Luật sư của Phương

Luật sư của Phương "Ninh hột" không biết chuyện chạy án

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Là một trong những luật sư tham gia bào chữa cho anh em "ông trùm vùng biên Phương "Ninh Hột" (Nguyễn Tiến Phương và Nguyễn Tiến Chung) ở cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Phạm Hồng Hải có ý kiến gì khi nghe thông tin vợ Chung "Ninh Hột" đã từng chi 500.000 USD để chạy án cho chồng và anh chồng.

“Không ít người non kém kiến thức về tâm lý tội phạm”

Luật sư Phạm Hồng Hải (người đang đứng) đang bào chữa trong phiên tòa xét xử anh en Phương "Ninh Hột"

Ông đã tham gia bào chữa cho anh em Phương "Ninh hột" ngay từ giai đoạn điều tra, tiếp đó là ở cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xét xử, giữa hai cấp tòa đã có nhiều quan điểm không đồng nhất (thậm chí là mâu thuẫn) về việc đánh giá chứng cứ, vai trò phạm tội của anh em Phương "Ninh Hột". Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đây là một vụ án hình sự đã xảy ra trong quá khứ, nó khác với một vụ án hành chính hay dân sự đang tồn tại hoặc đang xảy ra. Để dựng lên bức tranh toàn cảnh về vụ án này là rất khó khăn. Khi có một vụ án hình sự xảy ra, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định có nhiều cơ quan (cơ quan điều tra, VKS, tòa án) cùng tham gia giải quyết.

Đặc biệt, trong hệ thống tòa án còn có hai cấp tòa là sơ thẩm và phúc thẩm, thậm chí bản án còn được xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm. Rõ ràng khi tham gia giải quyết hoặc làm rõ tính chất nghiêm trọng của vụ án, vai trò và mức độ phạm tội của từng bị cáo có nhiều cách đánh giá khác nhau.

Có thẩm phán đánh giá thế này, có thẩm phán đánh giá thế kia, đó là chuyện bình thường. Từ đó dẫn đến việc định tội danh, phán quyết các mức án khác nhau.

Ở nước ta, tòa án xét xử theo hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Khi bản án sơ thẩm được tuyên, nếu các bên có kháng cáo hoặc kháng nghị của VKSND cùng cấp thì tòa phúc thẩm sẽ xem xét lại bản án này. Việc tổ chức bộ máy xét xử này hạn chế tối đa oan sai trong các vụ án hình sự. Điều này đồng nghĩa với việc trong cùng một vụ án, cấp tòa sơ thẩm tuyên án nhẹ, nhưng lên phúc thẩm có thể tuyên án tăng lên hoặc ngược lại (nếu có kháng cáo, kháng nghị). Chuyện sửa đổi bản án theo hướng có lợi hoặc bất lợi cho bị cáo theo tôi là chuyện bình thường. Vì vậy, trong vụ án Phương "Ninh Hột", chúng ta không thể đặt câu hỏi vì sao cấp trên lại xử nhẹ hơn cấp dưới? Pháp luật của Việt Nam ngày càng nhân đạo hơn là ở chỗ đó.

Trong vụ án Phương "Ninh hột", Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải & Cộng sự có 3 luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra. Đó là tôi, luật sư Bùi Phương Lai và luật sư Chu Mạnh Cường. Chúng tôi xác định đây là vụ án phức tạp, ngay lúc đầu, cơ quan điều tra không đưa Phương, Chung vào tố tụng. Nhưng sau đó, Phương, Chung được đưa vào, đặc biệt Nguyễn Tiến Phương sau thành nhân vật trung tâm trong vụ án giết người có tổ chức (giết hai anh Trí và Điệp). Trong cả hai phiên tòa, tôi đưa ra nhiều quan điểm chứng minh không có dấu hiệu tổ chức giết người trong vụ án này (không có sự phân công người này làm việc này việc nọ...).

Mặt khác, xét về mặt tâm lý tội phạm, một doanh nhân đang làm ăn thành đạt như Phương khó có thể tính đến chuyện lời lãi, làm giàu từ việc giết người. Khi biết chuyện em trai (Chung) làm, Phương còn nói: "Mày đã đem họa về cái nhà này!", rồi đưa tiền cho Chung nói đưa nạn nhân đi chữa bệnh đủ chứng tỏ Phương không có tâm lý của kẻ giết người. Còn khẩu súng của Chung để trên xe là để tự vệ, đương nhiên mang súng như vậy là sai rồi.

