Người Đưa Tin (NĐT): Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở ra một chương mới đối với lịch sử đất nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. 70 năm nhìn lại từ sự kiện có ý nghĩa thời đại này, xin Bí thư khái quát một số nét chính về diện mạo mới và những thành tựu phát triển nổi bật của tỉnh Điện Biên trong những năm qua?

Ông Trần Quốc Cường: Từ ngày 13/3/1954 đến ngày 07/5/1954 đã diễn ra trận quyết chiến ròng rã “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mở ra một chương mới đối với lịch sử đất nước ta. 70 năm nhìn lại, mảnh đất Điện Biên anh hùng năm xưa giờ đã khoác lên mình diện mạo mới.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,33%/năm, tăng cao so mục tiêu Nghị quyết (tăng 2,33 điểm % so với mục tiêu Nghị quyết). GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, ước thực hiện năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,88%, công nghiệp - xây dựng chiếm 20,92%, dịch vụ chiếm 58,11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,09%.

Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 41.892,19 tỷ đồng, đạt 71,61% mục tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5.619,79 tỷ đồng. Hoạt động tài chính đạt được kết quả tiến bộ, góp phần cải thiện cân đối thu, chi ngân sách, tạo nguồn cho đầu tư phát triển; tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 41.561,08 tỷ đồng, đạt 70,68% mục tiêu Nghị quyết.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, làm thay đổi diện mạo đô thị và nhiều vùng nông thôn. An sinh xã hội được đảm bảo; tỉ lệ giảm hộ nghèo bình quân hiện nay đạt 4,32%/năm, xuống còn 25,68% vào cuối năm 2023. Đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Các thiết chế văn hóa - xã hội cơ sở tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo các điều kiện để người dân được học tập. Hệ thống y tế phát triển rộng khắp tới các thôn, bản, đảm bảo các điều kiện để người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, thực hiện tốt chiến lược quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng và tổ chức quốc tế. Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định... đã tạo môi trường thuận lợi để Điện Biên phát triển kinh tế - xã hội.

Đến Điện Biên hôm nay, du khách có thể cảm nhận rất rõ về cuộc sống từ thành thị đến nông thôn ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh đã khoác trên mình một tấm áo mới. Sự đổi thay kỳ diệu của tỉnh như thắp sáng thêm niềm tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

NĐT: Không chỉ là vùng đất của lịch sử cách mạng, Điện Biên còn sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để vươn mình đi lên. Xin ông cho biết, Điện Biên sẽ định vị mình ở đâu trong bức tranh phát triển chung của đất nước và đâu là những giá trị cốt lõi mà tỉnh hướng đến?

Ông Trần Quốc Cường: Điện Biên cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây Bắc, là một trong hai tỉnh trong cả nước có đường biên giới với 2 quốc gia, với vị trí thuận lợi, nằm ở ngã ba biên giới giáp cả 2 nước Lào và Trung Quốc. Điện Biên nằm trong không gian hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), và là cửa ngõ phía Tây của vùng và của Việt Nam với các nước ASEAN vì vậy giữ vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng và an ninh.

Dù hiện tại, Điện Biên xếp ở nhóm thấp trong vùng và cả nước về quy mô kinh tế, các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và hạn chế, song tỉnh đang nỗ lực, quyết tâm, đặt ra những định hướng dài hạn và kế hoạch cụ thể để hướng đến tương lai. Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: Đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

NĐT: Đóng vai trò là phên dậu của đất nước, Điện Biên định hướng như thế nào về các trụ cốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để không chỉ giữ vững bình yên nơi biên cương mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân?

Ông Trần Quốc Cường: Trong những năm tới đây, Điện Biên xác định tiếp tục quan tâm đầu tư, thúc đẩy 4 cực phát triển của tỉnh là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất, đúng quy định để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển đô thị, năng lượng tái tạo.

