Ồn ào quanh chuyện 'thay áo' cho di tích: Những chấp niệm khó bỏ

Ồn ào quanh chuyện 'thay áo' cho di tích: Những chấp niệm khó bỏ

Thứ 5, 12/01/2017 | 17:33
0
Tất cả đều xuất phát từ chấp niệm, đã là di tích thì phải cổ kính, phải rêu phong. Đó chính là màu sắc gốc của bất kì di tích văn hóa nào và mọi sự thay đổi màu sắc đều không được chấp nhận.

Tôi không hiểu hà cớ gì mà dư luận mấy ngày nay lại sốt xình xịch vì cái màu sơn ở Văn Miếu hay Bia Quốc học Huế? Vì nó chướng tai gai mắt hay vì nó mà di tích bị biến dạng? Nhiều người chê việc quét vôi ở Văn Miếu sẽ khiến di tích trở nên lạ lẫm, không phù hợp với du khách. Không ít người cũng lên tiếng chỉ trích màu sơn ở Bia Quốc học Huế là chói mắt, lòe loẹt.

Nếu nói trắng ra thì chúng ta chẳng có gì bàn ở đây cả. Thứ nhất, “thay áo” cho di tích là việc làm hết sức bình thường. Thứ hai việc tu sửa này phải đảm bảo phục nguyên màu sắc gốc của công trình và không làm biến dạng di tích. Nếu hai vấn đề trên được đảm bảo thì chúng ta chẳng có gì để nói.

Ấy nhưng những ồn ào mấy ngày qua lại nói lên được nhiều điều mà đa phần chẳng liên quan gì tới chuyện di tích. Tôi muốn đề cập ở đây là những chấp niệm tiêu cực vốn ăn sâu vào ý thức của không ít người dân Việt.

Có lẽ trong nhận thức của những người ấy, di tích văn hóa phải gắn với hình ảnh một công trình rêu phong, cổ kính, nhuốm màu thời gian. Việc “thay áo” cho di tích sẽ làm mất đi vẻ trầm mặc, xưa cũ vốn có của những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi. Thế nên khi sự việc xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng làm vậy là phá hoại di tích.

Nhưng chúng ta hãy nghe ý kiến của PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký hội Di sản văn hoá Việt Nam khi ông phát biểu với báo giới: “Tôi đi Hàn, Nhật, Trung là ba nước đồng văn với Việt Nam thì chả ai để rêu mọc trên di tích, màu sắc xuống cấp dù những di tích đó đa phần lâu đời hơn những di tích ở Việt Nam”. Nếu đúng như vậy thì quả là xứ Việt mình kì lạ thật.

Sự kiện - Ồn ào quanh chuyện 'thay áo' cho di tích: Những chấp niệm khó bỏ

 Văn Miếu sau khi quét lớp vôi mới đã bị dư luận phản ứng

Tại sao tôi viết như vậy? Nhiều chuyên gia văn hóa đều thừa nhận việc “thay áo” cho một số hạng mục ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là giống với màu sắc gốc của công trình. Trường hợp Bia Quốc học cũng vậy (ở đây tôi chưa bàn tới một số ý kiến cho rằng công trình này bị tu bổ sai). Vậy thì chúng ta nhao nhao đòi trả màu sắc gốc lại cho những di tích đó mà chẳng biết màu sắc gốc của công trình là gì cả? Tất cả chỉ phong trào vậy thôi.

Và tất cả đều xuất phát từ chấp niệm, đã là di tích thì phải cổ kính, phải rêu phong. Đó chính là màu sắc gốc của bất kì di tích văn hóa nào. Mọi sự can thiệp nhằm thay đổi màu sắc đó đều không được chấp nhận và mặc nhiên bị coi là hành động phá hoại di tích.

Dù rằng khi một công trình vốn quá quen thuộc với ai đó mà bỗng chốc thay đổi, sự ngỡ ngàng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng, chúng ta không nên từ việc thay đổi cảm xúc mà quy kết việc làm đó là sai hay phản cảm. Mọi chuyện cần phải dựa vào luận cứ và kết luận khoa học rõ ràng. Còn mọi ý kiến trái chiều, suy cho cùng vẫn chỉ là cảm tính.

Tôi xin lấy một ví dụ đơn giản để chứng minh cho điều này. Bất kể ai xây nhà đều muốn sử dụng loại sơn thật tốt để ngôi nhà trông lúc nào cũng như mới. Nhiều công trình sau một thời gian sử dụng, người ta đều cho quét sơn lại để vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa bảo vệ tường khỏi nấm mốc. Vậy thì chúng ta lấy lý do gì để bắt những di tích văn hóa phải khoác lên mình “chiếc áo” cũ kĩ và bắt đầu "rách nát"?

Rõ ràng việc sơn lại màu cho các di tích đã đảm bảo tính lịch sử của công trình. Thế hệ chúng ta chỉ biết hình ảnh Văn Miếu với những bức tường rêu phong, xám nhạt. Chúng ta cũng chỉ biết hình ảnh của Bia Quốc học với màu vàng nhạt, cũ kĩ. Chúng ta hoàn toàn không biết đến vẻ rực rỡ, sáng láng của chúng khi mới được xây dựng. Nếu vậy thì chúng ta có thực sự nhìn nhận và đánh giá đúng được giá trị lịch sử và giá trị thẩm mỹ của nó?

Vì thế việc khôi phục lại màu sắc gốc ban đầu của công trình (tất nhiên việc này phải đảm bảo chính xác) đáng lẽ phải được hoan nghênh mới đúng chứ? Tôi tin bạn đọc đủ tỉnh táo để đưa ra những lời nhận xét chân xác nhất dù tôi cũng tin rằng, vẫn còn không ít người chấp niệm với những tư duy "nô lệ" mà tôi vừa phân tích ở trên.

Xem thêm >>> Mục sở thị 18 bảo vật quốc gia lần đầu trưng bày ở bảo tàng lịch sử

Phạm Văn

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả