho hoàng tử là không cần phải bày tỏ sự khó chịu của mình quá lâu.

Thế giới - Nỗi bất hạnh của hoàng hậu có chồng đồng tính

Đại đế Friedrich II

Lúc bấy giờ, Thống chế von Seckendorff - Đại sứ Áo ở kinh thành Berlin - đã tìm cách đút lót Thống chế von Grumbkow và Benjamin Reichenbach - Bộ trưởng Chiến tranh Phổ - và viên Đại sứ Phổ ở Luân Đôn.

Thống chế von Seckendorff làm điều này bởi y lo sợ một liên minh nữa giữa nước Anh và nước Phổ sẽ là nguy cơ hủy diệt của nước Áo.

Cầm tiền đút lót trong tay, những kẻ lãnh trách nhiệm đã không ngừng công kích, phỉ báng triều đình Anh với vua Phổ cũng như phỉ báng triều đình Phổ với vua Anh.

Những lời không hay về triều đình Anh đến tai vua Friedrich Wilhelm I khiến nhà vua cảm thấy có lí và đã cố tính thách cưới người Anh những điều mà họ không thể làm được, như nhượng cho nhà vua nước Phổ các xứ Jülich và Berg.

Không chấp nhận những yêu cầu trên, triều đình Anh từ chối kết thông gia với nước Phổ. Chính nhờ đó mà cuộc hôn nhân của hoàng tử với con gái vua Anh nhanh chóng tan vỡ từ khi mới chỉ nằm trong dự định.

Lần thứ hai, vua Friedrich Wilhem I lại có ý định khác về vấn đề hôn nhân của con trai mình. Nhà vua có ý định gả hoàng thái tử Friedrich cho Elisabeth xứ Mecklenburg-Schwerin (cháu gái của Nữ hoàng Nga là Anna). Tuy nhiên, Friedrich phản đối kịch liệt ý đồ này. Friedrich nói rằng ông sẵn sàng đánh đổi quyền kế vị để có được cuộc sống tự do hạnh phúc của mình.

Có tin đồn rằng vào thời điểm đó, Friedrich đang có tình cảm với một cô gái đó là Maria Theresia - con gái của Hoàng đế La Mã - và nếu buộc phải cưới thì hoàng tử sẽ lựa chọn cưới cô công chúa này. Một trong những cận thần của nhà vua Friedrich Wilhem I cũng đã đưa ra lời khuyên nhà vua không nên để hoàng tử kết hôn với người này.

Ý định đó vì thế cũng nhanh chóng bị dập tắt, tuy nhiên, những ép buộc hôn nhân từ vua cha đã khiến Friedrich từng có lúc muốn tự tử. Một lần, Friedrich đã tìm cách bỏ trốn sang quê ngoại là nước Anh khiến cho đức vua nổi giận lôi đình. Lần đó, thậm chí Friedrich còn bị tống vào nhà giam.

Người vợ bất hạnh

"Tôi sẽ không bao giờ lấy con ngỗng ngốc nghếch đó". Đó là lời tuyên bố của Friedrich khi được biết ý trung nhân thứ ba mà nhà vua có ý định gả cho mình. Đó là quận chúa Elisabeth Christine xứ Brunswick-Bevern - một tín đồ Tin Lành, cháu gái của Maria Theresia. Thái tử Friedrich von Hohenzollern đã kịch liệt phản đối dự định gả ông cho Elisabeth Christine.

Sự chống đối này đã khiến cho mối quan hệ cha con giữa nhà vua và thái tử Friedrich khi đó vô cùng căng thẳng. Có lần, vua cha Friedrich Wilhelm I giận dữ tới mức đã dùng roi quất tới tấp vào người Friedrich tại nơi công cộng.

Trong những lá thư mà Friedrich gửi cho những người bạn của mình, không ít lần Friedrich kêu ca về sự hà khắc của vua cha. Friedrich nói rằng ông phải "chịu nỗi thống khổ hàng ngày", và khó có thể sống được lâu hơn nữa.

Đỉnh điểm của sự chống đối là khi Friedrich cùng với một người hầu thân cận của mình lập mưu bỏ trốn sang Vương quốc Anh để thoát khỏi những áp đặt hà khắc của nhà vua. Friedrich luôn cho rằng những cuộc hôn nhân mà mình bị áp đặt đều mang màu sắc chính trị và đó là điều ông không hề muốn.

Tuy nhiên, cuối cùng, lễ cưới giữa Elisabeth Christine và Friedrich cũng đã diễn ra vào ngày 12 tháng 6 năm 1733. Một trong những lí do khiến đám cưới phải được tổ chức đó là do đức vua lúc này đã nổi cơn thịnh nộ.

Sau khi hành hình một tay người hầu đã cùng với hoàng tử lên kế hoạch bỏ trốn khỏi nước Phổ để răn đe, đồng thời tống hoàng tử vào nhà giam một thời gian, vua Friedrich Wilhelm I đã buộc Friedrich phải gật đầu nhận lời cưới quận chúa Elisabeth Christine xứ Brunswick-Bevern.

