'Chúng ta đang thiếu hụt đội ngũ làm khoa học kế cận'

'Chúng ta đang thiếu hụt đội ngũ làm khoa học kế cận'

Thứ 3, 09/04/2013 | 09:23
0
Mới đây, bộ Giáo dục & Đào tạo đã đưa ra chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong năm 2013 với tỉ lệ tăng khá đáng kể so với năm trước. Trong bối cảnh chất lượng đầu ra của thạc sĩ đang còn nhiều bàn cãi thì việc tăng chỉ tiêu đào tạo của đối tượng này đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học-Giáo dục của UB trung ương MTTQ Việt Nam.

Thừa nhưng vẫn thiếu

Trong Hội nghị ngân sách các đơn vị năm 2013, bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ trong năm 2013 là 1.350 người (tăng khoảng 10 - 12%); thạc sĩ là 27.000 người (tăng 5%). Ông đánh giá như thế nào về con số chỉ tiêu này của bộ Giáo dục đưa ra?

Chúng ta thừa những người có năng lực thấp chứ làm sao thừa được những thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng thật sự tương xứng với bằng cấp được trao. Vấn đề cần quan tâm là nên tăng cường việc phối hợp đào tạo sau đại học tại các nước có kinh nghiệm đào tạo chất lượng cao. Tôi được biết bộ Giáo dục & Đào tạo có kế hoạch gửi 1100 nghiên cứu sinh tiến sĩ đến các nước Anh là 50 ; Úc 50; Niu Di-lân 25; Hoa Kỳ 125; Nga 70; Trung Quốc 150; Pháp 190; Đức 180; Nhật Bản 90,; Singapore 40; Hàn Quốc 60; Canada 40; 30 chỉ tiêu còn lại được đào tạo tại các nước khác. Vấn đề còn lại là cần lựa chọ các trường hay viện nghiên cứu có chất lượng cao của những nước này và cần cấp học bổng đều đặn cho nghiên cứu sinh (trong bất kỳ trường hợp khó khăn nào). Kinh nghiệm còn cho thấy ngoài các cam kết cần về nước phục vụ còn cần đổi mới phương thức đầu tư cho giáo dục và khoa học tại các viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước để thu hút hứng thú trở về nước phục vụ của các tiến sĩ tốt nghiệp từ các nước phát triển.

Việc đào tạo thạc sĩ có thể thực hiện tốt trong nước nếu coi trọng việc chọn đề tài, việc chọn người hướng dẫn, việc tạo điều kiện thực nghiệm và tham khảo tư liệu, việc coi trọng chỉ tiêu ngoại ngữ và nhất là nghiêm khắc coi trọng chất lượng các cuộc bảo vệ luận án thạc sĩ theo các tiêu chí phổ biến trên thế giới.

Xã hội - 'Chúng ta đang thiếu hụt đội ngũ làm khoa học kế cận'

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng.

Có ý kiến cho rằng, con số chỉ tiêu này quá cao trong bối cảnh đầu ra thạc sĩ ở nước ta hiện đang "khủng hoảng thừa", chất lượng của đội ngũ này vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Giáo sư có đồng tình với ý kiến này không?

Có thể thừa những thạc sĩ được đào tạo vội vã và không tương xứng với các yêu cầu cần phải có. Cũng có thể thừa với một số chuyên ngành không cần quá nhiều các cán bộ có trình độ chuyên sâu. Còn biết bao nhiêu lĩnh vực thiếu các nhà khoa học giỏi để nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học. Một thạc sĩ y khoa có lẽ phải giỏi hơn một bác sĩ bình thường (không kể các bác sĩ cao niên có nhiều kinh nghiệm) và như vậy sẽ điều trị tốt hơn cho biết bao nhiêu bệnh nhân đang ở trong tình trạng quá tải tại khá nhiều bệnh viện. Các thạc sĩ thuộc các ngành khoa học cơ bản sẽ là lực lượng quan trọng để tạo nên nền móng cho nền khoa học nước nhà. Các thạc sĩ thuộc các ngành kỹ thuật sẽ tạo ra những bước bứt phá mới cho các ngành công nghiệp, xây dựng, nông lâm thủy sản, tài chính, ngân hàng...

Chúng ta biết rằng một số lượng lớn các giáo sư tiến sĩ trước đây đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội đã và đang lần lượt về hưu. Hơn nữa trong khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, việc sử dụng các kỹ năng nghiên cứu mới cũng như để cập nhật được những thành tựu nghiên cứu mới trên thế giới đang đòi hỏi phải có đông đảo các nhà khoa học trẻ tuổi và giỏi giang thay thế. Chúng ta đang chứng kiến sự hẫng hụt trong một số lĩnh vực khoa học, kỹ thuật chỉ vì thiếu sự chuẩn bị đội ngũ kế cận.

