Muốn không khí sạch phải có luật

Muốn không khí sạch phải có luật

Thứ 3, 17/01/2017 | 13:12
0
Vấn đề ô nhiễm không khí là một trong những tác nhân lớn gây ra những nguy cơ tới sức khỏe con người. Do đó, cần có những biện pháp tích cực để giảm thiểu tình trạng này.

Ngày 17/1, tại Khách Sạn La Thành (Hà Nội), Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) vừa tổ chức buổi hội thảo “Ô nhiễm không khí: Mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, các đơn vị chuyên môn về môi trường, y tế trong và ngoài nước.

Kết nối- Chính sách - Muốn không khí sạch phải có luật

 Toàn cảnh cuộc hội thảo.

Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, cụ thể tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thông qua các báo cáo nghiên cứu của các nhóm chuyên gia và cộng sự. Đây được coi là bức tranh tổng quan vê những tác động của ô nhiễm không khí với môi trường và sức khỏe con người, thông qua đó nhìn nhận chính xác hơn về khó khăn, thách thức trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí tại nước ta hiện nay.

Nổi bật trong buổi hội thảo, các phát hiện chính đã chỉ ra tình trạng ô nhiễm, đặc biệt về chất lượng không khí đáng báo động. Một tỉ lệ lớn dân số và hệ sinh thái của quốc gia đang bị phơi nhiễm với không khí ô nhiễm vượt quá chỉ tiêu cho phép. Lượng bụi PM2.5 (là hạt bụi siêu mịn, lơ lửng và hình thành trong không khí, kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cao hơn mức cho phép so với ngưỡng trung bình cho phép theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Kết nối- Chính sách - Muốn không khí sạch phải có luật (Hình 2).

Vấn đề ô nhiễm không khí là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe (hình minh họa)

Các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí cũng được các chuyên gia nêu rõ bao gồm các yếu tố chủ yếu như: khói bụi từ các nhà máy nhiệt than, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp khác.... Điều này ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt đến sức khỏe của người dân một cách đáng quan ngại, trong đó gây nên các chứng bệnh chủ yếu về đường hô hấp, tim mạch và ung thư.

Với không khí thảo luận sôi nổi của các thành viên tham gia, nhiều biện pháp phòng chống việc ô nhiễm không khí đã được đề cập, góp ý như thúc đẩy tái tạo năng lượng, giảm thiểu phương tiện giao thông, cải thiện quy hoạch đô thị. Đặc biệt, tại đây, đã có ý kiến về việc đề xuất ban hành Luật không khí sạch để điều chỉnh các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tạo tiền đề pháp lý để giải quyết các vi phạm liên quan.

Dương Nhung