Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng (Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên) để tìm hiểu rõ hơn về định hướng của ngành đối với việc phát triển hạ tầng giao thông ở các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc cũng như những gợi mở với các địa phương trên trong bước đường thực hiện khát vọng “đại lộ sinh đại phú”.

Người Đưa Tin (NĐT): Xin Bộ trưởng khái quát một số định hướng của ngành giao thông đối với việc phát triển hạ tầng giao thông ở các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc trong bức tranh chung của cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:
Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng “phên dậu” của Tổ quốc; có tiềm năng, thế mạnh về nông, lâm nghiệp, công nghiệp, có nhiều đồng bào dân tộc, nhiều di tích căn cứ cách mạng.

Với đặc điểm tự nhiên chủ yếu là đồi núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh nên GTVT đóng vai trò hết sức quan trọng trong kết nối phát triển, trong đó thế mạnh là giao thông đường bộ và hàng không.

Những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã tập trung cân đối, ưu tiên nguồn lực để đầu tư nên hạ tầng giao thông Vùng đã đạt được những kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng phát triển hạ tầng giao thông ở các tỉnh miền núi phía Bắc như sau:

Giai đoạn đến năm 2025: Về đường bộ, đã đưa vào khai thác khoảng 429km và tiếp tục triển khai 371km đường bộ cao tốc; tập trung đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên các đường vành, như vành đai 1 (QL4), vành đai 2 (QL279), vành đai 3 (QL37) và một số tuyến quốc lộ quan trọng khác. Về hàng không, đã hoàn thành đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên, đang chuẩn bị đầu tư cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư trong vùng. Về đường sắt, đang cải tạo, nâng cấp các ga hàng hoá để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Về đường thủy nội địa, đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng để kết nối thuận lợi với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các cảng cạn tại Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thuỷ điện trong vùng.

Giai đoạn đến năm 2030: cả Vùng sẽ đưa vào khai thác khoảng 1.116km đường bộ cao tốc. Các tuyến quốc lộ trọng yếu trong vùng sẽ được tiếp tục đầu tư nâng cấp. Việc kêu gọi đầu tư các cảng hàng không Nà Sản, Lai Châu cũng sẽ được đẩy mạnh bên cạnh việc tính toán, cân đối nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cao (sông Hồng) và nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng.

NĐT: Xin Bộ trưởng đánh giá về một số nét nổi bật trong bức tranh phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:
Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông vùng, nhiều công trình giao thông quan trọng trong vùng đã được đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hình thành các hành lang kinh tế phát triển trong Vùng; đã có nhiều công trình quan trọng, hiện đại được hình thành, đưa vào khai thác như Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên, Thái Nguyên - Chợ Mới, Tuyên Quang - Phú Thọ.

Ngoài ra, nhiều công trình cũng đang được triển khai đầu tư như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (hoàn thành năm 2025), tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (hoàn thành năm 2024), các tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Bình - Mộc Châu hoàn thành năm 2025-2026.

Sau khi hoàn thành các tuyến đường bộ nêu trên, hình thành bộ khung về giao thông đối ngoại, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế và kinh tế - xã hội vùng.

Hệ thống quốc lộ từng bước được hoàn thiện, hình thành các trục dọc, trục nganh, trục hướng tâm, đường vành đai tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ với tổng chiều dài 160.000km (429km đường cao tốc, 7500km quốc lộ, 9000km dường tỉnh, 6.300km đường đô thị,…) để kết nối thuận lợi hệ thống cao tốc và đường địa phương, kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế (Lào Cai, Hữu Nghị,…), thuận lợi cho giao lưu và đối ngoại của Vùng.

Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Điện Biên đã được nâng cấp, mở rộng đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương và đưa vào hoạt động trở lại từ ngày 02/12/2023 theo đúng tiến độ; dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa đang tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2025 tạo điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.

NĐT: Thưa Bộ trưởng, đâu là điểm nghẽn cần được tháo gỡ trong việc phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc? Cần làm gì để giải quyết điểm nghẽn này, “thông mạch” đường phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên kết cấu hạ tầng giao thông vùng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, cụ thể như:

Đường bộ là phương thức giao thông chủ yếu vùng, song nhiều tuyến còn có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, tiêu chuẩn đường cấp IV, V còn chiếm tỷ lệ lớn, tốc độ di chuyển thấp (dưới 40km/h) chưa đáp ứng yêu cầu kết nối. Nhiều khu vực chưa có tuyến cao tốc kết nối như Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên,… ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh vùng. Hệ thống giao thông vùng chưa đồng bộ, vận tải đường bộ là chủ yếu, vận tải đường sắt chưa phát huy hiệu quả.

Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng còn khó khăn do địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên khó khăn, kinh tế vùng chưa phát triển trong khi các dự án giao thông trong khu vực có suất đầu tư cao, nguồn vốn lớn, lưu lượng giao thông chưa lớn, hiệu quả tài chính không cao, các địa phương trong vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khơi thông nguồn lực đầu tư, để đầu tư phát triển giao thông vùng trong thời gian qua.

Để giải quyết các điểm nghẽn nêu trên, trong thời gian tới cần nghiên cứu các cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông vùng:

Một là, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần phải được coi là công cụ định hướng chính của vùng để phát triển kết cấu hạ tầng vùng, từng địa phương và là công cụ liên kết bắt buộc giữa các địa phương trong vùng.

Hai là, khi xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2030, ngân sách Trung ương cần cân đối đủ nguồn lực để hoàn thành các dự án giao thông kết nối trong Vùng đã có trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển Vùng yêu cầu hoàn thành trước năm 2030. Cơ chế này nhằm bảo đảm nguồn lực hoàn thành các mục tiêu về quy hoạch vùng trong lĩnh vực giao thông, tạo tác động lan tỏa cho các lĩnh vực khác trong Vùng.

Ba là, cho phép nâng tỷ lệ vay của các địa phương, tỷ lệ vay lại vốn vay ODA của các địa phương để tăng thêm nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông trong vùng.

Bốn là, cho phép tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng từ mức 50% lên mức 70% để nâng cao hiệu quả tài chính, thu hút các nhà đầu tư tương tự như một số cơ chế đã được Quốc hội cho phép thời gian qua.

NĐT: Bộ trưởng có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mà Điện Biên có thể vận dụng để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ? Ngành GTVT sẽ đồng hành với địa phương như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:
Điện Biên là tỉnh miền núi thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có diện tích lớn thứ 2 trong vùng, mô kinh tế còn thấp, nằm cách xa các trung tâm, hành lang, vùng kinh tế trọng điểm. Tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhưng do địa hình khó khăn, giao thông hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối, liên kết phát triển; bất lợi trong việc thu hút đầu tư, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm và chưa phát huy được các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.

Vì vậy, phát triển hạ tầng giao thông là yêu cầu then chốt để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và một số kinh nghiệm tỉnh Điện Biên có thể vận dụng để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ như sau:

Một là, triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Điện Biên đã được phê duyệt, làm cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng.

Hai là, thu hút các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến với Điện Biên thông qua chính sách đầu tư thông thoáng, cởi mở; tận dụng cơ hội, đón đầu làn sóng đầu tư mới.

Ba là, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường nâng cao khả năng liên kết giữa Điện Biên và các tỉnh lân cận, các hành lang kinh tế, tạo động lực cho phát triển như tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên đã được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền. Quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý và điều hành để khắc phục các hạn chế về khoảng cách giao thông.

Bốn là, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông hiện có, đặc biệt là sân bay Điện Biên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch tỉnh Điên Biên và các tỉnh lân cận.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Điện Biên để triển khai và thực hiện có hiệu quả các công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của Trung ương trên địa bàn tỉnh cũng như các dự án của địa phương. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh trong đầu tư phát triển KCHT giao thông như:

Thứ nhất, ưu tiên bố trí nguồn vốn trong kỳ trung hạn giai đoạn 2026-2030 và các giai đoạn tiếp theo để đầu tư các tuyến QL279, QL4H, QL6, QL12…; ưu tiên bố trí nguồn vốn để tăng cường bảo trì 06 tuyến quốc lộ trên địa bàn nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Thứ hai, phối hợp, hỗ trợ tỉnh Điện Biên huy động nguồn lực, thực hiện đầu tư đầu tư dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1); khai thác có hiệu quả cảng hàng không Điện Biên; tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện; phát triển cảng cạn theo quy hoạch để tổ chức hiệu quả mạng lưới vận tải và các dịch vụ phân phối hàng hóa, tối ưu chi phí.

Thứ ba, phối hợp, hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong việc xúc tiến, kêu gọi mọi nguồn vốn hợp pháp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển khu công nghiệp, khu du lịch để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông; hỗ trợ địa phương đánh giá, nhân rộng các mô hình về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Thứ tư, thực hiện tốt vai trò của Bộ chuyên ngành và cơ quan chuyên môn trong phối hợp triển khai chuẩn bị và thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

NĐT: Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 08/05/2024 | 07:12