Thực phẩm biến đổi gen có thể gây thảm họa

Thực phẩm biến đổi gen có thể gây thảm họa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Hiếm có thành tựu khoa học hiện đại nào lại gây tranh cãi nhiều như thực phẩm biến đổi gen, ngay cả khi đã được ứng dụng trong đời sống. Chúng ta đã quá cẩn trọng, hay con người đang đùa với số phận của chính mình?

Tham vọng biến đổi quy luật tự nhiên của con người

Vừa qua, các dân biểu bang California (Hoa Kỳ) một lần nữa bỏ phiếu chống lại dự luật bắt buộc các hãng bán thực phẩm biến đổi gen phải dán nhãn phân biệt loại thực phẩm này với các thực phẩm truyền thống. Không chấp nhận thua cuộc, phe ủng hộ dự luật cho biết, họ sẽ đệ trình vấn đề này lên Quốc hội Mỹ. Câu chuyện tại California là ví dụ điển hình cho cuộc tranh cãi bất tận về thực phẩm biến đổi gen đang diễn ra gay gắt trên hầu khắp các quốc gia.

Năm 1986, sau nhiều năm nghiên cứu, công ty thuốc lá Seita của Pháp, chủ sở hữu nhãn hiệu thuốc lá danh tiếng Gauloise, bắt đầu triển khai trồng những cây thuốc lá biến đổi gen tại các vùng nguyên liệu của mình trên lãnh thổ Pháp và Mỹ. Đây là những cây trồng biến đổi gen đầu tiên trên thế giới được đưa vào trồng với mục đích thương mại. Chúng đã được các nhà khoa học sửa đổi bộ gen di truyền để có thể thích nghi với các loại thuốc diệt cỏ đang sử dụng.

Ngoài đối tượng là những loại cây công nghiệp, việc nghiên cứu áp dụng biến đổi gen cho các loại cây trồng cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người cũng được tiến hành. Gần mười năm sau, những trái cà chua biến đổi gen đầu tiên chính thức được bày bán tại một số siêu thị tại London (Anh) vào năm 1994. Đến thời điểm này, việc áp dụng biến đổi gen đã được thực hiện đại trà trên hàng loạt các loại cây trồng như thuốc lá, cà phê, gạo, đậu tương, ngô, khoai tây.

Khái niệm cây trồng biến đổi gen (Genetically Modified Crop GMC) và thực phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Food GMF) xuất hiện. Những tranh cãi xung quanh thành tích chinh phục tự nhiên của con người này cũng bắt đầu bùng lên, từ các nhà khoa học đến các chính trị gia và người dân, cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Xã hội - Thực phẩm biến đổi gen có thể gây thảm họa

Biểu tình chống thực phẩm biến đổi gen, yêu cầu dán nhãn tại Chicago (Mỹ)

Biện pháp biến đổi gen của con người được xem như là thay tạo hóa sửa chữa, sắp xếp lại bộ gen của đối tượng, biến đổi để chúng phát triển theo ý muốn của con người. Khi không hài lòng về một đặc tính của một loài sinh vật nào đó, con người sẽ tìm xem gen nào quy định đặc tính đáng ghét ấy, rồi can thiệp loại bỏ, thay thế gen đó khiến đặc tính ấy biến mất trong các thế hệ tiếp theo. Các gen gây bệnh, các gen khiến cây trồng khó chịu được hạn hán, úng ngập bị loại bỏ. Các gen thúc đẩy quá trình sinh trưởng, cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon được thêm vào.

Năng suất và chất lượng của GMC nhờ đó luôn vượt trội so với cây trồng nguyên bản. Như vậy, về mặt lý thuyết, biến đổi gen là một thành quả vĩ đại, giúp con người muốn gì được nấy. Nhưng thực tế thì không đơn giản thế.

Thành quả hay thảm họa ?

Theo những người ủng hộ, GMC mang lại nhiều lợi ích to lớn cho con người. Trong bối cảnh dân số thế giới không ngừng tăng trong khi diện tích đất canh tác nông nghiệp lại ngày càng giảm mạnh theo đà đô thị hóa, thì GMC đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm sức ép về cung cấp lương thực trên toàn cầu. GMC có năng suất, chất lượng cao hơn, giúp tăng nguồn cung lương thực và giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo.

Khả năng chống chịu sâu bệnh của GMC giúp giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật cần dùng, từ đó giảm tác hại của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với môi trường. Các giống GMC chịu hạn, chịu úng cũng khiến nhiều vùng đất hoang hóa vì hạn hán hay úng ngập trở thành những cánh đồng trù phú.

Với những ưu điểm đó, GMC cung cấp thực phẩm biến đổi gen (GMF) cho cả người và vật nuôi đang phát triển rất mạnh. Hiện nay, khoảng 29 quốc gia trên thế giới cho phép trồng 11 loại GMC với tổng diện tích trồng trọt là 160 triệu hecta, thu hút 16,7 triệu lao động. Các loại GMC rất đa dạng như đậu tương, ngô, bông vải, cà phê, khoai tây, thuốc lá GMC và GMF cũng giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Năm 2010, doanh thu của hai tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ sinh học và sản phẩm nông nghiệp là Monsanto và Syngenta lần lượt đạt 10,5 và 11,6 tỷ USD; lợi nhuận ròng tương ứng của từng tập đoàn là 1,1 tỷ và 1,4 tỷ USD. Những con số khổng lồ này đều do GMC mang lại khiến các tập đoàn này thuyết phục, gây sức ép để nhiều quốc gia đưa GMC vào thâm canh đại trà, thay thế cho các giống cây trồng nguyên bản.

