Người phụ nữ tài hoa bên đời nhạc sỹ Lưu Hữu Phước

Người phụ nữ tài hoa bên đời nhạc sỹ Lưu Hữu Phước

Thứ 5, 10/01/2013 | 09:09
0
(Nguoiduatin.vn) - Trong giới mỹ thuật Việt Nam, nữ họa sỹ Trịnh Kim Vinh cũng là một hoạ sỹ được nhiều người biết đến. Bà được ngưỡng mộ, không chỉ bởi danh xưng "phu nhân" của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, mà hơn thế, là nhờ chính tài năng và sự cống hiến cho sự nghiệp GPDT, giáo dục, đào tạo về tâm hồn con người và nghệ thuật tạo hình.

Tình yêu nở trong mưa bom bão đạn

Họa sỹ Trịnh Kim Vinh sinh năm 1932, là người Hà Nội nhưng tuổi thơ của bà lớn lên trong tiếng mưa bom, bão đạn và cuộc chiến oai hùng của dân tộc. Chính vì thế, dấu ấn đậm nét nhất trong tác phẩm của nữ họa sĩ Trịnh Kim Vinh là hình ảnh người lính trong những bước chuyển mình của lịch sử với đầy đủ mọi góc khuất và cung bậc cảm xúc. Tâm hồn chiến sỹ, nghệ sỹ hòa quyện vào nhau được nữ họa sỹ cảm nhận, nắm bắt và tái hiện bằng gam màu sinh động tạo nên nhiều bức tranh đậm chất trữ tình, tràn đầy âm hưởng cách mạng. Hình ảnh nữ dân quân du kích, công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ, bộ đội trên thao trường, hay những con người xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng lấp lánh vẻ đẹp lao động sản xuất, chiến đấu của công cuộc đổi mới đầy cam go nhưng hào hùng.

Ở tuổi 13, nữ hoạ sỹ Kim Vinh đã theo tiếng gọi non sông, bỏ lại sau lưng áo trắng sân trường để lên chiến khu Việt Bắc. Được danh họa Tô Ngọc Vân khuyến khích, bà thi đậu loại khá vào Trường Mỹ thuật khóa đầu ở Tuyên Quang. Nhân buổi giao lưu giữa đoàn Thanh niên với Trường Mỹ thuật, hai trái tim vàng của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và nữ sinh Trịnh Kim Vinh cùng chung nhịp đập.

 Nhân vật - Người phụ nữ tài hoa bên đời nhạc sỹ Lưu Hữu Phước

Một bức tranh về Bác Hồ của họa sỹ Trịnh Kim Vinh.

Bên cạnh sức sáng tạo nghệ thuật tạo hình, cuộc đời của nữ họa sỹ Trịnh Kim Vinh còn gắn liền với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của nước nhà. Ngay từ khi còn là giáo viên Trường Tiểu học Thanh Quan (Hà Nội), bà đã ấp ủ ước mơ mãnh liệt được phác họa vào tâm hồn ngây thơ của các em nhỏ một số đường nét hội họa ban đầu chuẩn mực. Ước mơ ấy đã được bà thực hiện ngay khi hòa bình lập lại. Trên cương vị Chủ nhiệm Khoa Đồ họa tạo hình, Phó Giám hiệu kiêm giảng dạy bộ môn Phương pháp sư phạm ở trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, họa sỹ Trịnh Kim Vinh góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ thành đạt. Bà giảng dạy nâng cao tâm hồn con người với chủ đề: Cái đẹp trong tranh và cái đẹp ngoài đời.

Bà là nhà giáo ưu tú, một họa sỹ lão thành có nhiều tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng. Họa sỹ cho ra đời hơn 100 tác phẩm, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao trong các kì triển lãm như: Giải thưởng Mỹ thuật do Hội đồng Mỹ thuật Việt Nam trao tặng trong dịp Vẽ tranh cổ động về thư tín Bắc Nam (1958), hai Giải Mỹ thuật của hội Mỹ Thuật TP.HCM (1978 - 1983), một giải đặc biệt của viện Pasteur - Pháp tặng với chủ đề Luôn sống trong tim những bà mẹ năm 1991.

