Sức hút của chiếc sanh đồng thời Càn Long

Sức hút của chiếc sanh đồng thời Càn Long

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Một cổ vật của Trung Quốc đã được ông Vũ Tá Hùng lặn lội đưa về Việt Nam. Đến nay, ông tự hào khẳng định nó là món đồ "độc nhất vô nhị" của cả nước. Chiếc sanh đồng khiến nhiều công ty du lịch phải ước ao mong được thuê lại để làm dịch vụ, còn những nhà nghiên cứu mượn soi xét tỷ mỉ hy vọng tìm được nguyên lý đúc đồng độc đáo.

Ai nhìn thấy cũng mê

Trong gia tài cổ vật của ông Vũ Tá Hùng, một trong những món đồ độc đáo phải kể đến chiếc sanh đồng thời Càn Long. Mới nhìn, chiếc sanh ông Hùng mang ra giới thiệu, chúng tôi thấy nó cũng bình thường. Chiếc sanh cất lâu ngày không được trưng bày nên cũng lên mốc xanh, khô tanh mùi đồng. Nhìn ông Hùng cẩn thận, nâng niu chiếc sanh đồng, chúng tôi mới biết đây là món đồ rất quý. Ông từ từ cho 2/3 nước vào chiếc sanh, lấy khăn đệm vào đáy sanh, lau khô quai sanh và bắt đầu xoa nhẹ hai tay lên đôi quai. Vì chưa được giới thiệu trước nên chúng tôi đều ngạc nhiên trước hành động kỳ lạ của ông.

Tay xoa vào cái quai sanh, ông Hùng nói: "Vì lâu ngày không giới thiệu cho ai nên phải xoa hơi lâu". Gần 10 phút một sự kỳ lạ xuất hiện khiến chúng tôi cứ tròn mắt mà nhìn. Từ trong chiếc sanh, cân bằng bốn phía những vòi nước nhỏ li ti phun lên cao rất đều. Lúc này, ông Hùng mới giới thiệu: "Chiếc sanh đồng này được chạm bốn con rồng cho bốn hướng. Ở giữa chiếc sanh chạm mặt trời. Vòng quanh miệng sanh được khắc chữ công cổ, vòng thứ hai là chữ o ngã. Khi ta xoa tay miết vào cái quai sanh tác động ấy sẽ khiến bốn cái đầu rồng phun nước".

Lý giải tại sao bốn đầu rồng lại có thể phun nước, ông Hùng đã tìm hiểu và qua những nhà chuyên gia đầu ngành về đúc đồng khẳng định: Cơ chế đầu rồng phun nước dựa vào nguyên tắc của vật lý. Chiếc sanh đúc từ đồng vàng có ánh đỏ, nghĩa là nó được pha với một hợp chất gì đó. Khi người ta xoa tay vào hai chiếc quai sanh sẽ tạo ra một lực ma sát làm rung bề mặt thành sanh. Trong khi đó, sanh lại thiết kế có hợp kim dẫn âm nên nước từ chỗ chạm bốn đầu rồng được phun đều lên tạo ra sự vui mắt, thích thú cho người xem.

Chính sự độc đáo này khiến chiếc sanh đồng của ông Hùng liền trở thành cổ vật thu hút rất nhiều công ty và các cá nhân muốn nghiên cứu. Ngay cả Quang "đồng", một chuyên gia đầu ngành về đúc đồng của bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã đến hỏi thuê chiếc sanh của ông Hùng về để nghiên cứu. "Vì là chỗ bạn bè, nên tôi đồng ý cho tay Quang mượn. Nhưng tôi giao hẹn trước, anh nghiên cứu gì thì cứ nghiên cứu chứ tuyệt đối không làm hỏng, không được cắt chiếc sanh ra để phân tích hợp kim. Quang cam kết với tôi rồi mang chiếc sanh về", ông Hùng kể.

Xã hội - Sức hút của chiếc sanh đồng thời Càn Long

Ông Vũ Tá Hùng bên chiếc sanh đồng thời Càn Long.

