Chuyện tình nữ du kích ở địa đạo bên đền Lưỡng Quốc Trạng Nguyên

Chuyện tình nữ du kích ở địa đạo bên đền Lưỡng Quốc Trạng Nguyên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Mười bảy tuổi, bà Đào Thị Hồng (SN 1931, làng Bối Khê, Thanh Oai, Hà Nội) tình nguyện vào du kích để chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Không may bị chỉ điểm, bà bị giặc Pháp bắt ở tuổi 19.

Nữ du kích này phải hứng chịu sự tra tấn, tàn khốc và vô nhân đạo nhất của kẻ thù. Bà được thả tự do ở tuổi 22 khi mang trên mình chằng chịt những vết thương chưa lành. Danh tiếng về một nữ du kích vượt qua đòn roi của kẻ thù trở về khiến một gia đình sống ở làng bên vội mang cau trầu sang hỏi cưới cho người con trai độc nhất của họ…

Hình tượng bất tử

Về xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai bây giờ, không ai không biết đến tên bà Đào Thị Hồng, một nữ du kích kiên trung cũng là, niềm tự hào của làng chiến đấu Bối Khê. Theo nhiều người dân nơi đây, bà Hồng là hiện thân một thời hào hùng của làng. Nhỏ nhắn, xinh xắn, trẻ trung nhưng đầy bản lĩnh, ở tuổi 17, nữ du kích Hồng vai khoác súng trường, tay cầm lựu đạn, hàng đêm âm thầm đi tuần trên con đường làng để canh phòng giặc Pháp bất ngờ tấn công vào làng.

Thế giới - Chuyện tình nữ du kích ở địa đạo bên đền Lưỡng Quốc Trạng Nguyên

Ông bà Hồng trò chuyện với P.V Người đưa tin

Một số cụ cao niên cùng thời nhớ lại: "Thời điểm đó, làng Bối Khê cũng như xã Tam Hưng là mục tiêu đánh phá của Pháp, vì làng án giữ con đường cơ động liên tỉnh chạy xuyên qua Thanh Oai đến Thường Tín. Giặc Pháp muốn mở rộng vùng chiếm đóng bắt buộc tìm mọi cách khuất phục được Bối Khê, để dùng Bối Khê làm bàn đạp tấn công ra những vùng lân cận. Cũng chính vì là vị trí chiến lược nên Bối Khê được chủ trương xây dựng thành tuyến đầu đánh Pháp nhằm ngăn chặn việc mở rộng vùng chiếm đóng của giặc".

Nhân dân Bối Khê thấm nhuần tư tưởng kháng chiến, họ đã đứng lên biến ngôi làng nổi danh khoa bảng (Bối Khê là quê hương của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực, người đầu tiên được ghi danh ở Văn Bia Quốc Tử Giám) thành một làng chiến đấu điển hình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân (bên dưới ngôi đền thờ Nguyễn Trực là một địa đạo bí mật, tạo thành chỗ ẩn náu của cán bộ và cất giấu tài liệu).

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lần theo con đường làng quanh co, khúc khuỷu để đến nơi vợ chồng nữ du kích Đào Thị Hồng sinh sống. Nghe tiếng khách lạ, bà Hồng từ nhà đi ra, đón chúng tôi bằng ánh mắt biết nói. Khi biết những vị khách tìm đến muốn được nghe bà kể về cuộc đời du kích của mình, bà Hồng vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Ngay phút giây gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi đã cảm nhận được sự ấm áp đến kỳ lạ, khó có thể cắt nghĩa được thành lời từ ánh mắt, cử chỉ, hành động của cựu nữ du kích đã ngoài tuổi 80 này.

Bên ấm trà nóng mới pha, vợ chồng bà Hồng và phóng viên có cuộc trò chuyện thân tình. Bà Hồng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện chiến đấu chống giặc Pháp như huyền thoại của mình gắn với địa đạo bí mật của làng Bối Khê mà hiếm một ngôi làng chiến đấu nào thời ấy có được. Trong ký ức của bà Hồng, địa đạo này được đào đắp bởi chính những người dân trong làng. Nó nối từng nhà dân với nhau, với nhiều ngõ ngách, như một mê cung ngay cả những du kích thời đó cũng không thể nắm rõ hết được. Điều đặc biệt của địa đạo này là nó nằm sâu trong lòng đất, được ngụy trang một cách khéo léo mà điểm bắt đầu của nó chính là ngôi chùa Cổ Bi có tuổi gần 700 năm - nơi nổi danh với loài hoa sen đất và kết thúc ở đền thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực.