Mới đây trong cuộc triển lãm tranh của người cao tuổi TP.HCM, người xem đặc biệt chú ý đến tác phẩm Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc. Đây là bức tranh mới nhất của nữ họa sỹ Kim Vinh, khắc họa hình ảnh Bác trong ký ức của bà vào những ngày bà vinh dự được gặp Bác nơi chiến khu Việt Bắc.

Hình ảnh cha già dân tộc qua hồi ức của họa sỹ

Những hồi ức về vị cha già kính yêu của dân tộc khi còn ở Việt Bắc được bà khắc họa nên tác phẩm Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc. Tác phẩm ra đời vào cuối năm 2011, thể hiện chân dung Người lúc đang làm việc nơi chiến khu Việt Bắc. Đó là hình ảnh Bác Hồ với dáng dấp cao gầy trong bộ kaki bạc màu, gương mặt đang trầm tư, trăn trở về vận mệnh đất nước. Với bút pháp tinh tế, xuất thần, họa sỹ đã cho ra đời một bức tranh có sức truyền cảm mạnh đối với người xem, tác phẩm này được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật người cao tuổi TP.HCM vừa qua và được coi là tác phẩm đẹp nhất về đề tài Bác Hồ của Họa sỹ Kim Vinh trong suốt quá trình sáng tác.

Nhắc đến Việt Bắc là nhắc đến cội nguồn của Cách mạng Việt Nam, là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Những ai đã từng ở chiến khu Việt Bắc đều không bao giờ quên hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với phong thái giản dị, thanh bạch, hòa đồng, gần gũi với đồng bào chiến sỹ, bà con và các dân tộc anh em ở nơi đây. Với họa sỹ Trịnh Kim Vinh cũng vậy, vào năm 1954 - 1955, trong chuyến đi thực tế tại Việt Bắc, bà vinh dự được gặp Bác. Sau bao nhiêu năm kháng chiến trường kỳ, rồi cách mạng thành công, đất nước thống nhất, họa sỹ Kim Vinh (nay đã trên 80 tuổi)nhưng bà vẫn nhớ như in và mãi mang theo hình ảnh Bác trong tâm tưởng của mình.

Nhân vật - Người phụ nữ tài hoa bên đời nhạc sỹ Lưu Hữu Phước (Hình 2).

                Cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước                                        Họa sỹ Trịnh Kim Vinh

Bà bảo: "82 tuổi, tôi đã đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đến nơi Bác Hồ đóng quân ở Tuyên Quang, chỗ Bác ngồi giống như cái hình tôi vẽ. Bác có một cái bàn làm việc ở đó. Tôi có đến thăm Bác, nhìn Bác rất đơn giản, lúc gặp Bác tuổi tôi còn rất nhỏ. Sau này, tôi mới nghĩ lại cảnh Bác ngồi nhìn ra mây trời, sông nước. Từ đó, tôi vẽ nên bức tranh này".

Không chỉ là hồi ức những lần được gặp Bác, học tập ở Bác những đức tính quý báu, họa sỹ Kim Vinh còn gửi gắm những tình cảm, tâm huyết của mình về Bác Hồ kính yêu vào trong sáng tác của mình. Tác phẩm Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc của Họa sỹ Kim Vinh chỉ với chất liệu bằng chì sáp không cầu kỳ, nhưng đã đạt được đỉnh cao của phương pháp nghệ thuật đồ họa tạo hình thật sinh động, có hồn và mang một dấu ấn không thể phai mờ, bởi vì cả cuộc đời của bà gắn liền với cái nôi cách mạng Việt Bắc. Họa sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đã nhận xét về tác phẩm của họa sỹ Trịnh Kim Vinh: "Ngoài việc đào tạo, cô Kim Vinh vẫn sáng tác đều về đề tài hình tượng Bác Hồ. Cô có những đóng góp rất lớn, sau này có nhiều học viên thạc sỹ Mỹ thuật viết về đề tài này trong công cuộc đổi mới, hầu hết là lấy dẫn chứng từ tranh của cô Kim Vinh rất là nhiều. Việc sáng tác của cô luôn hướng về hình tượng Bác và sống theo gương của Hồ Chủ Tịch".