Tuy nhiên, phải khẳng định Chung mang theo súng theo xe ô tô không phải có chủ định đi giết người. Khi đi đến Bến Lục Chắn, tình cờ Chung gặp đối thủ, mà đối thủ này cũng "nặng ký", có nhiều người được trang bị "hàng nóng" thì va chạm dẫn đến đổ máu là điều khó tránh khỏi. Thực ra Chung không chủ định giết Trí và Điệp, nhưng rõ ràng có ý định giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.ư

Ý ông là, dấu hiệu đồng phạm của Phương trong vụ án này không rõ ràng?

Đúng vậy. Phương không chỉ huy ai đánh, bắn Trí và Điệp, nhưng hai người này vẫn bị đánh, bắn. Trong hai phiên tòa (sơ thẩm và phúc thẩm), tôi đề nghị xem xét hành vi của Phương có phải là hành vi che giấu tội phạm, hay không tố giác tội phạm, còn nói Phương đóng vai trò chủ mưu giết người là không hợp lý. Nguyễn Tiến Chung là người trực tiếp lên ngã ba Lục Chắn nên hành vi phạm tội của Chung rõ ràng hơn Phương. Theo tôi, tòa sơ thẩm kết án tử hình anh em Chung, Phương là chưa chuẩn, đặc biệt là Nguyễn Tiến Phương.

Có thể nói, đây là vụ án khá phức tạp, chúng ta phải nhìn nhận đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo dưới góc độ tâm lý tội phạm mới thấy rõ bản chất của vụ án. Tôi nghĩ không ít người làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng còn non kém về kiến thức tâm lý tội phạm. Gần đây tôi tham gia bào chữa một vụ án giết người ở Hưng yên. Có 14 thanh niên uống bia, ăn nhậu để tiễn bạn đi nghĩa vụ quân sự, sau đó rủ nhau đi uống cà phê.

Một lúc sau nghe có thông tin người trong xã mình bị một kẻ xã bên đánh nên cả nhóm rủ nhau đi đánh trả thù. 14 thanh niên đến nhà người kia, ném gạch đá vào nhà, không thấy “mục tiêu” ở nhà liền kéo đi chỗ khác tìm kiếm. Lúc này 14 thanh niên chia làm ba nhóm, đi cách nhau một khoảng cách khá xa. Tốp đầu phát hiện ra đối tượng và đánh hội đồng, hệ quả làm anh này chết. Hai tốp sau không tham gia việc đánh người này. Thế nhưng, các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này vẫn quy kết cả 14 thanh niên này vào tội giết người. Họ lý giải: "nghe có người hô "đi đánh chết mẹ nó đi", ai đi theo tức là có ý định đi đánh chết người"(!?). Tôi thấy việc định tội danh này là không đúng. Cơ quan tiến hành tố tụng không cá thể hóa trách nhiệm hình sự cá nhân, không phân tích tâm lý tội phạm trong quá trình luận tội.

“Án sơ thẩm chưa khách quan, chưa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam”

Với sự phân tích như vậy, ông có bất ngờ về mức án tử hình mà HĐXX sơ thẩm đã tuyên đối với 2 anh em Phương, Chung?

Đây là vụ án lớn, gây sự chú ý của dư luận nhưng tôi hơi bất ngờ về hai án tử hình. Bởi vì hai bị cáo là anh em ruột, bị hại đều làm đơn xin giảm tội cho các bị cáo và phía gia đình bị cáo cũng đã bồi thường thỏa đáng cho gia đình bị hại. Vừa rồi, tôi có tham gia bào chữa hai vụ án cướp của giết người của 2 anh em ruột gây ra trong cùng 1 tháng. Vì tính nhân đạo, tòa án chỉ tuyên một bị cáo chung thân, một bị cáo 20 năm tù.

Với vụ Phương "Ninh Hột", trong phiên sơ thẩm, tôi nghĩ có chăng trong trường hợp xấu nhất, tòa chỉ tuyên một án tử hình, nhưng đằng này lại trái với sự suy đoán của tôi. Điều này nói lên rằng, án sơ thẩm chưa khách quan, chưa thể hiện hết tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Tôi còn được biết, sau khi tuyên án, bản án này ngay lập tức bị kháng cáo. Cũng may, lên cấp phúc thẩm, HĐXX đã nhìn nhận đúng bản chất vụ án và tuyên bản án, theo tôi là khách quan hơn. Theo đó Phương từ tử hình xuống lĩnh án 20 năm tù, Chung từ tử hình xuống án chung thân.

Và TAND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi lên TANDTC bảo lưu quan điểm của mình đã xét xử khách quan và đúng pháp luật?