Theo bà Hồng, địa đạo được đào từ thời điểm giữa năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt. Những người nông dân chân chất nơi đây trong phút chốc trở thành những kiến trúc sư tài tình. Người bên ngoài vào làng sẽ không thể nào biết được dưới ngôi làng cổ nghìn năm ẩn chứa địa đạo có thể giấu kín hàng nghìn người. Nhiều lần, giặc Pháp tấn công vào đều bị đánh bật ra, điều làm cho chúng tức tối là những du kích của Bối Khê thoắt ẩn, thoắt hiện khiến chúng không thể nào lường trước được. Cũng theo bà Hồng, chính địa đạo này đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến không cân sức của nhân dân Bối Khê với giặc Pháp có phương tiện chiến tranh hiện đại.

Vào thời điểm đó, bà Hồng vừa mới 17 tuổi, trẻ trung, xinh xắn và gan dạ hiếm có. Tình nguyện tham gia du kích, một mình bà trong đêm, trên tay chỉ mỗi quả lựu đạn, đứng gác cho làng yên giấc đã trở thành ký ức chưa bao giờ quên đối với người dân ở làng quê bình yên này. Bà Hồng chia sẻ: "Thời đó, hễ các anh bộ đội rủ đi chiến đấu bất cứ nơi đâu là chúng tôi lên đường. Khi nói chuyện, nhìn vào ánh mắt của bà, chúng tôi biết được đó là quãng thời gian đầy tự hào mà cuộc đời của nữ du kích Hồng có được.

Thế giới - Chuyện tình nữ du kích ở địa đạo bên đền Lưỡng Quốc Trạng Nguyên (Hình 2).

Ngôi chùa Cổ Bi - điểm mở đầu của địa đạo bí mật thời kháng chiến

Chuyện tình như mơ

Người dân của làng Bối Khê không chỉ nhắc đến bà Hồng bằng hình ảnh rất đẹp về một nữ du kích huyền thoại mà còn nhớ tới bà, một người con gái mà sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù không thể làm bà gục ngã.

Trong ký ức của bà Hồng, đó là những tháng ngày thử thách nhất mà cuộc đời bà đã trải qua. 18 tháng, 5 lần chuyển qua 5 nhà tù khác nhau, không có một hình thức tra tấn nào của kẻ thù mà bà không nếm trải. Tình yêu đất nước vô bờ và lòng tự trọng của một nữ du kích tạo nên sức mạnh để bà vượt qua sự đánh đập tra khảo vô nhân tính của địch. Cuối cùng kẻ thù đành chấp nhận trả tự do cho bà Hồng vì chúng không đủ bằng chứng để kết tội.

Một phút lắng lại, bà Hồng nhắc tới cho chúng tôi nghe về sự ra đi đau đớn của những nữ du kích làng Bối Khê mà bà chứng kiến. Đó là cái chết của bốn nữ du kích dưới hầm sâu vì bị quân Pháp bao vây đánh sập hai đầu địa đạo khiến họ chết ngạt. Đó là hình ảnh của nữ du kích Nguyễn Thị Thắm chết trên vòng tay của bà sau khi bị giặc tra khảo suốt ba ngày đêm...

Ngồi cạnh bà Hồng là ông Tuất - chồng của bà, ngoài 80 tuổi nhưng trông ông vẫn còn rất tinh anh. Nghe vợ kể về cuộc đời chiến đấu của mình, ánh mắt ông biểu lộ sự khâm phục. Chúng tôi nhắc đến mối tình của hai ông bà, ông Tuất dí dỏm cho biết: "Ngày trước ông không biết bà ấy đâu, do bố mẹ làm mối đó" - ông nở nụ cười đôn hậu. Bà Hồng tiếp lời: "Ông ấy nói thế thôi chứ làm gì mà ông chẳng biết bà". Trong câu chuyện với chúng tôi dần dần hé lộ một câu chuyện tình đậm chất thời chiến của thế hệ đánh Pháp.

