Tố giác thân chủ làm tăng mối nguy hiểm cho luật sư

Tố giác thân chủ làm tăng mối nguy hiểm cho luật sư

Thứ 5, 01/06/2017 | 06:30
0
Quy định luật sư phải tố giác thân chủ sẽ bóp nghẹt hoạt động nghề nghiệp và tăng mối nguy hiểm cho luật sư.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đang là dự án luật gây tranh cãi nhất tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV tính đến thời điểm này, trong đó có Điều 19 Không tố giác tội phạm.

Báo Người Đưa Tin xin đăng tải bài viết nêu quan điểm của Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội về quy định đang gây tranh cãi này.

Góc nhìn luật gia - Tố giác thân chủ làm tăng mối nguy hiểm cho luật sư

Luật sư Đặng Văn Cường.

Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015 vẫn còn nhiều điểm hạn chế, đặc biệt là quy định luật sư phải tố giác thân chủ khi biết thân chủ phạm tội Xâm phạm an ninh quốc gia và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3, Điều 19 BLHS năm 2015). Nội dung điều luật này trước đây chưa lấy ý kiến của luật sư mà chỉ lấy ý kiến chung chung, thậm chí nhiều ý kiến của luật sư không được chấp nhận, đưa vào dự thảo.

Tôi nghĩ rằng hầu hết luật sư đang lên tiếng phản đối quy định tại khoản 3, Điều 19, Bộ luật Hình sự năm 2015 không phải là vì "miếng cơm, manh áo" của luật sư mà là vì sự phát triển của nền tư pháp Việt Nam, thể hiện trách nhiệm trước xã hội.

Quy định tại khoản 3, Điều 19 là một quy định có mâu thuẫn về mặt lý luận luật hình sự; mâu thuẫn, xung đột với quy định của Hiến pháp, luật Luật sư, quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư và các văn bản pháp luật khác; vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và của luật Hình sự, Tố tụng Hình sự; đi ngược lại với xu thế chung, sự phát triển của Tố tụng Hình sự thế giới; quy định này không phải là giải pháp hữu hiệu để đấu tranh với tội phạm mà chỉ làm gia tăng tiêu cực trong xã hội, tạo ra sự nguy hiểm cho các luật sư và từng bước bóp nghẹt nghề luật sư tranh tụng...

Quy định này phải được bãi bỏ, với những lý do sau:

Thứ nhất, mẫu thuẫn về mặt lý luận trong tranh tụng. Nghị quyết số 08/2002-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Ban chấp hành trung ương quy định rõ: "Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa", đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, tạo điều kiện để luật sư được tranh tụng dân chủ, bình đẳng với kiểm sát viên tại phiên tòa... Sau đó, Điều 103, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản trong hiến pháp.

Tiếp tới Điều 26, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự. Theo nguyên tắc này thì sẽ phân định rõ ràng bên "buộc tội" và bên "bào chữa - gỡ tội" tranh luận, phản biện, đối kháng nhau trong vụ án hình sự để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, nêu ra, phân tích những chứng cứ buộc tội, gỡ tội và tòa án sẽ là trọng tài để phân định bên nào đúng, bên nào sai, quyết định kết quả giải quyết vụ án, tăng cường tính dân chủ, công bằng trong tố tụng hình sự...

Đó là thành tựu trong công cuộc cải cách tư pháp. Bên buộc tội là các cơ quan tiến hành tố tụng, chủ yếu là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, còn bên bào chữa là bên gỡ tội, duy nhất chức năng gỡ tội chứ không có chức năng buộc tội.

Pháp luật của chúng ta có ít nhất 3 cơ quan chuyên trách (điều tra, kiểm sát, tòa án) để thực hiện chức năng buộc tội, trong khi có chỉ có một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên trách "gỡ tội" theo thiên chức của họ. Thế mà, nếu có quy định bắt họ phải đứng về phía cơ quan buộc tội, phải "phản chủ" thì không ổn.

Bởi quy định như vậy sẽ thủ tiêu nguyên tắc tranh tụng, kéo lùi sự phát triển của nghề luật sư và phá hỏng kết quả của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Vì vậy, bỏ quy định tại khoản 3, Điều 19 BLHS năm 2015 là phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, tạo điều kiện cho các quy định tiến bộ khác có cơ hội được triển khai trên thực tế.

Thứ hai, quy định luật sư phải tố giác thân chủ chưa có tiền lệ trên thế giới. Theo thống kê của các chuyên gia về hình sự quốc tế thì hiện nay chỉ có một vài nước trong số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy định về việc luật sư có trách nhiệm thông tin cho chính quyền những kẻ có âm mưu khủng bố, xâm phạm an ninh quốc gia... còn đối với những hành vi nguy hiểm đã thực hiện rồi, luật sư tham gia bào chữa rồi thì không nước nào quy định là luật sư phải "tố giác" thân chủ của mình.

Nguyên tắc luật sư phải tuyệt đối trung thành với thân chủ, bảo mật thông tin, bảo vệ thân chủ xuất phát từ công ước về quyền con người, các nghị quyết của Liên hợp quốc về quan hệ giữa luật sư và khách hàng. Từ đó nhiều nước đã có những quy định rất cụ thể để miễn trừ cho luật sư về vấn đề tố giác tội phạm.

Một số nước chỉ có quy định là phải tiết lộ, cung cấp thông tin của luật sư cho Nhà nước khi phát hiện thân chủ có ý định xâm phạm an ninh quốc gia, chống loài người, còn với những hành vi phạm tội đã diễn ra thì không bắt buộc phải thông tin chứ chưa nói tới hành động cao hơn là "tố giác".

Vì vậy, nếu chúng ta quy định luật sư phải "phản chủ" khi thân chủ đã thực hiện một hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì vấn đề này là một quy định trái khoáy và không phù hợp với xu hướng chung của tố tụng hình sự thế giới.

Thứ ba, quy định luật sư phải tố giác thân chủ mâu thuẫn về mặt logic và không đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Trong các nhà nước pháp quyền hiện nay, quyền bào chữa và quyền được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp là một trong những quyền cơ bản của công dân; quyền đó thường được thể hiện ngay trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các văn bản luật rằng: công dân có thể tự bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc nhờ người khác bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Toà án.

Để đảm bảo quyền con người trong xã hội nói chung, các bản Hiến pháp của nước ta đều đã có nhiều điều khoản nhấn mạnh quyền công dân trong đó không thể không kể đến quyền bào chữa và những bảo đảm cần thiết để quyền đó được thực hiện. Việc Hiến pháp ghi nhận quyền bào chữa của bị can, bị cáo càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của chế định này.

Điều 34, Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta cũng quy định và ghi nhận quyền bào chữa của bị can, bị cáo nhằm không để bất kì người nào có thể bị hạn chế hay tước quyền cơ bản mà pháp luật đã dành cho họ. Từ việc nhờ người khác bào chữa, luật sư và nghề luật sư xuất hiện để đáp ứng nhu cầu được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Như vậy quyền bào chữa là quyền thuộc về bị can bị cáo và họ có quyền ủy quyền cho luật sư thực hiện quyền bào chữa thay cho họ. Luật sư chỉ được thực hiện các nội dung trong phạm vi ủy quyền và chỉ dùng quyền được ủy quyền để bảo vệ quyền lợi của bị can bị cáo. Không thể lợi dụng quyền đó để chống lại thân chủ của mình.

Mặt khác, nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự đòi hỏi luật sư phải thực hiện chức năng duy nhất là chức năng bào chữa để gỡ tội cho thân chủ. Nếu nay luật sư phải thêm hoạt động buộc tội thì không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng.

Hiện nay, Việt Nam có ba cơ quan chuyên trách để đấu tranh với tội phạm là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, ngoài ra còn vận động toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm... trong khi đó chỉ có một tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện vai trò phản biện, gỡ tội để việc buộc tội có căn cứ hơn, khách quan hơn, công bằng hơn (chứ không phải để cản trở hoạt động buộc tội).

Vậy mà, lại bắt luật sư phải tố giác tội phạm chính là những thân chủ mà mình đang bảo vệ thì điều này là phi logic và xung đột với các quy định về quyền bào chữa, bí mật thông tin, đạo đức nghề nghiệp luật sư, vi phạm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự.

