Nghề

Nghề "độc nhất vô nhị" trên dãy Tây Thiên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa trẩy hội, đến với thắng cảnh Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), hòa vào dòng người, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những con người tay sách, nách mang, vai gánh, vai gồng, ngược trên dưới 15km theo từng tốp du khách lên đền Thượng.

Họ là những người bản xứ quanh năm mưu sinh tại chốn danh thắng này bằng một nghề tuy lạ nhưng không mới: Nghề cửu vạn.

"Gồng" gánh nặng mưu sinh

Với tổng chiều dài khoảng trên dưới 10km, quần thể di tích Tây Thiên tập trung mật độ lớn dấu vết cũ của các công trình văn hóa. Chính vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính, cùng với hệ thống đền, chùa, thảo am nằm rải rác từ chân lên tới đỉnh ngọn núi Thạch Bàn đã khiến Tây Thiên thành điểm đến của hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm. Cũng tại đây, cửu vạn - cái nghề tưởng chỉ xuất hiện ở những trung tâm buôn bán sầm uất đã trở thành hót ở nơi đèo heo hút gió, ngay dưới chân danh thắng nổi tiếng nhất nhì đất Bắc này.

Xã hội - Nghề 'độc nhất vô nhị' trên dãy Tây Thiên

Theo lời kể của chị Ngọc, một "lão làng" làm nghề cửu vạn tại đây, lúc cao điểm cả khu vực có đến gần 50 người làm nghề gánh đồ thuê cho khách. Tất cả đều là những người dân sinh sống tại các xã lân cận Tây Thiên. Chiếm đa số là người xã Đại Đình. Không tập trung đợi khách như những tốp cửu vạn thông thường tại những chợ lao động ở thành phố, thị xã, những cửu vạn tại đây thường chủ động bám theo từng đoàn khách ngược núi để tìm việc.

Quân số của họ cũng tăng, giảm theo từng thời điểm. Thông thường chỉ có khoảng 10-20 người chuyên làm công việc này, đội ngũ sẽ tăng nhiều hơn vào mùa lễ hội với sự góp mặt của lực lượng bán chuyên (là những người bán hàng, chạy xe ôm tại khu du lịch -PV) nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Giá của mỗi chuyến hành hương lên đỉnh núi (nơi có đền thượng thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu) thường từ 100-300 nghìn đồng, tùy theo khối lượng hàng hóa vận chuyển.

Mệt nhoài sau quãng đường gần 2km từ chân núi lên đền Cậu, tranh thủ nghỉ giải lao đợi khách vào lễ trong đền, bên gánh đồ nặng trĩu những ba lô, giày dép, quần áo, lễ lạt, chị Hiền tâm sự: "Nhìn thì cứ tưởng là dễ kiếm tiền nhưng thực sự là vắt kiệt sức mình sau mỗi chuyến đi. Đường dài, lắm dốc, đi bộ một mình còn mệt, huống gì gánh cả hai thúng đồ đầy ắp thế này".

Dù đi người không nhưng cũng chỉ đến 2/3 quãng đường đôi chân của chúng tôi đã tê cứng. Cái mệt mỏi, rã rời khi phải leo dốc, lội suối đã khiến chúng tôi không còn muốn nghe theo sự điều khiển của lý trí. Anh bạn đồng nghiệp, lúc khởi hành hăng hái, xông xáo bao nhiêu giờ xem chừng cũng đã oải đi rất nhiều. Không hẹn mà gặp chúng tôi nhìn nhau, mệt mỏi, gật đầu: Xuống núi.

Vẫn thoăn thoắt đôi chân như chưa từng vượt qua quãng đường gần 5km ngược núi, chị Ngọc cho biết: "Đa số những người gánh thuê đều có hoàn cảnh giống nhau: người thì một mình bươn trải nuôi 3 đứa con nheo nhóc, người lại là lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Cái nghèo khó của vùng quê với những thửa ruộng khô cằn, sỏi đá đã khiến họ - những người nông dân vốn chăm chỉ làm ăn, một nắng hai sương phải bươn trải, nhọc nhằn kiếm sống bằng công việc không kém phần gian nan, vất vả. Ngày lại qua ngày, họ vẫn phải gồng mình lăn lộn với gánh nặng mưu sinh. Chẳng ai đong, đo, đếm được sự nhọc nhằn, cơ cực của họ trên những đoạn đường nối lên đỉnh Tây Thiên.

"Gánh" truyền thống văn hóa trên đôi vai gầy

"Đâu là đền Trình chú có biết không?". Câu hỏi của chị Ngọc- người bạn đồng hành cùng ngược đỉnh Tây Thiên khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. "Ô thế không phải đền Trình là ngôi đền nằm ở xã Tam Quan ngay trên đường trước khi vào khu di tích hay sao?".

Xã hội - Nghề 'độc nhất vô nhị' trên dãy Tây Thiên (Hình 2).

Cái lắc đầu ngao ngán của chị cho tôi biết câu trả lời của mình: Sai bét. Chỉ tay vào ngôi đền có cây đa 9 gốc (vẫn thường gọi là đền Thõng) chị khẳng định: "Đây mới là đền Trình?!". Kèm câu khẳng định, chị than thở: "Đến như chú là người trong tỉnh cũng còn nhầm như vậy, trách gì khách thập phương".

Nghe lời trách mắng của chị tôi mới chợt nhớ tới lần gặp gỡ với ông Diệp Minh Tư, Trưởng Ban quản lý khu di tích danh thắng Tây Thiên trước ngày lễ hội. Ông khẳng định: "Đây (chỉ đền Thõng-PV) mới là đền Trình đích thực. Ông cũng tâm sự rằng đã gửi công văn lên Sở VHTT&DL, chỉ còn chờ các nhà sử học mở hội chuẩn để đền Thõng được trở về với tên gọi đích thực của nó?!".

Không chỉ gây ngạc nhiên cho chúng tôi với câu hỏi trước khi xuất phát, trên đường hành trình từ chân núi lên đền Thượng, các công trình, những dấu vết cũ của văn hóa như được tái hiện lại qua lời giới thiệu của chị. Đó là hệ thống đền, chùa, thảo, am và những địa danh nổi tiếng của phong cảnh tự nhiên được phân bố trên ngọn Thạch Bàn.

Thấy tôi ngạc nhiên khi không ít những đồng nghiệp của chị cũng đang say sưa giới thiệu với khách hàng của mình về quần thể danh thắng Tây Thiên, chị cho biết: "Hầu hết những người làm nghề này đều là dân ở đây. Từ nhỏ đã lớn lên dưới chân đỉnh Tây Thiên. Bởi vậy ai mà không hiểu về Tây Thiên mới là điều lạ. Mỗi lần đi với đoàn khách nào, du khách không hỏi thì thôi, chứ nếu hỏi ai mà chẳng nói, chẳng giới thiệu được cho họ một chút về Tây Thiên. Đơn giản lắm, cứ biết gì nói nấy thôi mà. Mãi thành quen, có những lúc khách không hỏi cũng nói".

Dù đã qua những ngày hội chính, nhưng lúc này vẫn không ít đoàn du khách tấp nập ngược đỉnh Tây Thiên. Đồng hành cùng với họ là không ít người vai gánh, vai gồng lỉnh kỉnh hành lý của du khách thập phương. Họ vẫn luôn tươi cười, vui vẻ hướng dẫn, giới thiệu cho du khách những công trình văn hóa, vẻ đẹp hoang sơ của Tây Thiên.

Vũ Thiệu