Tương lai của chủ trương Một chương trình, nhiều bộ SGK - [Bài 2] “Không muốn độc quyền cũng bị đẩy vào thế độc quyền"

Thứ 3, 22/08/2023 | 10:44
3
SGK chắc chắn là một học liệu rất quan trọng nhưng không phải vì quan trọng mà áp dụng một cách cứng nhắc, phải soi chiếu nhận thức về SGK dưới tinh thần đổi mới.

Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 (GDPT 2018) đã triển khai được hơn 3 năm và gắn với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK)”. Hiện nay đã có 3 bộ SGK lớn được lưu hành theo phương thức xã hội hóa và mới đây, Đoàn giám sát và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất cần thêm một bộ SGK của Nhà nước.

Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra về vấn đề này trong đó bao gồm cả ngay trong các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) – những người có vai trò trong việc xây dựng pháp luật và hoạch định những quyết sách lớn.

Quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng SGK không thể là học liệu đơn thuần mà rất quan trọng.

Và vì quan trọng nên nó mới được thẩm định nhiều vòng và phải được Bộ trưởng phê duyệt (khác với sách tham khảo). Nhưng quan trọng không có nghĩa áp dụng nó cứng nhắc, phải soi chiếu nhận thức về SGK dưới ánh sáng của tinh thần đổi mới. Những quyết sách liên quan đến SGK cần suy tính kỹ càng, nhất là những tác động đến tinh thần mới của ngành giáo dục và chủ trương xã hội hóa.

Viễn cảnh cần tính đến nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm SGK

Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương một lần nữa khẳng định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 là chủ trương rất đúng đắn; việc xây dựng chương trình, SGK theo Chương trình GDPT 2018 trong đó có việc triển khai bộ SGK mới, một chương trình nhiều bộ SGK đây là hướng đi rất phù hợp và mang lại nhiều lợi ích.

“Chúng ta đã có một khung chương trình chuẩn, linh hoạt trong việc lựa chọn SGK để dạy cho học sinh. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng lệ thuộc vào SGK, học vẹt, cô và trò đều đi theo lối mòn phụ thuộc hoàn toàn vào sách. Nếu khắc phục được tình trạng này, chúng ta sẽ đào tạo được những lứa học sinh, lứa công dân có tư duy phản biện rất tốt và luôn năng động, sáng tạo.

Qua 3 năm triển khai chương trình GDPT 2018, theo tôi về mặt ưu điểm có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thêm nữa, với vai trò chủ đạo của mình, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai. Trong thời gian rất ngắn, bước đầu, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có nhiều bộ SGK đã được biên soạn, thẩm định, xuất bản”, bà Nga nêu quan điểm.

Giáo dục - Tương lai của chủ trương Một chương trình, nhiều bộ SGK - [Bài 2] “Không muốn độc quyền cũng bị đẩy vào thế độc quyền'

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó, ĐBQH này cũng cho rằng việc triển khai Chương trình GDPT 2018 còn một số trăn trở như khâu chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, chưa chú ý một cách hợp lý đến hạ tầng giáo dục, con người… Đặc biệt, việc triển khai còn gặp phải khó khăn do những tư duy cũ trước đây bởi thực hiện chương trình mới không phải chỉ là đổi từ “quyển sách nọ sang quyển sách kia”, đổi từ “bộ sách nọ sang bộ sách kia” mà là thay đổi hẳn về tư duy giáo dục và cách tổ chức giáo dục.

Về việc nên hay không nên biên soạn thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần nhìn nhận gốc rễ sâu xa của vấn đề.

Theo đó, nếu xét theo chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK (không nêu rõ số lượng SGK), thì việc có thêm một bộ SGK của Nhà nước vẫn là cần thiết, bởi càng nhiều bộ SGK thì có càng nhiều lựa chọn cho học sinh.

“Việc một chương trình nhiều bộ SGK là không thừa, thậm chí đến thời điểm này có tổ chức, cá nhân nào sẵn sàng biên soạn những bộ SGK mới thì Bộ GD&ĐT vẫn chấp nhận, thẩm định. Do đó, không có một giới hạn nào cho con số nhiều”, bà Nga nói. Tuy nhiên, vị ĐBQH này cũng nhấn mạnh, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ SGK nữa thì cần phải lưu ý một số vấn đề:

Thứ nhất, về vấn đề chọn SGK, nếu Bộ có riêng một bộ SGK thì câu hỏi lớn nhất đặt ra là các cơ sở giáo dục liệu có tư tưởng chọn đúng bộ sách của Bộ biên soạn hay không? Câu trả lời dễ là có và điều này sẽ dẫn đến tình trạng dù kêu gọi xã hội hóa SGK, có nhiều bộ SGK nhưng các bộ SGK khác không thể cạnh tranh nổi, kết cục là chủ trương xã hội hóa, chủ trương nhiều bộ SGK bị phá sản. Bởi thực tế, không có quy định cấm các trường không được chọn sách giống nhau.