Nếu quy định luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ thì sẽ làm cho các bị can, bị cáo ngại bày tỏ với người bào chữa về những vấn đề "thầm kín" của mình, ngại tiếp cận dịch vụ pháp lý của luật sư và chỉ còn cách là "chạy tội, chạy án" làm gia tăng những tiêu cực trong xã hội.

Nếu quy định này được ban hành thì suy nghĩ cần phải giấu tội, giấu thông tin của các bị can, bị cáo sẽ gia tăng dẫn đến càng khó khăn hơn trong việc giải quyết vụ án và không có cơ hội để luật sư động viên bị cáo đầu thú, lập công chuộc tội, tìm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can, bị cáo, làm giảm giá trị, hiệu quả của hoạt động bào chữa.

Thứ tư, quy định luật sư phải tố giác thân chủ sẽ bóp nghẹt hoạt động nghề nghiệp luật sư và tăng mối nguy hiểm cho luật sư. Hiện nay, nghề luật sư tranh tụng trong vụ án hình sự ở Việt Nam không dễ dàng gì hành nghề, cần phải có nhiều quy định, cơ chế để hoạt động này phát triển, đáp ứng nhu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.

Vậy mà, lại quy định luật sư phải "tố giác" thân chủ, đồng nghĩa với việc thân chủ không nên thành thật với luật sư bào chữa cho mình (nếu nói ra sẽ bị tố giác) thì sẽ gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động bào chữa.

Thêm vào đó, hoạt động buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác đáng, qua quá trình xác minh, điều tra kỹ lưỡng bằng những phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ, chứng minh bằng chứng cứ. Vậy mà nếu thân chủ chỉ nói miệng với luật sư một vài thông tin về hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nào đó thì luật sư có phải vội vàng đi "tố giác" thân chủ hay không?

Nếu tố giác không có căn cứ rõ ràng, sau này tòa án tuyên bị cáo không phạm tội thì uy tín của luật sư đó thế nào? Bị cáo kiện lại yêu cầu bồi thường vì làm lộ thông tin, tố giác không có căn cứ thì ai sẽ bồi thường thay cho luật sư.

Trong quá trình thực hiện hoạt động tranh tụng thì không tránh khỏi những mâu thuẫn, "va chạm", thậm chí thù hằn giữa luật sư bào chữa và những người tiến hành tố tụng.

Nếu vin vào quy định tại khoản 3, Điều 19 BLHS mà những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng không khách quan, vì tư thù cá nhân mà cứ khởi tố người bào chữa vì đã nghe bị cáo "nói" mà không tố giác thì quả là đau xót cho hoạt động tố tụng của chúng ta, khi đó quy định này sẽ thành công cụ để trả thù nhau, gia tăng tiêu cực, bất ổn trong xã hội.

Thứ năm, nếu luật sư vi phạm thì có nhiều chế tài, chứ không chỉ có chế tài hình sự. Các quy định về trách nhiệm nghề nghiệp luật sư bào chữa thể hiện rất nhiều ở các văn bản pháp luật như Luật luật sư, Bộ luật Tố tụng Hình sự, quy tắc ứng xử nghề nghiệp luật sư.,. đồng thời cũng có rất nhiều chế tài như: Kỷ luật, chế tài hành chính, thậm chí hình sự... khi mà luật sư cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Vấn đề ở chỗ, áp dụng chế tài nào khi luật sư vi phạm là câu chuyện cần bàn tính. Không phải luật sư bào chữa là không có trách nhiệm đấu tranh với tội phạm...

Thực tế trong rất nhiều các vụ án hình sự, khi luật sư tham gia vụ án, thấy đủ chứng cứ, căn cứ để kết tội thì người bào chữa luôn khuyên thân chủ của mình là thành khẩn nhận tội để được hưởng khoan hồng của pháp luật, tạo tin tưởng để thân chủ dãi bày, chia sẻ thông tin, làm căn cứ để luật sư thực hiện hoạt động bào chữa còn trách nhiệm buộc tội đã giao cho các cơ quan tư pháp.

