PGS. TS Trần Đắc Phu dự báo về tình hình dịch Covid-19 và điều cần đặc biệt lưu ý

Thanh Lam

PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng cục Y tế dự Phòng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (bộ Y tế)cho rằng, Việt Nam hiện nay ghi nhận chủ yếu các ca bệnh Covid-19 nhập cảnh đã được cách ly nên không lo ngại chúng ta có thể bị làn sóng dịch thứ hai. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không được chủ quan.

Lo ngại ca bệnh theo đường mòn, lối mở

Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, nhiều người dân lo ngại khi số ca bệnh Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam tăng lên những ngày gần đây. Là một chuyên gia trong ngành, ông nói gì về điều này?

Những ngày gần đây, các nước trên thế giới như Liên Bang Nga dịch đang tăng mạnh, nên việc những người nhập cảnh từ Nga về khó tránh khỏi nhiễm bệnh. Nhưng, chúng ta đã thực hiện kiểm soát, khoanh vùng cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Hiện nay, tất cả những ca bệnh phát hiện sau khi nhập cảnh đã được cách ly. Chính vì vậy, không sợ lây lan ra cộng đồng.

Bây giờ, chúng ta chỉ lo ngại những ca bệnh đi theo đường mòn, lối mở như vừa qua có hệ thống cơ sở phát hiện ca ở Tây Ninh, quận Tân Bình (TP.HCM)… Vì thế, phải đẩy mạnh việc phát hiện những ca nhập cảnh trái phép theo đường mòn, lối mở.

Thêm nữa, hệ thống y tế cũng phải phát hiện những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở… để xét nghiệm ngay. Làm sao phát hiện càng sớm càng tốt, nhất là những ca đầu tiên để khoanh vùng dập dịch, tránh lây lan.

Hơn 30 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, điều này là một tín hiệu vui. Nhưng với việc tăng số ca nhập cảnh bị nhiễm bệnh, chúng ta có thể bị làn sóng dịch thứ hai không thưa ông?

Đúng là gần 40 ngày không có bệnh nhân nào bị lây nhiễm trong cộng đồng, cho thấy tín hiệu khả quan trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Trong lúc này, tôi có thể khẳng định chúng ta không lo ngại Việt Nam có thể bị làn sóng dịch thứ hai thổi bùng.

Tuyệt đối không chủ quan

Tình hình dịch bệnh trên thế giới còn có những diễn biến phức tạp, vậy ông có dự báo gì về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam thời gian tới sẽ như thế nào?

Dịch bệnh trên thế giới có thể còn diễn biến lâu dài, phức tạp nên chúng ta không được chủ quan. Theo tôi, phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, giám sát. Bởi, nếu nới lỏng, không kiểm soát sẽ tiếp tục có các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Khi có ca bệnh trong cộng đồng thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm.

Vậy, ông có khuyến cáo gì đến người dân trong thời điểm này?

Tôi cho rằng, mọi người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, hạn chế tụ tập nơi đông người.

Người dân tuyệt đối không được chủ quan, cần phải đảm bảo cập nhật thường xuyên các thông tin, khuyến cáo từ ban Chỉ đạo, bộ Y tế.

Bên cạnh đó, khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở và có yếu tố dịch tễ cần liên hệ ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

35 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm 6h ngày 21/5 35 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện, có 266 ca bệnh/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. 58 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 5 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

Tình hình sức khoẻ của phi công người Anh (BN91)

Bệnh nhân là phi công người Anh đã có dấu hiệu cải thiện, 5 lần âm tính liên tục với virus SARS-CoV-2. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện, đang tiếp tục thở máy. Đến sáng ngày 20/5, bệnh nhân đã trải qua hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh (bệnh nhân này sắp được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy điều trị hồi sức tích cực và có nhiều chuyên khoa kết hợp).

T.L