Hai chị em cùng mắc bệnh “mắt ma” bí hiểm

Hai chị em cùng mắc bệnh “mắt ma” bí hiểm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Có thể rất nhiều người khi tận mắt nhìn thấy hai chị em cô bé Ngọc Ánh, Anh Khoa sẽ cảm thấy rất sợ hãi bởi vẻ bề ngoài dị thường của các em.

Nỗi đau trẻ thơ

Chúng tôi tìm đến đường vào làng Lưu Thượng 2, xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nơi có 2 cháu bé mắc phải căn bệnh "mắt ma" kỳ lạ. Ông Lê Đình Cảnh (79 tuổi, ông nội) của 2 cháu cho biết: Khi chị Thảo mới sinh cháu Ngọc Ánh, da bé nhẵn thín như quả bưởi, 2 tai bị dính chặt, đầu không có tóc, mắt lộn ngược, xếch lên. Các đốt xương và cổ của cháu, da bị nứt ra bong thành từng vẩy. Gia đình phải để cháu ở lại bệnh viện hơn một tuần để các bác sỹ theo dõi.

Trong thời gian đó vì phải trông nom cháu khá vất vả, có lúc mọi người cũng bàn cho cháu về. Nhưng rồi không ai đành lòng nên lại cố gắng ngày đêm túc trực cùng bác sỹ theo dõi cháu. Khi gia đình hỏi tình hình sức khỏe của cháu thì được bác sỹ điều trị cho biết có 3 trường hợp bệnh giống như cháu Ánh nhưng hiện tại chưa rõ bệnh này là bệnh gì. Nghe bác sỹ nói vậy cả gia đình đều rất buồn và chán nản. Bố mẹ cháu là anh Tuấn chị Thảo gần như là tuyệt vọng vô cùng. Nhưng mọi người vẫn cố gắng đưa cháu đi chữa ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng... nhưng không hiệu quả.

Pháp luật - Hai chị em cùng mắc bệnh “mắt ma” bí hiểm

Chị Thảo bất lực trước căn bệnh lạ của các con.

Chị Thảo (mẹ 2 cháu) trải lòng: Cuộc đời thật không công bằng. Gia đình chị đã nghèo, vậy mà đến khi chị sinh cháu thứ hai là Anh Khoa cũng mắc bệnh giống như chị nó. Mỗi lần thấy các con đau đớn chị lại ứa nước mắt thương con và xót xa cho thân phận mình. Khi sinh con ra, vợ chồng chị cũng như mọi người trong nhà ai cũng mong mỏi đợi chờ. Nhưng ác thay, cả 2 đứa đều có dấu hiệu bệnh giống nhau. Chỉ nửa giờ sau khi chào đời, người các cháu cứ bóng như quả cà chua và đỏ lừ. Rồi từ đó, các cháu lớn lên cùng nỗi đau bị bệnh tật.

Thương con, vợ chồng chị chỉ biết cố gắng làm lụng kiếm tiền để chữa chạy cho các con. Gia đình quá nghèo, chi phí điều trị cho các cháu rất tốn kém nên mỗi năm anh chị chỉ có thể đưa các con đi điều trị 4, 5 lần. Sau mỗi lần như vậy, bệnh của các cháu cũng chỉ thuyên giảm một chút chứ không khỏi.

Chị Thảo cho biết, 2 cháu đều bị sinh thiếu tháng nhưng sức khỏe bình thường, duy chỉ có làn da bên ngoài là bị như vậy. Da các cháu luôn bị nứt nẻ, bong vẩy. Ngày nắng nóng thì đỏ bừng bừng làm cho các cháu luôn bị sốt, ngày hanh khô thì nứt ra, chảy máu. Thỉnh thoảng 2 cháu còn bị buốt chân (đau trong xương) chỉ biết khóc thét lên khiến cho ông bà, bố mẹ đau lòng bất lực nhìn các cháu bị cơn đau hành hạ.

Chị Thảo cho biết thêm, từ khi sinh ra tới nay chỉ có duy nhất một lần các cháu khỏi bệnh và mắt cũng trở lại bình thường như mọi người. Nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn, bệnh các cháu lại như cũ, da vẫn bị căng, bị bong thành vẩy rồi lại nứt ra chảy máu. Theo chu kỳ một năm thì trong vòng khoảng một tháng là bệnh các cháu có đỡ nhưng chỉ đỡ ở hai bên má còn các phần khác không có gì tiến triển. Phần nặng nhất chính là ở đầu, da cứ bong lên trắng xóa làm cho tóc mọc lên dính rối vào với nhau. Hồi bé các cháu không có tóc, lớn lên tóc cũng mọc nhưng lưa thưa. Ở gần mắt, da cũng bị căng làm cho mắt các cháu cứ lộn ngược lên, mí mắt xếch lên, mỗi khi ngủ không thể nhắm mắt vào được mà trợn lên đỏ lừ. Thị giác của các cháu cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, nhìn gần thì không sao nhưng nhìn xa thì bị lóa và không rõ.

Cha mẹ hy vọng có phép màu bớt nỗi đau cho con

Nhìn 2 đứa con đang vô tư chơi đùa, chị Thảo nghẹn ngào kể tiếp: Các cháu bị bệnh tật là thế nhưng rất ngoan ngoan, lễ phép, biết thương ông bà, bố mẹ. Các cháu cũng chăm chỉ học hành, thường được thầy cô khen. Tính tình các cháu khá cởi mở, luôn muốn gần gũi với mọi người nhưng khi nào bệnh phát triển lên dầy kín mặt thì các cháu lại cảm thấy bị mặc cảm. Ban ngày các cháu chơi đùa bình thường nhưng cứ đến lúc đi ngủ lại quấy khóc cho tới sáng, da bong và bị nứt nẻ làm các cháu ngứa, rát, nói không ra tiếng. So với Ngọc Ánh thì Anh Khoa có vẻ quấy hơn nhiều. Mỗi lần con đau và gắt lên chị rất mệt mỏi nhưng càng thương con da diết hơn. Chị ước có thể thay con chịu đựng những dằn vặt đau đớn đó.

Còn anh Tuấn, sau khi chị sinh cháu Anh Khoa thấy cháu cũng bị như Ngọc Ánh, anh gần như suy sụp hoàn toàn. Anh luôn cảm thấy buồn, chán và mặc cảm với mọi người, suốt ngày chỉ lao đầu vào công việc cố kiếm thật nhiều tiền lo chữa bệnh cho những đứa con bé bỏng tội nghiệp.

Pháp luật - Hai chị em cùng mắc bệnh “mắt ma” bí hiểm (Hình 2).

Hai chị em bị bệnh "mắt ma" đang cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Chị Thảo tâm sự: Lúc nhỏ, khi thấy mọi người nhìn 2 đứa mà không dám đến gần, chúng chỉ ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Lớn lên một chút, mỗi khi chạy ra chơi với trẻ con, thấy thái độ người khác né tránh mình, các cháu lại chạy về nhà tủi thân kể với bố: "Bố ơi, con bị bệnh thế này người ta cứ bảo con là con ma", rồi 2 đứa cùng òa khóc nức nở. Phải gánh chịu nỗi đau về thể xác hai cháu lại bị mọi người xa lánh, hắt hủi nhưng các cháu vẫn cố gắng học tập. Chị Thảo chia sẻ: Thời gian đầu các cháu tới lớp, cũng bị các cô giáo tránh xa, cứ cô nọ đùn đẩy cho cô kia không nhận hai cháu vào học, chị phải dẫn con lên tận cô hiệu trưởng trình bày hoàn cảnh gia đình, các cháu mới được nhận vào học. Mẹ chồng chị phải lên tận bệnh viện xin giấy chứng nhận là bệnh của các cháu không bị lây các cô mới cho vào học.

