Ngày Tết, dân thấp thỏm cắt cử thêm người trông cây sưa tiền tỉ

Ngày Tết, dân thấp thỏm cắt cử thêm người trông cây sưa tiền tỉ

Thứ 2, 06/02/2017 | 07:52
0
Hai cây sưa trong khuôn viên ngôi chùa thuộc thôn Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) có giá trị hàng tỉ đồng cho nên cây được dân làng bảo vệ cẩn thận, nhất là những ngày giáp Tết.

Theo quan sát của PV, hai cây sưa ở trong khuôn viên ngôi chùa thuộc thôn Phụ Chính cao hàng chục mét, đường kính hơn 1m, phải 2-3 người mới có thể ôm xuể. Hai cây sưa được trồng trong khuôn viên ngôi chùa của làng nhưng không ai nhớ chính xác được năm trồng.

Xã hội - Ngày Tết, dân thấp thỏm cắt cử thêm người trông cây sưa tiền tỉ

 Hai cây sưa có giá trị hàng tỉ đồng nằm trong khuôn viên chùa thuộc thôn Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội).

Ông Nguyễn Xuân Ngợi, đại diện Chi hội người cao tuổi của thôn, cho biết: “Năm 2010, do mưa bão nên một số cành cây sưa ở gốc lớn bị đổ gãy. Người dân trong thôn họp nhau, khai thác thêm những cành sưa đã già cỗi để tránh nguy hiểm khi gió bão, đồng thời có thêm kinh phí để sửa lại đình, chùa và làm các công trình khác nữa”.

Xã hội - Ngày Tết, dân thấp thỏm cắt cử thêm người trông cây sưa tiền tỉ (Hình 2).

 Ông Nguyễn Xuân Ngợi, đại diện Chi hội người cao tuổi của thôn Phụ Chính.

Năm 2010, dân làng xin khai thác phần gỗ mục ở 2 cành sưa và cộng với phần bị đổ gãy được 1,9 tấn tương ứng với 28 khúc gỗ. Sau đó, bán số gỗ đã khai thác cho ông Dương Văn Thái, người làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) với số tiền là 20,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi xe của ông Thái đã đi qua địa bàn của xã khác thì đã bị Công an huyện Chương Mỹ bắt lại và thu giữ toàn bộ số gỗ. Số tiền 20,5 tỉ đồng ông Thái trả vào tài khoản ngân hàng cho người dân làng Phụ Chính cũng đã bị cơ quan chức năng phong tỏa.

Những năm trở lại đây, giá gỗ sưa tăng một cách chóng mặt, người ta ví gỗ sưa như giá trị của vàng ròng nên luôn bị kẻ lạ rình rập và có nguy cơ bị đốn trộm bất cứ lúc nào. Đặc biệt, thời gian cận Tết Đinh Dậu 2017, dân làng càng lo lắng hơn.

“Mấy năm trước, lợi dụng lúc nửa đêm khi trời đang mưa to gió lớn, trộm đã cắt khóa cổng vào và chặt 2 nhánh của cây sưa lớn. Dưới gốc cây chỉ còn sót lại mấy khúc gỗ nhỏ mà ngọn sưa đã bị chúng cưa cụt lủn, số gỗ sưa mà chúng lấy trộm được cũng có giá trị hàng trăm triệu đồng”, ông Ngợi kể lại.

Được biết, sau khi bị mất trộm người dân thôn Phụ Chính đã họp lại và thành lập ban bảo vệ hai cây sưa quý này.

Cho dù đã làm những thanh sắt hình lồng bao bọc xung quanh gốc sưa, giống như chiếc "áo giáp", nhưng người dân ở đây vẫn không thể yên tâm nên đã cắt cử thêm người trông, dù trời nắng hay mưa. Càng gần Tết, người dân phải tăng cường thêm người túc trực bảo vệ cây sưa hàng đêm để không bị trộm.

Xã hội - Ngày Tết, dân thấp thỏm cắt cử thêm người trông cây sưa tiền tỉ (Hình 3).

 Người dân thôn Phụ Chính đã dùng những thanh sắt lớn hàn chụp quanh gốc cây và dây thép gai quấn xung quanh.

Ông Ngợi cho biết thêm: “Chúng tôi phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để vừa bảo quản và thuê người làm. Công túc trực, bảo vệ cây chúng tôi không thể đếm hết được. Một cây sưa đã từng bị trộm được chúng tôi bảo vệ bằng những thanh sắt lớn hàn lại với nhau. Cây sưa còn nguyên vẹn được chúng tôi cuốn quanh dây thép gai quanh thân. Bên cạnh đó, những ngày giáp Tết chúng tôi phải tăng cường người túc trực để chống lại những kẻ trộm cây sưa hàng đêm”.

Xã hội - Ngày Tết, dân thấp thỏm cắt cử thêm người trông cây sưa tiền tỉ (Hình 4).

 Cây sưa bên cạnh cũng được người dân thôn Phụ Chính cuốn dây thép gai xung quanh thân cây.

Cây gỗ sưa đã khai thác, từng bị trộm, bây giờ chỉ còn lại phần gốc và cũng đang có dấu hiệu bị khô, chết nên giá trị không còn được cao như những năm trước đó. Việc xin phép khai thác, bán cây gỗ sưa vẫn còn gặp quá nhiều rắc rối nên người dân chỉ biết thay phiên nhau trông giữ, bảo vệ cây sưa.

Như Quỳnh