Phòng dịch Covid-19 tại chung cư: Chủ động, bình tĩnh ứng phó trước nguy cơ lây nhiễm

HÀ NHÂN

Sau khi một cư dân tại chung cư Thái An 2 được xác nhận là bệnh nhân thứ 567 nhiễm dịch Covid-19, công tác phong tỏa khu vực này được tiến hành nghiêm ngặt hơn. Trước tình hình phức tạp, nhiều chung cư tại TP.HCM cũng tăng cường tuyên truyền, đảm bảo vệ sinh với tinh thần trách nhiệm cao.

Làm sao xác định phạm vi phong tỏa chung cư?

Sau khi bệnh nhân 567 được xác nhận, nơi sinh sống của người này tại chung cư Thái An 2 trên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM đã nâng cao mức độ phong tỏa.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch phường Đông Hưng Thuận cho biết, UBND quận 12 đã ra quyết định cách ly toàn bộ block B chung cư Thái An 2 tối thiểu 28 ngày, tính từ 20h30 ngày 1/8.

Cụ thể, lãnh đạo UBND quận 12 giao chính quyền UBND phường Đông Hưng Thuận tiếp tục hỗ trợ, giám sát cách ly block chung cư trong vòng 14 ngày.

Tiếp đó, nếu không phát hiện ca nhiễm mới hoặc kết quả xét nghiệm lần đầu của các cư dân chung cư đều âm tính thì UBND quận 12 sẽ có thông báo giải tỏa cách ly và chỉ khoanh vùng tại tầng lầu bệnh nhân sinh sống. Đồng thời yêu cầu cư dân chung cư tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kế tiếp.

Trong trường hợp phát hiện ca nhiễm mới, UBND quận 12 tiếp tục cách ly toàn bộ bộ block B chung cư Thái An 2 thêm 14 ngày theo quy định.

“Nữ bệnh nhân 567 đi từ TP.Đà Nẵng về TP.HCM từ ngày 28/7. Qua ngày hôm sau, cô này liên hệ ban quản trị chung cư và UBND phường để khai báo y tế. Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 mời lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 30/7.

Ngày 31/7, khi kết quả ban đầu là nghi nhiễm cao, cơ quan y tế dự phòng quận 12 đã báo cáo đến ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Từ đó, lực lượng chính quyền phường đã phối hợp với ngành y tế xử lý với sự hướng dẫn của trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM”, ông Minh Vương nói.

Blcok B chung cư Thái An 2 không có lối đi chung với các block khác.

Được biết, block B chung cư Thái An 2 có 116 căn hộ, hiện có 110 hộ dân đang ở với 328 nhân khẩu. riêng tầng 6 có 8 hộ dân, 21 người.

Tuy nhiên, khu dân cư có đến 4 tòa chung cư. Lần lượt là Thái An 1, 2, 3 và 4. Nên trong công tác phỏng tỏa, chính quyền phường Đông Hưng Thuận đã dựa trên sơ đồ vị trí và từng tòa nhà.

Cũng theo ông Minh Vương, chung cư Thái An 2 có 2 block, nhìn từ bên ngoài có vẻ hai bên liền nhau nhưng khảo sát thực tế chỉ có sân thượng là liên thông. May mắn là từ thời gian trước, ban quản lý đã khóa lối đi đó, tránh cư dân đi qua lại.

Hơn nữa, khu vực thang máy, thang bộ để lên block B hoàn toàn tách biệt với block A. Thế nên, ngành y tế và chính quyền địa phương thống nhất chỉ phong tỏa block B để tổ chức xét nghiệm.

“Tại các cuộc họp khẩn, bên cạnh trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và trung tâm Y tế dự phòng quận 12, chính quyền phường Đông Hưng Thuận cũng mời cấp ủy khu phố, trong đó có ban quản trị, ban quản lý chung cư tham dự. Đến nay, họ đều phối hợp tốt, phân công rõ ràng cùng với chính quyền và ngành y tế. ”, vị Chủ tịch phường đánh giá.

Đảm bảo vệ sinh trở thành mối quan tâm hàng đầu

Một lãnh đạo phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM cũng nhận định, so với nhà phố, khu chung cư có đặc biệt hơn trong các nội dung tuyên truyền phòng chống dịch. Bởi thực tế, vì tập trung nhiều dân cư và có nhiều không gian chung nên việc cách ly khó khăn hơn.

