Săn 'thủy quái' nơi đại ngàn

Săn 'thủy quái' nơi đại ngàn

Hồ Hải Nam
Thứ 3, 01/08/2017 | 10:02
0
Những dòng sông, con suối uốn lượn giữa đại ngàn Tây Nguyên vẫn đang gìn giữ hàng vạn câu chuyện huyền bí, hấp dẫn. Và, câu chuyện về một ngư phủ từng được mệnh danh là “ông vua săn thủy quái”, dành cả đời theo đuổi loài “cá ma” là một truyền kỳ như thế.

Ngư phủ lão luyện

Ông Phạm Quốc Anh (48 tuổi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Đến tuổi trưởng thành, cũng giống như những người khác, ông Anh lấy vợ rồi được bố mẹ cho ra ở riêng.

Cuộc sống ở quê thiếu thốn, khó khăn trăm phần, hai vợ chồng dắt díu nhau lên Tây Nguyên lập nghiệp. Những tưởng đặt chân lên mảnh đất mới, vợ chồng sẽ không còn sợ thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, có phần “chậm chân” do thiếu vốn, vợ chồng ông chỉ kiếm được “tấc đất cắm dùi”. 

Cuộc sống ở quê vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi chỉ có mảnh vườn cỏn con cùng hơn 1 sào lúa. Thấy cuộc sống khốn khó, vợ ông nhiều lần bàn tính với chồng quay trở về quê hương nương tựa anh em họ hàng. Là người đàn ông cương nghị, ông Anh kiên quyết không trở về khi cuộc sống chưa ổn định.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông bàn với vợ lấy số vốn giắt lưng ít ỏi mua lưới, sắm thuyền, lưỡi câu để hành nghề chài lưới trên dòng sông trước nhà. Biết ông từng là ngư phủ lão luyện nhưng khi nghe đến ý tưởng hành nghề chài lưới trên sông, nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng. Bởi, dòng sông trước nhà nổi tiếng hung dữ, từng “nuốt chửng” biết bao sinh mạng.

Xã hội - Săn 'thủy quái' nơi đại ngàn

Cá chình đặc sản được nhiều người ưa chuộng.

Với kinh nghiệm nhiều năm chài lưới vùng sông nước ở quê nhà, ngay từ những ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới, ông Anh đã nhận biết được tiềm năng của con sông trước nhà.

Ông nói: “Vùng này nổi tiếng nhiều cá, nhưng nổi tiếng nhất là cá chình. Người ta hay gọi loài này là “thủy quái” vì nó to, khỏe, trông giống như rắn lại rất hung dữ. Nếu không cẩn thận, cá chình có thể  cắn đứt lìa ngón tay như chơi. Nhưng bù lại, thịt của loài cá này rất ngon, được khách hàng ưa chuộng. Do vậy, so với các loại cá khác, giá bán của cá chình cao hơn rất nhiều”.

Theo ông Anh, khoảng 5 năm trở về trước, vùng này cá chình vẫn còn rất nhiều. Mỗi khi mưa xuống, nước lớn, cá chình nhỏ ngược dòng nước, nhảy hẳn lên bờ, bò như lươn.

“Cá chình là một loài rất đặc biệt. Quanh năm, loài này sinh sống ở các khe nước, dòng sông, con suối đầu nguồn trên núi cao. Nhưng đến mùa sinh sản, cá chình xuôi theo dòng nước, vượt hành trình hàng trăm km ra đại dương để sinh nở. Cá chình bố mẹ sau hành trình này gần như kiệt sức và kết thúc vòng đời ngay sau khi những quả trứng nở thành con”, ông Anh cho biết.

“Cá chình con sẽ sống trong môi trường nước mặn đến khi trưởng thành. Khi đủ sức lực, chúng lại đi ngược hành trình của bố mẹ, từ đại dương về thác ghềnh, lên sông suối, khe rạch vùng cao. Bởi thế, cuộc đời cá chình là những chuyến hành trình không ngừng nghỉ.

Loài cá này sẽ liên tục di chuyển. Khi gặp những nơi có địa hình trắc trở, chúng sẽ tạm dừng chuyến phiêu lưu, đợi nước lớn lại tiếp tục di chuyển. Cá chình là biểu tượng của sự bất khuất, khát khao mãnh liệt đến từ bản năng giống nòi”, ông Anh say mê kể về loài cá mà ông đã dùng cả đời ngư phủ của mình để theo đuổi.

