3,5 tỷ USD Việt Nam 'rủ nhau đi du lịch' nước ngoài

3,5 tỷ USD Việt Nam 'rủ nhau đi du lịch' nước ngoài

Thứ 4, 13/03/2013 | 10:40
0
Theo thống kê của cơ quan chức năng, lượng ngoại tệ mỗi năm thu được từ hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam "một nắng hai sương" vất vả cấy cày chỉ bằng một phần nhỏ so với 3,5 tỷ USD của người giàu có chi vào việc ra nước ngoài đi học, chữa bệnh, mua nhà.

Chi nhiều tiền, mua dịch vụ bình thường

Bà Phạm Cảnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về hoàn cảnh của mình như sau: "Tôi mắc một loại bệnh liên quan đến máu hiếm. Tìm đến hết các bệnh viện uy tín ở trong nước để chữa, nhưng các bệnh viện đều trả về, bởi không tìm được người có nhóm máu giống tôi để thay thế. Khi sang Thái Lan chữa bệnh, các bác sỹ ở đây đã lần trong hồ sơ và tìm ra hai người có cùng loại máu đó và cả hai đều ở Việt Nam. Tôi vô cùng vui mừng, nhưng thực tâm cũng tỏ ra tiếc nuối. Bởi lẽ, nếu các bệnh viện trong nước lưu trữ hồ sơ tốt, có địa chỉ hai bệnh nhân kia và có thể chữa được bệnh của tôi thì tôi đã không mất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc chữa bệnh ở nước ngoài". Tâm sự của bà Cảnh rất đáng để chúng ta phải nghĩ. Hiện nay, có khá nhiều người mang ngoại tệ ra nước ngoài như bà Cảnh. Họ đi để chữa bệnh, du học, mua nhà…

Vấn đề ngoại tệ nườm nượp "rủ nhau" ra nước ngoài "du lịch", một đi không trở lại đang khiến người dân thiệt thòi và các nhà quản lý, hoạch định chính sách lo lắng. Số ngoại tệ "chảy" đi một lần nữa lại được nhắc đến trong buổi thảo luận lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều Pháp lệnh ngoại hối ngày 6/3 tại TP.HCM. Những con số được đưa ra khiến dư luận thêm rùng mình, bởi lượng ngoại tệ "chảy" ra nước ngoài quá lớn. Theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Trần Du Lịch, nó có thể chiếm tới 1/10 lượng ngoại hối dự trữ của nước ta.

Xã hội - 3,5 tỷ USD Việt Nam 'rủ nhau đi du lịch' nước ngoài
Ngoại tệ "đi du lịch" nhìn mà đắng lòng

Đại diện của ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam  (Techcombank) nêu ý kiến, Nhà nước cấm nhưng nhu cầu sử dụng ngoại hối của người dân rất cao. Vì vậy, mọi người tìm đường lách luật, ngoại tệ vẫn “chảy” ào ạt ra nước ngoài. Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, con số 3,5 tỷ USD “chảy” ra nước ngoài đủ giật mình nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế, xã hội của Việt Nam. Một năm, số tiền người dân nước ta mang ra nước ngoài đi học, chữa bệnh, mua nhà khoảng 3,5 tỷ USD. Điều đó cho thấy, hiện tượng "chảy máu" ngoại tệ là rất lớn. Đây là vấn đề vô cùng nguy hiểm cho nền kinh tế.

Đừng "bất lực" thì... cấm

Theo vị đại diện của ngân hàng Bảo Việt, việc "chảy" ngoại tệ ra nước ngoài hầu như chúng ta không quản lý được; việc đi học, chữa bệnh, mua nhà ở nước ngoài hay vay cá nhân trên thực tế vẫn đang tồn tại. Nếu có cấm, chắc chắn cũng sẽ xảy ra hiện tượng lách luật, chuyển ngân lậu. Do đó, thay vì cấm, tại sao chúng ta không nghiên cứu tình hình thực tế để đưa ra biện pháp quản lý nhằm thu phí, kê khai thuế, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước? Chúng ta không nên cứ áp dụng biện pháp cấm đối với những vấn đề chúng ta không quản lý được.