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa, nhưng sự nghiệp cách mạng của Bác vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vẫn mãi ngời sáng, là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ noi theo. Đề tài về Bác luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận đối với những người làm nghệ thuật, trong đó có nữ họa sỹ lão thành Trịnh Kim Vinh.

Về tác phẩm Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc của tác giả Kim Vinh, họa sỹ Nguyễn Xuân Đông chủ nhiệm CLB mỹ thuật Người cao tuổi nhận xét: "Họa sỹ Trịnh Kim Vinh là một nhà đồ họa chuyên nghiệp, sáng tác của bà chỉ có sử dụng chì sáp đen trắng để diễn tả chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi làm việc. Với màu sắc hết sức cô đọng, chỉ có 2 màu đen trắng, mà đen trắng là đỉnh cao của phương tiện nghệ thuật đồ họa tạo hình. Tuy màu sắc đơn giản, giản dị nhưng đã đạt được hiệu quả tối đa. Đây là thể hiện thành công của tác giả đối với tác phẩm Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc".

Hiện nay, mặc dù tuổi cao, bà vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động giảng dạy và công tác ngoại khóa về văn hóa nghệ thuật đối ngoại trong ban điều hành của Hội Hữu nghị Việt - Đức tại TP. Hồ Chí Minh. Hàng ngày, nữ họa sỹ vẫn dành thời gian đọc báo, tìm hiểu thêm thông tin liên quan. Những lúc nhàn rỗi, bà ôn lại kỉ niệm bằng việc xem lại những kí họa của mình ngày xưa như: Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa, Bác Hồ làm việc ở chiến khu Việt Bắc và luôn khao khát sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm mới. Những đường nét, màu sắc của tác phẩm mang đậm hơi thở của nhịp sống hiện đại nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, tinh tế và hài hòa.  

Bà Kim Vinh tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 và đảm nhiệm nhiều chức vụ: Đội trưởng Đội thiếu niên Cứu quốc Ô Chợ Dừa, Hà Nội (1945); Cán bộ Phụ nữ xã, công tác bình dân học vụ diệt giặc dốt (1945 - 1946), ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc, Trưởng ban Tuyên huấn Phụ nữ huyện Xuân Trường (1947 - 1949), Chính trị viên Đại đội tự vệ của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (1964 - 1969), Chi ủy viên liên tỉnh của lưu học sinh ở CHDC Đức (1970 - 1974), Bí thư Chi bộ , Đảng ủy viên, phó hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật TP.HCM từ năm 1975 - 1995Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1990), Phó Giáo sư (1991); Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo và nhiều Huân, Huy chương khác.

Vân Thanh

‘Tôi sẽ không thanh minh về giới tính một lần nữa’

Thứ 4, 09/01/2013 | 15:26
Tùng Dương nói vậy khi có người đặt ra câu hỏi về giới tính của anh. Họ hỏi vậy vì nghe đâu, hiện tại anh đang chung sống với một chân dài rất xinh đẹp và nổi tiếng.

'Tôi không thể làm gì tốt ngoài diễn xuất'

Thứ 4, 09/01/2013 | 08:23
Lan Phương ngoài đời đẹp hơn trên phim rất nhiều. Gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to, nước da trắng ngần và nụ cười ngây thơ khiến người ta liên tưởng Phương như một cô gái mới lớn.

Ai bảo Xuân Hinh là ‘đại gia’

Thứ 2, 07/01/2013 | 10:00
"Chương trình không diễn được. Người ta tổ chức vừa vất vả mà tốn bao nhiêu tiền của. Mình là nghệ sỹ cũng nên chia sẻ, sống còn phải có lúc này lúc khác", Xuân Hinh chia sẻ.