Sinh nghề tử nghiệp

Thời điểm săn cá chình thường vào mùa khô. Lúc này, thức ăn khan hiếm, cá chình buộc phải mạo hiểm rời bỏ hang sâu, hốc đá để ra ngoài kiếm ăn. Do sợ ánh sáng mặt trời, loài này thường sống ở những nơi thâm u. Chúng chỉ ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm. Bởi vậy, đợi khi chiều tà, ông mới lần theo các khe rạch, sông suối để tìm chỗ giăng câu. 

Ông Anh kể: “Cả đời lênh đênh trên sông nước, tôi đã dành hơn 20 năm cho nghề câu cá chình. Tôi hiểu loài cá này đến nỗi, chỉ cần quan sát là biết ngay chỗ nào nhiều cá. Thông thường, những nơi có đá to nhô ra, nhiều hang hốc hoặc vũng nước sâu ở các dòng thác... hay xuất hiện cá chình nhất. Bởi khi bơi đến các khu vực này, cá chình sẽ không lên cao thêm được nữa nên vướng lại”.

Chọn được chỗ rồi, ông sẽ thả dây câu được bện bằng những sợi dù chắc chắn. Ông vắt ngang dây câu, cố định ở 2 bờ. Dọc sợi dây này là các dây câu nhỏ khác, cách nhau khoảng 1,5m được thả sâu đến tận đáy. Lưỡi câu móc mồi bằng các loại cá nhỏ như cá trắm, cá trôi sông. Sáng tinh mơ, khi sương sớm còn phảng phất trên mặt nước, ông trở lại nơi này để kiểm tra các lưỡi câu và thu chiến lợi phẩm.   

Xã hội - Săn 'thủy quái' nơi đại ngàn (Hình 2).

Người dân hớn hở săn được "thủy quái".

Ông nói: “Ngày trước, cá lên nhiều. Mỗi dây câu, có khi tôi thu được 3-4 con cá lớn. Nhiều con nặng 7-8kg, có con hơn 12kg, dài hơn 2m. Cá chình thịt chắc, ngon nên bán rất được giá. Con buôn đến mua tận nơi đã khoảng 400 ngàn đồng/kg”.

Nghề săn “thủy quái” đã giúp vợ chồng ông nuôi 2 đứa con ăn học. Thế nhưng, những năm gần đây, do các thủy điện lũ lượt mọc lên ở nhiều nơi, cá chình từ đại dương lên đại ngàn trở nên vô cùng hiếm hoi. 

Nhiều ngư phủ trong vùng và ông đã lặn lội, vượt hàng trăm km đến những nơi có cá chình như lời kể của các thương lái để săn tìm nhưng cũng chỉ trông chờ vào vận may. Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông Anh vừa vân vê những sợi dây câu đang xếp ở gác bếp đã khô sạm vì lâu không được sử dụng.

Ông bảo chuyện này mới chỉ bắt đầu xuất hiện cách đây vài năm phần do thủy điện, phần do con người dùng kích điện loại công suất lớn để bắt cá theo kiểu tận diệt. Cá chình từ đó khan hiếm dần, có khi vài tháng ông mới câu được một con. 

Cá hiếm, đồng nghiệp của ông lần lượt bỏ cần, trở về chăm chút việc đồng áng. Riêng ông, trong thâm tâm có phần hụt hẫng khi không còn được vui với nghề như những năm trước.

Ông nói: “Chứng kiến cảnh đồng nghiệp “giải nghệ” hàng loạt, tôi buồn lắm. Họ bỏ nghề phần vì cá hiếm, phần vì những nguy hiểm của nghề săn cá chình mang lại. Ngoài việc phải đối mặt với loài cá hung dữ có bộ răng sắc nhọn, chúng tôi đối mặt với muôn vàn nguy hiểm khi săn loài “thủy quái” trên những khúc sông chảy xiết”. 

Cháu ông, anh P.B.T. (SN 1988, trú xã Ayun Hạ), cũng là người được mệnh danh “đệ nhất thợ lặn” trong vùng. Anh chuyên săn cá chình bằng việc lặn xuống hang sâu bắt cá. Tuy nhiên, nổi tiếng giỏi bơi lội là thế, anh T. cũng bỏ mạng trong một lần săn cá chình.