Đám cưới được tổ chức long trọng và đình đám nhưng bản thân người trong cuộc thì không hề vui. Cô dâu Elisabeth Christine xứ Brunswick-Bevern ngay trong ngày cưới đã phải đón nhận sự ghẻ lạnh của người chồng. Friedrich bộc lộ sự khó chịu ra mặt đối với Elisabeth Christine.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn trôi đi bình thường. Hai người sống với nhau nhưng trên thực tế, họ hoàn toàn xa cách. Friedrich Wilhelm I qua đời năm 1740. Cũng trong năm đó, Friedrich lên ngôi và trở thành Friedrich II.

Ngay khi ngồi lên ngai vàng, Friedrich II đã ra chỉ thị không cho phép Elisabeth đến cung vua tại thành phố Potsdam, bà chỉ được phép sống ở cung điện Schönhausen và những căn phòng tại Berliner Stadtschloss.

Trong những năm sau đó, mỗi năm Friedrich II chỉ đến thăm vợ một lần. Đó chính là lí do khiến cho mặc dù ở với nhau suốt một thời gian dài nhưng Friedrich II và Elisabeth không có con.

Tuy nhiên, tất cả những bí mật về mối quan hệ của Friedrich II và hoàng hậu đều được giữ kín để giữ thể diện hoàng gia. Ngoài vấn đề tình cảm vợ chồng không được như ý muốn, hoàng hậu Elisabeth vẫn được nhà vua đối xử đàng hoàng trong tất cả những chuyện khác. Mặc dù rất tủi phận nhưng trong suốt cuộc hôn nhân bất hạnh này, hoàng hậu Elisabeth Christine xứ Brunswick-Bevern vẫn không hé một lời than phiền.

Bản thân bà vẫn một mực tôn trọng Friedrich II và gọi ông là "Đức Vua kính yêu". Chính vì những điều đó mà cuộc hôn nhân bi đát của hai người đã không đi đến một kết cục xấu nhất là một vụ ly hôn.

Một trong những nơi mà Đại đế Friedrich II yêu thích nhất và thường xuyên lui tới đó là cung điện Sanssouci tại thành phố Postdam. Khi lựa chọn địa thế để xây dựng, quốc vương Friedrich II gọi đây là cung điện mùa hè của mình.

Đây cũng là nơi Friedrich II đón tiếp rất nhiều người bạn, trong đó có nhiều mối quan hệ đặc biệt của nhà vua. Cung điện Sanssouci lúc nào khách khứa cũng đông nghẹt. Tuy nhiên những người thường xuyên đến đây cũng dễ dàng nhận ra một sự thật, đó là gần như không có lúc nào hoàng hậu Elisabeth Christine xuất hiện bên cạnh nhà vua.

Đại đế Friedrich II luôn có những lí do chính đáng để từ chối sự có mặt của hoàng hậu bên cạnh mình. Với Friedrich II, sự có mặt của hoàng hậu giống như một sự “quấy rầy” đầy phiền phức. Ông thả mình vào những cuộc vui chơi với những người bạn văn thơ, thậm chí là những người hầu thân cận của mình.

Kỳ 2: Những cuộc tình gay cấn của vị vua đồng tính

> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa

Anh Lê

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.


Cùng chuyên mục

Không thể ngăn bước tiến của Nga, Ukraine mất tuyến phòng thủ phía tây Avdeevka

Thứ 7, 04/05/2024 | 14:00
Xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết. Thời tiết ấm áp và khô ráo sắp tới dự kiến sẽ khiến căng thẳng leo thang.

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Thời điểm bước ngoặt của Nga hé lộ, khí tài Mỹ liệu có thể giúp Ukraine?

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:00
Ukraine vẫn đối mặt với “thiếu hụt trầm trọng” hầu hết mọi thứ. Điều này khiến lực lượng Kiev gặp khó trong việc phản ứng trước các hoạt động của Nga.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Hungary sẽ tăng chi tiêu quốc phòng nếu xung đột Ukraine kéo sang năm sau

Thứ 6, 03/05/2024 | 16:02
Hungary, mặc dù phản đối mạnh mẽ sự hỗ trợ tài chính-quân sự của phương Tây cho Ukraine vì lo ngại xung đột lan khắp Châu âu, cũng đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
     
Nổi bật trong ngày

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Không thể ngăn bước tiến của Nga, Ukraine mất tuyến phòng thủ phía tây Avdeevka

Thứ 7, 04/05/2024 | 14:00
Xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết. Thời tiết ấm áp và khô ráo sắp tới dự kiến sẽ khiến căng thẳng leo thang.

Thời điểm bước ngoặt của Nga hé lộ, khí tài Mỹ liệu có thể giúp Ukraine?

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:00
Ukraine vẫn đối mặt với “thiếu hụt trầm trọng” hầu hết mọi thứ. Điều này khiến lực lượng Kiev gặp khó trong việc phản ứng trước các hoạt động của Nga.