Mỹ nữ chụp ảnh ở Tuyệt Tình Cốc: Hãy công bằng với nghệ thuật

Mỹ nữ chụp ảnh ở Tuyệt Tình Cốc: Hãy công bằng với nghệ thuật

Thứ 2, 06/03/2017 | 14:38
0
Sau những chiếc váy body ôm sát là một thân hình tuyệt mỹ, nhưng mấy ai có dũng khí cho người khác chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó của bản thân?

Thời đại công nghệ số - thời đại của những sự “đảo lộn” lên ngôi – là những suy nghĩ mà người ta gắn cho hàng loạt những hiện tượng xã hội đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận, khi cho rằng chúng là đòn bẩy để tên tuổi của các “nghệ sĩ bất đắc dĩ” nổi như cồn. Người ta không còn quá xa lạ với những scandal “tạo thương hiệu” như thế. Nhưng có lẽ, để vượt qua được những cây đại thụ đã từng nổi danh nhờ “tai tiếng” thì chắc hẳn, họ cũng cần không ít thời gian để “vắt óc” suy nghĩ làm sao để có được hình ảnh tương đối hoàn thiện khi đưa đến khán giả.

Nhìn nhận như vậy, liệu có quá khắt khe khi nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo pha chút táo bạo thậm chí là hi sinh bản thân cho hoạt động này.Thử xem xét vấn đề ở một góc độ khác với một cái nhìn thoáng hơn, biết đâu, ta sẽ thấy cái “lạ” mà “quen” đầy thú vị của những việc làm này.

Thời gian gần đây, hình ảnh “tuyệt tình cốc” thơ mộng cùng 2 nàng Eva kiều diễm đang làm mưa làm gió trên những trang mạng xã hội. Người ta đua nhau tìm kiếm và không ngớt lời lên án, phê phán, chỉ trích sự phản cảm của bộ ảnh mà hai cô gái vừa thực hiện. Có lẽ, chúng ta đã quá quen với việc nhìn thấy tất cả mọi người đều mặc quần áo khi ra đường. Sẽ là một cú sốc lớn, là một hiện tượng lạ nếu ai đó bước ra khỏi nhà trong tình trạng “thiếu vải”. Nhưng thử đặt câu hỏi: Nếu cả xã hội đều ra ngoài đều “mát mẻ” thì liệu một người ra đường mặc quần áo kín mít có bị coi là “hiện tượng lạ” trong mắt mọi người hay không?

 

Còn nhớ, trong tác phẩm “Số đỏ” của cây bút tài danh Vũ Trọng Phụng có sự xuất hiện của nhân vật Típ phờ lờ (TYPN). Với quan điểm sẽ phô ra hết những gì đẹp đẽ, kín đáo của người phụ nữ trong những thiết kế của mình, ông ta đã giúp cho khá nhiều chị em gìn giữ được hạnh phúc của gia đình mình. Ngay từ ngày rất xưa ấy, họ đã mang trong mình tư tưởng tiến bộ như vậy. Vậy tại sao, ngày nay, mọi người vẫn giữ khư khư suy nghĩ lối mòn để áp lên những sáng tạo nghệ thuật có hơi hướng “phá cách” những lời lẽ đầy khắc nghiệt?

Thực vậy, “phụ nữ - phái đẹp” đó là những mỹ từ để nói đến một nửa thế giới còn lại, một nửa của sự ngọt ngào, ân cần và yêu thương. Những gì đã gọi là “đẹp” thì đương nhiên, nó có quyền được mọi người biết đến và chiêm ngưỡng. Giữa lúc những khuôn mặt “thẩm mỹ” đang tạo lên những cơn sóng thần dữ dội trong lòng xã hội có vẻ như đầy bình lặng này, khi nhìn ai cũng tựa tựa như ai thì có lẽ vẻ đẹp của gương mặt thôi, không đủ cho những sự hiếu kỳ, tò mò của khán giả về một vẻ đẹp “toàn diện”. Trong khi cái gọi là vẻ đẹp “tâm hồn” thì còn cần có sự minh chứng của thời gian.

Tại sao các loại “ảnh khỏa thân”, “tranh khỏa thân”, “tranh bán thân” được coi là 1 nghệ thuật mà những hành động này lại bị lên án?

Từng đường nét trên cơ thể của người phụ nữ đều được xem là những sự hoàn mỹ mà tạo hóa ban tặng. Rõ ràng, trong bộ ảnh này vẫn có sự che đậy -một sự che đậy hờ hững. Nhưng điều ai cũng cần công nhận là “sự hờ hững, nửa kín, nửa hở” luôn khơi gợi lên những tờ mò, hiếu kì của mọi người đến mức đỉnh điểm.

Những đường cong nóng bỏng, những gì đẹp nhất mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ sớm được người ta “che giấu” và “làm đẹp” nhờ gấm vóc lụa là. Sau những chiếc váy ôm sát là một thân hình tuyệt mỹ, nhưng mấy ai có dũng khí cho người khác chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó của bản thân ấy.

Những cuộc thi hoa hậu trước đây, nếu không có ai dám mặc bikini bước ra sân khấu trước hàng ngàn cặp mắt thì làm sao ban giám khảo có thể lựa chọn chính xác được người đẹp hoàn mỹ để trao vương miện? Những mỹ nhân trong lịch sử vốn bị coi là lẳng lơ, đa dâm với những bộ xiêm y hớ hênh như Phan Kim Liên…không hề có tội, chỉ là bản năng đánh thức và họ dám bộc bạch bản năng ấy ra ngoài thay vì che giấu.

Bộ ảnh “táo bạo” đầy “vụng dại” của hai cô gái bị lên án do đâu? “Ý thức” ư? Hẳn là không, vì sự bất chấp lệnh cấm của địa phương chỉ là cái cớ miệng lưỡi thế gian đưa ra để hợp thức hóa nhưng trong những lời nói, bài viết họ đưa ra vẫn chỉ tập trung xoáy sâu vào “sự hớ hênh” để lộ thân hình của hai tiên nữ. Điều đó có nghĩa là cán cân đang nghiêng hơn về phía “luân lí xã hội”.

100 - 1 = 0 luôn là “chân lý” cuộc đời, dù có đẹp người, đẹp nết tới đâu nhưng chỉ một phút táo bạo, cộng đồng cũng sẽ sẵn sàng chê trách, thậm chí có thể thay đổi 180 độ đối với những lời nhận định trước đó. Tại sao chúng ta không thể có cái nhìn thoáng hơn, thiện cảm hơn với những “ý tưởng” này? Bởi rõ ràng, đó cũng là một nghệ thuật.

Cuộc đời luôn song hành với sự bất công. Nhưng nếu không “dấn thân” thì sao có thể chạm tay tới thành công. Hy vọng rằng sẽ có những luồng gió mới, tiến bộ làm thay đổi những suy nghĩ lối mòn đầy khe khắt để nghệ thuật chân chính được tự do “bung lụa” và đa dạng, phong phú hơn trong thế giới của chính mình.

Hồng Thúy/NĐT

Tag: eva