Ông Anh nhớ lại: “Nó canh hố nước sâu khoảng 13m lâu rồi vì biết ở đó có 2 con cá chình to, nặng hơn 20kg. Nó bảo đợt này phải bắt được để bán lấy tiền mang về. Nó lặn giỏi lắm, cả xã này có mỗi mình nó dám lặn sâu thế để bắt cá. Nhưng lần ấy, nó bị đá sập xuống, kẹt tay trong hang rồi không kịp nổi lên để lấy không khí và chết đuối. Sinh nghề tử nghiệp, biết sao bây giờ”.

Cái chết của đứa cháu trai khiến người ngư phủ từng được mệnh danh “vua thủy quái” suy nghĩ rất nhiều. Ông  vẫn còn có thể lặn được gần chục mét. Nhưng từ lâu, người ngư phủ trạc tuổi ngũ tuần ấy không còn tính đến chuyện lặn xuống hang sâu bắt cá nữa.

Dán mắt vào dòng sông đang gào thét vang vọng một vùng, ông mơ màng tính chuyện tương lai. Bởi, sẽ sớm thôi, ông cũng phải bỏ cần vì cá hiếm lắm rồi.

Nghĩ đến ngày rời xa loài cá mà cả đời theo đuổi, bất giác ông lo: “Một mai khi những chú cá chình “huyền thoại” từ đại dương không thể hành hương về đại ngàn, cái nghề săn “thủy quái” ở vùng Ayun Hạ chỉ còn xuất hiện trong những câu chuyện kể bên mâm rượu hoặc những bài viết như thế này mà thôi”.    

Hồ Nam          

2 giờ vật lộn bắt 'thủy quái' 40 kg, dài 1,6m trên sông Sêrêpốk

Thứ 2, 11/07/2016 | 19:25
Cá lăng khổng lồ như “thủy quái” nặng gần 40 kg, dài gần 1,6 mét người dân phải mất 2 giờ vật lộn mới "tóm gọn" được trên dòng sông Sêrêpốk.

Giải mã 'thủy quái da sần' cực quý vừa xuất hiện ở Phú Thọ

Thứ 6, 09/08/2013 | 10:00
Một nhóm cá thể cá cóc sần đặc biệt quý hiếm vừa được phát hiện tại khu vực rừng nguyên sinh ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Đại gia chi trăm triệu săn ‘thuỷ quái’ làm mồi nhậu

Thứ 2, 27/05/2013 | 09:42
Những con vật khổng lồ được ngư dân bắt được có giá bán hàng trăm triệu đồng, được không ít đại gia săn lùng.
Cùng tác giả

Gia Lai: Tìm giải pháp ứng phó mùa khô khốc liệt

Thứ 5, 18/04/2024 | 15:32
Trước tình hình nắng hạn kéo dài khiến hàng trăm ha cây trồng bị hư hại, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai chủ trì tổ chức hội nghị, lên phương án xả nước về hạ du.

Kon Tum: Đề nghị xử lý 15 cán bộ vụ hơn 25ha rừng bị chết úng

Thứ 4, 17/04/2024 | 20:55
Việc tích nước lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum làm hơn 25ha rừng bị chết, 15 cán bộ bị đề nghị xử lý trách nhiệm.

Kon Tum: Xe tải lao vào mương thoát nước 2 người tử vong

Thứ 3, 16/04/2024 | 10:14
Chiếc xe tải chở hàng đang lưu thông trên đèo Lò Xo, bất ngờ lao vào mương thoát nước bên đường khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Ngược núi “săn” ươi bay

Thứ 3, 16/04/2024 | 07:00
Đan xen trong những tán rừng xanh, những cây ươi đỏ rực, vươn cao chót vót báo hiệu một mùa ươi lại đến. Dưới tán rừng, người dân hóng theo từng cơn gió để nhặt ươi.

Kon Tum: Khởi tố 5 đối tượng phá rừng tại huyện Đăk Hà

Thứ 6, 12/04/2024 | 16:36
Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng huyện Đăk Hà quyết định khởi tố và bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan vụ phá rừng.