Trước đó, chung cư Hòa Bình (quận 10) hay chung cư Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh) tại TP.HCM cũng từng bị phong tỏa do phát hiện bệnh nhân 48 và một ca nghi tái nhiễm.

Điều này khiến người dân sống trong các chung cư khác có chung lo lắng khi mỗi ngày đều sử dụng các tiện ích như thang máy, cầu thang, bãi giữ xe, sảnh chờ,…với hàng trăm người khác.

Chị Thanh Hoa, cư dân tại chung cư Hà Đô (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất lo lắng khi mỗi ngày đều đi thang máy chung với rất nhiều người. Số lượng người ra vào không thể kiểm soát được, những người nhà và khách của các cư dân trong tòa nhà. Nếu thang máy không được sát khuẩn, vệ sinh công cộng không đảm bảo sẽ rất dễ bị lây nhiễm dịch bệnh”.

Thực tế cho thấy, nhiều chung cư trên địa bàn TP.HCM đã có những phương án, biện pháp ứng phó kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh. Ban quản lý chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) cho biết, việc kiểm soát ra vào, đo thân nhiệt, vệ sinh thường xuyên,…đang được tiến hành và báo cáo cho chính quyền địa phương vào mỗi ngày. Tại đây còn có khu cách ly tạm thời được bố trí từ một phần diện tích trống tại tầng trệt.

Còn ban quản lý chung cư Zen Tower (quận 12) đã cho phát video tuyên truyền về phòng, chống dịch thông qua tivi trong hệ thống thang máy. Chung cư HQC 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) cũng khẩn trương đề nghị các gia đình tính toán, hạn chế tối đa khách ra vào. Tất cả khách đến chung cư phải đăng ký với lễ tân, bảo vệ. Dịch vụ giao hàng sẽ thực hiện tại khu vực sân ngoài sảnh, nhân viên giao hàng không được vào chung cư.

Mật độ dân cư đông nên việc phong tỏa các chung cư là thách thức không nhỏ cho chính quyền địa phương.

Nhớ về thời gian nơi sinh sống bị phong tỏa, bà Nguyễn Thị Lan, cư dân chung cư Hòa Bình luôn nói lời cảm ơn với chính quyền UBND phường.

“Mỗi buổi sáng, chúng tôi xuống cổng để nhận các nhu yếu phẩm, nước sát khuẩn... từ các cán bộ cấp phát miễn phí cho bà con. Còn có phát cơm miễn phí ngày ba bữa, đầy đủ trái cây cho người dân đang chấp hành cách ly”, bà Lan cho hay.

Lúc đó, cư dân đều bình tĩnh khi nhận lệnh cách ly, không ai hoảng loạn hoặc vội vàng dọn đồ đạc rời đi. Mọi người tự giác ở yên trong nhà. Khi cần thức ăn, nhu yếu phẩm sẽ tới gặp cán bộ phường ở các cổng chốt chặn nhờ mua.

Tương tự, anh Lâm Hoài Nam, cư dân chung cư Phạm Viết Chánh cho hay: “Việc cách ly tại chung cư cũng là đang cùng gia đình và cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khu vực hành lang bình thường nhiều người tụ tập, nhưng khi thực hiện cách ly là không có bóng người tụ tập”.

Tái khởi động biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế

Thống kê của sở Xây dựng TP.HCM chỉ ra, địa phương đang có 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5 lần so với năm 1975) với tổng diện tích sàn xây dựng 10.645.970m2, diện tích bình quân căn hộ 75m2/sàn/hộ.

Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên toàn thành phố. Trong đó có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 và một số chung cư xây dựng sau năm 1975 đến năm 2005, hầu hết không có ban quản trị, hoạt động theo mô hình tự quản, phù hợp với đặc điểm của chung cư và tình hình địa phương. Ngoài ra còn có 212 chung cư chưa có ban quản trị do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vì vậy, Sở đã có văn bản yêu cầu các ban quản lý tòa nhà, ban quản trị chung cư nâng cao nắm bắt tình hình đi lại của cư dân.

Các chung cư cần thực hiện nghiêm hướng dẫn của bộ Y tế như hạn chế các cuộc hội họp, hội nghị, tránh tập trung đông người, khuyến cáo cư dân có ý thức đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện to, khạc nhổ trong thang máy.

Đồng thời, chung cư cần phải được khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hay có chứa ít nhất 60% cồn; ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao…), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy là khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày.

Những vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can phải khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ tại khu chung cư như siêu thị, nhà hàng, phòng tập gym…cũng cần cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh.

H.N