Chàng thanh niên Nguyễn Văn Tuất ngày nào vì cảm mến cô du kích Đào Thị Hồng mà âm thầm chờ đợi. Theo bà Hồng, ông Tuất là một thanh niên hoạt động sôi nổi có tiếng thời bấy giờ. Sống cạnh làng nhau nên ông bà biết tới nhau. Tuy nhiên thời đó con trai, con gái không hẹn hò như giờ, chuyện tình duyên hầu như do cha mẹ sắp đặt. Bà Hồng kể: "Nhà ông ấy khá giả hơn nhà bà, lại là con một nên bố mẹ chiều chuộng. Không hiểu sao ông không chịu lấy vợ mà cứ ở vậy". Bà Hồng bị địch bắt khi 19 tuổi, mãi đến năm 1951, khi bà đã 22 tuổi mới được thả về. Vừa mới được thả, trong người thương tích đầy mình, hình dạng tiều tụy như vậy mà bà lại được bố mẹ ông Tuất sang hỏi về làm vợ cho con trai khiến bà cũng bất ngờ.

Ngồi nói chuyện với hai ông bà hồi lâu chúng tôi mới hiểu được rằng, nữ du kích Hồng từ lâu đã được ông để ý. Việc hai ông bà đến với nhau "đường đột" cũng bắt nguồn từ tình cảm chiến đấu. Ông Tuất muốn được tự tay chăm sóc những vết thương chưa lành của bà Hồng bởi thương bà cảnh mồ côi cha, sống với mẹ già gần 70. Bà Hồng cho biết, vì sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù nên mãi 8 năm sau bà mới sinh cho ông đứa con đầu lòng trong sự mong mỏi của gia đình nhà chồng. Năm 1967 ông nhập ngũ và đi vào Nam chiến đấu, sau đó ông ở lại quân ngũ luôn, một mình bà phải làm lụng vất vả nuôi bốn đứa con thơ. Khi ông xuất ngũ về quê, cũng là lúc bốn đứa con đều đã trưởng thành. Giờ đây, ông bà sống hạnh phúc trong tình cảm của con cháu. Khi nhắc về mái ấm của gia đình mình hai ông bà mỉm cười hạnh phúc thầm cám ơn cuộc đời.

Nhìn vào ánh mắt vẫn nồng đượm ngọn lửa tình của ông Tuất chúng tôi ngộ ra rằng, tình yêu của ông dành cho bà quả là nghĩa nặng tình sâu...

Trinh Phúc - Dương Thu


Cùng chuyên mục

Không thể ngăn bước tiến của Nga, Ukraine mất tuyến phòng thủ phía tây Avdeevka

Thứ 7, 04/05/2024 | 14:00
Xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết. Thời tiết ấm áp và khô ráo sắp tới dự kiến sẽ khiến căng thẳng leo thang.

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Thời điểm bước ngoặt của Nga hé lộ, khí tài Mỹ liệu có thể giúp Ukraine?

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:00
Ukraine vẫn đối mặt với “thiếu hụt trầm trọng” hầu hết mọi thứ. Điều này khiến lực lượng Kiev gặp khó trong việc phản ứng trước các hoạt động của Nga.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Hungary sẽ tăng chi tiêu quốc phòng nếu xung đột Ukraine kéo sang năm sau

Thứ 6, 03/05/2024 | 16:02
Hungary, mặc dù phản đối mạnh mẽ sự hỗ trợ tài chính-quân sự của phương Tây cho Ukraine vì lo ngại xung đột lan khắp Châu âu, cũng đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
     
Nổi bật trong ngày

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Không thể ngăn bước tiến của Nga, Ukraine mất tuyến phòng thủ phía tây Avdeevka

Thứ 7, 04/05/2024 | 14:00
Xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết. Thời tiết ấm áp và khô ráo sắp tới dự kiến sẽ khiến căng thẳng leo thang.

Thời điểm bước ngoặt của Nga hé lộ, khí tài Mỹ liệu có thể giúp Ukraine?

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:00
Ukraine vẫn đối mặt với “thiếu hụt trầm trọng” hầu hết mọi thứ. Điều này khiến lực lượng Kiev gặp khó trong việc phản ứng trước các hoạt động của Nga.