Bí ẩn quanh gia đình khoa bảng bậc nhất Việt Nam

Bí ẩn quanh gia đình khoa bảng bậc nhất Việt Nam

Thứ 3, 07/05/2013 | 13:57
0
Trong những gia đình nổi tiếng về khoa bảng ngày xưa, lẽ thịnh suy bao giờ cũng gắn với những truyền thuyết, những câu chuyện mang tính huyền bí, đầy mê hoặc. Dòng họ Nguyễn Nhân nổi tiếng khoa bảng ở Bắc Ninh cũng là một trong số những gia đình như vậy.

Làng Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh được biết đến là một trong hai làng có nhiều người đỗ tiến sĩ nhất trong hơn 800 năm lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên một gia đình mà có tới 5 anh em đỗ tiến sĩ thì chỉ ở ngôi làng này mới có.

Gia đình có 5 anh em đỗ tiến sĩ

Chúng tôi quyết định về thăm làng tiến sĩ này vào một buổi chiều mới sang hè. Thật may cho chúng tôi khi được giới thiệu tới nhà ông Nguyễn Văn Bảo, trưởng ban đại diện dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi, người am hiểu khá tường tận về lịch sử dòng họ và những câu chuyện ly kì quanh sự hưng vượng của dòng họ Nguyễn nơi đây. Nói chuyện với chúng tôi, ông Bảo không giấu được niềm tự hào về truyền thống hiếu học của dòng họ mình. Ông kể: "Người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học của dòng họ chúng tôi trước hết phải kể đến gia đình 5 anh em họ Nguyễn Nhân ở làng Kim Đôi, cũng là thủy tổ dòng họ Nguyễn chúng tôi bây giờ. Cũng chính các cụ là người đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên danh hiệu làng tiến sĩ nổi tiếng như hiện giờ".

Xã hội - Bí ẩn quanh gia đình khoa bảng bậc nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Bảo bên một tấm bia cổ.

Theo sử sách ghi chép thì gia đình họ Nguyễn Nhân chính là gia đình có nhiều người cùng đỗ đạt nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Điều này đã được PGS.TS Hà Minh Hồng (Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHCM) khẳng định, khi cho rằng: "Có thể nói đây là gia đình có người đỗ tiến sĩ nhiều nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam khi mà 5 anh em ruột lần lượt trở thành tiến sĩ lúc dưới tuổi 20, chỉ trong vòng chín năm từ 1466-1475. Đó là Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Nhân Phùng (tên ghi trong từ đường họ Nguyễn là Nhân Bồng), Nguyễn Nhân Dư, Nguyễn Nhân Đạc. Tất cả 5 người này đều đỗ tiến sĩ dưới thời vua Lê Thánh Tông".

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Bảo thì gia đình họ Nguyễn Nhân có cả thảy 13 người con, 8 trai và 5 gái. Cụ thân sinh ra các vị tiến sĩ này là Nguyễn Lung, vốn là người họ Trần chạy nạn thời Hồ Quý Ly mà phiêu dạt khắp nơi. Sau cụ Nguyễn Lung gặp cụ bà Hoàng Thị Hay (vốn là con cháu của danh tướng Hoàng Phụng Thế dưới triều Trần, cũng phải đi chạy loạn) ở Dược Sơn, Phượng Nhãn (những địa điểm này ngày nay chỉ xác định được là thuộc tỉnh Hải Dương). Sau hai cụ di cư về thôn Kim Đôi, xã Kim Chân ngày nay để sinh sống, lập nghiệp. Trong số 8 người con trai của các cụ thì trừ người con cả là Nguyễn Nhân Kiếp không ra làm quan, còn lại tất cả đều đỗ đạt, trong số đó có 5 người đỗ tiến sĩ. Trường hợp Nguyễn Nhân Kiếp khá đặc biệt. Mặc dù học rất giỏi nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, phải ở nhà nuôi các em nên Nguyễn Nhân Kiếp không có điều kiện đi thi và làm quan. Tuy nhiên, vua vẫn biết tới đức độ và tài năng của Nhân Kiếp nên đã hạ phong cho làm Kim Khê cư sĩ.