Nếu luật sư bị khởi tố về hành vi không tố giác tội phạm thì đồng thời luật sư đó cũng sẽ bị xóa tên và không còn được hoạt động nghề nghiệp luật sư nữa... Chế tài này quá nghiêm khắc so với tính chất của hành vi và trách nhiệm nghề nghiệp, thiên chức của nghề luật sư.

Vì vậy, ý kiến của cá nhân tôi và phần lớn luật sư Việt Nam hiện nay là nên bỏ hẳn khoản 3, Điều 19 BLHS năm 2015 để tránh bước thụt lùi của tố tụng hình sự Việt Nam, đảm bảo những quy định mới tiến bộ khác được phát huy giá trị, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động cải cách tư pháp.

Nếu cần thiết thì Liên đoàn luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư lớn như đoàn Luật sư Hà Nội, đoàn Luật sư TP.HCM có thể tổ chức lấy ý kiến của toàn thể luật sư về vấn đề này để trình Quốc hội xem xét.

Ls.Đặng Văn Cường

Cùng chuyên mục

Từ vụ xét xử Tân Hoàng Minh: Trường hợp nào được lấy lại tiền ngay?

Thứ 2, 25/03/2024 | 18:57
Từ yêu cầu của bị hại trong vụ xét xử Tân Hoàng Minh, pháp luật quy định thể nào về việc trường hợp được nhận lại tài sản ngay lập tức, trường hợp nào không?

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Du khách đối mặt án 10 năm tù vì dàn cảnh bị bắt cóc

Chủ nhật, 24/03/2024 | 14:00
Một du khách Trung Quốc bị cho là đã dàn dựng vụ bắt cóc chính mình ở Singapore để đòi tiền chuộc 5.553 SGD (103 triệu đồng) từ người thân.

Cần xử lý nghiêm đối tượng sàm sỡ phụ nữ ở Đà Nẵng

Thứ 4, 20/03/2024 | 15:53
Theo luật sư, cần xử lý nghiêm khắc đối tượng sàm sỡ phụ nữ nhằm tránh các hệ lụy nghiêm trọng về sau.

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: 10.000 quả trứng đổ xuống đường gây tai nạn, tài xế xe tải nhận án phạt

Thứ 2, 18/03/2024 | 07:00
Nam tài xế lái xe tải ở Đài Loan (Trung Quốc) vừa bị phạt tiền vừa có nguy cơ bị treo bằng lái 1 năm do làm đổ 10.000 quả trứng xuống đường dẫn tới tai nạn.

Hai "ma men" dùng gạch tấn công lực lượng 911 sẽ bị xử lý thế nào?

Chủ nhật, 17/03/2024 | 19:48
Mọi hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ trái quy định pháp luật đều có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
     
Nổi bật trong ngày

Công an Tp.Vũng Tàu thu giữ hơn 20kg nghi ma túy cocaine

Thứ 6, 29/03/2024 | 12:28
Phát hiện bao tải nghi chứa ma túy, Tuấn không giao nộp cho cơ quan chức năng mà cất giấu, tàng trữ với mục đích bán kiếm lời cho các “con nghiện”.

Lên mạng xã hội tìm "của lạ", người đàn ông bị lừa 600 triệu đồng

Thứ 5, 28/03/2024 | 20:20
Lên mạng tìm "của lạ" trong lúc đi công tác, người đàn ông ở tỉnh Gia Lai đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng.

Tạm giữ 26 đối tượng mang hung khí đuổi đánh nhau trong đêm ở Hà Nội

Thứ 5, 28/03/2024 | 16:19
Ngày 27/3, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng, tạm giữ hình sự đối với 26 đối tượng có độ tuổi từ 16-20.

Giám đốc “bùng tiền” vay nợ lĩnh 20 năm tù sau 16 năm trốn chạy

Thứ 5, 28/03/2024 | 15:26
Chiều 27/3 ,TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quyền (SN 1954, Tây Hồ, Hà Nội) 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đề nghị truy tố 24 bị can trong đường dây khai thác cát trái phép

Thứ 5, 28/03/2024 | 19:49
Công an Tp.Hồ Chí Minh đã kết thúc điều tra vụ án khai thác cát trái phép, chuyển hồ sơ cho Viện KSND Tp.Hồ Chí Minh đề nghị truy tố 24 bị can trước pháp luật.