Lễ, tết ở Hà Nội: Căng dây là tha hồ

Lễ, tết ở Hà Nội: Căng dây là tha hồ "chặt, chém"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Theo thông lệ, cứ mỗi dịp vào các ngày lễ, Tết, người dân Hà Nội luôn phải trả tiền trên quy định khi gửi xe nơi công cộng. Điều đáng nói, mặc dù tình trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Hỗn loạn phí trông giữ xe

Trưa 2/1 (ngày cuối cùng của lễ hội Hà Nội điểm hẹn phố và hoa năm 2012), chúng tôi có mặt tại điểm trông giữ xe trên phố Nguyễn Xí. Phố ngắn (khoảng 200m) nhưng san sát, ngổn ngang các loại xe cả trên vỉa hè lẫn lòng đường. Điểm trông giữ xe này nằm ngay cạnh UBND phường Tràng Tiền nhưng những người trông giữ xe ở đây vẫn thản nhiên thu tiền của khách với giá là 20.000đồng/xe máy.

Xã hội - Lễ, tết ở Hà Nội: Căng dây là tha hồ 'chặt, chém'

Bãi trông giữ xe trên phố Nguyễn Xí lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

Khách nào thắc mắc, sẽ nhận được câu trả lời "Quy định là vậy, gửi thì gửi không thì đi chỗ khác. Hôm trước giá vé lên tới 40.000 - 50.000 đồng mà chẳng còn chỗ gửi".

Tiếp tục đảo qua một vài điểm trông giữ xe xung quanh, chúng tôi đều được các chủ trông giữ xe hét mức giá tương tự. Anh Tạ Đình Hiếu, trú tại phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc: "Không hiểu các cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động trông giữ xe ra sao mà mỗi nơi thu một kiểu. Cách đây 2 hôm tôi có đưa người nhà lên thăm phố hoa ở bờ Hồ phải gửi xe mãi tận khu vực Nhà hát Lớn mất 30.000đồng/xe máy. Còn người bạn gửi xe máy tại phố Nguyễn Xí bị họ chém đến 50.000 đồng".

Cùng chung tâm trạng, ông Trần Hoàng Bình ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Việc các điểm trông giữ xe tự ý tăng giá phí nhằm chặt chém người gửi vào các dịp lễ, Tết chẳng có gì lạ nhưng cái tôi ngạc nhiên là mức giá tăng quá cao. Gửi được chiếc xe ô tô để vào ngắm phố hoa, tôi phải chi mất khoản tiền 150.000 đồng, trong khi đó mức giá trông giữ xe ô tô của Nhà nước là 10.000/lượt. Cơ quan quản lý không có biện pháp ngăn chặn thì chỉ khổ người dân".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP.Hà Nội quy định các điểm trông giữ xe phải "chấp hành đúng quy định về phí và lệ phí; thực hiện niêm yết giá công khai và đảm bảo công tác về phòng chống cháy nổ...". Tuy nhiên, tại thời điểm chúng tôi có mặt tại phố Nguyễn Xí, các điểm trông giữ xe tại khu vực này đều vi phạm quy định trên. Các biển hiệu thông báo về thời gian, mức giá, vạch sơn kẻ chỉ phạm vi trông giữ đều không có hoặc không rõ ràng.

Việc thu phí vượt quá quy định không chỉ xảy ra ở phố Nguyễn Xí mà theo khảo sát của chúng tôi, hàng loạt các tuyến phố khác như Phủ Doãn, Triệu Quốc Đạt, Hai Bà Trưng, Hàng Ngang - Hàng Đào; phủ Tây Hồ, khu vực Bia Bà đều thu vượt quá quy định rất nhiều lần. Đặc biệt, nhiều điểm trông giữ xe còn sử dụng tờ tích kê ghi biển kiểm soát chỉ là một tờ giấy nhỏ và được bôi mực đỏ lòe loẹt khiến người gửi rất khó phân biệt được bãi giữ xe này do tổ chức nào quản lý?

"Bó tay" trước nạn "phá giá" trông giữ xe?

Theo quy định của UBND TP.Hà Nội, giá trông giữ xe đạp chỉ được thu 1.000 đồng vào ban ngày; 2.000 đồng vào ban đêm và 2.000 đồng /xe máy ban ngày; 3.000 đồng vào ban đêm và 10.000 đồng/lượt/ô tô. Trên thực tế, hiện rất hiếm bãi trông giữ xe ở Hà Nội thực hiện đúng quy định này.

Xã hội - Lễ, tết ở Hà Nội: Căng dây là tha hồ 'chặt, chém' (Hình 2).

Giá vé quy định có 2.000 đồng nhưng khách phải trả gấp 15 - 20 lần vào mỗi dịp lễ, Tết

Tình trạng các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, tùy tiện đưa ra các mức giá khác nhau đã diễn ra nhiều năm nay và không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Việc nhân viên các bãi trông giữ xe mặc sức hét giá tại mỗi điểm đã khiến nhiều người dân bức xúc nhưng do công tác thanh, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên nên tình trạng trên không hề giảm. Trên thực tế, việc trông giữ xe được giao cho 5 ngành: Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, chi cục Thuế, các đơn vị xã, phường và các công ty quản lý bãi trông giữ xe. Tuy nhiên, người dân hàng ngày, hàng giờ vẫn bị "chặt chém".

Đề cập tới công tác quản lý và việc thu phí quá cao của các điểm trông giữ xe trên địa bàn, ông Đặng Đình Bằng, chủ tịch UBND phường Tràng Tiền đã từ chối trả lời phóng viên với lý do "đang bận làm báo cáo". Một thanh tra giao thông Hà Nội cho biết: "Các điểm trông giữ xe máy, xe đạp thu giá cao tập trung nhiều nhất ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Trong khi đó, thanh tra giao thông chỉ có chức năng xử phạt những trường hợp trông giữ xe không đúng diện tích, không phép, quá phép còn việc thu giá cao, "chặt chém" phải do thanh tra Sở Tài chính xử lý.

Nói theo cách của một giám đốc một công ty trông giữ xe tại Hà Nội (đề nghị giấu tên): "Sở dĩ các bãi trông giữ xe phải thu vượt giá quy định vì hàng tháng, họ phải đóng rất nhiều khoản tiền như tiền an ninh, trật tự, tiền thuê đất, tiền "quan hệ" cho một điểm trông giữ xe".

Quỳnh Chi