2 tay vin cả 2 cành

2 tay vin cả 2 cành

Chủ nhật, 18/06/2017 | 18:39
0
Nếu cảm nhận mình cùng lúc có cảm xúc tính dục với cả hai giới thì có các biện pháp y khoa nào để sàng lọc giúp nhận thấy rõ hơn, chính xác hơn mình có phải lưỡng tính hay không?

Công dân Facebook vốn vẫn quen với 6 biểu tượng cảm xúc gồm: Thích, Yêu thích, Haha, Wow, Buồn và Giận dữ. Tuy nhiên, để vinh danh tháng Tự hào là Người đồng tính, song tính và chuyển giới, Facebook đã tung ra biểu tượng lá cờ lục sắc cầu vồng. Tháng “Tự hào…” này được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để tưởng nhớ những nạn nhân trong cuộc nổi dậy Stonewall năm 1969 ở Manhattan, Mỹ. Cuộc nổi dậy là điểm nhấn cho phong trào giải phóng của những người thuộc thế giới thứ ba ở Mỹ.

Lưỡng giới hay song tính luyến ái (tiếng Anh: Bisexual) là mối quan hệ hoặc hấp dẫn tình dục của một người với cả hai giới tính nam và nữ. Đó cũng đồng thời là sự công nhận về mặt cá nhân và xã hội đối với những kẻ lạ, so với những hiểu biết thông thường về giới tính.

Song tính luyến ái, cùng với đồng tính luyến ái và dị tính luyến ái là ba thiên hướng tính dục chính. Những người không bị hấp dẫn về mặt tình dục với cả nam lẫn nữ được gọi là vô tính (asexual). Theo nghiên cứu của chuyên gia Alfred Kinsey về tình dục loài người vào giữa thế kỷ 20, nhiều người không chỉ là dị tính luyến ái hoặc đồng tính luyến ái mà nằm giữa hai loại này.

Kinsey đánh giá sự hấp dẫn và thể hiện tình dục trên một thang 7 điểm bắt đầu từ 0 (hoàn toàn dị tính luyến ái) đến 6 (hoàn toàn đồng tính luyến ái). Theo nghiên cứu của Kinsey, phần lớn dân số thuộc loại từ 1 đến 5 (giữa dị tính luyến ái và đồng tính luyến ái). Mặc dù phương pháp của Kinsey đã từng bị chỉ trích, thang đo này vẫn được sử dụng rộng rãi để đánh giá sự liên tục của tình dục loài người.

Giới tính - 2 tay vin cả 2 cành

Song tính luyến ái đã được thấy trong các xã hội khác nhau và trong thế giới loài vật thông qua các tài liệu lịch sử. Tuy nhiên, các thuật ngữ bisexual (song tính luyến ái), heterosexual (dị tính luyến ái) và homosexual (đồng tính luyến ái) chỉ mới được sử dụng từ thế kỷ 19. Theo nhà phân tâm học Freud thì “trong mỗi con người kể từ khi sinh ra đều đã có một phần lưỡng tính tự nhiên. Tùy vào hoàn cảnh sống, tùy vào tính cách mỗi người mà phần lưỡng này sẽ được bộc lộ ra rõ rệt hoặc được kiềm chế, giấu kín...”.

Điều Freud nói đã được chứng minh bằng sự tồn tại của những mối tình lưỡng tính vẫn bị người đời xem là trái đạo lý trong bao nhiêu năm qua. Theo báo cáo Janus (xuất bản năm 1993 ở Mỹ) về hành vi tính dục người, 5% nam giới và 3% phụ nữ tự nhận thấy bản thân là lưỡng tính. Ở một thống kê khác tại Hoa Kỳ năm 2014 ghi nhận tỉ lệ người lưỡng tính là 0,7%.

Bác sĩ có xác định lại được giới tính cho bạn hay không?

Rất khó để có thể nhận dạng một người lưỡng tính. Bản thân họ trong độ tuổi thiếu niên cũng có sự xung đột nội tâm, nhất là khi họ tự nhận thấy mình “cũng thích” người cùng giới. Hầu hết họ tìm mọi cách chối bỏ “một nửa” đồng giới và tìm cách thích ứng với lối sống của “một nửa còn lại” khác giới.

Đôi khi cho đến tuổi trưởng thành, những người này vẫn chưa tìm được lời giải cho những thắc mắc của chính họ về xu hướng tính dục của bản thân. Có nhiều người thắc mắc: Nếu cảm nhận mình cùng lúc có cảm xúc tính dục với cả hai giới thì có các biện pháp y khoa nào để sàng lọc giúp nhận thấy rõ hơn, chính xác hơn mình có phải lưỡng tính hay không?

BS. Vĩnh Phước (khoa Nam học, Bệnh viện Bình dân) chia sẻ, việc thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm sinh hóa về hormone sinh dục, chẩn đoán hình ảnh, nhiễm sắc thể đồ... chỉ giúp nhận diện phần giới. Còn phần tính thì chỉ có người trong cuộc mới hoàn toàn biết rõ họ thuộc về thế giới nào.

Vẫn còn nhiều định kiến cho rằng yêu người khác giới là bình thường còn yêu cả hai giới là bệnh và cần được chữa trị. Tuy nhiên, quan niệm đó ngày càng thay đổi. Đa số các báo cáo khoa học và khuyến cáo hiện nay hướng đến việc thấu hiểu và hỗ trợ những người có xu hướng tình dục thuộc nhóm thiểu số hơn là tìm cách chữa trị họ.

Năm 1973, hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) đã loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách các rối loạn tâm thần. Từ đó, các bác sĩ tâm thần không còn tập trung điều trị để hướng một người có xu hướng tính dục đồng giới trở thành khác giới. Chúng ta đều từng nghe nhiều nhận xét về người song tính (bisexual: Người có khả năng cảm thấy hấp dẫn về tình cảm, cảm xúc hay thể chất với cả hai giới/nhiều giới). Những nhận xét thường xoay quanh việc người song tính là người lưỡng lự, không dứt khoát, băn khoăn, muốn đặt “hai chân” ở hai nơi, lăng nhăng, tò mò, nhất thời, đang dần chuyển sang đồng tính hay dị tính, theo mốt, muốn gây chú ý... 

Xã hội thường có xu hướng phân mọi thứ ra làm 2 thứ đối lập: Nam hoặc nữ, cùng giới hoặc khác giới; mà bỏ qua những khả năng khác (cả hai, không cái nào cả, một cái khác...). Đó là một trong những lý do song tính thường bị chối bỏ (“Bisexual erasure”). Chấp nhận song tính là một xu hướng tình dục thực sự cũng giống như chấp nhận người khác theo cách họ muốn được thừa nhận, dù điều đó vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.

Phủ nhận tính chân thực của song tính bởi vì nó nằm ngoài khả năng lĩnh hội của chúng ta cũng chả khác gì thái độ của những người phủ nhận đồng tính ở thời kỳ trước, cho đó là một căn bệnh tâm thần hoặc một thứ gì đó có thể chữa được.

Theo ThS.BS. Nguyễn Thế Lương/ SKĐS