Người dân lo sợ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng 'vượt biên'

Người dân lo sợ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng 'vượt biên'

Thứ 2, 13/02/2017 | 09:24
0
Trước nguy cơ bùng phát ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Trạm BVTV các huyện biên giới triển khai biện pháp phòng chống dịch

Lo lắng trước dịch bệnh

PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại các tỉnh biên giới tỉnh Tây Ninh, nơi đang đứng trước nguy cơ bùng phát ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. 

Tại huyện Tân Biên, khi PV đề cập đến việc, người dân vùng biên giới này có biết thông tin là dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đang hoành hành ở khu vực 2 tỉnh Svay Riêng, Prey Veng (Campuchia), nơi có chung đường biên giới với huyện Tân Biên hay không, ông Lê Văn Bảy (57 tuổi, người dân địa phương) cho biết: “Thông tin này đang nóng ở khu vực, người dân địa phương nào mà không biết”.

Xã hội - Người dân lo sợ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng 'vượt biên'

 Các đàn trâu bò tại các huyện biên giới đều được tiêm thuốc chống dịch

Theo lời ông Bảy, nhiều người dân ở đây thường xuyên qua tỉnh Svay Riêng, Prey Veng để giao thương, buôn bán, nên hầu như mọi việc xảy ra ở đây đều biết rất rõ. Dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò bắt đầu xuất hiện ở tỉnh Svay Riêng vào thời điểm giữa tháng 1/2017, rồi sau đó là tỉnh Prey Veng.

Vừa qua, cơ quan chức năng của Campuchia đã chính thức thông báo đến người dân rằng dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đang bùng phát ở khu vực 2 tỉnh Svay Riêng, Prey Veng. Thông báo của cơ quan chức năng Campuchia nêu rõ là virus H5N1 đã được tìm thấy trong đàn gà nuôi tại Svay Rieng.

“Một người bà con của tôi đang định cư ở Svay Rieng có kể là vào những ngày đầu tháng 2, các cơ quan thú y của Campuchia đã cử nhiều đoàn cán bộ thú y đến các xã của 2 tỉnh biên giới trên để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Các ổ dịch đã được xác định là có trên gia cầm và trâu bò tại đây”, ông Bảy nói.

Cũng theo lời ông Bảy, người thân của ông Bảy cho hay, trước mắt, cơ quan thú y của Campuchia đã tiến hành tiêm ngừa cho đàn gia cầm, trâu bò không mắc bệnh, điều trị cho các đàn gia cầm, trâu bò mắc bệnh; tiêu hủy số gia cầm, trâu bò đã chết. Đáng chú ý, cơ quan thú y còn tiến hành phun thuốc phòng ngừa tại các hộ dân có nuôi gia cầm, trâu bò gần ổ dịch. Ngoài ra, cơ quan thú y còn cấp thuốc miễn phí cho bà con nông dân trong bán kính 3km tính từ ổ dịch nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, chị Bùi Thị Nhung, lái trâu bò tại khu vực biên giới Tây Ninh – Campuchia, cho hay: “Những ngày qua, những người làm lái như chúng tôi rảnh lắm, chẳng có công việc để làm. Lúc chưa xảy ra dịch, chúng tôi thường xuyên lái trâu bò ở Campuchia về Tây Ninh để bán. Thế nhưng, bây giờ qua bên đó, chẳng có ai bán trâu bò. Với lại, người làm lái như chúng tôi biết rất rõ là việc mua trâu bò ở thời điểm đang bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng rất rủi ro. Thời gian qua, chúng tôi chỉ thu mua trâu bò tại Tây Ninh để bán”.

Chị Nhung cũng nói thêm: “Trong 2 tỉnh Svay Riêng, Prey Veng, tỉnh Svay Riêng gần với Tây Ninh nhất nên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Những ngày qua, chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh đã có thông báo khẩn đến các huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh gồm Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng thực hiện hàng loạt biện pháp chống dịch và các cơ quan thú y tại các huyện này đã thông báo đến người dân. Cá nhân tôi đã nắm bắt được các thông tin này”.

