Ký sự: Ngủ lang thang khắp nẻo Sài thành

Ký sự: Ngủ lang thang khắp nẻo Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Họ là những mảnh đời tha hương, rời quê vào đất Sài thành kiếm sống. Vất vả bươn chải mưu sinh suốt cả ngày, khi đêm đến, nhiều người trong số họ tìm về bến xe miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM)để bắt đầu giấc ngủ muộn của mình.

Giấc ngủ không dễ dàng

Khi Sài Gòn vào mùa mưa, cũng là lúc những người không nhà thêm nặng lòng cho giấc ngủ mỗi đêm. Khuya ngày 7/7, sau một cơn mưa tầm tã, tôi tìm đến khu vực cho thuê chỗ ngủ tại Bến xe miền Đông và chứng kiến không biết bao nhiêu mảnh đời tha hương lủi thủi tìm cho mình giấc ngủ vội.

Trời càng về khuya, càng lạnh. Vậy mà ngay mái hiên Bến xe miên Đông, cụ bà Nguyễn Thị Hạnh (80 tuổi) trong bộ đồ bà ba màu xanh, không gối, không mền, không chiếu đang co ro nằm ngủ.

Bà thức dậy, buồn rầu tâm sự cho tôi nghe về hoàn cảnh éo le của mình. Quê bà ở tận Bạc Liêu, quanh năm suốt tháng hai vợ chồng già chỉ biết dãi nắng dầm mưa trên mảnh ruộng, miếng vườn. Nhưng trời không thương, trong một lần bệnh nặng, chồng bà đi khám, mới hay mình đã mang trong người căn bệnh chết người: Ung thư! Mọi nỗi khổ của bà bắt đầu từ đó.

Cụ bà Nguyễn Thị Mai co ro nằm ngủ trong đêm mưa lạnh

Khăn gói, bà đưa chồng lên bệnh viện Bình Dân TP.HCM điều trị. "Trăm thứ bà rằn" tiền ăn ở, tiền phẫu thuật, tiền xạ trị, vô hóa chất... một thời gian dài, đã làm vợ chồng bà kiệt quệ về tài chính. Ruộng vườn ở quê bán dần bán mòn rồi cũng hết. Nói đến đây, giọng bà nghẹn lại: "Hết tiền để vô thuốc, vậy là ông ấy qua đời, bỏ tôi mà đi".

Muốn về quê cũng không được vì chẳng còn đất để "cạp mà ăn" như lời bà nói, lại không con cái nên buồn tủi, bà đành phải lây lất "bám" đất Sài thành mà sống cho qua ngày.

Tiền kiếm được không đủ ăn, huống hồ dư ra để thuê nhà trọ.

Bà nói: "Bây giờ một cái phòng trọ ọp ẹp ít nhất cũng đã là 50.000 đồng rồi". Tối đến, bà lại về Bến xe cho đỡ lạnh, ngủ tạm đợi trời sáng. Bà buồn bã cho biết: "Hôm nào trời không mưa còn đỡ. Nếu mưa thì chỉ biết thức trắng, chờ mưa tạnh vì trời lạnh, chịu không tài nào ngủ được".

Chuyện tắm giặt, vệ sinh, bà nhờ vào Miếu Quan Âm bên đường Nơ Trang Long. Khi tôi hỏi bà điều bà ước mơ nhất lúc này là gì. Bà đáp ngay: "Mong kiếm được một ít tiền để về quê, chứ vật vạ ở đây khổ quá!".

"Ngã đâu là giường"

Nằm cạnh bà Hạnh lúc ấy là anh Huỳnh Văn Nhơn (27 tuổi) cũng đang co ro vì lạnh, bên cạnh là chiếc xe đạp đã được khóa cẩn thận. Nếu so với những mảnh đời khác, có lẽ anh ngủ sang hơn một chút, nhờ... tấm nệm. Ban ngày anh bán vé số, từ nhỏ mồ côi cha mẹ, sống nhờ nhà cậu mợ nhưng vì bị hắt hủi nên bỏ nhà ra đi lang thang từ khi còn bé xíu đến tận bây giờ.

Anh nói: "Thế này đâm ra cũng khỏe, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường".

Bên trong Bến xe, tại khu vực cho thuê chỗ ngủ, hàng trăm mảnh đời nghèo khổ, túng thiếu đang co ro, chen nhau ngủ. Đủ mọi thành phần, đủ nghề: Bán vé số dạo, lượm phế liệu, bán máu... Tất cả đều đợi trời sáng để bắt đầu một ngày mới mưu sinh. Khi mọi người đều đã nằm và chuẩn bị ngủ thì ông Hoàng Quốc Mạnh (SN 1957, Quê Nam Định) vẫn nằm trằn trọc, hút thuốc mãi. Rít một hơi thuốc dài giọng ông buồn bã: "Khổ quá cô ạ! Mấy hôm nay tôi nóng ruột, định về quê mà chẳng có tiền!".

Ông và cậu con trai út từ Nam Định vào TP.HCM với hi vọng nơi đây "kiếm ăn dễ dàng hơn". Khi mới vào, ông cứ nghĩ mọi việc sẽ dễ dàng, con trai ông sẽ đi phụ hồ hay chạy bàn ở một quán ăn nào đó. Còn ông thì sẽ tìm một chỗ phụ sửa xe đạp, với hy vọng sẽ có đủ tiền gom góp rồi về quê tìm một nghề ổn định nào đó. Tiền không có, người thân cũng không, hai cha con ông bơ vơ giữa một nơi xa lạ.

