Nỗi day dứt của “liệt sĩ” mơ ước con gái gọi tiếng cha nhưng không thành

Hà Hằng

“Minh em! Mỗi lần ngồi trò chuyện với bầu bạn, họ kể chuyện về con cái họ. Em có biết anh nghĩ gì và làm gì lúc đó không? Anh đã quay mặt gạt nước mắt khi liên hệ con mình đối với mình trong những ngày qua rồi lặng lẽ ra đi để khỏi phải chứng kiến cái bất công tự nhiên ấy…”

Tình yêu và nhiệt huyết tuổi trẻ

Đó là những dòng tâm sự và nỗi niềm của liệt sĩỹ Nguyễn Trí Phước (SN 1934), quê xã Đồng Văn, (Thanh Chương, Nghệ An) trong bức thư dài 16 trang gửi cho vợ. Niềm hạnh phúc trở về sau giấy báo tử của ông Phước đã không trọn vẹn, khi con gái không nhận mình là cha.

Bức thư dài 16 trang này đã được bà Lê Thị Hồng Minh (SN 1942), vợ của liệt sĩỹ Nguyễn Trí Phước trao tặng cho Bảo tàng Nghệ An. Gia đình bà Minh mong muốn qua bức thư này, thế hệ trẻ sẽ có một cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống thời chiến.

Tình yêu của bà Minh với ông Nguyễn Trí Phước được nảy nở từ sự cảm phục tài năng của người anh hàng xóm. Nhờ sự vun vén của hai bên gia đình, hai người nên duyên vợ chồng. Năm 1965, dù được giữ lại làm giảng viên trường trung cấp Kỹ thuật 1 Hà Nội, nhưng ông Phước vẫn xung phong ra chiến trường.

Bà Minh nói về lý do tăng bức thư dài 16 trang cho Bảo tàng Nghệ An

“Chồng xung phong ra trận khi con gái Nguyễn Thị Tuyết Mai mới lên 3 tuổi. Ngày chồng lên đường chiến đấu chỉ có mẹ chồng, tôi và Tuyết Mai ra tiễn. Vì sợ tôi tủi thân, bịn rịn nên anh ấy đi nhanh lắm. Còn tôi vì muốn anh ấy yên tâm chiến đấu nên cũng cầm lòng để không rơi nước mắt. Tôi cũng động viên anh chiến đấu yên tâm việc ở nhà đã có tôi lo”, bà Minh kể về giây phút chia tay với chồng.

Nhiều năm chồng đi chiến đấu, bà Minh ở nhà thay chồng chăm mẹ già, chăm cả người em trai. Để có tương lai hơn, bà Minh theo học một năm ở trường sư phạm trên địa bàn. Sau đó, bà được tuyển làm giáo viên làng. Đầu năm 1970, bà Minh được kết nạp vào Đảng và giữ chức vụ Chủ tịch công đoàn của trường tiểu học Đồng Văn.

Đến năm 1968, bà Minh nhận được giấy báo tử của chồng. “Nhận được tin chồng hy sinh, tôi choáng váng đến ngất xỉu. Tôi luôn hy vọng đó không phải là sự thật. Tuy nhiên, khi được đồng nghiệp dìu về nhà nhìn thấy người đến chật sân, mẹ và Tuyết Mai khóc thì tôi tin đó là sự thật rồi. Lễ truy điệu chồng được tổ chức ngay trong đêm ở nhà văn hóa xã”, bà Minh nghẹn giọng nói.

Nỗi day dứt!

Mãi cho đến năm 1973, bà Minh bất ngờ nhận được lá thư tay “Gửi con Tuyết Mai”. Mở ra bà mới biết đó là lá thư được viết từ trại an dưỡng ở Quảng Ninh. Nét chữ trong bức thư chính là của chồng mình. Trong thư ông Phước cho biết, năm 1968, ông bị địch bắt và đày ra nhà tù ở Phú Quốc. Khi hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh, ông Phước được chuyển ra Quảng Ninh để an dưỡng.

Chị Tuyết Mai luôn day dứt vì sự dại dột thời trẻ con, đã không gọi tiếng cha, khiến cho ông buồn lòng

“Khi về trại an dưỡng, ông ấy cứ nghĩ tôi đã đi lấy chồng. Vì không muốn cuộc sống đảo lộn nên ông không dám gửi thư về cho vợ. Do đó, thư ông chỉ viết gửi con bé Tuyết Mai. Vì giận ông nên tôi nói Tuyết Mai biên thư lại cho cha. Và cuối thư tôi có viết thêm đôi ba dòng chữ: Hơn 10 năm nay tôi không đi đâu cả, tôi ở đây nuôi con thờ chồng. Nay anh cải tử hoàn sinh, tôi cất ảnh trên bàn thờ rồi,…”, bà Minh rơi nước mắt kể lại.