Câu chuyện 3,5 tỷ USD "chảy" ra nước ngoài, nhìn ở tầm vĩ mô sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dưới góc độ của người dân, họ cũng đang chịu tổn thất lớn. Người Việt Nam đang phải trả giá quá cao để mua dịch vụ bình thường của nước ngoài, thay vì dùng dịch vụ của nước nhà. Theo đánh giá của bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng gần 50.000 người ra nước ngoài khám chữa bệnh, tiêu tốn gần 2 tỷ USD, tương đương với khoảng 40.000 tỷ đồng. Ngoài một số nước ở châu Á như  Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…, nhiều người Việt Nam sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để sang Mỹ, Pháp, Australia, Anh, Canada... chữa bệnh.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong (viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội) chia sẻ: "Xét về mặt pháp lý, người dân có quyền được đi học, chữa bệnh ở nước ngoài. Người ta sống trong một xã hội văn minh, hiện đại, thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm thì có quyền được hưởng dịch vụ y tế tốt, được học ở nơi có trình độ đào tạo tốt hơn là điều đương nhiên. Về phía Nhà nước, các cơ quan chức năng cần coi đây là một trong những thách thức, bởi nhu cầu của người dân là có thật. Rất nhiều người mong muốn được hưởng chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng giáo dục đào tạo tốt. Nếu mình để mất thị trường này thì đó là lỗi của ngành giáo dục và y tế. Thế nên, Nhà nước và các ngành cần có một kế hoạch, chiến lược để tăng cường chất lượng, đặc biệt là chữa bệnh ".

Bàn về con số 3,5 tỷ USD bị "chảy" ra nước ngoài, tiến sỹ Phong cho hay: "Tôi không chắc về con số 3,5 tỷ USD, bởi tôi chưa tìm hiểu rõ đó là từ số liệu thống kê do cơ quan nào thực hiện. Tuy nhiên, đây là một con số lớn trong tổng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam. Ít nhất đã có lúc nó chiếm khoảng một nửa dự trữ ngoại tệ của nước ta. Hiện nay nó khoảng bằng 1/10 lượng dự trữ ngoại tệ, một con số lớn trong bối cảnh Việt Nam đang cần ngoại tệ. Đây là một sự đáng tiếc, chính vì thế chúng ta cần phát triển dịch vụ trong nước để giữ lại lượng ngoại tệ này. Chưa kể, chúng ta phát triển dịch vụ tốt sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của ngành".

Vị tiến sỹ này cũng chia sẻ thêm: "Tôi không đặt ra ở đây vấn đề quản lý ngoại hối, bởi nhu cầu đi học, chữa bệnh của người dân là có thật. Chúng ta cũng không thể không cho họ mang tiền đi được, vì như thế là cưỡng bức. Nếu họ đã đi thì có nhiều cách, qua doanh nghiệp, qua dịch vụ chuyển tiền đen... Điều cho thấy, chúng ta cần tính toán như thế nào để  nâng cao dịch vụ, giữ được lượng tiền đó ở trong nước, tránh bị "chảy" ra nước ngoài. Thực hiện được thì, người dân được hưởng nền dịch vụ tốt ngay ở trong nước".

Xã hội - 3,5 tỷ USD Việt Nam 'rủ nhau đi du lịch' nước ngoài (Hình 2).
Hình minh họa

Tâm lý sính ngoại chỉ là một phần

Số ngoại tệ "chảy" ra nước ngoài một cách không cưỡng lại được khiến nhà xã hội học, tiến sỹ Trịnh Hoà Bình vô cùng xót xa. Dưới góc nhìn xã hội học, ông cho biết, trách nhiệm này thuộc về nhiều phía chứ không chỉ thuộc về người cung cấp dịch vụ, trong đó có cả vấn đề tâm lý sính ngoại, định kiến với giáo dục và y tế nước nhà, đặc biệt là những phức tạp, những cái không giống ai của chúng ta trong việc thực hiện dịch vụ khoa học, y học. 

Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình chia sẻ: "Những người ra nước ngoài du học, chữa bệnh, họ cũng nói là không tốn hơn trong nước là bao,  thậm chí chỉ bằng thôi. Nhưng người ta thấy thoải mái,  không bị tâm lý xin cho, không phải diệu vợi, cửa trước cửa sau, phong bì, không bị phân biệt đối xử... Chính điều này làm cho người dân thích ra nước ngoài chữa, dù một số bệnh có thể chữa được ở trong nước, thậm chí trong nước chữa rất tốt. Vấn đề là ở chỗ, nó liên quan đến nhận thức, quan điểm về giá trị bị lệch lạc. Guồng máy của những người cung cấp dịch vụ không chịu thực hiện tốt, mặc dù năng lực trình độ có. Dịch vụ trong nước càng nhiều bất cập càng khiến tâm lý sính ngoại, bài nội tăng lên".

Vị tiến sỹ xã hội học cho rằng, tâm lý sính ngoại là có nhưng trong 10 người đi chữa bệnh ở nước ngoài chỉ có ba người do sính ngoại, còn lại là do họ tìm đến loại hình dịch vụ tốt hơn. "Chữa bệnh, giáo dục của chúng ta không chỉ kém mà là lạc điệu so với thiên hạ. Nếu kém thì còn khắc phục được bằng cách tập trung nguồn lực để tăng lên, chứ lạc điệu và lỗi nhịp thì khó khắc phục hơn. Chúng ta cổ súy cho "đi tắt đón đầu", nhưng bản chất của "đi tắt đón đầu" là một thứ láu cá, kể cả thăm khám chữa bệnh", tiến sỹ Bình chia sẻ.

"Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào ở nước ngoài cũng tốt. Nhiều người không hiểu biết, bỏ cả đống tiền để sang nước ngoài chữa bệnh ở những bệnh viện nhỏ, loại 2, loại 3, đôi khi, tiền mất tật mang", tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhận định. Tiến sỹ Phong cũng cho rằng, nhiều lĩnh vực, ví dụ như ghép thận của Việt Nam chất lượng rất tốt, có tiếng trên thế giới, giá cả thì rẻ hơn rất nhiều so với nước ngoài nhưng công tác tuyên truyền, tổ chức của Việt Nam còn kém vì thế dẫn đến tâm lý sính ngoại, ngộ nhận "đồ ngoại" là tốt. Nếu chúng ta làm tốt thì không chỉ giữ được ngoại tệ mà còn giữ được cả chất xám để không bị "chảy" ra nước ngoài.

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ để không "chảy" ngoại tệ cũng được lãnh đạo bộ Y tế đề cao. Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng phát biểu, phải nâng chất lượng dịch vụ thì mới có thể thu hút được người có thu nhập cao. Đồng thời, ngành y tế cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi những thành tựu, kỹ thuật y tế chất lượng cao, nổi bật của ngành y khoa Việt Nam tới người dân. Nâng cao cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, dịch vụ là yếu tố quyết định.

Thành Huế

Du lịch Việt: 'Moi tiền' khách được lúc nào hay lúc đó

Thứ 7, 09/03/2013 | 07:47
Việt Nam giờ chỉ nhắm vào các khách du lịch hạng sang, chỉ mong “moi tiền” của du khách được lúc nào hay lúc đó. Làm theo kiểu “ăn xổi”, tự hát giá cả trên trời, không có tiêu chuẩn trong nước hay quốc tế...

Thú vị bộ ảnh 'người yêu dắt tay du lịch mọi nơi'

Thứ 6, 01/03/2013 | 20:08
Ý tưởng chụp ảnh thú vị này xuất phát từ nhiếp ảnh gia người Nga, Murad Osmann.

Xuất hồn, thoát vía... du lịch mặt trăng

Thứ 4, 27/02/2013 | 15:16
Chuyện xuất hồn, xuất vía trong lên đồng, áp vong vốn không phải là lạ, nhưng độ tin cậy của việc này đương nhiên vẫn còn là dấu hỏi.

Điểm du lịch duy nhất du khách có thể... "ăn đạn"

Chủ nhật, 17/02/2013 | 07:41
Làng Panmunjom (Triều Tiên) là điểm du lịch duy nhất mà du khách phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm đối với "những thương tổn hoặc tính mạng bản thân" khi bị tấn công.