Riêng 5 vị đỗ tiến sĩ sau này đều giữ những chức vụ quan trọng trong triều và được nhà vua rất quý mến. Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Hoàng Giáp, năm 1466 khi mới 15 tuổi. Ông làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại. Nguyễn Nhân Bỉ đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1466, khi 19 tuổi. Ông từng được cử đi sứ nhà Minh và sau này được thăng lên làm Thượng thư bộ Binh. Ông cũng là thành viên trong hội Tao Đàn, (hội Thơ - PV) do vua Lê Thánh Tông lập ra. Nguyễn Nhân Phùng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1469 khi 19 tuổi. Ông được ngự bút của vua Lê Thánh Tông nên đổi thành Nguyễn Trọng Xác, sau thành Nguyễn Xung Xác và làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc chưởng viện sự kiêm Lễ bộ tả thị lang. Ông cũng là thành viên trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Nhân Dư đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1472 khi mới 17 tuổi. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ. Nguyễn Nhân Đạc đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1475 khi 18 tuổi. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo.

Như vậy, trong 5 anh em họ Nguyễn Nhân thì có tới 2 người làm Thượng thư trong triều và điều này quả thực là vô cùng hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Thậm chí đương thời, vua Lê Thánh Tông còn phong cho gia đình Nguyễn Nhân 8 chữ vàng là "Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều" (nghĩa là dòng họ Kim Đôi áo đỏ, áo tía đầy triều). Vậy nguyên nhân sự hưng thịnh của dòng họ này bắt đầu như thế nào?

Xã hội - Bí ẩn quanh gia đình khoa bảng bậc nhất Việt Nam (Hình 2).

Nhà thờ họ Nguyễn làng Kim Đôi đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1999.

Giai thoại quanh chuyện hưng thịnh nhờ... “thầy địa lý”

Sự thành công rực rỡ trong con đường khoa bảng của gia đình Nguyễn Nhân quả thực là một điều rất hiếm có. Khi được hỏi về những nguyên nhân làm nên thành công rực rỡ như vậy, ông Nguyễn Văn Bảo cho biết: "Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không còn được biết nhiều đến câu chuyện học hành và tự rèn luyện của các cụ ra sao. Điều này vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, trong những tài liệu còn sót lại và được ghi trong gia phả dòng họ, thì sự thành công của 5 anh em nhà Nguyễn Nhân bắt nguồn từ phong cách giáo dục của mẹ là cụ bà Hoàng Thị Hay. Có lẽ, chính người mẹ mới đóng vai trò quyết định tới sự thành công của các con trên con đường khoa bảng sau này. Theo gia phả còn chép lại, vì gia đình nghèo khó nên các con trong nhà muốn đi làm thợ và làm ruộng để giúp cha mẹ nhưng bà nhất quyết không đồng ý. Bà làm mọi cách để các con yên tâm tu học, thậm chí áo chưa rách, gạo chưa hết bà đã lo chuẩn bị mang đến cho các con vì sợ những chuyện đó sẽ làm các con sao nhãng việc học hành".

Tất nhiên, chuyện đỗ đạt và thành công của 5 anh em họ Nguyễn Nhân còn phụ thuộc vào tài năng của chính họ nữa. Nhưng đến nay vẫn còn tồn tại những truyền thuyết ngoài lề, lý giải sự thành công của dòng họ Nguyễn Nhân. Theo truyền thuyết thì nguồn gốc phát tích sự hưng vượng của dòng họ Nguyễn Nhân bắt nguồn từ câu chuyện liên quan đến cụ bà Hoàng Thị Hay. Tương truyền rằng, khi cụ Hay còn nhỏ có nhặt được một chĩnh vàng của người Tàu bỏ rơi. Cụ mang về cất giữ cẩn thận và không hề có ý định chiếm đoạt làm của riêng. Mấy ngày sau cụ thấy có một người vừa khóc lóc, vừa như tìm kiếm một thứ bị mất. Hỏi ra mới biết là người đó đang tìm một hũ vàng bị rơi cách đây vài ngày. Thấy vậy cụ Hay liền đem trả lại cho người đó hũ vàng và từ chối nhận quà cảm ơn. Mấy năm sau người bị mất hũ vàng đó trở lại Việt Nam với một thầy địa lý người Tàu. Họ trả ơn cụ bằng cách tìm một khu đất tốt để cụ táng mộ ông bà, cha mẹ vào đó và nói rằng, con cháu sau này nhất định sẽ được hưởng lộc.

