Lãng tử đất Hà thành làm báo hai thế kỷ

Lãng tử đất Hà thành làm báo hai thế kỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Nhà báo Phạm Văn Kỳ là người làm báo từ những năm 30 của thế kỷ trước, dưới 3 chế độ. Hiện nay, ông là người làm báo duy nhất cùng thời với các nhà văn, nhà viết báo tài năng như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên, Bích Khê, Phạm Huy Thông... còn ở lại với dương thế.

Bài viết đầu tay

Năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng ông Phạm Văn Kỳ vẫn còn minh mẫn lắm. Ông tiếp chuyện chúng tôi trong phòng khách bày biện như một thư viện với những cuốn sách, tập thơ của bạn bè, tranh của các danh họa Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân tặng sinh nhật từ những năm 30-40 của thế kỷ trước. Tay run run, ông lật lại cuốn sổ đã nhuốm màu vàng thời gian ghi lại hồi ức một thời làm báo được minh họa bằng những bài viết qua những thời kỳ. Câu chuyện ông kể với chúng tôi bắt đầu từ bài báo đầu tiên.

Xã hội - Lãng tử đất Hà thành làm báo hai thế kỷ

Thiếu nữ Hà Nội xưa làm xao lòng lãng tử.

Ông sinh ra trong một gia đình có bố làm quan đến chức thượng thư trong triều nhà Nguyễn. Học hết bậc thành chung tại Hải Phòng, Phạm Văn Kỳ về Hà Nội học tiếp. Thời gian này, Phạm Văn Kỳ đã quen với các văn sĩ Hà thành và bắt đầu sự nghiệp viết báo. Bài báo đầu tiên của ông là nỗi ám ảnh một đôi mắt đẹp của một nữ giai nhân đất Hà thành. "Giai nhân hàng phố" đi vào trong tác phẩm đầu tiên của ông tên là Hiền, cô nữ sinh bán hàng có đôi mắt thật đẹp. Phạm Văn Kỳ dành cả mấy trang viết tả đôi mắt người đẹp.

Tác phẩm "Đôi mắt" được đăng trên báo Phong Hóa. Ông Kỳ nhớ lại: "Được đăng bài viết đầu tiên tôi vui lắm. Bạn bè văn sĩ đọc bàn luận, khen ngợi càng khuyến khích tôi viết tiếp". Năm 1934-1936, sau đó ông là một trong những thành viên của báo Phong Hóa cùng với một nhóm con quan như Trọng Giang, Khái Hưng, Trần Khánh Dư...

Thời kỳ đấy, làm báo chỉ vì thích mà viết chứ ông không sống bằng nghề báo. Ông Kỳ kể: "Tôi viết báo không có nhuận bút, mỗi bài đăng báo được tòa soạn biếu cho 5 tờ báo đi tặng bạn bè. Vậy là thích lắm rồi. Thi thoảng có tiền nhà quảng cáo trả, tòa báo mời văn sĩ đi nhậu hoặc tổ chức ăn phở thế là xong". Ông Kỳ nhớ về thời ông làm ở báo Phong Hóa, nhà chiêm tinh học Khánh Sơn đã thầu trang cuối để đăng quảng cáo cho nghề bói toán của mình. Chẳng có hợp đồng quảng cáo như bây giờ, chỉ tin tưởng nhau và cứ đăng, có tiền thì ông Khánh trả tòa soạn, không có thì nợ.

Khi báo Phong Hóa đình bản, nhóm bạn Phạm Văn Kỳ đã ra báo Tiểu thuyết thứ Năm. Văn sĩ Lê Cường nhà có một cửa hiệu thuốc Đông y, có tiền mở xưởng in. Ông Cường lo việc in ấn, lỗ lãi ông ấy chịu. Phạm Văn Kỳ được giao làm thư ký tòa soạn của tiểu Thuyết thứ Năm. Cùng thời với Tiểu thuyết thứ Năm phía Bắc còn có các tờ báo khác như Tiểu thuyết thứ Bẩy do Vũ Đình Long làm chủ bút.

Ông Long xuất thân trong gia đình tiểu tư sản có tiền đã giúp đỡ rất nhiều các văn sĩ thời đấy. Ai túng quẫn có thể đến ứng trước tiền nhuận bút sau đó viết bài trừ nợ. Vũ Trọng Phụng là một cây bút quen thuộc của Tiểu thuyết thứ Bẩy. Còn tờ Vịt Đực của Trọng Lang thì có giọng văn chương khác hẳn, báo mượn những chuyện "Tây, Nhật" ngoa ngôn để chửi chế độ bảo hộ. Ngoài ra còn có tờ Hà Thành ngọ báo, Đông Pháp và sau này có Đông Kinh là những báo ngày.

Xã hội - Lãng tử đất Hà thành làm báo hai thế kỷ (Hình 2).

Ông Phạm Văn Kỳ.

Lãng tử đất Hà thành

Ông Phạm Văn Kỳ hồi tưởng về Hà Nội những năm 30-40, thướt tha tà áo dài của các "giai nhân hàng phố" và những cuộc bát phố của giới văn nhân. Ông kể: "Chiều thứ 7, Chủ nhật tôi cùng các văn sĩ đi phố cổ rồi lên Hồ Tây. Khoảng 9h muốn thấy mặt các cô gái đẹp nhất Hà Nội thì tìm đến Nhà thờ Lớn. "Giai nhân hàng phố" là nguồn sáng tạo của biết bao văn sĩ". Cứ như vậy, Tiểu thuyết thứ Năm mà ông làm thư ký tòa soạn thường đăng những bài viết, những câu chuyện tình cảm lãng mạn.