Cần chú trọng khâu thi tuyển đầu vào thạc sĩ

Nếu thực hiện theo chỉ tiêu mà Bộ đề ra sẽ "ngốn" khá nhiều ngân sách, trong khi thực tế có nhiều khó khăn khác trong giáo dục cần giải quyết hơn (như cơ sở vật chất của giáo dục mầm non, giáo dục ở vùng sâu vùng xa...), ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Đầu tư cho việc đào tạo cũng chính là để góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện nay trong việc nâng cao chất lượng của toàn ngành giáo dục. Nếu cán bộ giảng dạy ở mọi trường Sư phạm đều có trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) thì mới có thể đào tạo ra hàng vạn thầy giáo, cô giáo có năng lực cao trong toàn ngành giáo dục. Chúng ta nếu biết chi tiêu hợp lý thì không cần có thêm nhiều tiền vẫn có thể nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo sau đại học. Lấy ví dụ nếu biết tận dụng năng lực của các Hội khoa học chuyên ngành để đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông và nếu cho phép xã hội hóa việc biên soạn Sách giáo khoa (như nhiều nước khác) thì đâu cần đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho những công việc này như dự kiến.

Trên thực tế có nhiều sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm, coi việc đi học thạc sĩ là một hướng giải quyết trước mắt. Thế nhưng, nhiều người học xong thạc sĩ nhưng vẫn tiếp tục thất nghiệp. Vì vậy bản thân người học không còn tin vào hoạt động đào tạo này nữa. GS có đánh giá gì về tình trạng này?

Không tìm được việc làm có nhiều nguyên nhân. Một là không chấp nhận về các địa phương nơi còn đang thiếu các kỹ sư, bác sĩ, cử nhân giỏi giang. Hai là, chúng ta đào tạo cái có thể đào tạo chứ không phải cái mà xã hội đang có nhu cầu. Ba là, đào tạo một mớ kiến thức xa rời với thực hành trong khi các xí nghiệp , các  cơ sở xây dựng, giao thông, các nông trường, lâm trường... lại rất cần những cán bộ khoa học có thể đáp ứng với yêu cầu của sản xuất và đổi mới công nghệ. Bốn là tình trạng tiêu cực của các bộ phận tuyển dụng cán bộ. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe chính đồng chí Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của Thành ủy Hà Nội cho biết tiền lót tay để vào các cơ quan ở Hà Nội không dưới... 100 triệu đồng (!). Nếu lặp lại những yếu kém đó trong việc đào tạo thạc sĩ thì cũng sẽ lặp lại việc không tìm được những chỗ làm tương ứng với chuyên môn đào tạo. Cơ sở đào tạo thạc sĩ cần tuyển các cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ giỏi chứ không phải ai cũng được tiếp nhận. Cần coi trọng việc thi tuyển đầu vào để đảm bảo chất lượng đầu ra.        

P. Hạnh - H. Khê

Chuyện đời nhà khoa học Việt đoạt giải Nobel Hoà bình

Thứ 2, 08/04/2013 | 07:47
Suốt hơn 20 năm qua, ông đã dành nhiều thời gian cho vấn đề biến đổi khí hậu, cho màu xanh của cuộc sống, mà không đòi hỏi gì về vật chất, tiền bạc.

Khoa học phương Đông: Vị đạo sĩ có thể chữa mọi thứ bệnh (1)

Thứ 4, 03/04/2013 | 15:42
Ram Gopal Mukundar là một đạo sĩ nổi tiếng có thể chữa trị mọi bệnh tật. Ông thành lập một đạo viện (Ashram) ở ngoại ô Rishikesh và có khá đông môn đệ.

Cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học

Thứ 3, 26/03/2013 | 08:36
Bộ GD-ĐT cho biết, có thể thực hiện trong thời gian tới để giảm tình trạng học sinh học chữ trước khi vào lớp 1.

Ngành nghiên cứu khoa học không lỗi thời

Thứ 2, 25/03/2013 | 08:28
Thực tế trên thế giới đã chứng minh, đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản mang lại lợi ích lâu dài và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đó là khảng định của TS. Đoàn Văn Vệ, trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đến gặp nhà khoa học thế giới' của Việt Nam

Thứ 6, 08/03/2013 | 14:06
Hơn 40 năm làm việc, nhà khoa học Lê Văn Tuấn - người được thế giới vinh danh - luôn cho rằng, có một thế giới vô hình, cao siêu hiện hữu. Ông không chỉ là nhà khoa học mà còn là nhà thơ, nhà văn luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp, cho niềm đam mê vô hạn.