Tìm lại hạnh phúc nơi tận cùng cái chết

Tìm lại hạnh phúc nơi tận cùng cái chết

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Cả đêm cháu bé đi ngoài ra máu, nôn ra máu, quấy khóc không ngủ. Sống trên đời mới được hơn 8 tháng, cháu đã phải chống chọi với căn bệnh "thế kỷ" HIV /AIDS, khiến cơ thể cháu suy kiệt, chỉ còn da bọc xương, mắt sâu hoắm, nằm thoi thóp trên giường bệnh.

Đến 4 giờ sáng hôm sau thì cháu bé qua đời. Kể lại cái chết thương tâm của con với tôi, Hương nhạt nhòa nước mắt.

Ba lần sinh con, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Ngồi trước tôi là một phụ nữ trẻ, tuổi mới khoảng 30. Chị tên Nguyễn Thị Hương - là nhân viên trực điện thoại đường dây 18001521 tại Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế, HIV/AIDS (trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam).

Cũng như nhiều người bị HIV, đôi lúc Hương muốn kết thúc chuỗi ngày đau khổ của mình bằng cái chết. Chị tâm sự: tôi sinh ra ở một làng quê ở tỉnh Bắc Ninh. Năm 22 tuổi, tôi lấy chồng, nhưng vớ phải anh chồng lười nhác, bỏ mặc tôi cực nhọc với nghề bốc vác gạch. Sau khi sinh con gái đầu lòng được 6 tháng, tôi phát hiện chồng mình nghiện ma túy.

Vì thiếu hiểu biết, tôi vẫn sinh hoạt tình dục bình thường với chồng mà không có biện pháp phòng tránh. Thế rồi chồng tôi phải đi tù 3 năm vì tội trộm cắp tài sản. Bất đắc dĩ, tôi phải làm đơn xin ly hôn. Vì kinh tế gia đình rất khó khăn, tôi để con cho bà ngoại nuôi, lên Hà Nội kiếm sống. Quãng thời gian đó, tôi có quan hệ tình cảm với một người đàn ông và đã có một đứa con gái. Chúng tôi thỏa thuận để bố cháu nuôi cháu.

2 năm sau, tôi lại sinh một bé gái nữa. Xin nói thêm, cả 3 lần sinh con (2 lần ở quê, 1 lần ở Hà Nội), tôi không hề được thử máu, hay xét nghiệm gì cả. Đến tháng thứ 8, cháu gái thứ 3 mới sinh của tôi mắc bệnh tiêu chảy và sốt kéo dài. Tôi đưa cháu đến bệnh viện Bạch Mai chữa trị.Hơn 2 tuần chữa bệnh, làm mọi xét nghiệm, kể cả xét nghiệm HIV /AIDS, nhưng các bác sỹ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Sau này tôi mới biết, trẻ dưới 18 tháng tuổi làm xét nghiệm HIV cho kết quả không chính xác. Nghe tôi nói có chồng bị nghiện, bác sỹ ở đây khuyên tôi nên đi xét nghiệm HIV /AIDS. Tôi làm theo lời khuyên của bác sỹ và kết quả là tôi đã mắc phải căn bệnh thế kỷ: HIV/AIDS. khi biết kết quả, tôi chỉ thiếu nước ngất đi.

Con tôi được chuyển ngay đến Viện Nhi Trung ương. Một tuần sau, cháu cắt cơn sốt và tiêu chảy. Nhưng chỉ đưa cháu về nhà được 1 tuần là bệnh cũ của cháu lại tái phát. Gần 3 tháng đưa con đi đi về về (Bắc Ninh - Hà Nội), con tôi bắt đầu đi ngoài ra máu, cơ thể suy kiệt, nôn ra máu. Ngày hôm sau, người cháu lả đi, ngủ lơ mơ, khoảng 4 giờ sáng thì cháu mất. "Con tôi chết vì HIV /AIDS", Hương nói giọng đau buồn.

Nỗi buồn sâu thẳm mất con của bà mẹ trẻ bị HIV như dần được bù đắp khi Hương tham gia nhóm đồng đẳng với những người bạn cùng cảnh ngộ. Bạn trưởng nhóm khuyên Hương cho cháu lớn lúc này đã 8 tuổi đi xét nghiệm HIV /AIDS. Thật đau đớn, không may, con đầu của Hương cũng bị HIV /AIDS. Một lần, cháu bị méo mồm, Hương đưa cháu đến một phòng khám tư để châm cứu.

Ngày đầu châm cứu, người cháu ra nhiều máu. Sáng hôm sau, sợ máu của cháu lây nhiễm cho người khác, tôi nói ngay với bác sỹ con mình bị HIV. Bác sỹ không nói gì, nhưng vợ bác sỹ đuổi mẹ con Hương ra khỏi nhà và nói Hương giết gia đình họ. Bây giờ, con của Hương đang được điều trị thuốc ARV và cháu vẫn khỏe mạnh, học tập bình thường.

Tìm lại hạnh phúc trong công việc

Điện thoại bàn tại Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS liên tục đổ chuông. Người gọi đến đa phần là những người bị HIV /AIDS hoặc liên quan đến căn bệnh "thế kỷ". Mỗi lần nhấc máy, tôi thấy Hương trả lời lưu loát và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho người phía đầu dây bên kia.

Qua những cuộc gọi này, và bằng hành động cụ thể, Hương và các đồng sự của mình đã đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho những người bị HIV /AIDS. Mỗi ngày đến cơ quan làm việc, Hương phải vượt qua chặng đường 40 km từ Bắc Ninh đến Hà Nội. Sáng đi, tối về. "Tâm lý tôi bây giờ rất thoải mái. Tôi đã học hỏi được nhiều kiến thức về HIV /AIDS. Tôi tự mình vươn lên tất cả. Không cần biết lúc nào mình chết, hay như thế nào, trước mắt tôi phải sống vui vẻ để lo cho con cái", Hương bộc bạch.

Bà Trịnh Thị Lê Trâm - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS cho biết, ngoài Nguyễn Thị Hương, Trung tâm còn nhận nhiều người bị HIV /AIDS vào làm việc. "Các bạn này đóng vai trò tích cực, động viên, chia sẻ với những người bị HIV /AIDS thông qua việc tư vấn trực tiếp qua đường dây điện thoại 18001521 và 37368043", bà Trâm nhận xét.

Cũng theo bà Trâm, từ khi thành lập đến nay (năm 2007), Trung tâm đã tư vấn miễn phí được 5.330 cuộc điện thoại gọi đến và tư vấn trực tiếp được 1321 trường hợp liên quan đến HIV /AIDS. Lĩnh vực hoạt động chính của Trung tâm là cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS; trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV /AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV /AIDS; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS...

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thiên Long