Lê Cát Trọng Lý và hành trình của một đứa trẻ khác biệt

Ở Lý có gì đó rất mâu thuẫn. Ca từ của Lý là sự chọn lọc khắt khe đến cùng cực nhưng trong cách nói chuyện với khán giả, Lý lại như một đứa trẻ loay hoay tìm từ. Nghe nhạc Lý già nhưng sao Lý trẻ. Lý cho người ta suy tư còn Lý lại vô tư.

Một thời gian khá dài Lý dường như biến mất. Người ta chẳng còn thấy Lý nghêu ngao ở một không gian âm nhạc nhỏ xinh nào đó mà người nghe nhạc Lý đã nằm lòng hay trong chuyến du ca đó đây. Hóa ra Lý vừa mới có 1 năm du học tại Đan Mạch.

Lý hào hứng kể về khoảng thời gian mà Lý nghĩ nó mang dấu ấn bước ngoặt trong cuộc sống. Một năm, Lý được tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn khác, được học nhiều điều mới mẻ, đặc biệt Lý có thêm thói quen mới như đi bộ.

Lý thủ thỉ: “Ở Việt Nam, chẳng bao giờ Lý đi bộ cả nhưng ở bên kia cứ rảnh rảnh là Lý đi bộ, lúc đó Lý mới nhận ra cảnh sắc hai bên đường đẹp biết bao”. Có người hỏi Lý, sau một năm học tập, trải nghiệm ở một môi trường mới, Lý có đem những cái mình học được vào âm nhạc của Lý hay không? Lý cười xòa, lắc đầu: “Những trải nghiệm đó không ảnh hưởng tới âm nhạc mà ảnh hướng tới thái độ sống của Lý. Nhưng khi thái độ sống ảnh hưởng thì chắc rằng âm nhạc của Lý cũng sẽ có những điều mới mẻ, cũng khác hơn. Đó không còn là những tự sự cá nhân như trước đây của Lý mà chuyển sang đề tài những câu đố - dự án mà Lý đã ấp ủ bao lâu”.

“Ở đây, kia và khắp mọi nơi”

Trở lại Việt Nam, Lý hứng khởi với chuỗi đêm nhạc liên tiếp: bộ ba đêm diễn Con chim già ngất ngư, hai đêm Chuyện chẳng kể được và hai đêm Dưới mưa dừng bước.

Những ngày đầu tháng 3 của Hà Nội, Lý xuất hiện tại khán phòng nhỏ của trung tâm Văn hóa Pháp. Không biết có phải Lý mong muốn âm nhạc của mình sẽ “ở đây, kia và khắp mọi nơi” hay không? Chỉ biết rằng nhạc của Lý dần ngấm vào người này, người kia và âm thầm lan tỏa. Dù là một người không thích nhạc của Lý (thứ nhạc mà Lý hay gọi là buồn ngủ) thì lần đầu nghe “Thương” “lòng cũng ấm lại”.

Lý kể, các ca khúc lãng mạn được viết trong thời kỳ đang có những mối tình không được như ý nên Lý buồn. Lý dặn khán giả trước khi hát: “Lý sẽ hát những bài buồn ngủ, về cơ bản là các anh chị… có thể ngủ”.

Rồi Lý hát một loạt ca khúc với hình ảnh sao - đơn giản bởi Lý thích nằm ngắm sao trên mái ngói nhà… hàng xóm. Khán giả nghe Này sao ơi, Cao hơn vì sao, Điều muôn thuở, Anh chưa từng có tên, Miền không tên… và cơ bản là không ai ngủ.

Rồi Lý chuyển tone. Lý khoe những bài mới viết. Lý thách khán giả của đêm nhạc Dưới mưa dừng bước giải đố những câu hát của Lý.

Những bài mới Lý viết có phần “rùng rợn” từ hòa âm đến ca từ với những cái tên đầy hình tượng như “Con quỷ ăn tên”. Không còn hình ảnh cô gái tóc xù ngồi thu lu ôm cây đàn guitar mang đến cho khán giả cảm giác phiêu du, nghêu ngao như 10 năm trước. Lý bây giờ đàn hát kết hợp với piano, clarinet, nhạc cụ dây.

Đôi lúc khán giả cười ồ khi Lý thủ thỉ giữa các bài hát: “Các anh, chị có lạnh không?” rồi Lý lại thỏ thẻ: “Chú ơi, anh ơi, khán giả của Lý lạnh”. Rồi Lý lại hỏi: “Các anh chị có buồn ngủ không ạ?”. Nghe nhạc của Lý, không còn là cảm giác man mác buồn, hay nhẹ nhàng quên lãng ở cõi thực mà lãng đãng phiêu du một thế giới khác, khi tâm tư nhẹ cánh hơn ta lại trở về với ồn ào, xô bồ. Giờ đây, nghe nhạc của Lý đôi khi mang lại cảm giác khó chịu, bồn chồn, bực tức. Ấy là dụng ý Lý muốn truyền tải vào ca khúc.

Với sự phối hợp của nghệ sĩ Cao Thanh Lan, Nguyễn Thanh Tú, các ca khúc của Lý kịch tính hơn, tinh tế hơn.