Thậm chí, Bộ GD&ĐT cũng không cần phải độc quyền, không cần đi tiếp thị cho mình mà các cơ sở giáo dục thấy được đây là bộ sách của Bộ biên soạn, bằng niềm tin tự nhiên thì sẽ chọn bộ sách này cho chắc chắn, do Bộ GD&ĐT biên soạn. Vô hình chung các bộ sách của các tổ chức cá nhân khác sẽ “đắp chiếu” để đấy, nhiều bộ sách sẽ bị phá sản. Nên đây cũng là điều phải tính đến. 

Thứ hai, soạn SGK không phải việc dễ mà các cơ sở giáo dục phải thành lập cả hội đồng, nếu chọn đúng theo tinh thần khoa học thì có bao nhiêu SGK thì những thành viên trong hội đồng phải đọc hết các bộ SGK, sau khi đọc xong có so sánh, nhận xét, đối chiếu với các bộ sách khác. Căn cứ vào thực trạng học sinh của cơ sở giáo dục sẽ chỉ ra bộ sách nào phù hợp và lúc đó mới đề nghị chọn. Do đó, quá trình lựa chọn bộ SGK là quá trình rất mất công.

Do vậy, khi có một bộ sách của Bộ ra thì không tránh khỏi tình trạng chọn bộ sách này đỡ phải đọc các bộ sách khác, đỡ chọn và đỡ mất thời gian, đặt niềm tin vào Bộ. Như thế, Bộ không muốn độc quyền cũng bị đẩy vào thế độc quyền.

Thứ ba, trong thời điểm hiện tại Bộ GD&ĐT cũng chưa khắc phục được những khó khăn Bộ gặp phải trong biên soạn sách như tác giả, chỉ đạo điều hành thực hiện chương trình GDPT 2018. Do đó, hiện tại đưa thêm yêu cầu Bộ phải ngay lập tức biên soạn một bộ SGK là việc gây khó cho Bộ. Chưa kể, hầu hết các tác giả uy tín trong việc biên soạn SGK đều đã tham gia biên soạn 3 bộ SGK hiện hành.

Trên cơ sở phân tích, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng Bộ GD&ĐT có thể vẫn tiếp tục nghiên cứu để xây dựng một bộ SGK nhưng không phải trong thời điểm hiện tại mà theo một lộ trình nhất định, kỹ lưỡng và dành nhiều thời gian dành cho việc này – nếu thấy thực sự cần thiết và khả thi.

Cũng theo vị đại biểu này, việc cần làm ngay bây giờ của Bộ GD&ĐT là rà soát kỹ lưỡng, điều chỉnh những sai sót của các bộ SGK đã được lưu hành cho phù hợp. Đồng thời gấp rút bắt tay vào việc khắc phục những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Không thể vừa đánh trống, vừa thổi còi

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trong việc đánh giá quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho biết chương trình mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Liên quan đến vấn đề SGK, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm tham gia biên soạn sách giáo khoa. Đã có có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp; 6 tổ chức biên soạn sách giáo khoa…

Nhấn mạnh đến tính ổn định của chương trình GDPT, đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng việc biên soạn SGK để thực hiện chương trình phải đa dạng nhưng cũng cần đảm bảo độ ổn định. “Không nên để chương trình, sách giáo khoa rơi vào tình trạng “năm nay một kiểu sang năm kiểu khác”. Cũng không nên bán kèm vở bài tập và sách tham khảo với sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc rang””, ông Vân nói.

Giáo dục - Tương lai của chủ trương Một chương trình, nhiều bộ SGK - [Bài 2] “Không muốn độc quyền cũng bị đẩy vào thế độc quyền' (Hình 2).

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, không cần thiết phải thêm một bộ sách giáo khoa riêng do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

 
Về việc Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất "nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: “Không cần thiết phải thêm một bộ sách giáo khoa riêng do Bộ GD&ĐT biên soạn”.

Ông Vân phân tích, Bộ GD&ĐT là quản lý Nhà nước về giáo dục thì phải quản lý chương trình giáo dục nhất quán, làm sao kiểm soát việc biên soạn SGK theo đúng chương trình đó, không được chệch hướng, không thể vừa đánh trống, vừa thổi còi được. “Bởi, việc biên soạn SGK có tính sáng tạo, giáo viên và học sinh có quyền lựa chọn sách nào phù hợp để học theo chương trình”, ông Vân nói thêm.