Nghe tin người vợ vẫn ở vậy nuôi con, thờ chồng, ông Phước quyết định về nhà. “Khi ông Phước nhà tôi về thì gặp bố và Tuyết Mai trước. Nhưng họ không nhận ra bởi vì vết thương chiến tranh đã khiến ông trở nên già nua, gầy gò, lưng còng hẳn xuống,…Còn tôi khi nghe người ta báo tin chồng trở về, tôi mừng đến mức ngất xỉu vì vui sướng và hạnh phúc. Hai vợ chồng ôm nhau trong nước mắt”, bà Minh kể.

Trích đoạn trong bức thư dài 16 trang liệt sĩ Phước gửi cho vợ

Điều khiến cho bà Minh buồn lòng nhất là Tuyết Mai không chịu gọi ông Phước là cha. Dù mẹ và ông bà giải thích như thế nào, gia đình có tạo điều kiện cho cha con gần gũi đến đâu, Tuyết Mai cũng không chịu nhận cha. Hình ảnh người cha trong Tuyết Mai là người thanh niên khỏe mạnh, khuôn mặt đầy đặn, khôi ngô chứ không phải người đàn ông già nua, răng rụng và lưng còng. Cô bé không hề hay biết rằng, những trận đòn roi của quân giặc đã khiến cho cha mình trở nên tiều tụy như vậy. “Ở tuổi đó, tôi cứ sợ sẽ bị cướp mất mẹ. Bởi vậy tôi luôn tìm cách tránh mặt và từ chối mọi sự chăm sóc của ông. Tôi luôn gọi trống không với cha mình. Những cử chỉ và hành động của tôi lúc ấy khiến cho cha buồn phiền nhiều”, chị Tuyết Mai tâm sự.

Về phép được 1 tháng, ông Minh trở lại trại an dưỡng ở Quảng Ninh. Tại đây, ông đã viết lá thư dài 16 trang để nói lên lòng mình. Trong thư ông cũng nói ra nỗi day dứt khi Tuyết Mai không nhận mình là cha. “Mỗi lần anh nhìn tấm ảnh của con chụp chung với các chú bộ đội mà lòng anh phát ghen lên vì tình cảm ấy. Anh nghĩ rằng nếu Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng “chú bộ đội””, trích trong lá thư dài 16 trang liệt sĩ Phước gửi cho vợ ở quê nhà.

Sau đó, bà Minh sinh thêm cho ông Phước một cậu con trai. Niềm vui đó, khiến cho ông hạnh phúc đến nỗi chảy nước mắt. Tuy nhiên, điều làm ông day dứt là Tuyết Mai vẫn không gọi mình bằng tiếng cha. Bà Minh cũng cảm thấy bất lực vì không làm cách nào cho Tuyết Mai nhận cha.

"Nhìn chồng trong thân hình ốm yếu, gầy mòn bởi vết thương chiến tranh khóc tu tu như một đứa trẻ khi con không nhận là cha khiến tôi cũng không cầm được lòng. Dù có giải thích, đe dọa đến cách mấy con bé cũng không nhận cha. Tuy nhiên không thể đổ lỗi cho con bé được, lỗi là ở chiến tranh", bà Minh nói trong nước mắt.

Chỉ sau 2 ngày con trai ra đời, vết thương ông Phước tái phát và phải nhập viện điều trị. Tháng 10/1975, ông Phước qua đời tại bệnh viện Quân y 4 và được công nhận là liệt sĩ. Mãi đến lúc này, khi tổ chức lễ an táng cho ông Phước, Tuyết Mai mới gọi tiếng “Cha ơi”. Tuy nhiên, tiếng gọi đó ông Phước không thể đáp trả được nữa rồi.

Mấy chục năm trôi qua, chị Tuyết Mai luôn day dứt về sự dại dột thời trẻ con. Giá như chị hiểu chuyện và nhận cha sớm hơn thì ông sẽ không phải buồn và khổ tâm. Trong một dịp trở lại Phú Quốc, gặp những đồng đội cũ của cha Phước, chị hiểu hơn về sự hy sinh của cha mình. Chị biết được rằng cha Phước từng là một người lính kiên trung, người tù cách mạng có chí khí không sợ đòn roi, đứng ra dạy học cho nhiều người,…

Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Trí Phước hiện được lưu trữ và trưng bày ở Bảo tàng Nghệ An. Đó là những trang viết sinh động về khía cạnh của cuộc chiến. Cuộc chiến đó không chỉ có máu, sự hy sinh mà còn có sự mất mát thiệt thòi, thậm chí có những nỗi đau không bao giờ bù đắp được.

Nỗi niềm day dứt của con gái liệt sỹ

H.H