Bí thế, cậu con trai ông đành đi xin làm bốc vác cho một đại lí gạo, còn ông dù bệnh tật nhưng đều đặn hằng ngày vẫn quảy cái bao, bước chân rong ruổi khắp nơi, tìm nhặt bọc ni-long, vỏ chai nước suối... kiếm tiền ăn cơm. Tối về Bến xe thuê đỡ chỗ ngủ với giá 5000 đồng để có chỗ đặt lưng, sáng mai lại tiếp tục công việc. Ông nói: "Tôi đã không có tiền, nhưng cũng phải thuê người ta giặt đồ 7000 đ/ kg vì chẳng biết giặt ở đâu. May là mấy anh trong công viên Gia Định thương, cho tắm nhờ".

Tôi hỏi ông: "Sao chú không tìm vài người thuê nhà ở chung cho rẻ?". Ông cho biết: "Có tiền thì chẳng ai ngủ ở đây. Thân tôi lạ hoắc, lại nghèo khổ, ai tin mà dám ở chung".

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực này cũng có một vài người chờ trời vừa hửng sáng để bước sang bệnh viện 115 bán máu. Còn gì khốn khổ hơn khi phải bán máu để nuôi chính bản thân mình. Bệnh viện 115 chỉ lấy máu vào hai ngày đầu tuần nên họ cũng phải tranh thủ "thời cơ".

Ông Tư Khoảng (40 tuổi, quê ở Tiền Giang) mặt hốc hác, nói: "Tụi tui khổ lắm cô ơi. Toàn người tha hương lữ thứ, sáng mai tôi cũng phải đi bán máu kiếm tiền ăn". Rồi ông hài hước: "Trước khi được lấy máu, tôi đã phải chịu trận cho lũ muỗi ở đây "lấy" trước rồi". Mọi người cười hùa, tán thành với câu nói của ông Tư, nhưng trong ánh mắt ai ai cũng chất chứa những nỗi buồn.

Những tiếng thở dài

Một số người nghèo khổ không nhà đành ngủ trong bến xe

Chuyện ngủ tập thể đến ngủ lang thang, thức dậy mất đôi dép là chuyện vẫn thường hay xảy ra. Anh Nhơn nói: "Tôi mất 3 đôi rồi đó. Bây giờ cứ gối dép xuống đầu ngủ là chắc ăn". Cách đây một tháng, khi thức dậy, anh đã mất sạch vài trăm ngàn mà anh dành dụm được bấy lâu, luôn cả túi đựng quần áo.

Ông Tư nói thêm: "Nhiều lúc đang ngủ, một tên bụi đời nào đó đến đánh thức xin tiền. Không cho là nó kiếm chuyện. Nhiều khi không có tiền nói thật mà nó không tin".

Thường những mái hiên của Bến xe gần như thấp bằng lòng đường. Trong khi đang ngon giấc, chuyện bị một chiếc xe của một gã say nào đó "vô tình" đâm sầm vào, rất thường xảy ra. Anh Nhơn cười: "Chết có số, trời kêu ai nấy dạ thôi! Biết làm sao bây giờ? ".

Chỉ những người bỏ 5000 đồng thuê chỗ ngủ mỗi đêm thì mới được ngủ yên. Còn những ai ngủ "chui" thì bị chửi là chuyện thường tình. Ngủ trong bến xe vốn không được cho phép, nên phải luôn "canh me" giờ giấc, giấc ngủ không bao giờ yên ắng. Nhiều lúc ý tứ vẫn bị mắng ngay giữa đêm vắng, khi "vô tình" chọn ngay chỗ có bảo vệ trực. Ông Tư tặc lưỡi: "Phải chịu thôi, mình không nhà không cửa, ăn nhờ ngủ ké, vi phạm quy định nên bị mắng là đúng, phải chịu đựng".

Thu Thúy

Cùng chuyên mục

Bình Thuận: Nhóm đối tượng tự ý dọn đồ đạc, đuổi người ra khỏi nhà, lãnh án tù

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:19
Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu.

Bình Phước: Thu giữ số lượng lớn rượu ngoại ở khu vực biên giới

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:00
Một số lượng lớn rượu ngoại, không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước thu giữ.

Quảng Nam: Tạm giữ người đàn ông không chịu đo nồng độ cồn, đánh công an

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:43
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ ly hôn 100 tỷ ở Đà Nẵng: Người chồng nhận phần lớn tài sản

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:39
Mặc dù tổng tài sản trong vụ kiện ly hôn 119 tỷ đồng, nhưng phía nguyên đơn chỉ nhận được 8 tỷ đồng, sau khi khấu trừ nợ chung.

Hà Nội: Một phụ nữ bị lừa 4 tỷ đồng vì ứng tiền thanh toán lấy hoa hồng

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:15
Sáng 18/5, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ một phụ nữ bị lừa mất 4 tỷ đồng với thủ đoạn ứng tiền thanh toán hộ để nhận hoa hồng.
     
Nổi bật trong ngày

Giao xe cho cháu chưa đủ tuổi điều khiển, bà ngoại bị khởi tố

Thứ 7, 18/05/2024 | 06:00
Bà Hoàng Thị Tha (SN 1958, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) vừa bị khởi tố vì giao xe máy cho cháu ngoại chưa đủ tuổi điều khiển, gây tai nạn giao thông.