Tham gia giao thông và văn hóa nhường nhịn

Tham gia giao thông và văn hóa nhường nhịn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Cảnh tượng người tham gia giao thông đi không đúng làn đường, leo lên vỉa hè, kèn cựa nhau từng cm dẫn đến va quyệt và sau đó là đứng giữa đường đôi co phải trái. Những tiếng còi inh ỏi của các phương tiện lưu thông dù đang đứng trước đèn đỏ là điều xảy ra thường xuyên ở các thành phố.

Theo nhận định của PGS.TS Lê Quý Đức - Viện Văn hóa và Phát triển Việt Nam thì tất cả những cảnh tượng trên là biểu hiện của sự thiếu ý thức trong văn hóa tham gia giao thông của không ít người dân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tắc nghẽn ở các thành phố lớn hiện nay.

Ông nhận định ra sao về ý thức của người tham gia giao thông hiện nay?

Văn hóa giao thông là một khái niệm rộng, còn những biểu hiện như đi lại tùy tiện, không chấp hành luật lệ, bóp còi tùy tiện đó là văn hóa hành vi của người tham gia giao thông, biểu hiện ở hành vi, ở nhận thức. Theo tôi, văn hóa tham gia giao thông của người dân còn nhiều hành vi tùy tiện, ý thức cộng đồng thì kém, ý thức cá nhân thì chưa cao.

Xã hội - Tham gia giao thông và văn hóa nhường nhịn

PGS.TS Lê Quý Đức

Biểu hiện quan trọng nhất của văn hóa tham gia giao thông là tuân thủ, chấp hành pháp luật về giao thông, chấp hành chỉ dẫn của những người có trách nhiệm điều hành về giao thông như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thanh niên tình nguyện. Hành vi thứ hai là cần phải biết chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau trên đường đi, biết quan tâm đến người khác như khi có tai nạn nhường đường cho các phương tiện tham gia cấp cứu người bị nạn; biết chủ động nhường chỗ cho người già trẻ em, phụ nữ có thai trên các phương tiện công cộng như xe buýt…

Văn hóa tham gia giao thông cốt lõi là ở việc tuân thủ luật lệ, nhưng xem ra điều đó còn thiếu ở ý thức ở người tham gia giao thông, thưa ông?

Đúng vậy! Giao thông của ta hiện nay là lựa nhau mà đi chứ không theo luật lệ, và chủ yếu là tiện, họ đi theo cách tiện nhất cho mình, không quan tâm đến người khác thế nào. Đây là những hạn chế của người tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay. Họ tham gia giao thông không những vừa tiện mà còn là tùy tiện. Chỗ nào với họ cũng là đường bất chấp biển cấm, bất chấp nguy hiểm, bất chấp luật lệ.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của lối giao thông tùy tiện, “lựa nhau mà đi” phổ biến ở các đô thị hiện nay?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lối tham gia giao thông lộn xộn, tùy tiện như hiện nay. Từ thói quen ứng xử của người Việt Nam, nếp sống nông thôn, nông dân, nông nghiệp giờ tràn ra thành thị là một trong những nguyên nhân quan trọng. Thứ hai là nếp sống tùy tiện thời chiến tranh. Tất cả cùng muốn tranh thủ làm sao để có thể nhanh hơn người khác, để có thể xếp hàng chen lấn lên vị trí hàng đầu, để đến đích được sớm hơn của thời kỳ chiến tranh mấy chục năm, rồi thời bao cấp khó khăn để lại cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho văn hóa tham giao thông của đa số người dân còn kém như hiện nay.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc tham gia giao thông theo lôáí tùy tiện như trên là do điều kiện giao thông ở Việt Nam quá kém. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Điều kiện về cơ sở hạ tầng là một điều quan trọng để đảm bảo việc tham gia giao thông được thuận lợi. Tuy nhiên, tại sao cùng là điều kiện giao thông còn hạn chế nhưng cách ứng xử khi tham gia giao thông ở một số vùng miền như Đà Nẵng, Huế, TP.HCM cũng có nhiều nét khác ở Hà Nội. Không chỉ tôi mà nhiều người có dịp đến Đà Nẵng, Huế thấy ở đó dù đèn xanh vẫn còn vài giây nhưng người dân ở đây không cố phi lên hay phóng vù vù giữa thời điểm đèn chuẩn bị sang màu đỏ. Đặc biệt, đi đường, đứng trước đèn đỏ họ không bóp còi inh ỏi như ở miền Bắc.

Một thời người miền Bắc được giáo dục về “dân chủ”, “làm chủ” trong thời kỳ bao cấp, giai đoạn chiến tranh, thời kỳ xây dựng XHCN trước đây đã tạo thói quen xấu cho người dân. Suy nghĩ ai cũng làm chủ, ai cũng có quyền tạo thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của đại bộ phận người dân. Chính nếp nghĩ, thói quen đó khiến cho người miền Bắc không chấp hành kỷ cương, kỷ luật tốt như người Đà Nẵng.

Cách đây vài ngày, ngay một thiếu tá CSGT đã đánh người giữa đường chỉ vì va quyệt nhỏ. Ông đánh giá ra sao về cách ứng xử của người CSGT này?

Theo cá nhân tôi, có thể anh ta nghĩ rằng Nhà nước giao cho anh ta quyền kiểm soát giao thông, anh ta nghĩ rằng anh ta là “vua” nên anh ta có quyền ứng xử với ai như thế nào là quyền của anh ta. Thứ hai, cũng có thể do bức xúc áp lực công việc dẫn đến hành vi vô ý thức của anh ta. Không ý thức được vị trí và công việc của mình. Dù với nguyên nhân nào thì đối với một thiếu tá cảnh sát giao thông thì hành động đó là không đúng và không được phép.

Theo ông làm gì nâng cao văn hóa tham gia giao thông của người dân?

Thực tế hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ý thức văn hóa tham gia giao thông của người dân kém. Chính vì thế cần một giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng này. Giải pháp quan trọng và cần ưu tiên nhưng cũng không thể thay đổi ngay được đó là giải pháp giáo dục. Giáo dục lại con người hiện tại. Đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ ngay từ lúc các em còn nhỏ từ mẫu giáo, đến học sinh tiểu học để tạo ra ý thức giao thông ngày từ bé.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Thơm – Hương Lan