Người dân khốn khổ vì… heo rừng phá hoại mùa màng

Người dân khốn khổ vì… heo rừng phá hoại mùa màng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Chưa bao giờ người dân Cơtu ở các xã Ating, Sông Kôn, Tà Lu... (huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) phải đối mặt với những nỗi lo bị heo rừng tấn công và phá hoại mùa màng như những năm gần đây.

Nỗi lo của người dân càng thêm “nặng nề” từ sau đợt ông Bh’nướch Nhêêl, một đàn ông Cơtu ở thôn Rà Vả (xã Ating, huyện Đông Giang) bị heo rừng tấn công vào đầu tháng 5/2011 vừa qua.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam, những năm gần đây liên tiếp xảy ra các vụ người dân vùng cao bị đàn heo rừng tấn công, gây thương tích; trong đó đã có nhiều trường hợp bị tấn công nặng dẫn đến thương vong.

Năm ngoái, nhiều diện tích sắn của người dân thôn Arớt (xã Ating) bị đàn heo rừng phá hoại

Thực tế cho thấy, trên địa bàn dọc các xã Ating, Jơ Ngây, Sông Kôn, Tà Lu… (huyện Đông Giang), thường xuyên xảy ra tình trạng bị đàn heo rừng tìm đến phá hoại mùa màng, hoa màu gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Năm ngoái, chúng tôi có chuyến vào tận thôn Arớt (xã Ating) khi hay tin thôn này liên tục bị đàn heo rừng về phá hoại mùa màng. Theo người dân Arớt, từ khi có sự xuất hiện của bầy heo dữ, cả thôn Arớt ăn ngủ không yên bởi sự tàn phá của loài thú rừng này. Quá nửa diện tích đất canh tác hơn 100 ha của cư dân Arớt đều đã bị heo rừng cắn phá.

Cụ C’lâu Bêếch, 60 tuổi, ở thôn Arớt cho biết: “Trước đây thỉnh thoảng cũng xuất hiện heo rừng về phá rẫy, nhưng chưa khi nào đông như bây giờ. Có rào cách mấy cũng không cản được, bởi rào chỗ này thì hắn (đàn heo rừng – PV) lại phá chỗ khác, bầy heo này khôn lắm!”. Dẫn chúng tôi vào rừng, lên tận các đồi nương rẫy của người dân, trưởng thôn Arớt – ông Bh’nướch Xuân cho biết: “Do diện tích canh tác quá lớn, vả lại từ trước đến giờ cũng chưa lần nào bị heo rừng tàn phá nghiêm trọng như bây giờ nên hầu như tất cả những rẫy sắn, rẫy mía của dân đều không có rào chắn. Chỉ khi heo rừng phá dữ quá, người dân mới bắt đầu rào chống heo rừng nhưng cũng không ngăn nỗi”.

Những nương sắn, mía, dứa xen canh chỉ sau một đêm bị “bão heo” càn quét đều tan hoang, nằm ngả nghiêng, trơ gốc, củ sắn đã bị cắn nát. Không những sắn, mà lúa nương xen canh hay mía, dứa trồng trên nương đều bị heo rừng ủi phá trơ gốc rễ. Vừa chỉ tay lên đồi rẫy ngổn ngang chỉ còn trơ những gốc sắn, gốc mía nằm rạp, ông Bh’nướch Xuân buồn bã: “Mấy anh thấy đó, dân làng ni toàn sống nhờ cái nương, cái rẫy. Chừ bầy heo rừng cắn phá như ri thì biết lấy chi mà ăn đây?”.

Ông Xuân cũng cho biết, đàn heo rừng khoảng từ 20-40 con, thường xuyên kéo vào rẫy của dân để cắn phá. Thông thường, thời gian đàn heo kéo về phá là khoảng từ 4 giờ sáng trở đi. Chúng xuất hiện rất đông, bất ngờ và thường xuyên di chuyển nên việc theo dõi để xua đuổi là rất khó khăn. Những nơi đàn heo rừng đi qua, chúng đều ủi bật gốc, củ sắn, thân mía đều bị cắn nát, nếu không có sự xua đuổi của người dân, thì tất cả phần diện tích hoa màu đều bị cày nát, ngổn ngang thân, rễ.

