Nhà thơ có buồn không?

Một ngày bất ngờ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm 77 tuổi vẫn tinh anh bỗng bất ngờ “ra đi” trong nhiều trang văn của học sinh. Nhà thơ đã ghi tên tác phẩm của mình trong chương trình sách giáo khoa có buồn không?

Năm nào cũng vậy, trước kì thi THPT, văn chương lại trở thành một đề tài “nóng bỏng” hơn bao giờ hết. Đâu đâu trên khắp các trang mạng xã hội người ta cũng nhắc đến những “Vợ chồng A Phủ”, “Người lái đò sông Đà”, “Sóng”, “Đất Nước” hay “Việt Bắc”… cùng với những dự đoán và quy luật hết sức thuyết phục.

Và năm 2020, khi đất nước ta phải đương đầu với một đại dịch của nhân loại, khi người ta nói nhiều về trách nhiệm với Tổ quốc, Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm trước vận mệnh của Đất nước và Nhân dân tác phẩm “Đất Nước” ( trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm dĩ nhiên rơi vào “tầm ngắm”.

Không phụ lòng mong đợi của nhiều thí sinh, tác phẩm này thực sự đã bước vào đề thi môn Ngữ Văn diễn ra vào sáng ngày 9/8.

Bao lâu nay chúng ta vẫn biết: Với văn chương, mỗi bài viết sẽ là một chất riêng, một lối viết riêng, một giọng văn riêng. Tuy nhiên, có một điều khá “khôi hài” (hoặc một “bi hài kịch” chăng?) đã diễn ra .

Đó là không ít thí sinh gặp nhau ở một điểm chung trong cách kết bài “Tuy nhà thơ đã đi xa nhưng những vần thơ của ông còn sống mãi với Đất Nước…” Liệu rằng nếu biết được điều này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sẽ có suy nghĩ như thế nào? Ông có buồn không?

Một nhà thơ sinh năm 1943, dẫu rằng cũng đang ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng vẫn minh mẫn, vẫn hết mình với văn chương, vậy mà trong một buổi sáng lại “ra đi” trên bao trang giấy.

Tôi vẫn luôn được dạy rằng khi học một tác phẩm, đầu tiên là phải tìm hiểu cho kĩ về tác giả, bởi chính “cha đẻ” của tác phẩm với phong cách nghệ thuật riêng, với những suy tư trăn trở sẽ trở thành yếu tố quan trọng tạo nên chiều sâu để cảm thụ tác phẩm.

Dẫu đúng là chương trình Ngữ Văn lớp 12 không có riêng một bài để học về tác giả Nguyễn Khoa Điềm nhưng chẳng lẽ không một ai nói cho các học sinh rằng tác giả vẫn chưa “đi xa” hay chính các thí sinh cũng chưa từng có ý thức phải tìm hiểu về tác giả trước.

Từ đó, vấn đề đặt ra ở đây là nhiều học sinh ngày nay đang học Văn trong nhà trường như thế nào? Là thầy cô bảo sao thì biết vậy? Hay học cốt là để đi thi? Để rồi khi tiếp cận một tác phẩm lại nhìn về tác giả của nó một cách hời hợt đến vậy.

Hay phải chăng một số học sinh đang mặc định rằng, chỉ khi một tác giả đã qua đời thì tác phẩm của người ấy mới được đưa vào sách giáo khoa?

Có một thực tế đáng buồn thay là dường như giữa thời đại 4.0 nên văn chương cũng theo dòng ấy mà thành “máy móc ”. Một bộ phận không nhỏ học sinh đang học văn theo lối tư duy quá đỗi rập khuôn, mở bài phải đúng công thức này, kết bài phải viết như thế kia.

Và tôi tự hỏi rằng, liệu như thế ý nghĩa của văn chương nằm ở đâu? Dường như cái vai trò nâng đỡ tâm hồn, vai trò hướng thiện của văn học đang nhạt nhòa dần đi đối với môn Văn trong nhà trường.

Phải chăng sự học giờ đây là kì thi này nối tiếp kì thi kia cho nên học sinh cũng học Văn là để đối phó với thi cử. Không cần biết chiều sâu của tác phẩm, không cần biết tác giả ra sao, không cần hay, không cần chính kiến của mình về tác phẩm ấy như thế nào, chỉ cần học đủ luận điểm, mạch ý để sẵn sàng “múa bút” với đề thi.

Không một ai có thể bắt người khác phải yêu cái gì. Với môn Văn cũng vậy, có người yêu nhưng cũng có người không dành tình yêu cho nó, đó là sự chọn lựa của mỗi người.

Nhưng suy cho cùng, một công thức Toán học phải chính xác tuyệt đối mới ra được kết quả, thì văn chương cũng vậy, “sai một li đi một dặm” bởi lẽ“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi, nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” - (trích tác phẩm “Đời thừa”- Nam Cao).

Lối kết bài về tác phẩm Đất Nước như vậy nhẹ nhàng thì gọi là “ngây ngô” nhưng đó cũng có thể coi là một sự thiếu tôn trọng với tác giả, tác phẩm. Văn chương là xúc cảm của tâm hồn, thế hệ trẻ ứng xử với văn chương như vậy sẽ hồi đáp lại những “tâm hồn chắp vá”!?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Thí sinh tại 3 tỉnh sẽ thi lại với đề thi dự phòng vì sai sót của 18 cán bộ coi thi

Thứ 2, 10/08/2020 | 19:26
Theo thông tin từ buổi họp báo của bộ GD&ĐT vào cuối giờ chiều ngày 10/8, do sai sót của 18 cán bộ coi thi chưa thực hiện đúng quy chế, không đảm bảo giờ làm bài cho thí sinh, nên những thí sinh này sẽ được tổ chức làm bài thi bù với đề thi dự phòng.

Tranh cãi vì cán bộ coi thi tốt nghiệp THPT sử dụng điện thoại

Thứ 2, 10/08/2020 | 18:23
Ngày thứ hai và cũng kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, tình trạng cán bộ sử dụng điện thoại vẫn diễn ra tại TP.HCM. Mặc dù lập biên bản nhưng trường hợp này vẫn không bị xem là vi phạm quy chế thi.