Những câu chuyện chưa thể lý giải ở nơi khởi nguồn hát Xoan

Những câu chuyện chưa thể lý giải ở nơi khởi nguồn hát Xoan

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Đến An Thái, chúng tôi được người dân nơi đây kể cho nghe rất nhiều câu chuyện huyền bí chưa có lời giải đáp xung quanh ngôi miếu cổ. Khi kể, hầu như ai cũng nói với giọng điệu tôn nghiêm, thành kính.

Miếu thiêng giữa rừng Cấm

Miếu cổ (còn gọi là Hùng Vương Tổ Miếu) ở làng An Thái (xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là nơi thờ vua Hùng. Đây còn là nơi gắn liền với những câu chuyện văn hóa, lịch sử xa xưa ở làng An Thái. Mỗi khi đến ngày hội làng, mọi người lại được nghe các cụ bô lão trong làng kể về nguồn cội để thông qua đó nhắc nhở con cháu phải gìn giữ những giá trị truyền thống xa xưa.

Sự kiện - Những câu chuyện chưa thể lý giải ở nơi khởi nguồn hát Xoan

Cụ Bùi Văn Đào đang trò chuyệ̣n với phóng viên

Miếu cổ tọa lạc tại khu đất bằng phẳng trên đỉnh núi Cấm của xã Phượng Lâu, lọt thỏm giữa rừng cây um tùm, rậm rạp. Trừ ngày rằm, ngày lễ, hội chính, vào những ngày thường, miếu tịnh không một bóng người. Thế nhưng, những đồ tế lễ trong miếu không ai dám xâm phạm.

Hàng năm, vào mờ sáng mùng 1 Tết, 4 cụ cao niên trong làng sẽ đại diện lên miếu cổ tham dự hội hát Xoan cùng với cụ từ. Sau màn lễ, hát Xoan đối đáp, các cụ và dân làng sẽ mang lễ lên đình Cả (đình An Thái - PV). Ngoài ra, ngày mùng 7 tháng Giêng dân làng cũng tổ chức tiệc cầu đinh.

Chị Bùi Thị Dung (xóm Mới, xã Phượng Lâu) nói: "Miếu cổ là nơi rất linh thiêng. Sở dĩ, khu vực miếu ngự có tên là rừng Cấm vì trước kia đây là nơi vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng bàn việc quốc sự, có người canh gác nghiêm ngặt. Không ai dám phạm đến miếu đâu vì ai cũng sợ bị báo ứng. Mấy năm trước, một người trong làng đã đánh chết con rắn mào ngự trong miếu cổ, vừa về đến nhà, không biết ma xui quỷ khiến thế nào, người ấy thắt cổ tự vẫn chết".

Cụ Bùi Văn Đào (xóm Mới, xã Phượng Lâu) cho biết, miếu cổ này là nơi thờ 3 ngai, trong đó có vua Hùng, ngai được tạc bằng gỗ. Miếu cổ thường mở tiệc chính vào tháng Giêng, dân làng làm ít cỗ mặn còn lại chủ yếu là cỗ chay rồi làm lễ, cầu người, cầu của, cầu mưa nắng thuận hòa, cầu bình yên cho cả năm mới. Những năm trước đây, tục hèm của dân làng An Thái là phải làm lễ bằng thịt lợn đen, có như vậy thì mọi ước nguyện của dân làng mới thành hiện thực. Vài năm trở lại đây, các cụ cao niên đã làm lễ giải hèm, bỏ luôn cả tục xin đài âm dương, chủ yếu làm cỗ chay trong ngày lễ hội.

Phía sau miếu là nơi thờ quan bệ hạ ngoài trời, đây được coi là người bạn thổ ở miếu, người giữ cho miếu được bình yên giữa mọi thay đổi của thời cuộc. Bà Nguyễn Thị Sản (66 tuổi, xóm Mới, làng An Thái) cho biết, từ xa xưa, các cụ đã chọn vị trí đắc địa để xây miếu. Phía dưới miếu là hồ Thiếc (còn gọi là đầm Thiếc) do hợp tác xã quản lý. Vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm, dân làng An Thái lại đánh cá dưới đầm rồi chọn con cá to nhất làm cỗ cúng trên miếu.

Sự kiện - Những câu chuyện chưa thể lý giải ở nơi khởi nguồn hát Xoan (Hình 2).