Cùng câu hỏi về việc có nên tiếp tục xã hội hóa việc biên soạn SGK hay không? Hay có nên giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK “chuẩn”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, theo Nghị quyết 88 không có bộ SGK nào được coi là “bộ sách chuẩn”, mặc dù tất cả SGK phải đáp ứng được “chuẩn của chương trình.

Quan niệm phải có một bộ sách chuẩn không chỉ trái với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK" của Nghị quyết 88 mà còn không phù hợp với thời đại. Dĩ nhiên, công việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông còn không ít hạn chế, như đã nêu. Nhưng, đó là những hạn chế về quản lý, điều hành, chứ không phải hạn chế của chủ trương xã hội hóa.

“Việc “ban hành” một bộ SGK của “Bộ GD&ĐT” lúc này không chỉ lãng phí tiền của mà còn dẫn đến đẩy lùi xã hội hóa. Có người đã đặt câu hỏi cho tôi: Liệu có ai đó “cài” lợi ích nhóm vào việc này để độc chiếm thị trường không? Tôi chưa tin có chuyện khuất tất ở đây nhưng tin rằng những diễn biến trên thực tế sẽ cho chúng ta câu trả lời. Chỉ có điều, nếu có toan tính sai lầm thì nên dừng lại”, bà Thúy nhấn mạnh.

Công Luân - Hoàng Bích - Hoa Trà - Mạnh Quốc

Tương lai của chủ trương Một chương trình, nhiều bộ SGK - [Bài 1] Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Bài toán khó và hệ lụy nhãn tiền

Chủ nhật, 20/08/2023 | 20:32
Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn một bộ SGK thì vừa là một bài toán khó, vừa tạo ra nhiều hệ lụy, giẫm chân vào vết xe đổ.
Cùng tác giả

Vì sao phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn?

Thứ 3, 14/05/2024 | 19:50
Nếu không phân loại chất thải sinh hoạt thì sẽ tăng diện tích, tăng số lượng chất thải. Gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng

Thứ 3, 14/05/2024 | 18:40
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do của thành phố thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới...

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Thứ 3, 14/05/2024 | 14:37
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, phấn đấu đến năm 2035, việc hoàn thành được các mục tiêu trong chương trình sẽ góp phần phát triển văn hóa.

Những vụ cháy xảy ra ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh là bài học đắt giá

Thứ 3, 14/05/2024 | 14:32
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh tình hình cháy, nổ, tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Thứ 3, 14/05/2024 | 10:00
Đối tượng triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bao gồm cán bộ y tế, người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào, phụ nữ có thai.
Cùng chuyên mục

Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Thứ 3, 14/05/2024 | 15:40
Bộ GD&ĐT cho biết tuỳ từng điều kiện của mỗi địa phương để tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo

Thứ 3, 14/05/2024 | 11:07
Có số lượng đông đảo và nghề nghiệp đặc thù, tuy nhiên nhiều chính sách hiện nay vẫn chưa phù hợp với các thầy cô giáo.

Chi tiết lịch nghỉ hè 2024 chính thức của học sinh 63 tỉnh, thành

Thứ 3, 14/05/2024 | 10:00
Năm nay hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6.

Học sinh thủ đô lan tỏa kiến thức tới trẻ vùng cao

Thứ 2, 13/05/2024 | 10:36
“Tựa gió hoạ mây” được tổ chức dưới hình thức buổi hoạt động ngoại khoá kết hợp tân trang thư viện trường đã nhận được sự ủng hộ và đón tiếp nồng nhiệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia tại Cần Thơ

Chủ nhật, 12/05/2024 | 13:30
Ngày 12/5, tại Tp.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 6.
     
Nổi bật trong ngày

Bản tin 14/5: Gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm

Thứ 3, 14/05/2024 | 06:00
Gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm; Xe đầu kéo bốc cháy sau va chạm liên hoàn, nhiều người bị thương...

Dự báo thời tiết ngày 14/5/2024: Miền Bắc có nơi trở mưa to

Thứ 3, 14/05/2024 | 05:00
Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (14/5). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Giữa tháng 5, miền Bắc lại sắp đón không khí lạnh yếu

Thứ 3, 14/05/2024 | 21:02
Dự báo do tác động của một đợt không khí lạnh yếu tăng cường, miền Bắc sắp chuyển trạng thái mưa dông, có nơi mưa rất to.

Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Thứ 3, 14/05/2024 | 15:40
Bộ GD&ĐT cho biết tuỳ từng điều kiện của mỗi địa phương để tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

Chi tiết lịch nghỉ hè 2024 chính thức của học sinh 63 tỉnh, thành

Thứ 3, 14/05/2024 | 10:00
Năm nay hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6.