“Thực tế những ngày qua, việc đưa trâu bò, gia cầm từ Campuchia về Tây Ninh qua các cửa khẩu hầu như không được. Để ngăn chặn dịch từ Campuchia lây lan sang Tây Ninh, các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh đã ra quy định này. Trước tình hình này, tôi và nhiều lái trâu bò khác đã quyết định dừng công việc này, chờ khi nào dịch được dập tắt, mới tiếp tục công việc”, chị Nhung chia sẻ.

Mặc dù dịch chưa xảy ra tại Tây Ninh, nhưng một số hộ dân nuôi trâu bò, gia cầm đang rất lo lắng. Thông tin với PV, anh Trần Văn Bình, ngụ huyện Tân Châu, cho hay: “Gia đình tôi nuôi đàn bò 8 con. Mặc dù dịch mới chỉ xảy ra ở Campuchia, nhưng là tỉnh biên giới, gần sát với Campuchia nên tôi rất lo lắng. Những ngày qua, đàn bò của gia đình tôi đã được tiêm thuốc phòng bệnh, chuồng trại cũng được cán bộ thú y phun thuốc vệ sinh. Mong là, đợt dịch này được ngăn chặn, nếu không người dân chúng tôi sẽ thiệt hại rất lớn”.

Thực hiện tiêm phòng sớm cho gia cầm, gia súc

Để có thông tin của cơ quan chức năng về nguy cơ bùng phát ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò tại tỉnh Tây Ninh, PV liên hệ làm việc với chi cục Thú ý tỉnh Tây Ninh. Tại đây, ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh, xác nhận thông tin là khu vực tỉnh Svay Riêng (Campuchia), giáp biên giới với Tây Ninh đang bùng phát ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Ổ dịch tại tỉnh này đã gây chết hàng loạt gia súc, gia cầm. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan sang tỉnh Tây Ninh, chi cục đã lên ngay kế hoạch đối phó, ngăn chặn dịch.

Trả lời về các nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Tây Ninh, ông Mấy nói: “Qua phân tích, đánh giá, chúng tôi xác định các hoạt động trao đổi, vận chuyển hàng hóa, thăm thân nhân, du lịch của người dân biên giới… là các nguồn khiến dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là phải nói tới nguy cơ các đàn chim mang mầm bệnh di cư từ Campuchia sang…”.

Theo lời ông Mấy, những ngày qua, chi cục đã có chỉ đạo các Trạm bảo vệ động vật các huyện biên giới triển khai ngay công tác phòng chống dịch. Theo đó, phân công cán bộ thường xuyên trực, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt, không cho người dân mang gia cầm, gia súc từ Campuchia sang. Đồng thời, cán bộ tiến hành phun, xịt sát trùng 100% các phương tiện từ các vùng dịch sang. Đối với những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và các trang trại lớn trên tuyến biên giới, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh khuyến cáo người dân tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ; thường xuyên phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại; không cho người lạ tiếp xúc khu vực chăn nuôi… để phòng tránh dịch bệnh phát sinh.

Ông Mấy cũng cho biết thêm: “Để phòng dịch bệnh hiệu quả nhất, chúng tôi đã quyết định sẽ triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2017 sớm cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm phòng 2 loại bệnh H5N1 và lở mồm long móng cho 100% đàn gia súc, gia cầm của người dân tại 5 huyện biên giới của tỉnh. Hiện, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh gấp rút cấp kinh phí để chúng tôi thực hiện ngay”.

Theo ghi nhận của PV, ngoài tỉnh Tây Ninh, tỉnh Đồng ThápLong An cũng giáp với Campuchia. Hai tỉnh này cũng đang trước nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm (H5N1) và bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm thấp hơn rất nhiều so với tỉnh Tây Ninh. Trước tình hình này, đại diện chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp và Long An cũng cho biết, hai chi cục đã lên mọi phương án để đối phó với dịch. Hiện các công tác phòng chống dịch đã được triển khai đến các huyện của 2 tỉnh.

Thu Hiền