Nỗi đau qua ký ức của nữ tự vệ bệnh viện Bạch Mai

Nỗi đau qua ký ức của nữ tự vệ bệnh viện Bạch Mai

Thứ 3, 02/04/2013 | 22:21
0
Chiến tranh đã qua đi nhiều năm nhưng những hồi ức kinh hoàng cùng nỗi đau xé lòng vẫn là nỗi ám ảnh người còn sống.

Chỉ trong một ngày, khi Mỹ dùng máy bay B52 ném bom xuống Thủ đô Hà Nội năm 1972, tại bệnh viện Bạch Mai (BVBM) có tới 31 người chết, hàng chục người bị thương, chủ yếu là các y bác sỹ, nhân viên và bệnh nhân.

Ký ức đau buồn

Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang có chiến tranh, những chàng trai, cô gái tuổi xuân phơi phới đều nuôi ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Không được khoác trên mình màu xanh áo lính, họ ở lại hậu phương trong vai trò bác sỹ, y tá và chiến sỹ tự vệ. Tuy nhiên, họ luôn cố gắng đem tâm huyết cũng như kiến thức mình được học để cứu chữa, bảo vệ bệnh nhân trong mọi tình huống ác liệt, ngay cả khi cái chết cận kề. Ngay từ giờ phút ác liệt nhất của cuộc chiến đấu với B52, những nữ tự vệ BVBM đã có mặt trực chiến 24/24h trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Đó là cô Cúc, cô Toán, Sửu, Chín, Hận, Nhàn, Xiêm... Họ đều là những y bác sỹ, chiến sỹ tự vệ công tác tại BVBM năm 1972.

Xã hội - Nỗi đau qua ký ức của nữ tự vệ bệnh viện Bạch Mai

Những người sống sót khẩn trương khắc phục hậu quả sau ngày 22/12/1972. Ảnh: Bettmann - corbis.

Ngày ấy, họ là những cô gái tuổi 18, 20 vô cùng nhiệt huyết. Ai cũng yêu đời, ai cũng cố gắng phấn đấu hết mình để mong góp một phần sức lực nhỏ bé vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  40 năm đã trôi qua, giờ họ đã lên chức bà nội, bà ngoại, nhưng những câu chuyện chiến đấu bảo vệ bệnh viện, cứu chữa bệnh nhân và đồng đội trong giờ phút kinh hoàng khi máy bay B52 của giặc Mỹ ném bom rải thảm xuống Thủ đô Hà Nội, vẫn còn nguyên trong ký ức.

Đội phó nữ tự vệ BVBM năm xưa, bà Nguyễn Thị Cúc kể lại: "Ngày 22/12/1972, sau 4 ngày không quân Mỹ ném bom rải thảm, chúng tôi cứ nghĩ phải mấy hôm nữa giặc Mỹ mới tiếp tục ném bom. Nhưng vào khoảng 4h sáng, khi tất cả chúng tôi đang ngủ ở khu tập thể Nhà tròn của bệnh viện, thì một loạt bom tiếp tục ném xuống. Trong trận này, giặc Mỹ nhằm vào bệnh viện, trường học nên BVBM gần như trở thành trung tâm bắn phá. Nhà cửa rung chuyển, tường gạch, mái ngói đổ sập, cây cối ngổn ngang..., cả bệnh viện đổ nát".

Bà Cúc chia sẻ: "Sau ít phút bàng hoàng, chúng tôi gọi nhau trong khói bụi hoang tàn. Nghe tiếng đáp lại của mọi người, chúng tôi vui mừng khôn xiết vì biết đồng đội mình còn sống. Chẳng có thời gian để sợ hãi, ngay lập tức, chúng tôi chạy vào các khoa phòng, nơi làm việc tìm kiếm, cứu người. Vào đến nơi, chúng tôi mới biết bom đã đánh sập 2 hầm lớn, đó là hầm của khoa Nội và khoa Da liễu. Đồng chí Đỗ Doãn Đại (Giám đốc bệnh viện khi ấy) đã ra lệnh cho chúng tôi khẩn cấp đào bới cứu người. Mặc cho trời tối, rét buốt và máy bay địch vẫn còn ném bom ầm ầm ở các vùng lân cận, chúng tôi lao vào công việc đào bới, tìm kiếm nạn nhân".