Ta vẫn thấy âm nhạc của Lý trộn lẫn ngôn từ đẹp với những chiêm nghiệm về cuộc sống. Người ta có thể thấy lòng mình, soi rọi những tháng năm tuổi trẻ “chênh vênh”, nhiều mất mát và tổn thương trong âm nhạc của Lý. Thế rồi, vì yêu mến nhiều nên chẳng mấy chốc mà người ta vội vã so sánh Lý với nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Người ta nghĩ rằng Lê Cát Trọng Lý như một phiên bản của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Họ không tin cô gái nhỏ nhắn với những sáng tác có phần bàng bạc triết lý, hơi thấm Phật giáo, giọng hát mỏng ấy… có thể sánh với nguyên mẫu. Phiên bản này đang phải “gồng” mình trong âm nhạc lẫn cách dẫn chuyện của mình. So sánh vậy thì thương cho Lý quá.

Có lẽ, Lý có một lượng fan đặc biệt, họ không chỉ yêu âm nhạc của Lý mà còn yêu luôn con người và mọi con đường khác người Lý chọn. Và thực tế, con đường âm nhạc của cô, vùng đất mà cô khai khẩn bấy lâu nay, thật sự là một nơi rất đáng thưởng thức.

“Dưới mưa dừng bước”

Bước chân vào vùng đất ấy, những người tham dự sẽ phải “dừng bước” yên lặng nội tâm để lắng nghe âm thanh của thiên nhiên (Cao hơn vì sao), của một giọng hát hướng thượng (Vì sao ơi), của một cô gái đứng hát giữa cánh đồng (Em đứng trên cánh đồng) hay tiếng nỉ non của một con quỷ xin tên để thành người (Con quỷ ăn tên)…

Cảm giác “chênh vênh” những năm về trước giờ thay vào đó là cảm giác trân trọng đời sống. Âm nhạc của Lý vẫn theo đuổi những tâm sự, nay là sự rộng mở hơn. Lý chiêm nghiệm, Lý viết. Lý ưu tư, Lý hát. Lý chơi đùa (vì Lý mãi trẻ con) nên Lý đánh đố.

“Lý nhớ hồi xưa thời mình thơ ấu hay chơi đố nhau. Giờ Lý không thấy trẻ con chơi trò ấy nữa mà chúng chơi iPad, điện thoại quá nhiều cho nên đối thoại dần ít đi. Theo quan sát của Lý, hầu như con cái với bố mẹ là đối thoại dạy dỗ chứ không phải là đối thoại tìm tòi. Tuy nhiên cũng có một số gia đình họ dạy con rất là hay, họ nói chuyện với con cái, tìm tòi một cách hấp dẫn.

Lý rất mong muốn bằng cách nào đó, âm nhạc có thể kết nối được mọi người với nhau và trẻ con khi nghe nhạc không bị dính mắt vào những từ “yêu em, yêu anh, nhớ em”.

Và Lý biến bài hát của mình thành những câu đố. “Không có chân mà đi vạn phương xa cách/ không có tay mà đâm muôn người kia”.

Một em bé bảo đó là con rắn, bởi nó không có chân không có tay mà cắn người ta bằng răng.

“Dù đó là đáp án đúng hay không đúng, không quan trọng, quan trọng là quá trình cùng đối thoại”, Lý giải thích.

Chùm ca khúc lãng mạn là triết lý tình yêu còn chùm câu đố trong dự án âm nhạc mới của Lý như gửi gắm triết lý nhân sinh.

Người ta cứ mãi ngẫm nghĩ thì Lý cười xòa, gãi đầu cho rằng: “Nó không phải là triết lý gì ghê gớm đâu. Nó chỉ là mấy câu đố, là lời mô tả cho câu đố thôi. Ví dụ Lý đọc lời những ca khúc mới của Lý: Không chìm sâu dưới đáy nước/ Chẳng thể chia ra làm đôi/ Không gãy lìa, không sao ôm/ Ta có mặt thật âm thầm/ Ta đứng chờ thật im lìm/ Mà ta chẳng già bao giờ”.

Những lời như vậy khi nghe khán giả sẽ đặt ra câu hỏi ta là ai. Nó chỉ là mô tả cho một câu đố, sau đó khán giả sẽ phải suy nghĩ đáp án.

“Cái niềm vui nằm trong quá trình, ngoài nghe nhạc để được thư giãn thì niềm vui sau đó là mình được cùng suy nghĩ”, Lý giản dị nói.

Đã bước qua tuổi 30, Lý vẫn nhẹ nhàng, trong trẻo như con trẻ. Lý tự nhận mình không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp. “Lý tự học từ những cái dở của mình. Lý sợ Lý chán với chính mình nên cần tìm tòi thay đổi. Việc thay đổi là tất yếu, thay đổi vươn lên tích cực”, Lý chia sẻ.

Cô ca sĩ nhỏ nhắn còn nhắc nhiều đến ngày xưa. “Ngày xưa Lý khá ngông cuồng, ngu ngốc. Hồi đó mình thiếu hiểu biết, tin những gì mình làm là đúng. Nhưng thực ra sự nổi tiếng là may mắn. Nó đến thì đón nhận và trân trọng còn năng lực của Lý ở mức bình thường”.

Hỏi Lý: “Có phải âm nhạc của Lý là con người Lý?”.

Lý trả lời: “Âm nhạc Lý là một phần con người Lý”.