Tôi nghĩ trong tố tụng hình sự không có thủ tục này và cũng không cần thiết phải có văn bản "trao đổi" như vậy. Cũng dễ hiểu thôi, trên thực tế, các thẩm phán rất sợ bị hủy án, sửa án, bởi vì việc này ảnh hưởng ghê gớm đến chuyện tái bổ nhiệm thẩm phán. Do vậy, trong nhiều vụ án, để chắc ăn, các thẩm phán thường có thỉnh thị tòa cấp trên. Dưới góc độ pháp luật, tòa án phải độc lập trong xét xử, việc báo cáo án cần phải dẹp bỏ. Ngược lại, tôi kiến nghị không nên xem xét việc bị hủy án, sửa án để tái bổ nhiệm thẩm phán. Chúng ta nên tạo cơ chế để thẩm phán không ỷ lại vào cấp trên, phải độc lập trong xét xử một cách tổng thể, và có trách nhiệm trong quyết định xét xử của mình.

Gần đây, vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm sau khi có thông tin vợ Chung "Ninh Hột" đã từng bỏ ra 500.000 USD để anh em họ thoát án tử hình, đó là: Khi tham gia vụ Phương "Ninh hột" luật sư có nhận được lời đề nghị "tế nhị" nào không?

Trước khi làm luật sư, tôi là một nhà giáo, một nhà khoa học. Tôi không cho phép mình làm điều gì đó, xui khiến thân chủ làm gì đó không đúng pháp luật. Tôi luôn cố hết sức mình để bảo vệ thân chủ trong hành lang pháp luật cho phép. Tôi luôn làm đúng pháp luật và không cho phép mình làm việc trái với lương tâm. Phải khẳng định trong vụ án này tôi không nhận được bất kỳ một lời đề nghị "tế nhị" như nhà báo nói.

Vị thẩm phán - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm có nói việc giảm án (từ tử hình xuống 20 năm tù đối với Phương "Ninh Hột") của cấp phúc thẩm là sự kiện hy hữu trong lịch sử tố tụng. Ông có đánh giá thế nào về lời nhận xét này?

Tôi khẳng định đây không phải là trường hợp hy hữu, chuyện cấp phúc thẩm giảm án hay ngược lại: tăng nặng hơn so với án sơ thẩm là chuyện bình thường.

Và trước phiên tòa sơ thẩm, ông đã từng biết đến thông tin gia đình Phương "Ninh Hột" bỏ ra 500.000 USD để chạy án với hy vọng: anh em nhà Phương "Ninh Hột" sẽ thoát án tử hình?

Chưa! Tôi chưa từng nghe thấy thông tin về chuyện chạy án. Còn xét dưới góc độ khách quan, về tâm lý thì trong mọi vụ án hình sự, bao giờ thân nhân, gia đình của các bị cáo cũng huy động hết khả năng của mình để làm sao có lợi nhất cho bị cáo. Các cụ ta có câu "máu chảy ruột mềm" mà.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm phóng viên

Cùng chuyên mục

Bình Thuận: Nhóm đối tượng tự ý dọn đồ đạc, đuổi người ra khỏi nhà, lãnh án tù

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:19
Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu.

Bình Phước: Thu giữ số lượng lớn rượu ngoại ở khu vực biên giới

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:00
Một số lượng lớn rượu ngoại, không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước thu giữ.

Quảng Nam: Tạm giữ người đàn ông không chịu đo nồng độ cồn, đánh công an

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:43
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ ly hôn 100 tỷ ở Đà Nẵng: Người chồng nhận phần lớn tài sản

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:39
Mặc dù tổng tài sản trong vụ kiện ly hôn 119 tỷ đồng, nhưng phía nguyên đơn chỉ nhận được 8 tỷ đồng, sau khi khấu trừ nợ chung.

Hà Nội: Một phụ nữ bị lừa 4 tỷ đồng vì ứng tiền thanh toán lấy hoa hồng

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:15
Sáng 18/5, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ một phụ nữ bị lừa mất 4 tỷ đồng với thủ đoạn ứng tiền thanh toán hộ để nhận hoa hồng.
     
Nổi bật trong ngày

Giao xe cho cháu chưa đủ tuổi điều khiển, bà ngoại bị khởi tố

Thứ 7, 18/05/2024 | 06:00
Bà Hoàng Thị Tha (SN 1958, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) vừa bị khởi tố vì giao xe máy cho cháu ngoại chưa đủ tuổi điều khiển, gây tai nạn giao thông.