Tuy nhiên, việc GMF vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều thành phần xã hội trên khắp thế giới cũng có nguyên nhân của nó. Hàng loạt các nghiên cứu đã chỉ ra những mối nguy hiểm của loại thực phẩm này đối với con người. Thử nghiệm trên động vật đã xác định chắc chắn khả năng gây ung thư của GMF, điều đó dấy lên mối lo ngại chúng cũng sẽ gây ung thư cho người. Các nhà bảo vệ môi trường thì bác bỏ quan điểm cho rằng GMC giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Theo họ, chính phương pháp lai tạo và chọn lọc giống truyền thống, cùng với việc áp dụng các thành tựu khoa học khác trong nông nghiệp mới là lý do của hai thành tựu trên.

Việc giảm được lượng thuốc trừ sâu và diệt cỏ của GMC cũng bị bác bỏ khi mà doanh thu của các hãng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật Mỹ trong năm 2011 đã tăng đến hơn 800 triệu USD. Khách hàng chủ yếu của họ lại chính là các trang trại trồng GMC. Những nông dân canh tác loại cây này bị tố cáo là đã sử dụng nhiều hơn thuốc trừ sâu và diệt cỏ, vì cây của họ đã được biến đổi gen để không bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại này.

Việc cung cấp giống GMC và tiêu thụ các sản phẩm GMF theo quy trình khép kín được tập trung vào một vài hãng lớn trên thế giới cũng bị các nhà kinh tế chỉ trích là độc quyền, từ đó dẫn đến sự thua thiệt cho người nông dân trực tiếp canh tác.

Với những lo ngại trên, làn sóng yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn phân biệt GMF với thực phẩm truyền thống đã lan truyền tại hầu khắp các quốc gia có sự hiện diện của loại thực phẩm gây tranh cãi này. Quyết định của mỗi nước cũng khác nhau. Mỹ, nước luôn đi đầu trong việc áp dụng các thành tựu khoa học tỏ ra cởi mở nhất. Hiện tại, diện tích trồng GMC của nước này là: Đậu tương 93%, ngô 86%, củ cải đường 95%. Tuy nhiên, người Mỹ sử dụng GMF chủ yếu làm thức ăn gia súc, chỉ một lượng rất nhỏ GMF được dùng cho người với sự kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA.

Các nước châu Âu thận trọng hơn nhiều. Liên minh này đã từng có một thời gian khá dài cấm trồng GMC, suốt từ 1999 đến năm 2004. Hiện nay, dù lệnh cấm đã hết hiệu lực nhưng GMC vẫn là một đối tượng đầy nhạy cảm. Chỉ 20% ngô của EU là cây biến đổi gen. Năm 2010, Đức đã công bố lệnh cấm trồng ngô biến đổi gen. Năm 2011, Peru cũng cấm GMC trong vòng mười năm để ngăn chặn những nguy hiểm có thể phát sinh từ việc sử dụng công nghệ sinh học. Cũng trong năm 2011, nhà chức trách Hungary đã tiến hành tiêu hủy 100 hecta ngô biến đổi gen, vốn bị cấm bởi luật pháp nước này.

Tương tự, Nga cũng đưa ra các lệnh đối với cả GMC và MCF. Còn tại Ấn Độ, tòa án tối cao nước này đã kêu gọi chính phủ đưa ra lệnh cấm tất cả các thử nghiệm về GMC trong 10 năm tới. Nhìn chung, trong khi các nước phát triển tỏ ra thận trọng thì các nước đang phát triển lại tích cực đón nhận loại cây trồng này nhất. Năm 2011, tỷ lệ tăng trưởng của GMC tại các quốc gia đang phát triển lên tới 50%. Liên minh châu Âu (EU) dự đoán rằng tới năm 2015, hơn 40% số cây trồng biến đổi gen trên thế giới sẽ được trồng tại châu Á.

Gen là yếu tố mang đầy đủ các đặc điểm di truyền của một loài sinh vật. Trong tự nhiên, việc biến đổi gen vẫn diễn ra theo quá trình tiến hóa và thích nghi của từng loài. Qua hàng triệu năm tồn tại và phát triển, hầu hết các loài sinh vật hiện nay trên trái đất đều đã có một bộ gen khá ổn định. Quá trình thích nghi theo sự biến đổi của môi trường của các loài vẫn diễn ra không ngừng, nhưng để đạt được một bộ gen mới phải mất rất nhiều năm, trải qua rất nhiều thế hệ. Và dù ở bất kỳ thời điểm nào, không một loài sinh vật nào trên trái đất sở hữu một bộ gen cho phép chúng có những đặc điểm sinh học hoàn hảo cả. Tất cả các loài đều tồn tại những điểm yếu nào đó.

Thanh Tùng