Tại Hà Nội, ông đã quen và tổ chức đám cưới với một trong những giai nhân đệ nhất của Hà thành, Nguyễn Liên Thục. Ông kể: "Tôi và Liên Thục gặp nhau khi hai gia đình cùng đi nghỉ mát tại Đồ Sơn. Về Hà Nội trong những lần đi chợ phiên gặp nhau thì gật đầu chào hỏi. Nhiều lần như vậy thành quen. Sau vài năm quen biết, gia đình tôi nhờ mai mối đến hỏi cưới Liên Thục cho tôi. Khi đó, tôi 22 tuổi và bà ấy 17 tuổi". Lấy nhau rồi, ông vẫn mải mê theo đuổi viết báo, còn bà mở một cửa hàng thêu may ở phố Châu Long. Cửa hàng này rất đông khách, có tới 30 người giúp việc thêu thùa. Sau này bà Liên Thục còn là giáo viên dạy nữ công tại trường Nữ công tinh hoa.

Những văn sĩ lãng tử vẫn mải mê theo những cuộc chơi nơi đô thị với kiểu cách của giới thượng lưu trong các buổi chợ phiên, ngày nghỉ cuối tuần. Chợ phiên nơi trai tài, gái sắc gặp nhau mở một năm vài phiên một tuần hay một tháng. Tại đây, mọi người rong chơi đi bát phố, ngắm hàng hóa, mua bán. Cùng thời gian này, Bắc Hà đã có những cây bút tên tuổi viết phóng sự hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trọng Lang và manh nha đã có những tờ báo đi theo khuynh hướng chính trị. Nhưng những tờ báo này thường bị Nhật "thổi còi" hoặc kiểm tra buộc theo ý đồ "thân Nhật". Ông Kỳ vẫn là những người làm báo theo khuynh hướng lãng mạn, phi chính trị.

Được sống bằng nghề

Để cổ vũ phong trào rèn luyện thể dục thể thao, bộ Thanh niên thể thao ra tờ báo Sinh lực. Là người có kinh nghiệm làm báo ông được mời ra làm thư ký tòa soạn của tờ báo này. Bản thân ông Kỳ khi còn ở Hải Phòng đã từng đoạt giải vô địch bóng bàn nên rất thích. Lúc này, người làm báo đã được trả lương. Ông cười: "Đây là lần đầu tiên tôi làm báo có lương và có thể nói được sống bằng nghề". Ngày ấy, tại Bắc Kỳ có 3 "ngự lâm thể thao" là Phạm Văn Bích, Phan Văn Giáo và Phan Văn Dương, ông thường đi theo các cây vợt tenis này để viết bài tường thuật.

Cách mạng Tháng 8 thành công, ông Phạm Văn Kỳ vào làm báo dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Ông lại được đảm nhận "chân" thư ký tòa soạn của tờ Bình dân Học vụ. Tại đây những bài viết về gương người tốt việc tốt, phong trào học tập của toàn dân được ông đưa lên trang báo. Cũng trong thời kỳ này, ông đã rất nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ông rất vui khi biết những bài báo của mình cụ Chủ tịch thường quan tâm và có đọc đều. Ông tâm sự: "Thời kỳ này tôi viết báo đã có chủ đích, viết vì phong trào chung của dân tộc để đẩy lùi giặc dốt. Số anh em của báo Sinh Lực lại được quy tập về làm báo Bình dân Học vụ như Thy Thy, Tống Ngọc, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Trinh, Đỗ Hữu Bằng...".

Ông Phạm Văn Kỳ nói: "Nhớ lại cứ mỗi chiều thứ bảy khi báo Bình dân Học vụ phát hành, tôi lại gấp tờ báo ngay ngắn, cắt một băng giấy trắng dán vào rồi nắn nót ghi dòng chữ: "Kính gửi Bác Hồ. Phủ chủ tịch Hà Nội". Tuy bận nhiều công việc nhưng Bác vẫn xem kỹ và để ý đến phong trào Bình dân học vụ. Và nhiều lần Bác đã trực tiếp gửi huy hiệu, bằng khen đến cho cán bộ của báo".

Kinh nghiệm làm báo của ông Phạm Văn Kỳ xuất phát từ thực tiễn. Trò chuyện cùng chúng tôi ông cứ tấm tắc: "Các nhà báo bây giờ làm việc có lý tưởng, có mục đích được hưởng chế độ, có đầy đủ phương tiện làm việc. Thời chúng tôi làm chỉ vì vui, nhà báo gắn với nghèo khổ. Nhà văn, nhà báo, nhà nghèo mà...". Nghỉ hưu từ năm 1969, hưởng lương hưu của ngành giáo dục, đến bây giờ ông vẫn nhớ nghề, tuổi cao nhưng thỉnh thoảng ông vẫn viết. Bài báo của ông bây giờ viết về tình cảm với những người bạn cùng thời như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân... mà các báo đặt. Ông tâm sự: "Tôi muốn viết những gì từ sâu thẳm trong tâm tưởng, nó như nỗi ám ảnh, đặt bút phải tràn đầy cảm xúc...". Những gì ông trăn trở cũng là điều nhắn nhủ gửi đến các nhà báo trẻ hiện nay.

Uyên Na