Trách nhiệm trong giáo dục trẻ mầm non nhìn từ vụ bé gái 21 tháng tuổi đi học bị cắn tím người

Thủy Tiên

Sau buổi học thứ hai, cháu bé 21 tháng tuổi trên người có chi chít các vết tấy đỏ và được cô giáo giải thích do bạn cắn. Sự việc dấy lên những lo ngại và dấu hỏi về vấn đề an toàn cho trẻ mầm non khi tới trường.

Sáng 14/9, bà Bùi Thị Huế - Hiệu trưởng trường mầm non An Vinh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) - xác nhận, có vụ việc cháu bé B.H.P. bị bạn cắn. Trao đổi với báo chí, đại diện nhà trường cho hay, do giáo viên phụ trách lớp bận đưa một cháu nhỏ khác đi vệ sinh nên dẫn tới việc cháu P. bị bạn cắn trong khoảng thời gian này. Cháu P. bị 12 vết thương ở tay, chân và lưng.

Trước câu chuyện của trường mầm non An Vinh, cô giáo Hoàng Thanh Sâm (giáo viên trường mầm non Ánh Dương - Lào Cai) cho rằng: “Đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường mầm non là quyền lợi chính đáng của trẻ. Các bé cần được học tập và vui chơi một cách lành mạnh, an toàn dưới sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên cũng như của nhà trường.

Chính vì vậy, đòi hỏi lớn nhất ở giáo viên mầm non chính là tình yêu nghề, mến trẻ, là sự tâm huyết, luôn luôn coi sóc học sinh tỉ mỉ, cẩn thận như con mình”.

“Trong trường hợp này, trẻ bị cắn, và ở một số nơi khác, đã từng xảy ra việc trẻ bị bạo hành, hoặc trẻ bị thương khi tiếp xúc với những nguy hiểm khác... Chẳng hạn, trẻ bị bỏng cồn trong tiết học kỹ năng sống ở một trường mầm non tư thục tại Hà Nam là một ví dụ. Chưa nói đến việc lựa chọn kỹ năng sư phạm chưa phù hợp với lứa tuổi của trẻ, những bé mầm non thường rất hiếu động, thích tìm tòi và khám phá thế giới xung quanh, nên dễ va chạm, tiếp xúc với những thứ nguy hiểm khác...

Vì vậy, các con cần được quan tâm sát sao từ cô giáo, giám sát chặt chẽ từ nhà trường để tránh những tai nạn, rủi ro đáng tiếc xảy ra. Theo tôi, bên cạnh việc bố trí lớp học, cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, bản thân những người làm cô nuôi dạy trẻ còn phải thực sự có tâm với nghề, dùng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con, quan tâm tới sinh hoạt của từng trẻ, mới có thể tránh được những rủi ro đáng tiếc” - cô Sâm phân tích.

Cô giáo Nguyễn Lan Anh (giáo viên trường mầm non Vườn Xanh Nam Đô - Hà Nội) cũng chia sẻ: “Việc trẻ mầm non cắn nhau cũng có thể hiểu được, vì ở lứa tuổi của các con hay ngứa răng, ngứa lợi, thường muốn cắn một vật gì đó.

Đáng lẽ, người làm giáo viên phải biết được điều này, lường trước tình huống và để mắt đến các con, sát sao và kịp thời can thiệp. Để một đứa trẻ bị cắn “kín người” như vậy, chắc chắn không thể phủ nhận sự thiếu trách nhiệm của giáo viên. Khi sự giám sát, trông nom của giáo viên còn hời hợt, thiếu trách nhiệm, trẻ sẽ dễ bị tổn thương. Những người như vậy, nếu còn tiếp tục chăm sóc trẻ, sẽ dẫn đến những sự cố đáng tiếc nhiều hơn”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Phan Thị Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng một trường mầm non tại Vĩnh Phúc - nhận định: “Xảy ra chuyện trẻ mầm non cắn bạn, trước hết, chúng ta cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân từ đâu.

Nếu do điều kiện khách quan không thể đáp ứng, chẳng hạn, ở một số trường, do học sinh quá đông, lại không có đủ giáo viên nên số lượng giáo viên đứng lớp không tương xứng với số lượng trẻ theo quy định, gần 40 học sinh mà chỉ có một giáo viên, thì không thể bao quát hết được.

Chỉ cần khi trong lớp có 1-2 bạn cần đi vệ sinh, nếu cô giáo lúi húi trong nhà vệ sinh mà không có cô giáo thứ hai trông nom những trẻ còn lại, rất dễ xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy”.

Tuy nhiên, vị Phó Hiệu trưởng cũng cho rằng: “Nếu không phải do yếu tố khách quan, thì nguyên nhân chắc chán nằm ở giáo viên. Có thể hai đứa trẻ được xếp ngồi gần nhau từ lúc ngồi học, lúc ăn, lúc ngủ,... và đứa trẻ bị cắn trong suốt những khoảng thời gian khác nhau nhưng giáo viên lại thờ ơ, vô tâm, không để ý đến, không phát hiện ra để tách những đứa trẻ ra kịp thời. Đó là sự vô tâm đáng trách của giáo viên.

Hoặc trong trường hợp giáo viên mải mê làm việc riêng trong giờ làm việc, dẫn đến không bao quát được học sinh, thì lại càng đáng trách hơn. Sự an toàn của trẻ mầm non luôn phải được đặt lên hàng đầu, bất cứ điều gì xung quanh cũng có thể tiềm ẩn nguy hiểm cho một đứa trẻ”.

“Chính vì vậy, trước hết, nhà trường phải đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp tương xứng với số lượng trẻ theo đúng quy dịnh, và đảm bảo cơ sở vật chất an toàn cho trẻ. Đồng thời, khâu tuyển chọn giáo viên phải làm thật kỹ lưỡng, không để những người không có tình yêu nghề, mến trẻ, không nhiệt tình, tâm huyết được trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ” - bà Nhung nhấn mạnh.

“Sự việc cháu bé bị bạn cắn nhiều vết xảy ra ở trường mầm non An Vinh là sự việc đáng tiếc. Hình thức xử lý cá nhân cô Nguyễn Thị Hải sẽ do hội đồng trường mầm non An Vinh quyết định, phòng GD&ĐT gợi ý hình thức kỷ luật luân chuyển cô Hải làm nhân viên nuôi dưỡng, không đứng lớp để kiểm điểm” - Ông Nguyễn Văn Roanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Phụ thông tin.

T.T