Lúc bấy giờ thầy địa lý Tàu có tìm tới hai khu đất quý, một là khu đất đế vương (nhưng chỉ phát trong một đời) và một khu đất trường trường công khanh. Thầy địa lý Tàu cho cụ Hay lựa chọn và cụ đã chọn mảnh đất để sau này con cháu nối nhau làm nên sự nghiệp. Mảnh đất đó hiện nay thuộc xã Phao Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và nay vẫn còn ngôi mộ mà cụ Hay táng cha mẹ mình ở đó. Hiện tại, khu đất đó có 3 ngôi mộ là mộ của cụ Hoàng Phụng Thế (ông nội cụ Hay), cụ Hoàng Chân Bảo (bố cụ Hay) và Nguyễn Nhân Thiếp (con trai cụ Hay).

Chả biết thực hư câu chuyện ra sao nhưng từ đó, dòng họ Nguyễn Nhân nối nhau làm quan thật. Theo như ông Bảo và tài liệu ghi lại thì dòng họ Nguyễn có 13 đời nối nhau đỗ đại khoa. Riêng cụ Nguyễn Nhân Thiếp lại có tới 3 người con đỗ tiến sĩ là Nguyễn Hoành Khoản (đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất năm 1490), Nguyễn Nhân Huân (đỗ bảng nhãn năm 1496), Nguyễn Nhân Kính (đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất năm 1496). Tính tất cả thì dòng họ Nguyễn có cả thảy là 18 vị tiến sĩ trong đó có tới 7 vị làm tới chức Thượng thư (tương đương Bộ trưởng bây giờ - PV).                            

Người chăn trâu may mắn

Theo lời ông Nguyễn Văn Bảo, việc dòng họ Nguyễn Nhân đỗ đạt nhiều còn xuất phát từ một truyền thuyết khác. Cụ Nguyễn Lung, thân sinh ra 5 vị tiến sĩ nhân trong một lần đi chăn trâu, thấy hai thầy địa lý Tàu cãi nhau nảy lửa quanh việc mô đất nào mới đúng là huyệt tốt. Sau hai người này thống nhất cắm hai cành cây xuống, cành nào đến ngày mai vẫn tươi thì chứng tỏ đó là huyệt tốt. Hôm sau cụ Lung ra sớm đánh tráo hai cành héo và tươi lẫn nhau để lừa thầy địa lý Tàu. Sau đó cụ đem hài cốt bố mẹ táng ở đó. Quả nhiên sau này con cháu đều phát về đường khoa cử.

Phạm Thiệu

Kỳ 2: Chuyện phá long mạch và sự đi xuống của một dòng họ nổi tiếng?

Người đàn ông tự nhận bị yểm bùa, nói chuyện được với tượng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Người đàn ông này đã khiến cả thị trấn hoang mang, lo lắng khi tự nhận mình bị yểm bùa và có khả năng nói chuyện được với tượng.

Lệ tục yểm bùa bằng trâu của người Mường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Người Mường thường dùng con trâu trắng để giải hạn, trừ tà. Nếu trong dòng họ xảy ra những chuyện không may mắn, nhiều phụ nữ chửa hoang, nhiều người chết trẻ thì cả họ phải thịt trâu trắng để Khồ ông, nghĩa là giải hạn.

Bí mật cột rồng đá ngàn tuổi phá phép yểm bùa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Có một điều kỳ thú khiến các nhà khoa học say mê tìm hiểu, đó là làm cách nào mà người xưa, với công cụ thô sơ đã vận chuyển được khối đá khổng lồ này lên gần đỉnh núi Dạm? Theo tính toán, cột đá này nặng ít nhất 54 tấn.

Thực hư chuyện xuất hiện cao thủ yểm "bùa yêu"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Gần đây, nhiều diễn đàn được dịp hâm nóng bởi thông tin về bùa yêu của một người đàn ông tên Sình A Phúc sống ở thôn Nà Nưa thuộc vùng núi cao huyện Bắc Mê, Hà Giang.

Nhiều nghi vấn quanh 'hòn đá lạ' phá yểm (Kỳ cuối)

Thứ 5, 25/04/2013 | 14:23
Những giải thích của người trong cuộc liên quan đến hòn đá lạ, có chức năng trấn yểm, hoá giải tai ương, cầu may cho cả dân tộc thực sự chưa đủ thuyết phục.