Hùng Vương Tổ Miếu được xây trùm lên để bảo vệ lối kiến trúc cổ độc đáo bên trong

Hễ phạm vào là chết?

"Một điều cấm kỵ trong mỗi dịp lễ hội là những người đang mang khăn trắng đại tang, phụ nữ mang bầu, người mới sinh và phụ nữ đến tháng không được đến miếu vì không thanh sạch. "Tiệc làng năm 2011, có một trung nữ đang mang thai đến lễ theo các cụ. Vừa lạy xong một lạy thì đột nhiên chóng mặt, nôn và ngất, người làng phải đưa về cấp cứu", cụ Bùi Văn Đào (xóm Mới, xã Phượng Lâu) cho biết.

Hễ ai hỏi thăm đến miếu cổ đều được người dân bản xứ dặn dò kỹ để tránh mạo phạm. Kèm theo đó là rất nhiều câu chuyện khó tin nhưng lại được khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng có thật của dân làng An Thái.

Miếu cổ và đình An Thái chỉ cách nhau một con sông, cửa đối diện nhau. Cụ Nguyện kể rằng, hễ lúc vắng vẻ, con rắn mào lại bơi từ miếu qua sông sang bên kia đình. Trong miếu có rất nhiều đồ đạc cổ xưa có giá trị, cửa miếu không bao giờ khép, tuy nhiên, trừ cụ từ giữ miếu ra, không ai dám động vào, cũng chẳng ai dám trộm.

Sở dĩ, mọi người đều sợ phạm đến miếu là do trước đó, anh Nhuệ (18 tuổi, con trai ông Thế ở làng An Thái) đi thả trâu trong rừng Cấm có thử xỏ chân vào đôi ủng của vua ở trong miếu, ngay sau đó, khi xuống cất lờ cá, anh Nhuệ đã bị chết chìm. Từ đó trở đi, từ viên gạch, viên ngói hay bất cứ thứ gì của miếu không ai dám động tới.

Ông Trần Huy Vỹ, trưởng Công an xã Phượng Lâu cho biết, miếu cổ ngự ở rừng Cấm, trong có thờ vua Hùng. Đây là nơi hàng năm dân làng An Thái mở hội hát xoan vào mùa xuân. Hiện xã Phượng Lâu có thờ 6 ngai vị thì 3 ngai vị được thờ ở đình An Thái, 3 ngai còn lại thờ trong miếu cổ. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa của dân làng An Thái nói riêng và người dân xã Phượng Lâu nói chung.

Hiện nay, miếu cổ đang trong giai đoạn chuẩn bị tu sửa lại. Gỗ sẽ được lấy từ đền Chung (đền Hùng - PV) mang về trùng tu miếu. Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau về câu chuyện ngày xưa, trong lần tu sửa đầu tiên, các cụ đã lấy những khúc gỗ ô uế, ngay sau khi dựng lên miếu đã có người bị "hành", mấy cụ tham gia trùng tu đợt đó chết liên tiếp không rõ nguyên nhân gì.

Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi tu sửa miếu, cả làng có tới 8 cụ cao niên chết đột ngột (trước đó không có bệnh tật gì). Ngay sau đó, người trông nom miếu được báo mộng về việc gỗ dùng để tu sửa miếu là gỗ uế ở chuồng trâu. Dân làng đã phải cử người dỡ bỏ những khối gỗ đó, làm lại bằng gỗ khác, lạ thay, từ đó không xảy ra những cái chết liên tiếp nữa.

"Tuy nhiên, tôi khẳng định sự việc trên chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên, các cụ già yếu, bị ốm thì mất chứ chẳng do ma quỷ hay thần linh nào "hành" cả. Tôi đồng ý rằng "có thờ có thiêng có kiêng có lành", những câu chuyện đó chỉ là để duy trì nguồn gốc và những giá tri văn hóa nhưng không nên nghĩ theo lối quá mê tín dị đoan. Nếu thực sự các cụ năm xưa do lấy gỗ uế trùng tu mà bị "hành" thì như vậy chẳng cần sinh ra công an chúng tôi mà chỉ cần thờ cúng là làm được hết mọi chuyện, không cần điều tra, truy tìm chứng cớ làm gì", ông Vỹ nói.

Yến Dương - Hồng Mây