Ngày ấy, trong khuôn viên BVBM có một hệ thống đường hầm, do người Pháp xây dựng song song với bệnh viện. Vào năm 1972, đường hầm đã có tuổi thọ gần 100 năm. Trước đây một số đường hầm này được dùng làm đường vận chuyển bệnh nhân chết ở các khoa ra nhà xác và số khác làm đường thoát nước. Đường hầm kiên cố, vững chắc do đổ bê tông cốt thép nên bệnh viện đã dùng hệ thống đường  hầm này làm nơi trú ẩn, có chỗ làm phòng cấp cứu, điều trị nạn nhân chiến tranh.

"Khi được thông báo phải khẩn trương đào bới, phá nắp hầm ở hai khoa Nội và Da liễu để cứu những người còn mắc kẹt, chúng tôi dùng tất cả những gì còn sót lại. Máy móc thiết bị đào bới không có, chúng tôi phải thay nhau dùng cuốc, xẻng và dùng tay nhặt từng viên gạch. Qua những khe nhỏ trên đống đất đá đổ nát, chúng tôi nghe được những tiếng kêu cứu, gọi cha, gọi mẹ, gọi đồng đội đến xé lòng. Chưa đưa được mọi người lên ngay, chúng tôi phải thả xuống hầm rất nhiều ống khí ô xy để những người mắc kẹt có thể thở được. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn ra sức động viên mọi người cố gắng chịu đựng, chờ đợi. Khổ nhất là những chỗ hầm không có khe hở, phải dùng búa, xà beng, đục bê tông để lấy chỗ cho nạn nhân thở. Nghe có vẻ dễ nhưng để đục được một lỗ dù rất nhỏ trên tấm bê tông cốt thép ấy là cả một vấn đề nan giải. Chỉ một lỗ nhỏ vậy mà chúng tôi phải thay nhau đục gần một ngày mới thông", bà Nguyễn Thị Cúc kể lại.

Xã hội - Nỗi đau qua ký ức của nữ tự vệ bệnh viện Bạch Mai (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Cúc, đội phó nữ tự vệ bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Huỳnh Thái.

Nỗi ám ảnh thương tâm

Trong ký ức mỗi người chiến sỹ tự vệ, nỗi đau khi phải chứng kiến cái chết của đồng đội, đồng nghiệp, bệnh nhân... luôn ám ảnh. Họ nhớ như in những tiếng kêu và cái chết của từng người.

Ra sức đào bới, đến khi nghe được tiếng nói thì câu đầu tiên họ nghe thấy chính là: "Các anh các chị ơi cứu chúng em với, bác sỹ Kế đã chết rồi, em đang mắc kẹt không lên được. Cứu chúng em với các anh các chị ơi!...". Đó là tiếng kêu cứu của em Thúy, sinh viên năm thứ 3 (ĐH Y Hà Nội) đang thực tập tại bệnh viện và các em Phụng, Liên, Khuyến, Thạch...

"Nghe tiếng kêu ấy, không ai cầm được nước mắt, vừa làm vừa khóc, chúng tôi dồn tất cả sức lực vào công việc. Thanh niên khoẻ thay nhau đục, đào, cuốc, mệt quá thì nghỉ uống nước, đói thì ăn tạm mẩu bánh mỳ rồi lại tiếp tục đào không ngơi nghỉ. Hai bàn tay chúng tôi phồng rộp và rướm máu, song không ai cho phép mình được nghỉ ngơi. Chỉ cần nghỉ một phút thì khả năng cứu người sẽ bị hạn chế, sự sống có thể bị cướp đi. Niềm vui oà vỡ khi từng người một được đưa lên. Những nạn nhân nhẹ, chúng tôi đưa ngay vào khu điều trị của bệnh viện, nặng quá thì chuyển qua bệnh viện Việt Đức và Y học cổ truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lúc đó chúng tôi, ai cũng  chỉ có hơn 40 cân nặng, vậy mà vẫn cõng được những nạn nhân 60, 70 cân đi phăng phăng vào phòng cấp cứu. Đúng là “cứu người hơn cứu hoả"”, bà Cúc nghẹn ngào kể tiếp.