Trước tình trạng đàn heo rừng liên tiếp về phá hoạch mùa màng, người dân ở các xã Ating, Sông Kôn, Tà Lu… cũng đã sử dụng đến nhiều biện pháp nhằm xua đuổi nhưng do đàn heo quá đông nên cũng đành… bất lực. Theo người dân nơi đây, có một “nỗi khổ” mà họ đang phải gánh chịu trước “nạn” heo rừng phá hoại, đó là do chủ trương của lực lượng chức năng cấm săn người dân bắt động vật hoang dã, trong đó có heo rừng.

Ông Pơloong Chiến – Chủ tịch UBND xã Ating, huyện Đông Giang phân trần: “Biết là người dân đang gặp khó khăn trước vấn nạn heo rừng nhưng cũng biết phải làm thế nào? Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng vận động và khuyến cáo người dân cần sơ tán tạm thời những vùng nguy hiểm, nhằm tránh xảy ra sự việc đáng tiếc”.

Để cứu sắn, dứa trước nạn heo rừng hoành hành, người dân chỉ còn cách huy động cả làng đi canh rẫy. Có lúc, từ khoảng 4 giờ sáng, họ đã phải lục đục chuẩn bị, chia nhau lên canh giữ rẫy. Nơi nào có heo rừng xuất hiện, người dân liền thông báo cho nhau để tập trung xua đuổi. Tuy nhiên, từ sau đợt ông Bh’nướch Nhêêl bị heo rừng tấn công trọng thương, người dân ở các thôn trong xã Ating đã không dám một mình lên nương như mọi khi. Tình trạng này cũng gây hoang mang, lo sợ trong người dân trước nạn bị heo rừng tấn công.

Từ sau đợt ông Nhêêl bị heo rừng tấn công, người dân vùng cao rất hoang mang, lo lắng. (Trong ảnh: Ông Nhêêl chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc với PV)

Còn theo ông Bh’ling Trao – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lu, tại địa bàn xã này cũng liên tục bị đàn heo rừng về phá hoại mùa màng của người dân. “Năm nào đàn heo rừng cũng tìm về phá hoại, nhất là địa bàn hai thôn Aré và Đhờ Rôồng. Về chính quyền địa phương chúng tôi cũng đã vận động người dân cùng phối hợp tìm hướng khắc phục nhưng cũng chỉ giảm được phần nào mà thôi” – ông Trao nói.

Theo nguồn tin riêng của PV báo Nguoiduatin.vn, tại địa bàn các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) những năm gần đây có không ít vụ người dân địa phương bị đàn heo rừng tấn công, có trường hợp bị tấn công nặng dẫn đến tử vong. Trong đó, vụ heo rừng tấn công dẫn đến tử vong đối với ông Bh’Nướch Đhố (dân tộc Cơtu, ngụ xã Chà Vàl, huyện Nam Giang) vào đầu năm 2007 khi một mình vào thăm rẫy là một ví dụ. Sáng hôm đó, trời mưa to, một mình ông Đhố vào rừng thăm rẫy thì gặp một đàn heo rừng. Bất ngờ, chúng tiến đến tấn công ông dữ dội khiến ông không kịp trở tay. Khi thấy ông ngất xỉu trên vũng máu, đàn heo rừng hung hăng mới chịu bỏ đi. Sau đó, ông Đhố được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên ông đã tử vong.

Cũng chính từ những vụ thường xuyên bị heo rừng tấn công, một số đồng bào Cơtu còn cất giấu súng đã lặn lội vào trong rừng sâu nhằm truy sát heo rừng hung hăng. Tuy nhiên, do thiếu sự hiểu biết về pháp luật nên đã gây ra nhiều hệ lụy không đáng có khi săn thú lại… trúng nhầm người. Câu chuyện về những vụ bắn nhầm người như vậy không phải hiếm ở các huyện miền núi Quảng Nam trong những năm gần đây.

Trong khi chính quyền địa phương còn chưa có biện pháp khắc phục tình trạng này thì người dân ở các xã vùng cao của huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,… vẫn phải chịu thiệt thòi, khốn khổ khi luôn bị đàn heo rừng tìm về phá hoại mùa màng, tấn công người dân.

Vương Hoàng

Tag: xen canh