Hiện tại, 2 cháu vẫn đang ở nhà cùng với ông bà nội, vợ chồng anh chị vẫn phải đi làm ăn ở trên Hà Nội. Mỗi tuần chị Thảo về nhà một lần (chị bán hàng thuê ở Gia Lâm) tắm rửa, gặp các con được khoảng 1 - 2 tiếng rồi lại phải đi ngay. Còn anh Tuấn đã cố gắng vay mượn, học được cái bằng lái xe cũng mới lên Hà Nội làm được vài ba tháng nay. Mọi sinh hoạt cũng như chuyện học hành của các cháu vợ chồng chị đành phải gửi gắm cho ông bà nội giúp. Đi làm được bao nhiêu, hai anh chị đều tiết kiệm, gom góp để mua thuốc chữa bệnh cho các con. Vì kinh tế quá eo hẹp nên các cháu không có điều kiện đi chữa bệnh thường xuyên mà chỉ ở nhà uống thuốc và bôi những loại thuốc làm mát da.

Vì có 2 đứa con thường xuyên bệnh tật nên gia đình chị được xã công nhận thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Chị Thảo nhớ lại, cách đây 2 năm khi các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo được Nhà nước cho quà, mỗi khẩu được 200.000đ, gia đình anh chị và hai cháu được 800.000đ. Thấy gia đình chị, vợ chồng vẫn khỏe mạnh chỉ có con cái bị bệnh tật mà lại được tiền, nên xóm làng có phần dị nghị. Ông trưởng thôn và cả trên huyện cũng đã về để xác minh lại hoàn cảnh gia đình chị, và từ đó gia đình không còn nhận được chế độ nào nữa.

Tươi Pháp


Cùng chuyên mục

Phúc thẩm Việt Á: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được giảm án

Thứ 6, 17/05/2024 | 17:03
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và một số bị cáo đã được xem xét chấp nhận kháng cáo và giảm án so với phiên sơ thẩm trước đó.

Mánh khoé của người đàn ông lừa bạn góp vốn đầu tư chiếm đoạt tiền tỷ

Thứ 6, 17/05/2024 | 17:03
Chơi cờ bạc nợ nần nhiều, Thịnh lên kế hoạch lừa bạn góp tiền tỷ đầu tư làm ăn. Khi bạn yêu cầu trả tiền, Thịnh đưa ra nhiều lý do với mục đích trốn nợ.

Quảng Ngãi: Khởi tố vụ chìm sà lan làm 4 người chết, 5 người mất tích

Thứ 6, 17/05/2024 | 17:02
Sà lan chìm trên biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) khiến 4 người tử vong nhưng không trùng danh sách đăng ký khi hoạt động.

Công an Quảng Bình truy nã đặc biệt đối tượng giết người rồi bỏ trốn

Thứ 6, 17/05/2024 | 16:20
Sau khi giết "vợ hờ", đối tượng Thông đã nhắn tin cho người nhà rồi bỏ trốn từ ngày 6/5, không xác định được đang ở đâu.

Bình Thuận: Bắt đối tượng cưa trộm 1.100 cây keo lá tràm

Thứ 6, 17/05/2024 | 16:18
Đối tượng khai nhận đã thực hiện hành vi cưa trộm keo lá tràm nhiều lần từ giữa tháng 4/2024. Thời gian thực hiện hành vi thường vào khoảng 20h đến 22h tối.
     
Nổi bật trong ngày

Cảnh báo nhóm tội phạm người nước ngoài đang phát triển ở Việt Nam

Thứ 6, 17/05/2024 | 14:57
Liên tiếp các vụ trộm cắp, lừa đảo là người nước ngoài bị Cơ quan Công an khởi tố, triệt phá.

Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thứ 5, 16/05/2024 | 07:00
Thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi, am hiểu chính sách, người dân cần đặc biệt nêu cao cảnh giác, liên hệ với các kênh chính thống của BHXH Việt Nam.