Người mang tên Quang "đồng" này đã đúc thành công nhiều phiên bản trống đồng để làm vật kỷ niệm nhưng đến chiếc sanh thì ông ta đành bó tay. Nghe ông Hùng nói, "hắn đã sử dụng 4-5 tấn đồng, mầy mò pha đủ loại hợp kim, đúc đi, đúc lại nhiều lần nhưng không thành công. Những chiếc đầu rồng hắn chạm như thật nhưng cũng không thể phun nước. Hắn chịu thất bại, mang trả tôi cái sanh mà không giải mã được bí mật".

Chúng tôi đùa, chắc ông Hùng phải cho cắt chiếc sanh đồng dùng máy hiện đại phân tích hợp kim may ra ông Quang kia mới đúc thành công. Ông Hùng lắc đầu: "Ngày xưa đúc đồng công nghệ khác bây giờ. Khuôn của họ được làm bằng loại đất phun từ núi lửa ra đã chịu nhiệt độ lên tới cả ngàn độ C. Do đó đồng được nấu chảy ở nhiệt độ cao nên khi sản phẩm làm ra mới tạo ra sự độc đáo. Hiện nay, người ta đúc đồng ở nhiệt độ không cao như xưa nên tất cả các đồ đồng bây giờ tiếng không thanh như những cổ vật bằng đồng".

Chiếc sanh quý của ông Hùng cũng đã được các điểm du lịch như Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), khu du lịch Núi Cốc (Thái Nguyên) đến đàm phán để thuê lại. Những nơi này muốn mở dịch vụ đặt chiếc sanh cho du khách đến xoa tay lên quai để bốn đầu rồng phun nước. Họ dự tính sẽ thu vé du khách khoảng 1 USD/người thì cũng tạo ra một nguồn thu lớn. Nhưng ông Hùng cũng rất quý chiếc sanh đồng, ông sợ hỏng, sợ mất nên kiên quyết từ chối. Ông gìn giữ chiếc sanh vì phải mất rất nhiều công sức mới sở hữu được, và khi có khách quý, cùng giới đồ cổ thì mới mang ra để đàm đạo.

Cơ duyên để sở hữu chiếc sanh quý

Ông Hùng có được chiếc sanh đồng này cũng là do sự may mắn, con mắt tinh nghề của người đam mê đồ cổ và trí nhớ tuyệt vời. Năm ấy, ông Hùng cùng người bạn, GS. Lại Cao Nguyện, cùng sang dự một hội thảo về cổ vật tại Trung Quốc. Trong chuyến du lịch ở nước bạn, ông Hùng, ông Nguyện đến thăm quan Hoàng Hạc Lâu. Tại đây, ông Nguyện cũng xếp hàng và xoa tay vào quai của chiếc sanh đồng. Những chiếc đầu rồng lại phun nước trước sự thích thú của du khách nên dòng người xếp hàng rất đông.

Mỗi lần lên xoa tay vào chiếc sanh đồng du khách phải trả số tiền là 5 tệ. Khi nhìn thấy cái sanh đồng, trong trí nhớ của ông Hùng vụt lóe lên suy nghĩ đã nhìn thấy nó ở đâu đấy cách đây khoảng 2 năm. "Tôi định thần lại và nhớ ra đã nhìn thấy một cái sanh đồng y hệt cái này ở Cảnh Đức Trấn (Quảng Đông- Trung Quốc). Tôi vội vàng nói với ông Nguyện: "Anh cứ ở đây chơi, em đi hai ngày về sẽ cho anh thấy một bất ngờ". Tôi nhảy tàu cao tốc đi luôn Cảnh Đức Trấn với sự hăm hở và niềm hy vọng lớn", ông Hùng kể.

Tuy không quá thông thao tiếng Quảng Đông nhưng cũng để giúp ông Hùng mặc cả mua vài món đồ. Ông lần tìm đến một gia đình ở Cảnh Đức Trấn, nơi mà hai năm trước ông nhìn thấy cái sanh đồng nhưng cứ ngỡ là đồ đun nấu đơn thuần. Rất may, nhà bà già này vẫn còn giữ chiếc sanh. Bà ta để chiếc sanh trong một cái tủ xập xệ. Nhà họ nghèo, nhưng rõ ràng họ cũng đã biết chiếc sanh là đồ quý nên không dùng để đun nấu, song giá trị của nó quý đến đâu thì chủ nhân cũng không biết.

