Vẫn cần lắm, cần vô cùng những Thị Nở

Vẫn cần lắm, cần vô cùng những Thị Nở

Chủ nhật, 31/03/2013 | 20:12
0
Xấu đến mức ma chê quỷ hờn, nghèo kiết xác, đã thế lại dở hơi, thần kinh có vấn đề, nhưng, Thị Nở (Chí Phèo-Nam Cao) mới là người đàn bà đẹp đúng nghĩa, cái đẹp của tấm lòng nhân hậu, yêu thương, tử tế ngay với cả những thành phần bị người đời xua đuổi xa lánh, ghê tởm vì những tật xấu và tính cách không thể nào chấp nhận hay tha thứ được, như Chí Phèo.

Và chính cái tấm lòng bao dung độ lượng, rất con người, dù là vô thức và diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn ấy của Thị Nở đã hoàn toàn có thể cứu rỗi được một linh hồn lạc lỗi, vực dậy  nhân tính nhân phẩm, một số phận con người bị bỏ rơi, bị đẩy đến lưu manh vì cùng đường sống. Người đời, nếu không vô tình, hẳn sẽ phải ngã mũ trước người đàn bà xấu xí mà đẹp này. Cái đẹp, nằm trong sâu thẳm, long lanh tự nhiên như bản chất người ta là thế, sau cái vỏ bọc  tệ hại.

Nghèo! Xấu! Dở hơi! nhưng Thị Nở đã làm đươc cái công việc vĩ đại mà  không phải ai hoàn hảo đẹp đẽ giàu có quyền lực cũng làm được, đó là cứu vớt một con người, một tâm hồn, trả lại cho anh ta những tiếng người, những khát khao lương thiện từ lâu đã bị vùi dập bỏ quên trong sâu thẳm tâm hồn anh ta. Từ một  con người sống, tồn tại như con vật, thú hoang, Chí Phèo đã biết mơ ước được làm người lương thiện.

Tình yêu của Thị Nở-Chí Phèo với chủ thể là người đàn bà xấu xí ấy, thực sự là mối tình đẹp nhất, lãng mạn nhất trong văn học Việt Nam  từ trước đến nay. Nó vừa thực tế, đời, chân thành, giản dị, lại vừa lãng mạn và không kém phần vô cùng thú vị như bất cứ cuộc tình vĩ đại nào trên thế giới.

Xã hội - Vẫn cần lắm, cần vô cùng những Thị Nở

Chí Phèo - Thị Nở trong làng Vũ Đại ngày ấy

Diễn ra trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi (một đêm), không màu mè hoa lá, không cho nhau những lời tỏ tình có cánh nọ kia, mà, nói với nhau những lời  ngây ngô vụng dại quê mùa. Cũng lại chẳng có gì tặng nhau, ngoài một bát cháo hành, những cử chỉ  thô kệch với một đêm ân ái đầy bản năng. Thế mà lại cho nhau  tất cả, hơn tất cả những tình yêu được coi là vĩ đại nhất trong đời thực cũng như trong nghệ thuật, ở Việt Nam. Hãy nhìn và ngẫm lai xem, có mối tình nào, đẹp hơn, cao cả hơn mối tình này trong văn chương Việt Nam từ cổ chí kim. Ở đó, có rất nhiều mối tình đẹp đẽ, nhưng tất cả đều diễn ra trong những điều kiện  thuận lợi, ít nhất được là những con người bình thường, với tâm lý được bình thường. Như thế đã là những nhân tố thuận lợi cho cuộc tình. Sóng gió, nghịch cảnh, éo le, nếu có vượt qua được, thì cũng là điều hết sức bình thường. Bởi tình yêu đích thực nào, mà không phải thế, không làm được điều như thế! Điều quan trọng nhất, những mối tình ấy, không đủ mạnh mẽ, đủ lớn, để cao hơn cả thân phận của mình. Họ gần như thụ động, bị số phận đưa đẩy và thiếu tính hành động, cho nhau và cho nhau!

Thị Nở  đã có những hành động đẹp, can đảm, ân tình, nghĩa cử với Chí, rất đời mà chân thành nồng ấm vô cùng. Những hành động của yêu thương, tưởng như không có gì, lặt vặt ấy  đã hồi sinh cái phần con người đã chết từ lâu trong Chí. Từ  những  điều ấy, những thanh âm đời thường đã trở lại văng vẳng bên tai Chí. Chí bắt đầu chợt nhận ra cái tôi, ngộ ra bản chất và ý nghĩa của đời sống. Hiểu thế nào là con người, phải sống như thế nào? Chí bắt đầu, phục hồi lại nhân phẩm, nhân cách của mình, cải tạo lại mình, hoàn lương lại mình, tìm lại chính mình, nhặt lại mình, muốn được sống được về với yêu thương. Và Chí đã ra đi, đòi lại một cuộc đời thân phận, đã bị đánh cắp, để được sống bình thường như bao con người. Đường về cõi thiện của Chí đã được mở ra, bắt đầu từ Thị Nở. Thị Nở, đã gọi được tiếng người, tâm người về với Chí, trong những  phút giây ngắn ngủi của đời mình!

