Bộ GTVT đề xuất bật đèn xe máy cả ngày: Cẩn trọng phản tác dụng?

Nguyễn Lâm

Bàn luận về đề xuất của bộ GTVT quy định xe máy phải bật đèn trong suốt quá trình lưu thông trên đường, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại. Thậm chí, việc bật đèn không những không giảm thiểu được tai nạn giao thông mà còn gây ra tác dụng ngược như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt cho người tham gia giao thông,…

Học tập từ nước ngoài

Thời gian gần đây, nhiều đề xuất mới của bộ GTVT tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội về khả năng áp dụng vào thực tế trong dư luận xã hội. Một trong số đó là quy định xe máy phải bật đèn trong suốt quá trình lưu thông trên đường.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông, bộ GTVT cho biết, căn cứ vào Công ước giao thông đường bộ 1968 (Công ước Viên) và tình hình thực tế ở nước ta hiện nay, bộ GTVT đã đưa ra đề xuất xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau trong suốt cả ngày.

Ông Thạch phân tích, thực tế khi tham gia giao thông, xe máy được coi là yếu thế hơn, nên cần đảm bảo nhận diện để an toàn cho người lái xe. Tại khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã áp dụng thành công việc này, mà các quốc gia này lại có điều kiện tương tự như Việt Nam nên đề xuất trên có thể áp dụng tốt tại nước ta.

“Hiện tại, nhiều phương tiện hiện đại nhập khẩu vào Việt Nam đã được trang bị thiết bị báo hiệu, mục tiêu của đề xuất trên là để các nhà sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu phải bổ sung đèn nhận diện cho xe máy”, ông Thạch nói.

Trả lời về câu hỏi lo ngại về việc bật đèn xe cả ngày là lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, ông Thạch thông tin: “Với công nghệ đời mới, các thiết bị đèn nhận diện của xe máy chỉ tiêu tốn năng lượng rất nhỏ so với công xuất của xe nên vấn đề lo ngại về việc gây lãng phí và tác động xấu đến môi trường là không đáng lo”.

Ông Thạch cũng cho biết, bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế giao thông ở nước ta.

Đề xuất xa rời thực tế?

Nhận định về tính khả thi của đề xuất, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, đúng là tại Công ước Viên có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Thế nhưng, quy định này chỉ phù hợp với một số nước không đủ ánh sáng, có nhiều sương mù,… chứ không phải là nước nào cũng có thể áp dụng như nhau.

Việt Nam là một quốc gia có khí hậu Nhiệt đới nên phần lớn thời gian trong ngày đều có mặt trời chiếu sáng. Tình trạng sương mù chỉ xảy ra ở một vài địa điểm vào những khoảng thời gian nhất định, do đó việc quy định bật đèn xe máy cả ngày khi tham gia giao thông là điều không cần thiết.

Tiếp đó, TS. Thuỷ cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 60 triệu xe máy, hàng triệu ô tô nên khi thiết bị đèn chiếu sáng, đèn nhận diện hoạt động cả ngày sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Việc bật đèn không những không tăng mức độ an toàn cho người tham gia giao thông mà còn gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, tăng nhiệt độ môi trường và thậm chí gây mất an toàn với người lái xe.

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cũng cho rằng, việc các phương tiện bật đèn cả ngày chỉ nên dừng lại ở mức khuyến khích người dân khi di chuyển qua địa hình có sương mù hay thiếu ánh sáng.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hương, một người đã từng có nhiều năm sinh sống tại Malaysia lại tỏ ra đồng tình với đề xuất trên của bộ GTVT.

Chị Hương cho biết: “Ban đầu, tối cũng nghĩ việc bật đèn xe cả ngày là quy định vô lý. Thế nhưng sau thời gian sinh sống và làm việc ở Malaysia tôi mới nhận ra được những lợi ích mà đèn nhận diện mang lại.

Đèn nhận diện sẽ giúp người điều khiển phương tiện dễ dàng phát hiện các phương tiện phía trước để từ đó giảm tốc độ, giảm thiểu được tình trạng tai nạn giao thông. Malaysia cũng là một quốc gia có khí hậu nhiệt đới gần tương tự với khí hậu Việt Nam nên không có lý do gì ở Malaysia áp dụng được còn Việt Nam thì không?”.

Chưa tính đến tâm lý, văn hoá của người Việt

Với việc liên tiếp đưa ra những đề xuất khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tính khả thi nhưng đề xuất xe ô tô phải có camera giám sát khi lùi, xử phạt tài xế vượt đèn xanh khi xảy ra giao thông ùn tắc hay mới đây nhất là việc bật đèn xe máy cả ngày khi tham gia giao thông, không ít đọc giả đã tự đặt ta câu hỏi về việc bộ GTVT chỉ sao chép, đưa nguyên những nội dung cũ để đề xuất tại các dự thảo mới chứ không thực sự tâm huyết để đưa ra những nội dung mới?

Trả lời về nội dung trên, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định nguyên nhân chính không phải là do bộ GTVT không nghiên cứu để đưa ra đề xuất mới mà là năng lực quản lý yếu kém của đơn vị này.

Dẫn chứng cụ thể cho việc này chính là những thất bại, những lần liên tiếp lỡ hẹn của dự án đường sắt đô thị và điển hình là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông) hay tuyến buýt nhanh BRT, những dự án cầu đi bộ trên cao đặt không đúng vị trí,…

Chính vì thế, để ngành giao thông nước ta có thể đạt được những thành quả nhất định thì việc cấp bách nhất là nâng cao chất lượng quản lý, chuyên môn, đội ngũ chuyên gia tư vấn của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là bộ GTVT.

N.L