Tiếp tục nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đào tạo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội…

Đặc biệt, căn cứ theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên mới được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Điện Biên xác định một số điểm đột phá; trong đó đặt trọng tâm phát triển, phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp. Tỉnh tập trung phát triển các giống cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, mắcca; các giống dược liệu quý dưới tán rừng như sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh; nuôi trồng các loại thủy sản giá trị như cá tầm, cá hồi nước lạnh; khai thác rau củ quả cao cấp phục vụ cho nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/4/2023, tỉnh Điện Biên đang khẩn trương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên Phủ trong năm 2024, 2025.

Để phát huy thế mạnh về lịch sử, thiên nhiên, văn hóa, Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực của phát triển kinh tế - xã hội, đưa Điện Biên trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của vùng Tây Bắc, dựa trên 3 trụ cột: Du lịch lịch sử, tâm linh; Du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Trong đó trung tâm là bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

NĐT: Việc nhận diện các thách thức, “điểm nghẽn” có vai trò quan trọng đối với các địa phương trong việc dành nguồn lực để khơi thông. Với đặc thù của Điện Biên, xin ông cho biết, đâu đang là “điểm nghẽn” lớn nhất cần giải quyết để tạo động lực cho tỉnh chuyển mình, phát triển?

Ông Trần Quốc Cường: Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, để tạo động lực cho phát triển, tỉnh cần tập trung giải quyết 6 điểm nghẽn.

Thứ nhất, về vốn đầu tư, trong giai đoạn tới Điện Biên cần tập trung một nguồn vốn lớn để đầu tư, cần có nhiều giải pháp để huy động vốn từ các nguồn khác nhau.

Thứ hai, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, như kết nối các trung tâm đô thị với trọng điểm sản xuất, các vùng sản xuất tập trung, các địa bàn trọng yếu, khu vực tập trung dân cư còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, các liên kết nội tỉnh và với các tỉnh lân cận trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, vận tải…để khai thác tối đa tiềm năng của các địa phương trong tỉnh cũng như tận dụng được lợi thế phát triển chưa cao. Các liên kết này còn yếu, chủ yếu dựa vào các tuyến giao thông đường bộ, trong nội tỉnh có huyện chưa có tuyến quốc lộ chạy qua (huyện Tủa Chùa), kết nối giao thông với các tỉnh lân cận nhiều địa phương chưa có tuyến liên kết với tỉnh lân cận.

Thứ tư, các chỉ số về năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh nằm ở mức thấp so với cả nước.

Thứ năm, chênh lệch về GRDP/người so với trung bình cả nước và chênh lệch thu nhập trên địa bàn tỉnh. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa vùng thấp với vùng cao và giữa khu vực nông nghiệp (chiếm đại đa số) với khu vực phi nông nghiệp còn rất lớn.

Cuối cùng, là tỉnh có trên 90% số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn các khu vực vùng sâu vùng xa.

Từ việc xác định các điểm nghẽn trên, tỉnh đang định hướng các chiến lược dài hạn, kế hoạch cụ thể và giải pháp khả thi để từng bước khắc phục, đưa Điện Biên phát triển nhanh, đột phá và bền vững theo đúng mục tiêu đã đề ra.

NĐT: Hơn một năm giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên, ông cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của tỉnh trong những năm qua và kỳ vọng về sự cất cánh của địa phương trong thời gian tới?

Ông Trần Quốc Cường: Điện Biên từng là mảnh đất hoang sơ, đổ nát, nghèo nàn, lạc hậu do tàn phá của chiến tranh khốc liệt, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Thế nhưng với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dốc sức, đồng lòng xây dựng Điện Biên phát triển hội nhập mạnh mẽ cùng cả nước với vóc dáng mới, diện mạo mới bừng sáng nơi biên cương Tây Bắc của Tổ quốc.

Phát huy những kết quả đã đạt được, tôi tin tưởng rằng Điện Biên sẽ “cất cánh” trong giai đoạn tới, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, trở thành nơi “phên dậu” bình yên cho đất nước.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 06/05/2024 | 08:00