Truyền thống của người Việt mình, khi chết phải được nguyên vẹn, thế nhưng để cứu những người sau, các chiến sỹ tự vệ phải cố nén nước mắt để tháo khớp tay người chết. Đó là chị Trần Thị Thoa, nhân viên của bệnh viện. Chị bị một tảng bê tông chèn chết, hai tay giang rộng chắn lối đi xuống một cửa hầm. Phía trong cửa hầm ấy còn 4 người đang hoảng loạn, gào thét. Để cứu họ, giám đốc đã quyết định tháo khớp hai tay chị Thoa. Một quyết định đau lòng, nhưng ai cũng phải gạt nước mắt thực hiện. Và bà Cúc chính là người trực tiếp bế Thoa lên để cứu những người còn sống ở phía trong.

Cứ như vậy, phải 4 ngày (sau tức là ngày 26/12) mới đưa được người cuối cùng lên khỏi hầm và đống đất đá đổ nát. Người cuối cùng chính là em Thuý sinh viên thực tập và anh Trạch bảo vệ. Thân thể mọi người đã biến dạng và phân huỷ. Cũng trong trận bom thảm khốc này, một nhà báo người Mỹ sau khi đến chứng kiến cảnh đau thương này, ông đã đưa tin. Ít ngày sau, toàn thế giới đã lên án hành động vô nhân đạo này của đế quốc Mỹ. 

"Chúng tôi oà lên khóc khi nhìn thấy chị Nguyễn Thị Diên, lúc ấy đang mang thai đứa con 3 tháng tuổi. Thế là 2 mẹ con chị đã không còn nữa. Bác sỹ Nguyễn Thị Giỏi tổ chức đám cưới được 1 tuần thì chồng vào Nam chiến đấu, và mãi mãi không bao giờ gặp được nhau nữa. Chị Mai Thị Tuyết thợ điện, chồng đi B để lại 3 con nhỏ cho mẹ già 90 tuổi... Kể làm sao hết những cái chết đầy bi thương, ai oán ấy", bà Cúc rơm rớm nước mắt khi kể tên những đồng đội hy sinh.

Bên cạnh những đau thương mất mát ấy, họ cũng đã cấp cứu mang lại cuộc sống cho nhiều người, đó là giáo sư Lê Kim Duệ, bác sỹ Ngô Thị Ninh, Nguyễn Sỹ Hồi, y tá Nguyễn Thị Hạnh và 3 em nhỏ. Đặc biệt chị Phí Thị Mạch, giờ đã 96 tuổi và vẫn còn khoẻ mạnh. Với những thành tích ấy, đội nữ tự vệ, y bác sỹ của bệnh viện Bạch Mai đã được UBND TP.Hà Nội khen thưởng. Trong đó bà Trần Thị Xiêm và Nguyễn Thị Cúc được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ.  Sau này bệnh viện được đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những đau thương mà chiến tranh đế quốc Mỹ gây lên không thể kể hết. Tấm bia tưởng niệm ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ năm 1972 tại BVBM vẫn còn đó. Chúng tôi, những người may mắn còn sống sót, xin thắp một nén hương, cầu cho các vong linh đồng nghiệp siêu thoát về cõi vĩnh hằng...   

Hy sinh một ngày trước đám cưới

Đau thương nhất là 3 nữ y tá Nguyễn Thị Khuyến, Nguyễn Thị Phụng và  Nguyễn Thị Thạch. Những nữ y tá này đã gửi thiếp mời cho bạn bè đến dự đám cưới vào ngay sau ngày Noel năm 1972. Thế nhưng 3 nữ y tá này đã hy sinh khi chưa kịp khoác trên mình chiếc áo cưới trắng tinh. Khi hy sinh, trên tay của các cô vẫn còn cầm ống nghe và ống đo nhiệt độ chăm sóc cho bệnh nhân.  

 Cao Thị Hỷ