Rất tiếc, Chí đã chết, bởi quá đơn độc, yếu đuối, manh động và vội vã trong hành trình ấy! Cũng bởi vì, nghịch cảnh xã hội và thời đại quá khốc liệt tàn bạo với thân phận mong manh của Chí. Nhưng, đấy lại là một cái chết đẹp, đáng thương, đáng được thông cảm chia sẻ hơn là hờn giận ghét bỏ! Cái chết đầy oan khuất tức tưởi của một con người bị xua đuổi dồn nén đến tận chân tường, và quyết liệt xông lên, đòi lại cho bằng được những gì đã bị đánh cắp tráo trở, trong tận cùng tuyệt vọng đớn đau. Chí phải chết, nhưng cái chết của Chí là cái chết  trong tâm thế của một con người đang đòi được sống  lương thiện. Chí, đã là người, đã lương thiện trong cái giây phút cuối cùng của đời một con thú hoang dã độc ác.

Ai là người sẽ cho Chí được lương thiện? Phải chăng đó chính là Thị Nở. Thị Nở không biết khái niệm thế nào là lương thiện, không chỉ ra được cái cách đòi lại được lương thiện cho Chí, nhưng, đã khơi gợi được hai chữ lương thiện, đánh thức được phần người còn sót lại  của Chí Phèo bằng chính những hành động lương thiện tử tế  của mình, trong những điều kiện cực kỳ không may của hoàn cảnh sống và số phận.

Họ đến với nhau, dù ngắn, nhưng cũng đủ để vĩnh hằng trong tâm tưởng người đọc, bởi, họ rất thật với nhau với đời. Toàn bộ con người họ, được phơi bày không giấu giếm, để từ đó chấp nhận  và đồng cảm được với nhau. Yêu có nghĩa là thấu hiểu và thông cảm cho nhau.

Tình yêu thời hiện tại, có mấy ai đã thật tâm thật lòng, thật tất cả, khi đến với nhau? Tình yêu, hôn nhân chóng tan vỡ, bởi chính vì cái sự giả, không thật với nhau ngay từ cái giây phút đầu tiên!

Xã hội hiện đại, vẫn còn vô vàn những Chí Phèo, lầm lạc tội lỗi.

Và như thế, vẫn cần lắm, cần vô cùng, những Thị Nở, với những vương miện nội tâm, hoa hậu nhân ái, để cứu vớt và tái sinh lại những cuộc đời lạc lối ấy!

Cao Nguyên

Vô nhân đạo, ngang ngược và trắng trợn!

Thứ 4, 27/03/2013 | 11:20
Việc tàu Trung Quốc xả súng vào tầu cá của ngư dân ta vừa qua là hành động vô nhân đạo, cố ý giết người, đáng bị lên án. Thế nhưng người phát ngôn của họ lại trắng trợn bóp méo sự thật, tuyên bố rằng đó là phản ứng “đúng đắn và hợp lý”...

Quyền được chết: Mong manh nhân đạo và tội lỗi

Thứ 5, 07/03/2013 | 09:23
"Thường những người tuổi cao, bệnh tật nặng, nằm liệt giường mong muốn được giải thoát. Tự bản thân họ giết mình thì không thể, con cái thì không dám, dù cả hai rất khổ tâm.

Thành lập quỹ nhân đạo mà khó vậy sao?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Cựu phó tổng giám đốc VTV Trần Đăng Tuấn vừa có thư gửi bộ trưởng Bộ Nội vụ phàn nàn về thủ tục thành lập quỹ nhân đạo do ông khởi xướng bị "hành là chính".

Con người, nguyên nhân của biến đổi khí hậu

Thứ 6, 29/03/2013 | 10:52
Những nhân tố có thể hình thành khí hậu là thay đổi bức xạ khí quyển, bao gồm các quá trình như biến đổi bức xạ mặt trời, độ lệch quỹ đạo của Trái Đất, quá trình kiến tạo núi, kiến tạo trôi dạt lục địa và sự thay đổi nồng độ khí nhà kính.