Khi ông Hùng ngỏ ý mua chiếc sanh cũ, bà già đồng ý bán luôn. Giá bán cũng khiến ông Hùng bất ngờ: Đúng bằng giá món đồ cũ chứ không phải giá của đồ cổ quý. Cách đây hơn 20 năm, ông Hùng mua cái sanh với giá 2.000 tệ (thời điểm ấy tương đương với 5 triệu đồng). Giọng hào hứng, ông kể như thể câu chuyện vừa mới diễn ra ngày hôm qua: "Tôi cầm cái sanh đã trả tiêần rồi mà vừa vui vừa hồi hộp. Nhìn họa tiết trang trí thì giống chiếc sanh ở Hoàng Hạc Lâu rồi, nhưng vấn đề quan trọng khi xoa tay vào quai sanh đầu rồng phải phun nước mới là đồ thật. Tôi hồi hộp, nói với chủ nhà mang ra ao để rửa cho sạch. Kỳ thực tôi mang ra đó, khuất xa họ để thử xoa tay vào quai sanh. Nếu thử trước mặt chủ nhà, họ biết đồ quý không bán thì uổng lắm. Khi tôi cho nước vào, đôi tay run run vội vàng xoay lên đôi quai sanh, một lát nước phun lên từ bốn đầu rồng. Tôi vui mừng quá, gói gọn chiếc sanh đồng vào hành lý rồi trở về gặp ông Nguyện".

Nhìn thấy cái sanh đồng, ông Nguyện cũng hết sức ngạc nhiên. Ông cứ hỏi dồn ông Hùng mua được cái sanh ở đâu, bảo tàng họ bán à? Ông Hùng kể lại hành trình mua chiếc sanh đồng khiến ông Nguyện phục lắm. Cho đến bây giờ, cứ mỗi lần kể về lai lịch chiếc sanh đồng, ông Hùng lại kể về chuyến du lịch cùng ông Nguyện tại Hoàng Hạc Lâu. Nguồn gốc của chiếc sanh này tại Trung Quốc xuất hiện ở thời Càn Long. Trong phim của Trung Quốc cũng đã từng xuất hiện cảnh các tiểu thư ngồi chơi bên cạnh sanh đồng, thả hoa hồng và xoa tay vào quai sanh cho rồng phun nước.

Lên phim vì được đạo diễn trả tiền thuê cả ngàn USD

Biết ông Hùng sở hữu được chiếc sanh quý có niên đại 400-500 năm, đạo diễn Trần Anh Hùng (người Pháp gốc Việt) khi làm phim Mùa hè chiều thẳng đứng đã tìm đến ông Hùng hỏi thuê chiếc sanh. Bộ phim nói về tính cách của ba cô tiểu thư trong một gia đình giàu có của Hà Nội xưa có cảnh giống cách tiểu thư Trung Quốc chơi cạnh cái sanh đồng cổ. Ông Hùng đồng ý cho vị đạo diễn thuê chiếc sanh và một món đồ cổ nữa với giá 2.000 USD. Đạo diễn Trần Anh Hùng đồng ý trả giá đó, thuê chiếc sanh về quay trong hai ngày. Nhưng khi lên phim, cảnh chiếc sanh đồng chỉ xuất hiện có mấy giây.

Trải qua những thăng trầm trong kinh doanh, ông Hùng cũng đã bán đi nhiều món đồ quý, nhưng chiếc sanh đồng kỷ niệm chuyến đi với GS. Nguyện thì ông còn giữ mãi. "Nếu tôi có ý định bán đi, thì ngay từ khi về nước, một tay làm du lịch người Hòa Bình biết tôi mua 2.000 tệ đã trả luôn tôi 5.000 tệ. Thời điểm ấy tôi đã không bán thì thôi", ông Hùng nói.

M.K