Chuyên gia pháp lý LB Nga nói về Toà án Hiến pháp

Chuyên gia pháp lý LB Nga nói về Toà án Hiến pháp

Thứ 5, 18/04/2013 | 13:21
0
Ở Việt Nam, khi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng đã có ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng nên thành lập Toà án hiến pháp.

Mới đây GS.TSKH Irina Umnova - Trưởng ban nghiên cứu Hiến pháp và Pháp luật, Học viện Tư pháp LB Nga đã dành cho PV báo Người đưa tin cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề hình thành và phát triển của tòa án hiến pháp tại Nga, cũng như một số nước châu Âu, dưới góc nhìn và quan điểm nghiên cứu của cá nhân bà Irina Umnova, nhằm mục đích tham khảo.

Bảo vệ những quyền tự do của con người và công dân

Thưa bà, xin bà giới thiệu đôi nét về những mô hình bảo hiến trên thế giới cũng như về sự hình thành và xuất hiện Tòa án hiến pháp?

Trong thời đại hiện nay, việc kiểm tra xét xử vi hiến, được tổ chức hầu như tại tất cả các nước có hiến pháp, dưới các hình thức khác nhau.

Tại phần lớn các nước theo hệ thống luật Anglo-xacxong, chức năng kiểm tra hiến pháp (bảo hiến) được thực hiện bởi những tòa án trong hệ thống tư pháp chung, những tòa án này có vai trò chính là xem xét các án dân sự và hình sự. Mức độ tham gia của các tòa án trong hệ tư pháp chung có khác nhau. Ở một số nước, chức năng kiểm tra hiến pháp có thể được thực hiện bằng tất cả các tòa án trong hệ thống tư pháp chung. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi tòa án cấp cao nhất (ví dụ các nước Scandinavi, Mỹ, Nhật, Philippin).

Tại một số nước khác, chỉ có một số tòa án cấp cao có thẩm quyền thực hiện chức năng này (như ở Gana, Srilanka, Estonia). Tại một vài quốc gia theo thể chế Liên bang thì vai trò kiểm tra hiến pháp được thực hiện bởi tòa án tối cao cấp liên bang và tòa án tối cao tại các bang (Ấn Độ, Canada, Malaixi). Theo đó, tòa án tối cao liên bang được quyền thay đổi, hay hủy bỏ quyết định của tòa án tại các chủ thể của liên bang.

Xin bà cho biết, quá trình hình thành và phát triển của Tòa án hiến pháp LB Nga đã diễn ra như thế nào?

Tại nước Nga, trong những năm chính quyền Xô viết, người ta xem xét rất thận trọng những vấn đề liên quan đến hợp hiến. Bởi vì khi đó tính hợp hiến của các đạo luật  Xô Viết được coi là hiển nhiên bởi vì các cơ quan lập pháp cao nhất: Xô Viết tối cao và đoàn Chủ tịch của nó được coi là hoàn hảo và chính các cơ quan này thực hiện việc lý giải hiến pháp...

Quá trình hình thành tòa án hiến pháp tại nước chúng tôi trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất- thành lập Ủy ban kiểm sát hiến pháp Liên Xô (Luật của Liên Xô ngày 23/12/1989 "về việc kiểm sát hiến pháp tại Liên Xô". Việc thành lập Ủy ban kiểm sát hiến pháp là một bước tiến bộ. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ có quyền đưa ra kết luận mang tính kiến nghị về tính hợp hiến của văn bản pháp quy. Giai đoạn thứ hai - xuất hiện Tòa án hiến pháp Nga.

Luật sư - Chuyên gia pháp lý LB Nga nói về Toà án Hiến pháp

GS.TSKH Irina Umnova và tác giả Quốc Hùng (thứ hai và thứ ba từ trái sang).

Ngày 12/06/1991 thông qua Luật của LB Nga "về Tòa án hiến pháp LB Nga" và đến ngày 30/10/1991 Tòa án hiến pháp LB Nga đã được thành lập. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc cần thiết phải thành lập tòa án hiến pháp đó là: Chất lượng của hoạt động lập pháp trên cấp độ liên bang bị giảm đi, các chủ thể của LB Nga đã có những hành động thông qua những đạo luật vi hiến...

Tòa án hiến pháp Nga từ khi mới hoạt động đã chứng tỏ mình là cơ quan bảo hiến Nga. Bảo vệ những giá trị của hiến pháp, dân chủ, nhà nước pháp quyền, chính quyền tự quản tại địa phương. Một trong những chức năng cơ bản của Tòa án hiến pháp là bảo vệ những quyền cơ bản và tự do của con người và công dân. Quá trình hợp hiến hóa các hoạt động của chính quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm tra giám sát được thực hiện bằng những quyết định và quan điểm pháp lý của Tòa án hiến pháp.

Xem xét tính hợp hiến của các bộ luật

Bà có thể phân tích rõ hơn về đặc điểm, cơ cấu, quyền hạn của Tòa án hiến pháp LB Nga?

Khác với các tòa án LB khác, Tòa án hiến pháp LB Nga là thiết chế hiến định và có kèm theo những quy định về thẩm quyền tương ứng. Theo Hiến pháp LB Nga năm 1993 và luật hiến pháp LB Nga ngày 21/07/94 "Về tòa án hiến pháp LB Nga", Tòa án hiến pháp LB Nga là một cơ quan tư pháp đặc biệt, có chức năng bảo hiến, tự mình và độc lập thực hiện quyền tư pháp thông qua việc xét xử vi hiến; Hiến pháp Nga Điều 125 quy định Tòa án hiến pháp Nga bao gồm 19 thẩm phán; Quyền hạn của Tòa án hiến pháp được quy định bởi Điều 125 Hiến pháp và Điều 3 của luật Liên bang "Về Tòa án hiến pháp LB Nga".

Tòa án hiến pháp LB Nga xem xét tính hợp hiến của các bộ luật LB Nga, văn bản pháp quy của Tổng thống Nga, hội đồng LB, Duma quốc gia, Chính phủ Nga, hiến pháp các nước cộng hòa, điều lệ, luật và những văn bản pháp quy khác không liên quan đến hoạt động của các cơ quan quốc gia LB Nga, thỏa thuận giữa các cơ quan quốc gia của các chủ thể LB Nga, không nằm trong các thỏa thuận quốc tế của Nga.

Việc kiểm tra tính hợp hiến của các điều luật liên bang có ý nghĩa quan trọng. Luật Liên bang bao gồm: Luật hiến pháp liên bang và luật liên bang thông thường. Thực tế đã chỉ ra rằng, phần lớn các công việc xem xét tính hợp hiến là liên quan đến việc tòa án hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các luật LB thông thường. Điều này phản ánh đúng nhu cầu thực tế là Tòa án hiến pháp bảo vệ về mặt pháp lý Hiến pháp LB Nga.

Theo bà, việc thành lập một toà án hiến pháp có ý nghĩa như thế nào?

Việc thành lập Tòa án hiến pháp củng cố tính hợp hiến trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, nâng cao khả năng của công dân trong việc bảo vệ quyền hiến pháp và tự do của họ, cảnh báo những trường hợp lạm dụng quyền hạn với mục đích xấu. Và tất nhiên là nâng cao uy tín của Hiến pháp như là một bộ luật cơ bản của quốc gia.

Chức năng chính của Tòa án hiến pháp- bảo vệ về mặt pháp lý Hiến pháp và các giá trị của nó, mà những giá trị của Hiến pháp thì lại  có thể khác nhau  trong những quốc gia khác nhau. Điều này được lý giải bởi những giá trị của hiến pháp phụ thuộc vào lịch sử, văn hóa chính trị và truyền thống của mỗi nước, mức độ tiếp nhận giá trị hiến pháp của công dân.

Thưa bà, bà có điều gì nhắn gửi tới nhân dân Việt Nam và những độc giả của báo Người đưa tin?

Xin chúc nhân dân Việt Nam những điều tốt đẹp nhất, hòa bình và công bằng. Chúc cho Hiến pháp Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam đạt được những thành tựu tiếp theo. Chúc cho báo Người đưa tin ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Các giai đoạn phát triển của Toà án hiến pháp trên thế giới

Có ba giai đoạn phát triển của tòa án hiến pháp: Những tòa án hiến pháp đầu tiên xuất hiện tại các nước châu Âu: Áo, Tiệp Khắc, Tây Ban Nha... Tòa án hiến pháp đầu tiên xuất hiện tại Áo năm 1920, đưa vào thực tiễn ý tưởng của nhà triết học Đức Kelzen về sự cần thiết phải có tòa án hiến pháp như một nhánh tư pháp đặc biệt và trong hệ thống chung của một quốc gia.

Giai đoạn hai là những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai tòa án hiến pháp xuất hiện ở châu Âu với số lượng ngày càng nhiều: Italia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Pháp (hội đồng hiến pháp). Làn sóng thứ ba xuất hiện vào những năm 1970-1990. Thiết chế bảo hiến được xem xét trong các đạo luật chính của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc. Những cải cách hiến pháp tại các nước hậu XHCN và hậu Xô Viết cũng cho thấy sự nhất quán theo mô hình một cơ quan chuyên trách bảo hiến. Tòa án hiến pháp đã được ra đời tại Rumani (1991), Bulgary (1991), Nga (1993), Armeny (1995) và những nước khác.

Cùng thời gian này thì tại nhiều nước hệ thống bảo hiến bao gồm cả quốc hội, tổng thống,cơ quan của Viện Kiểm sát, cơ quan về quyền con người. Tại một số nước, quốc hội đóng vai trò đặc biệt của cơ quan bảo hiến. Tại một số nước khác (Pháp, Nga…) Tổng thống thực hiện một số chức năng bảo hiến, hiến pháp những nước này quy định Tổng thống là người đảm bảo cho hiến pháp.

Nhìn chung việc xuất hiện cơ quan đặc biệt chuyên trách bảo hiến là một bước quan trọng trong việc phát triển dân chủ. Hoạt động đúng đắn của cơ quan này cho phép đảo bảo việc tuân thủ hiến pháp như một đạo luật chính.

Tiến sỹ Quốc Hùng (Đặc phái viên báo Người đưa tin tại LB Nga)

Sẽ có tòa án chuyên xử tội phạm vị thành niên?

Thứ 2, 18/02/2013 | 13:55
Để giải quyết các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên đang ngày càng gia tăng, phức tạp, TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo đề án thành lập Tòa án Gia đình và Trẻ vị thành niên.

Báo ngành tòa án khởi kiện doanh nghiệp xi măng

Thứ 5, 07/03/2013 | 23:39
Cho rằng Cty CP xi măng Hướng Dương xù nợ tiền quảng cáo, Báo Công lý khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa.